Mại dâm đồng giới xử thế nào?
Mới đây nhất, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã triệt phá nhiều ổ hoạt động mại dâm. Điều đặc biệt của những ổ nhóm này là các đối tượng bán dâm là nam giới, còn khách hàng là các mụ sồn sồn và cả người đồng tính. Vụ việc này, một lần nữa làm dấy lên câu chuyện xử lý mại dâm giữa những người đồng giới như thế nào trong khi luật hiện hành chưa điều chỉnh những đối tượng này.
Gia tăng, biến tướng mại dâm nam, đồng tính
Từ trước tới nay, nói đến bán dâm hầu hết ai cũng nghĩ ngay đến nữ giới. Đến cả trong quy định về Phòng, chống tệ nạn mại dâm cũng chỉ để cập đến phụ nữ bán dâm. Nhưng cuộc sống đã có những biến đổi, thực tế cho thấy quý ông “đi khách” đã không còn là chuyện xưa nay hiếm. Và điều đáng nói là tình trạng này đang trở nên phổ biến và có những diễn biến hết sức phức tạp khi nó là khởi nguồn cho nạn mại dâm nam, mại dâm đồng tính đang ngày một gia tăng.
Video đang HOT
Đêm 19-5, đoàn kiểm tra liên ngành đã ập vào 2 khách sạn tại quận 5 và 1 spa tại quận Phú Nhuận, TP.HCM bắt quả tang 7 đôi đang có hành vi mua bán dâm. Trong đó bắt quả tang 2 cặp đồng tính nam mua bán dâm, nhiều “đào nam” đang chờ phục vụ khách. Ngoài 14 người bị bắt quả tang đang bán dâm, cơ quan điều tra còn triệu tập hơn 20 người khác được cho là có liên quan đến hành vi môi giới mại dâm nam. Tại cơ quan công an, các đối tượng đều khai nhận khách đến các tụ điểm này chủ yếu là dân đồng tính nam có nhu cầu tìm bạn tình đồng giới để thỏa mãn dục vọng. Cùng thời điểm, tổ công tác còn thu gom 10 đối tượng mại dâm nam đồng tính chuyên hoạt động tự do ở các “chợ” mại dâm nam trên nhiều địa bàn.
Diễn biến của nạn mại dâm nam, đồng tính đang đi theo chiều hướng phức tạp bởi một lẽ các đối tượng bán dâm nam vẫn ung dung rằng “mại dâm nam, mại dâm đồng giới” hiện “ngoài vùng phủ sóng” pháp luật. Từ đó, đối tượng không chỉ tham gia vào đường dây bán dâm chuyên nghiệp. Cũng từ đây mà nhiều hệ lụy phát sinh làm mất ANTT. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể về tình trạng mại dâm nam, mại dâm đồng tính, nhưng theo những diễn biến mới cho thấy đã xảy ra nhiều vụ trọng án xuất phát từ mối quan hệ đồng tính nam, kẻ phạm tội lợi dụng tình cảm của những người đồng tính để thực hiện hành vi phạm tội.
Đỗ Thanh Kiên là đối tượng chuyển giới bán dâm xuyên quốc gia từ TP.HCM ra Hà Nội, rồi “bay sô” sang Thái Lan, Singapore, Malaysia… Đã có không ít khách hàng không biết đã bị lừa. Và trong một lần gạ gẫm “bán tình”, “mỹ nam” Đỗ Thanh Kiên đã dở trò “hai ngón” cuỗm trộm sợi dây chuyền trị giá hàng trăm triệu đồng của một khách hàng. Vào những ngày đầu năm 2013, vụ giết người cướp tài sản sau khi mua bán dâm đồng tính đã gây xôn xao dư luận. Sự việc được phát hiện khi mùi hôi thối bốc lên trong một phòng trọ ở huyện Thanh Trì mặc dù cửa phòng vẫn đang khóa ngoài. Tại hiện trường, cơ quan CSĐT xác định có người chết. Kết quả khám nghiệm tử thi xác định nạn nhân là Mai Xuân Nghị (SN 1972), làm nghề bán thuốc xương khớp qua mạng Internet. Kẻ gây án nhanh chóng được xác định và bắt giữ là Bàn Phúc Trung (SN 1992) khi y đang lẩn trốn trong rừng ở Thái Nguyên. Tại cơ quan công an Trung khai nhận ngày 20-1-2013, y đã đến phòng trọ của Nghị để bán dâm, trong quá trình mua bán dâm đã xảy ra mâu thuẫn khiến Trung dùng dao nhọn đâm anh Nghị tử vong. Sau khi gây án Trung còn cướp 2 chiếc ĐTDĐ và dây chuyền của anh Nghị rồi bỏ trốn.
Lỗ hổng pháp luật
Tệ nạn mại dâm đồng tính, trong đó có mại dâm nam đang diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong việc phòng ngừa, kiểm soát của cơ quan chức năng. Đến nay đã có những vụ bắt giữ người bán dâm là nam nhưng chế tài xử lý chưa có, cũng có những trường hợp bị phạt hành chính, sau khi trở về họ lại tiếp tục hành nghề. Trong khi pháp luật thì vẫn chưa có chế tài xử lý đối với hành vi này. Luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng VP Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích, đã là mại dâm thì dù là mại dâm nam hay mại dâm nữ đều là bất hợp pháp. Khi đó người hành nghề mại dâm nam sẽ bị xử lý tương tự như các đối tượng mại dâm nữ. Tuy nhiên, mại dâm nam đồng tính hiện nay vẫn chưa được pháp luật điều chỉnh, đối tượng vi phạm mới chỉ bị xử phạt hành chính. Theo định nghĩa của Pháp lệnh, mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác; mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu. Đây chính là nguyên nhân gây khó cho cơ quan chức năng trong khi xử lý mại dâm đồng tính bởi theo quy định giao cấu chỉ được hiểu là quan hệ tình dục giữa nam và nữ. Vì vậy, việc bổ sung, sửa đổi quy định trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm để xử lý mại dâm đồng tính, mại dâm nam là cần thiết, nhưng cũng cần phải xem xét thật cụ thể, kỹ lưỡng bởi nó sẽ ảnh hưởng đến các quy định khác trong Bộ luật Hình sự về một số tội danh liên quan đến việc tổ chức, môi giới mại dâm, mua dâm người chưa thành niên, tội hiếp dâm, giao cấu với trẻ em…
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Hằng Nga, Đoàn Luật sư TP Hà Nội trên báo chí đã từng nhận định, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm năm 2003 sau 10 năm thực hiện đã có những quy định không còn phù hợp, cần phải có sự điều chỉnh, nhất là trong bối cảnh tệ nạn mại dâm ngày càng có những biến tướng phức tạp. Vậy nên nếu vẫn định nghĩa giao cấu là quan hệ tình dục giữa nam và nữ, thì đương nhiên quan hệ mại dâm giữa những người cùng giới tính không thuộc phạm vi điều chỉnh nên không bị xử lý. Khắc phục vấn đề này không khó, chỉ cần sửa đổi, bổ sung định nghĩa mại dâm, cụ thể là hành vi mua bán dâm theo nghĩa rộng hơn. Theo đó, mua bán dâm là việc thỏa thuận trao đổi tiền, vật chất hoặc lợi ích khác để quan hệ tình dục.
Hiện nay tệ nạn mại dâm đồng tính diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm nhưng chính vì “vướng” ở quy định pháp luật nên đến thời điểm hiện tại chưa có vụ việc nào bị xử lý hình sự. Hậu quả nguy hại của tệ nạn mại dâm đồng tính đã làm băng hoại đạo đức và các giá trị truyền thống, làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng nhưng lại thiếu chế tài xử lý là bất cập lớn. Thực trạng này đang đặt ra vấn đề cần có cái nhìn mới trong việc xác định hậu quả của mại dâm nam và việc áp dụng các quy định pháp luật điều chỉnh.
Thực tế, mại dâm đồng tính, mại dâm nam là một tệ nạn mới của xã hội. Theo đánh giá của Ủy ban Phòng chống AIDS, tỉ lệ lây nhiễm ở mại dâm đồng tính nam cao hơn gấp 20 lần so với đối tượng mại dâm nữ và ma túy, do vậy khả năng lây nhiễm HIV/AIDS của mại dâm nam cao hơn so với mại dâm nữ. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần có cái nhìn mới trong việc xác định hậu quả của mại dâm đồng tính, trong đó có mại dâm nam để sớm bổ sung, điều chỉnh luật, ban hành chế tài để xử lý các đối tượng có hành vi này.
Cần có văn bản hướng dẫn
Trong điều luật ghi rõ là mại dâm và tổ chức mại dâm chứ không quy định mại dâm là nam hay nữ nên vẫn xử lý như bình thường. Theo quan điểm truyền thống mọi người vẫn nghĩ rằng hoạt động mại dâm là phải có người mua và người bán giữa những người khác giới. Để tạo ra sự thống nhất về mặt nhận thức cho tất cả các cơ quan thực thi pháp luật thì cần có 1 văn bản quy định một cách cụ thể về những tình tiết hình thành nên khái niệm thế nào là mại dâm giữa nam và nữ, mại dâm đồng tính giữa nữ với nữ, nam với nam – từ đó mới đưa ra tính chất, mức độ và hậu quả của từng loại mại dâm một để có những biện pháp, chế tài xử lý tương ứng với hình thức mại dâm đó nhằm mục đích bảo vệ trật tự, kỷ cương xã hội, pháp luật được thực thi.
Thượng tá, PGS, TS Nguyễn Minh Đức (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân)
Theo ANTD