Mafia dùng rác lũng loạn thị trường như thế nào
Mafia ở miền nam Italy uy hiếp đối thủ cạnh tranh để kiểm soát ngành thu gom rác và gây ra hậu quả môi trường nghiêm trọng.
Một đống rác ở khu vực Naples. Ảnh: AFP
Chính phủ Italy năm 2008 phải điều động quân đội để dọn dẹp đống chất thải chất cao như núi ở thành phố Naples. Người dân cho rằng giới chức phải chịu trách nhiệm vì đã không ngăn chặn Camorra, nhóm mafia tại khu vực, kiểm soát việc thu gom rác thải trong hơn một thập kỷ.
Theo Slate, các tổ chức tội phạm đã nhúng tay vào việc thu gom rác ở nhiều nơi trên thế giới vì là đây ngành dễ thâm nhập và kiểm soát. Các tổ chức tội phạm kiếm nhiều tiền từ ma túy, buôn người và hàng giả, nhưng việc tạo ra thế độc quyền về thu gom rác thải có sức hấp dẫn đặc biệt với họ vì đây là kinh doanh hợp pháp và các hợp đồng mang lại lợi nhuận lớn.
So với việc kinh doanh casino hay cửa hàng tạp hóa, việc đưa rác từ điểm A đến điểm B ít hao tổn tâm trí hơn nhiều. Bất cứ ai có xe tải và một vài người khỏe mạnh đều có thể làm được và dịch vụ này không bao giờ thiếu khách hàng. Theo Independent, một báo cáo môi trường năm 2011 nói rằng các nhóm mafia ở miền nam Italy đã bỏ túi khoảng 22 tỷ USD một năm nhờ rác.
Băng nhóm hoạt động trong một thành phố sẽ ngăn chặn các bên cạnh tranh đẩy giá thấp xuống. Họ ấn định giá và phân bổ địa bàn hoạt động theo cách mà khách hàng không thể chọn lựa ai thu góm rác cho họ. Camorra, nhóm mafia lớn và lâu đời đã kiểm soát ngành này ở Naples hàng chục năm, đã quấy nhiễu các đối thủ kinh doanh và tống tiền họ. Trong khi đó, các công ty riêng của nhóm thì làm việc tắc trách, chôn trái phép hoặc đốt chất độc hại như hóa chất, kim loại nặng và nhiên liệu.
Video đang HOT
Khu vực Naples và Campania được đặt biệt danh là “mảnh đất lửa”, “đất độc” và “tam giác tử thần”. Hiệp hội bảo vệ môi trường Italy, Legambiente, tuyên bố trong Báo cáo Ecomafia (mafia môi trường) 2014 rằng khoảng 11,6 triệu tấn chất thải được chôn trái phép trong khu vực kể từ những năm 1990.
Chất độc hại từ bãi rác thấm vào lòng đất và làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, trong khi việc đốt rác thải khiến chất độc lan vào trong không khí, khiến nhiều người mắc bệnh ung thư phổi hoặc dị tật bẩm sinh, theo khảo sát của Viện Y tế Quốc gia Italy hồi tháng một.
Các tổ chức tội phạm ở những nơi khác trên thế giới cũng kiếm lợi từ rác. Tại một số nơi ở Đài Loan, các băng nhóm đào bờ sông lấy sỏi và bán cho các công ty xây dựng. Sau đó, họ lấp hố bằng chất thải mà họ thu gom. Trùm tội phạm Georgia cũng nhập cuộc vào ngành rác khi thành phố Tbilisi tư nhân hóa việc vận chuyển chất thải.
Tại New York, bang nhóm La Cosa Nostra gần như chi phối hoàn toàn việc thu gom rác từ những năm 1950, cho đến khi ông Rudy Giulian lên làm thị trưởng những năm 1990. Nhóm này làm được điều đó do các thành viên băng đảng thâm nhập vào liên đoàn lao động Teamsters, uy hiếp và ra lệnh cho các tài xế xe tải chở rác phải làm việc cho công ty nào, từ đó đẩy các công ty không phải mafia ra khỏi cuộc chơi.
“Mafia môi trường là loại virus đầu độc môi trường, gây ô nhiễm nền kinh tế và gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân”, người phát ngôn của Legambiente nói năm 2011.
Phương Vũ
Theo VNE
Độc chiêu của mafia Ý
Nhà chức trách Ý đang điều tra nghi án mafia dàn xếp kết quả kỳ thi tuyển quản giáo nhằm lũng đoạn hệ thống nhà tù.
Biểu tình phản đối gian lận trong kỳ thi tuyển quản giáo. ẢNH: REUTERS
Năm 2002, bộ phim xã hội đen Hồng Kông Vô gian đạo nhận được vô số lời khen ngợi nhờ nội dung độc đáo, thâm sâu và sự thể hiện tuyệt vời của dàn diễn viên từ chính tới phụ. Đến năm 2006, tác phẩm này được đạo diễn lừng danh Martin Scorsese làm lại với tên The Departed và đoạt giải Oscar Phim hay nhất. Trong đó, nhân vật của các tài tử Lưu Đức Hoa và Matt Damon là phần tử xã hội đen được gài làm nội gián trong lực lượng cảnh sát theo đường "chính ngạch": ứng tuyển vào trường đào tạo, hoàn thành xuất sắc chương trình huấn luyện và trở thành thanh tra cấp cao.
Có lẽ những bộ phim này đã tạo "cảm hứng" cho băng mafia khét tiếng Camorra ở Ý thực hiện một âm mưu táo bạo gây xôn xao dư luận.
Theo tờ Daily Mail, Bộ Tư pháp Ý đang tiến hành điều tra vụ gần 100 thí sinh bị cáo buộc gian lận trong kỳ thi tuyển cai ngục cho hệ thống nhà tù thành phố Naples hồi tháng trước. Sau khi kết quả được công bố, nhiều thí sinh đã lên tiếng tố cáo chứng kiến cảnh gian lận ngang nhiên trong phòng thi với sự làm ngơ của giám thị. Cụ thể, nhiều người được trợ giúp làm bài từ bên ngoài thông qua các thiết bị như đồng hồ thông minh, tai nghe và máy phát vô tuyến. Một số khác thì giấu "phao" trong vòng đeo tay. Các công tố viên cho biết theo kết quả điều tra sơ bộ thì nghi phạm số 1 đứng sau vụ này là Camorra, băng nhóm thống trị thế giới ngầm miền nam Ý trong hàng chục năm qua.
Hiện khoảng 7.000 thành viên Camorra, trong đó có 700 đại ca máu mặt, đang bị giam giữ nên việc tìm cách giải cứu đồng bọn, hoặc chí ít là thao túng đời sống trong nhà tù, là một trong những mục tiêu lớn của băng này. Vì lẽ đó, Camorra bị cáo buộc mua chuộc một số quan chức để lấy được đáp án của kỳ thi nói trên rồi cài người ứng tuyển. Băng này cũng không quên kiếm tiền khi rao bán suất "chắc chắn đậu" với giá lên đến 25.000 euro (hơn 622 triệu đồng).
Lâu nay, Camorra lợi dụng tình hình kinh tế - xã hội khó khăn để vươn vòi bạch tuộc chi phối hệ thống tư pháp. Băng này bị cho là đứng sau đường dây buôn lậu ma túy, điện thoại... vào một trại giam ở thành phố Padua bị phát hiện hồi năm 2014. Tham gia đường dây là gia đình các phạm nhân và nhiều quản giáo.
Hình tượng các nhân vật xã hội đen trở thành cảnh sát qua đường "chính ngạch" có lẽ đã tạo cảm hứng cho băng mafia Ý. ẢNH MINH HỌA: AFP
Ngày 25.5, tại nhiều thành phố ở Ý, đặc biệt tại thủ đô Rome, đã nổ ra biểu tình phản đối vụ gian lận cũng như ảnh hưởng của mafia tại nước này. Theo BBC, nhiều người, trong đó có thí sinh của kỳ thi, tập trung trước trụ sở Bộ Tư pháp để yêu cầu hủy kết quả và tổ chức thi lại. Điều đáng nói là trong bối cảnh kinh tế Ý vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc với tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên đến 40%, thì cơ hội có được nghề nghiệp ổn định như quản giáo rất khó kiếm. Đã có tới 8.000 người đăng ký thi tuyển ở Naples để tranh 400 chỗ làm.
"Thật đáng hổ thẹn khi những người xứng đáng lại bị bọn tội phạm cướp mất việc làm. Chúng tôi không thể mơ về một tương lai tốt đẹp", Daily Mail dẫn lời một thí sinh nữ than thở. Giới phân tích nhận định vụ gian lận đã rọi thêm ánh sáng vào những vấn đề tồn tại lâu nay ở Ý. Đó là tình trạng tham nhũng tràn lan, ảnh hưởng rộng khắp của mafia, việc thiếu chế độ đãi ngộ nhân tài cùng một thị trường lao động cạnh tranh khắc nghiệt.
Giới chức Ý hiện chưa công bố thêm chi tiết về cuộc điều tra đang tiến hành nhưng Bộ Tư pháp đã đề xuất hủy bỏ kết quả kỳ thi ở Naples. Ông Donato Capece, Tổng thư ký của Sappe - nghiệp đoàn nhân viên trại giam lớn nhất nước Ý, nói vụ bê bối này là một "vết nhơ đáng xấu hổ". "Chúng tôi là những người đầu tiên yêu cầu Bộ Tư pháp làm rõ vấn đề sau khi vụ bê bối bị phát hiện", ông cho tờ The Guardian hay.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Bắt trùm mafia trong căn phòng bí mật Căn phòng bí mật mà Antonio ẩn náu nằm giữa buồng tắm và một buồng ngủ. Ông trùm để một tấm đệm, một quạt, vài chai nước và tiền mặt trong căn phòng. Hôm 5/10, cảnh sát Italy công bố một video về cảnh tượng bắt Antonio Pelle, kẻ cầm đầu băng đảng tội phạm Pelle-Vottari tại nhà riêng. Trùm mafia thò ra...