Mafia Nhật thất thế, chuyển sang ăn trộm khoai?
Các vụ mất trộm hoa màu và trái cây liên tiếp xảy ra ở các vùng nông thôn làm dấy lên nghi ngờ có sự dính líu của các băng đảng tội phạm Nhật Bản.
SCMP hôm 27/11 cho biết các vụ mất trộm hoa màu, trái cây liên tiếp xảy ra tại các vùng nông thôn tại Nhật Bản làm dấy lên nghi vấn có sự liên quan của các băng đảng mafia Nhật Bản được gọi là Yakuza.
Trong vụ việc mới đây xảy ra ở tỉnh Ibaraki, một nông dân cho biết đã bị lấy trộm 15 tấn khoai tây cất giữ trong nhà kho, chỉ 48 giờ sau khi thu hoạch và đóng gói. Số khoai tây trị giá 17.000 USD này theo kế hoạch sẽ được bán cho các nhà tiêu thụ đầu mối địa phương. Nạn nhân cho biết ông không khóa cửa nhà kho.
Nông dân Nhật Bản thu hoạch khoai tây. Ảnh: Xinhua.
Trước đó, một nông dân ở tỉnh Niigata cũng báo cáo cảnh sát về vụ mất trộm 2,7 tấn khoai tây. Hồi cuối tháng 9, một nông dân khác ở tỉnh này cũng thông báo bị mất trộm 390 kg gạo Koshihikari, trị giá hơn 3.500 USD.
Mới đây, những tên trộm đã tấn công các vườn cây ăn quả ở tỉnh Aomori. Chủ sở hữu các vườn cây ăn quả cho biết thiệt hại tổng cộng là 600 chùm nho và khoảng 750 quả táo đã bị lấy mất.
Do tính chất mau hư hỏng của hoa quả và hoa màu, những kể thực hiện các vụ trộm cần có nguồn tiêu thụ đáng tin cậy, nhà chức trách cho rằng có khả năng các băng nhóm Yakuza đứng sau các vụ trộm.
Nghi ngờ trên là có cơ sở bởi trong năm 2018, một băng nhóm Yakuza được phát hiện đã ăn trộm dưa hấu từ các nông trại. Nhiều nguồn tin xác nhận các băng nhóm Yakuza ngày càng gặp khó khăn trong tìm được nguồn thu từ các hoạt động truyền thống như bảo kê, mại dâm, cho vay nặng lãi, đánh bạc và ma túy.
Video đang HOT
Tình trạng ăn trộm hoa quả và hoa màu đang trở nên ngày càng nghiêm trọng tại Nhật Bản trong những năm qua. Nông dân tại nhiều khu vực cho biết gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn nhân lực, số lượng lao động trẻ tuổi làm nông ít đi khiến các nông dân không thể đối phó với nạn trộm cắp.
Theo news.zing.vn
Yakuza Nhật Bản 'hấp hối' vì bị cắt hết nguồn kiếm sống
Sau những chiến dịch trấn áp mạnh tay, các tổ chức Yakuza tại Nhật Bản đã bị mất hết các nguồn thu truyền thống và đang sụp đổ trên quy mô toàn quốc.
Nhắc đến Yakuza Nhật Bản, người ta từ lâu liên tưởng tới những hoạt động tội phạm như bảo kê, mại dâm, ma túy hay đánh bạc. Thế nhưng, những hoạt động trấn áp mạnh tay của cảnh sát đã khiến những tổ chức từng một thời lũng đoạn nền kinh tế Nhật sụp đổ trên quy mô lớn.
Yakuza ngày nay tồn tại với những hoạt động kinh tế ít tai tiếng hơn, như đánh cá bất hợp pháp.
Mất hết nguồn thu
Các nhà quan sát cho biết sự trấn áp của cảnh sát lên những hoạt động mang lại nguồn thu truyền thống của Yakuza đã biến đánh bắt cá trái phép trở thành một trong những lĩnh vực ít ỏi còn lại có thể mang lại thu nhập. Thế nhưng, ngay cả đánh cá trái phép cũng bắt đầu rơi vào tầm ngắm của lực lượng chấp pháp Nhật.
Tuần qua, cảnh sát Nhật Bản thông báo đã bắt giữ thành viên của một nhóm Yakuza sau khi phát hiện những người này đánh bắt thủy sản trái phép ngoài khơi Nagasaki, vùng biển Tây Nam nước này. Nhà chức trách cho biết nhóm tội phạm đã hoạt động tại khu vực này trong ít nhất 3 năm.
Cảnh sát cho biết hải sản đánh bắt được sau đó sẽ được bán cho một nhà hàng ở thành phố Nagasaki, điều hành bởi thân nhân của một thành viên trong nhóm tội phạm. Theo điều tra, nhà hàng trên có thu nhập hàng năm khoảng 2,8 triệu USD.
Bố già Kenichi Shinoda điều hành tổ chức Yamaguchi-gumi, băng đảng Yakuza lớn nhất Nhật Bản. Ảnh: AFP.
Jake Adelstein, cây bút điều tra người Mỹ làm việc tại Tokyo, cho biết cảnh sát từ lâu đã biết tới sự dính líu của các bang đảng tội phạm trong ngành công nghiệp đánh cá, tuy nhiên cố tình làm ngơ. Chỉ đến khi cuốn sách có tựa đề Cá và Yakuza: Tội phạm có tổ chức kiếm tiền nhờ đánh bắt trái phép được xuất bản hồi đầu năm 2019, cảnh sát Nhật mới vào cuộc.
"Các băng nhóm tội phạm dính líu vào ngành đánh cá trong cả thập kỷ, hệ quả của việc cảnh sát tấn công những nguồn thu truyền thống, đặc biệt là khi luật mới được ban hành năm 2011 cấm việc trả tiền bảo kê cho các nhóm tội phạm", Jake Adelstein nói.
Chỉ sau một thời gian ngắn, người dân không còn trả tiền bảo kê nữa bởi nguy cơ bị truy tố hình sự, và điều này cắt mất một nguồn thu nhập lớn của các tổ chức Yakuza. Khi cả thế giới tội phạm phải chật vật vì không có thu nhập, các thành viên đứng trước hai lựa chọn: rời khỏi các băng nhóm Yakuza, hoặc phải tìm các hoạt động khác mang lại nguồn thu.
Nhiều thành viên Yakuza đã lựa chọn con đường hoàn lương, rời khỏi thế giới ngầm. Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát quốc gia, số lượng thành viên các tổ chức Yakuza trên toàn Nhật Bản đã giảm xuống chỉ còn 34.500 người trong năm 2017. Vào thời hoàng kim năm 1964, các tổ chức Yakuza có tới 184.000 thành viên.
Những thành viên Yakuza khác tìm cách có chỗ đứng trong các ngành kinh doanh hợp pháp tại Nhật Bản. Dù vậy, làn sóng tẩy chay Yakuza đang ngày càng gia tăng tại Nhật Bản, dù cho những thành viên băng đảng có cố gắng khoác lên mình những vẻ ngoài đáng kính.
Yakuza đã hết thời?
"Rõ ràng, họ không còn có thể tự do làm những gì mình thích mà không sợ bị trừng phạt như trước. Và tôi cho rằng Yakuza đang ở trong thời kỳ cuối cùng của mình còn có thể tồn tại ở quy mô tổ chức", Mieko Nakabayashi, giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Waseda, nhận xét.
"Họ đã cố gắng thay đổi để giữ Yakuza còn được coi là một "nghề", cũng như thay đổi cách ăn mặc". Trước đây, Yakuza có thể được phân biệt thông qua đồng phục không chính thức, thường là áo sơ mi, quần rộng, đồng hồ lớn, đeo nhiều trang sức, kính râm, và kiểu tóc uốn lượn với biệt danh "cú đấm". Nhưng nay, cách ăn mặc nổi bật này không còn nữa.
Với sự phản đối từ công chúng và truy quét từ chính quyền, các thành viên băng đảng đã phải tìm cách lẩn trốn, hòa mình và trở nên không thể phân biệt so với những công dân Nhật Bản lương thiện bình thường.
Một cuộc tuần hành phản đối Yakuza của người dân ở thành phố Kobe. Ảnh: AFP.
Nakabayashi cũng tin rằng, trong khi những người lớn tuổi vẫn có tâm lý sợ sệt nhất định đối với các thành viên băng đảng, tầng lớp thanh niên coi Yakuza là một biểu tượng đã lỗi thời của quá khứ. "Họ không sợ Yakuza nữa, và tôi nghĩ tâm lý này sẽ ngày càng lan rộng".
Bất chấp cảnh sát đã tiến hành vụ trấn áp tại Nagasaki, ông Adelstein cho rằng những vụ truy quét thường kỳ, vốn bắt đầu diễn ra từ hơn 10 năm trước, sẽ bị gián đoạn trong thời gian ngắn nhằm tránh sức ép từ dư luận quốc tế trước thềm Olympics mùa hè dự kiến diễn ra ở Tokyo vào năm 2020.
"Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka hồi tháng 6, thông qua cảnh sát, chính phủ đã làm rõ với giới băng đảng tại thành phố là họ không muốn có bất cứ vấn đề gì xảy ra trước và trong hội nghị. Họ không muốn truyền thông đưa tin gì tiêu cực. Và đó là điều đã xảy ra, hoàn toàn không có vụ việc nào", ông Adelstein nói.
"Sau hội nghị, 3 băng đảng đang cạnh tranh vai trò độc bá ở Osaka lại tiếp tục đánh nhau, thế nhưng nay chính phủ đang nhẹ tay hơn trong các chiến dịch trấn áp thế giới ngầm, bởi họ không muốn hình ảnh Yakuza bắn lẫn nhau hay đọ súng với cảnh sát xuất hiện trên báo chí quốc tế trước thềm Olympics", ông Adelstein nhận định.
Một trong những vấn đề mà chính phủ Nhật Bản phải cân nhắc khi chuẩn bị cho Olympics mùa hè đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, ngành vốn chịu sự kiểm soát truyền thống của các băng đảng tội phạm.
"Nhưng một khi Olympics qua đi, cảnh sát sẽ không phải ra vẻ tử tế nữa. Tôi tin là họ sẽ truy quét các băng đảng Yakuza tới cùng, cho tới khi xóa sổ hoàn toàn", ông Adelstein nói.
Theo Zing.vn
Thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, nhiều huyện ở Hà Tĩnh thông báo tuyển dụng hàng chục chỉ tiêu Vấn đề thừa, thiếu giáo viên vẫn đang xảy ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó những vùng nông thôn, miền núi thiếu giáo viên trầm trọng, việc tuyển dụng giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở cấp học mầm non và tiểu học. Trong các thông báo mới đây của các huyện, thành phố ở...