Mắc ung thư phổi sống được bao lâu?
Ung thư phổi là ung thư có tỉ lệ tử vong hàng đầu, mỗi năm cướp đi mạng sống gần 21.000 người Việt.
80% ung thư phổi do môi trường sống
PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K cho biết, Việt Nam nằm ở Đông Á là một trong 3 khu vực có tỉ lệ mắc ung thư phổi cao nhất thế giới cùng với Bắc Mỹ và châu Âu.
Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có gần 2,1 triệu người mắc ung thư phổi, trong đó có tới 1,8 triệu người tử vong.
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 23.000 người mắc mới ung thư phổi nhưng có tới 88% tử vong, tương đương gần 21.000 người.
PGS Quảng nhấn mạnh, có rất nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh này, bao gồm: Suy giảm miễn dịch, những biến đổi bên trong cơ thể và tác động bên ngoài môi trường.
Ung thư phổi là một trong những ung thư diễn tiến nhanh, tỉ lệ tử vong lớn do việc phát hiện sớm gặp nhiều khó khăn
“Qua nhiều nghiên cứu cho thấy 80% bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Nếu có nhiều yếu tố phối hợp với nhau thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng”, PGS Quảng thông tin.
Số liệu thực tế tại Việt Nam cũng cho thấy, 90% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá bị động) trong thời gian dài. Khi hít phải khói thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần trong đời so với những người không hút thuốc.
Đáng tiếc, nhiều người không nhận thức đầy đủ tác hại của việc hút thuốc bị động, trong khi hít phải khói thuốc thụ động độc hại không kém người hút thuốc.
Theo nghiên cứu của WHO, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào.
Cũng vì hít phải khói thuốc lá thụ động từ bố thời gian dài, một nam thiếu niên mới 15 tuổi đã được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Dù được điều trị tích cực tại BV K suốt 2 năm, nhưng sau đó nam thanh niên đã tử vong.
Chẩn đoán sớm là một thách thức
Video đang HOT
PGS Quảng cho biết, ung thư phổi là một trong những ung thư gặp nhiều thách thức để chẩn đoán sớm, đó là lý do khiến tỉ lệ tử vong vì loại ung thư này rất cao. Đến nay chưa có phương pháp sàng lọc nào mang lại độ nhạy cao.
Ngay tại Mỹ, dù đã đưa ra nhiều phương pháp, trong đó có chụp X-quang và xét nghiệm đờm, tuy nhiên tất cả phương pháp đó đều không hiệu quả còn chụp X-quang đơn thuần không phát hiện được u nhỏ.
Tại Việt Nam, có tới 80-90% số bệnh nhân ung thư phổi đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn 3-4, lúc này bác sĩ không thể can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân chỉ còn dùng hóa chất, xạ trị, điều trị miễn dịch.
PGS.TS Lê Văn Quảng. Ảnh: T.Hạnh
Theo PGS Quảng, hầu hết những trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết bệnh ở giai đoạn đầu. Thông thường, người mắc dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến điều trị sai cách. Chỉ tới khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt như: Ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… lúc này bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn.
Ung thư phổi gồm: Ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm khoảng 10%, nhưng tiên lượng điều trị rất dè dặt và ung thư phổi không tế bào nhỏ phát triển qua từng giai đoạn.
Trong những thập niên qua, các phương pháp điều trị tây y như: Hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, thuốc nhắm trúng đích liên tục được cập nhật nhưng tỉ lệ tử vong vẫn cao. Ung thư phổi khiến người bệnh bị suy giảm sức khỏe toàn trạng, nhiều người không thể tham gia hết được liệu trình điều trị, hoặc sau điều trị thành công vẫn có khả năng tái phát.
Đáng lưu ý, ngay cả khi phát hiện rất sớm ung thư phổi, tỉ lệ sống sau 5 năm cũng không cao như các loại ung thư khác, chỉ quanh mức 18- 44%. Tại Việt Nam, cũng có rất ít bệnh nhân ung thư phổi sống được 5-6 năm.
Với những trường hợp bị ung thư phổi di căn, thời gian sống chỉ được 3-6 tháng do ung thư phổi tiến triển nhanh.
PGS Quảng khuyến cáo, để dự phòng ung thư phổi, cách hiệu quả nhất là không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ.
Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng – 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
7 thói quen thường thấy gây ra 7 loại ung thư phổ biến
Ngoài yếu tố di truyền, thói quen và môi trường sống cũng là những thủ phạm chính gây ung thư. Dưới đây là 7 thói quen không tốt gây ra 7 loại ung thư phổ biến, cảnh báo mọi người nên chú ý.
1. Hút thuốc, khói bếp - Ung thư phổi
Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ung thư phổi, nhưng sự thật không thể chối cãi rằng hút thuốc là thủ phạm chính gây ung thư phổi. Thuốc lá chứa nhiều loại dẫn xuất amin thơm gây ung thư. Thời gian hút thuốc càng lâu và lượng thuốc hút càng lớn thì nguy cơ ung thư phổi càng cao.
Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ không hút thuốc, vậy tại sao họ dễ bị ung thư phổi? Vấn đề là khói dầu trong nhà bếp. Khói dầu có thể ảnh hưởng mạnh đến niêm mạc mũi, mắt và cổ họng, gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng và viêm phế quản. Thời gian dài tiếp xúc với khói bếp, có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi cao gấp 2, 3 lần người bình thường, ngoài ra còn khiến da rất dễ nám và lão hóa.
2. Thường ăn đồ ngâm, nướng, hun khói - Ung thư dạ dày
Số người mắc bệnh ung thư dạ dày ngày càng nhiều. Thường xuyên ăn thực phẩm mặn, nướng hoặc thực phẩm hun khói, ví dụ như cá muối, trứng muối, xúc xích, thịt hun khói... sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Trước hết, những thực phẩm này chứa nhiều muối, không chỉ làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và bệnh tim mạch mà còn làm hỏng niêm mạc dạ dày. Thời gian dài có thói quen này, niêm mạc dễ biến đổi thành ung thư, hơn nữa một yếu tố gây ung thư khác đó là nitrite có thể được chuyển đổi thành nitrosamine trong dạ dày và nitrosamine là một trong những chất gây ung thư mạnh được công nhận trên thế giới, có thể gây ung thư dạ dày.
Thường xuyên ăn thực phẩm mặn, nướng hoặc thực phẩm hun khói, ví dụ như cá muối, trứng muối, xúc xích, thịt hun khói... sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
3. Ăn quá nóng - Ung thư thực quản
Ăn quá nóng, quá nhanh là những điều cấm kỵ, thói quen này rất dễ đốt cháy hoặc làm bầm tím niêm mạc thực quản. Bình thường, biểu mô niêm mạc thực quản sẽ tự sửa chữa, nhưng nếu thường xuyên bị các yếu tố bất lợi kích thích, khiến niêm mạc thực quản thường xuyên phải sửa chữa, rất dễ xuất hiện các tế bào có hình thái và chức năng bất thường, theo thời gian những tế bào này chuyển thành ác tính, và cuối cùng phát triển thành tế bào ung thư. Do đó, kiến nghị ăn, uống thực phẩm ở nhiệt độ dưới 50 độc C, không uống trà mới pha, nước đun sôi hay thực phẩm vừa được nấu chín...
4. Uống rượu, ăn thực phẩm mốc - Ung thư gan
Rượu gây nguy hiểm cho gan, uống rượu trong thời gian dài sẽ khiến gan bị nhiễm mỡ do rượu. Hơn nữa, uống quá nhiều rượu sẽ phát triển từ gan nhiễm mỡ do rượu chuyển thành ung thư gan. Ngoài việc uống rượu, ăn lâu dài thực phẩm bị mốc (gạo, lúa mì, ngô, đậu phộng,...) cũng có thể dễ dàng gây ung thư gan. Bởi vì những thực phẩm bị mốc này chứa một chất gây ung thư mạnh - aflatoxin. Sau khi vào cơ thể người, sẽ gây tổn thương lớn đối với mô gan. Nếu bạn ngửi thấy mùi mốc của gạo, hoặc sữa trở nên chua, hoặc dầu ăn bị mốc, hãy vứt bỏ ngay lập tức.
Ngoài việc uống rượu, ăn lâu dài thực phẩm bị mốc (gạo, lúa mì, ngô, đậu phộng,...) cũng có thể dễ dàng gây ung thư gan.
5. Thích ăn thịt đỏ - Ung thư đại trực tràng
Ăn quá nhiều các loại thịt đỏ (như thịt lợn, thịt bò, thịt cừu,...), sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. So với thịt trắng (cá, gà, vịt, ngỗng...), thịt đỏ có nhiều chất béo bão hòa, tiêu thụ quá mức, làm tăng nguy cơ béo phì và ung thư đại trực tràng. Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã liệt kê thịt đỏ là chất gây ung thư.
Tuy nhiên, thịt đỏ cũng chứa rất nhiều dinh dưỡng, không phải không được ăn, điều quan trọng là ăn với mức độ nhất định. Theo khuyến nghị của Hiệp hội Dinh dưỡng Trung Quốc, lượng thịt đỏ ăn mỗi ngày mỗi người trưởng thành khoảng 50-70g. Đồng thời ăn xen kẽ các loại thịt trắng như cá, gà, vịt.
6. Có nhiều bạn tình - Ung thư cổ tử cung
Nhiễm HPV qua đời sống tình dục là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Quan hệ tình dục trước tuổi 15 hoặc có nhiều bạn tình, nguy cơ nhiễm virus HPV tăng cao. Do đó, không quan hệ tình dục sớm, khi quan hệ sử dụng bao cao su, tốt nhất nên tiêm vắc-xin HPV trước khi quan hệ, có thể ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Tốt nhất từ 21 tuổi, phụ nữ nên thường xuyên kiểm tra ung thư cổ tử cung.
Nhiễm HPV qua đời sống tình dục là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
7. Căng thẳng tinh thần - Ung thư vú
Vú là một cơ quan nhạy cảm với các hormone như estrogen và progesterone. Phụ nữ rất dễ bị mất cân bằng của hormone trong cơ thể do ảnh hưởng bởi căng thẳng tinh thần. Những cảm xúc bất lợi lâu dài có thể bị ung thư vú. Do đó, khi có những cảm xúc tiêu cực, kiến nghị phụ nữ cố gắng kiềm chế và nghĩ về những điều tích cực.
(Nguồn: Aboluowang)
Hà Vũ
Theo baodansinh
Dấu hiệu từ bàn tay cảnh báo ung thư phổi, đừng chủ quan kẻo 'hối không kịp' Ung thư phổi là bệnh phổ biến thứ 2 trong 10 loại bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới nước ta song biểu hiện bệnh ở giai đoạn sớm thường nghèo nàn, hoặc không có triệu chứng. Ảnh minh họa: Internet Ung thư phổi thường triệu chứng rất nghèo nàn, nhưng nếu để ý quan sát bạn có thể nhận biết...