Mắc bệnh xương thủy tinh, cô bé mồ côi vẫn rất đảm đang
Hàng ngày sau giờ học, Hằng dành nhiều thời gian giúp các bảo mẫu chăm sóc trẻ bị bỏ rơi cùng sống trong Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn với mình.
Hơn 11h, Hoàng Thị Thu Hằng (12 tuổi) được nhân viên của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn đón về từ trường học. Ngồi xuống xe lăn, em đẩy nhanh đến phía cuối phòng rồi gấp phẳng phiu chiếc áo đồng phục cất trong tủ. Ngay sau đó, cô bé xương thủy tinh đẩy xe vào phòng các em nhỏ.
Hằng mắc bệnh xương thủy tinh nhưng vẫn giúp chăm sóc các bé tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Hồng Vân
Cùng sống trên tầng 2 của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh với Hằng có 15 trẻ từ 3 ngày tuổi đến dưới một năm tuổi, tất cả bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng. Sau khi đi học về, Hằng lại vào phòng giúp các cô, bác trông em. Do chân yếu, khi muốn bế em, Hằng kẹp em bé vào giữa hai chân rồi đặt ngồi trên đùi.
Chăm sóc và chơi đùa với các em bé là niềm vui lớn nhất trong ngày của Hằng. Với những em bé ở trung tâm, Hằng cũng là người bạn gắn bó nhất. Vừa nựng em ăn, cô bé vừa chia sẻ về cuộc sống hàng ngày, chuyện bạn bè, lớp học…
Khá bạo dạn, Hằng kể sinh ra tại xã Hoàng Văn Thụ (Bình Gia, Lạng Sơn), do mắc bệnh xương thủy tinh nên từ nhỏ em được gia đình “nâng như nâng trứng”. Bất hạnh ập đến với em khi cha qua đời, mẹ bỏ đi nơi khác, để lại em một mình. Năm lên 6 tuổi, Hằng được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội. Tại đây, em bắt đầu làm quen với cách tự chăm sóc bản thân.
Đôi chân yếu ớt không thể đứng vững, chiếc xe lăn trở thành người bạn gắn bó với em. Đôi bàn tay gầy guộc nhỏ bé đã bao lần mỏi nhừ, toát mồ hồi không thể kéo nổi bánh xe lăn. Thế nhưng Hằng chưa bao giờ bỏ cuộc trước những khó khăn, em tập làm mọi thứ sao cho thật nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh.
Video đang HOT
5 năm liền Hằng đạt danh hiệu học sinh giỏi, tranh thủ buổi trưa và tối em làm bài tập. Ảnh: Hồng Vân
Mỗi lần muốn đi vệ sinh, hoặc tắm, chiếc ghế trở thành “đôi chân” giúp em di chuyển. Hằng tự tay giặt quần áo mà không cần nhờ người khác giúp đỡ. “Em tự làm mọi việc để chăm sóc bản thân, một lần không được thì làm lại sau nhiều lần cũng quen dần. Em còn giúp các cô trông em bé lúc rảnh rỗi”, Hằng vui vẻ nói.
Ở trên tầng 2 của Trung tâm nên Hằng chỉ điều khiển xe lăn loanh quanh các phòng hoặc ra hành lang. Nhiều lúc ngó xuống sân tầng dưới thấy các bạn, các em chơi đùa chạy nhảy, Hằng cũng muốn tham gia. Nhưng em sợ bị người khác va trúng gãy tay, gãy chân như một số lần trước. Hằng đã 5 lần bị gãy tay và chân, mỗi lần đều phải nghỉ học ít nhất 2 tháng.
Ngoài niềm vui khi được chăm em thì Hằng tập trung nhiều thời gian cho học tập. Từ lớp 1 đến lớp 5, em đều giành danh hiệu học sinh giỏi. Buổi trưa và tối em dành khoảng 2-3 tiếng ôn bài, làm bài tập và đọc trước trong sách giáo khoa.
Cô Thịnh, giáo viên chủ nhiệm của Hằng (Trường THCS Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn) cho biết: “Hằng nhập học vào lớp 6A2 muộn 2 tuần so với các bạn, nhưng em đã chăm chỉ để theo kịp kiến thức bạn bè và đặc biệt là em nhận thức, tiếp thu bài nhanh. Em được thầy cô và bạn bè quý mến, mỗi khi đến giờ tin học, các bạn lại cùng nhau giúp đưa Hằng lên tầng 2 nhẹ nhàng vì biết xương em dễ gãy”.
Hằng mơ ước trở thành cô giáo dạy trẻ em thiểu năng trí tuệ. Ảnh: Hồng Vân
Mỗi ngày, nhìn các em nhỏ bị thiểu năng trí tuệ trong trung tâm không được đến lớp, vui chơi loanh quanh trong sân, Hằng rất muốn lại gần chơi đùa, trò chuyện nhưng vì căn bệnh xương thủy tinh nên không thể làm được. Do vậy, ước mơ của Hằng là sau này trở thành cô giáo dạy trẻ em bị thiểu năng trí tuệ.
“Cháu Hằng chăm ngoan và được mọi người quý mến. Cháu còn nhỏ nhưng đã hiểu rõ hoàn cảnh của mình, vươn lên học giỏi và giúp chúng tôi chăm sóc các em nhỏ bất hạnh khác”, ông Nông Văn Quận, Phó giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn cho hay.
Hồng Vân
Theo VNE
Nỗi đau của nữ sinh mồ côi bị nhiễm HIV
Em P.T.T (SN 2003, lớp 7E trường THCS Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An) mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới 3 tuổi. Em bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Suốt 7 năm đi học, em được xếp vào dạng "học sinh hòa nhập", lạ lùng là em chỉ được giáo viên đánh giá nhận xét mà không có học bạ, bảng điểm.
Bố mẹ đều mất vì HIV
Anh P.V.D ( bố của em P.T.T) có xưởng mộc nhỏ, sau khi cưới vợ anh D chịu khó làm ăn bằng nghề mộc và có 3 mặt con với cuộc sống yên bình nơi làng quê. Năm 2002 - 2003 nghe mọi người đồn nhau đi buôn gỗ nhanh giàu, anh D cùng một số người trong làng bắt đầu tìm lên các cánh rừng Quỳ Hợp, Quế Phong... với mong muốn có cuộc sống khá giả hơn.
Những chuyến đi buôn tận nơi rừng thiêng nước độc, cũng là điểm nóng của ma túy thời bấy giờ. Anh D đã bị bạn bè lôi kéo, sa vào nghiện ngập... bị nhiễm HIV mà không hề hay biết, lây nhiễm sang vợ.
Em P.T.T (giữa) tại lớp học. Ảnh: Văn Bình.
Năm 2003 em P.T.T được sinh ra đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Đến năm 2005 anh D tử vong vì HIV và năm 2006 chị N.T.L cũng ra đi khi em T mới 3 tuổi. Mất cả bố lẫn mẹ, 4 chị em P.T.T được ông bà nội đưa về nuôi. Ông nội đưa cả 4 đứa cháu mồ côi đi xét nghiệm thì em P.T.T dương tính với HIV.
Tuy mang trong mình căn bệnh HIV suốt thời gian qua T vẫn phát triển tâm sinh lý bình thường. Nhưng vì một lý do nào đó, em đã bị đối xử như một học sinh dị tật, được xếp vào dạng học sinh hòa nhập.
Vì HIV, 7 năm học không được tổng kết điểm?
Bước vào tuổi đi học, em P.T.T được đến trường nhưng bị bạn bè xa lánh, nhà trường cũng không quan tâm em như học sinh bình thường khác. Bà Nguyễn Thị Thanh, bà nội của em T ngậm ngùi: "Có lần đi học về cháu khóc ròng, không chịu đi học nữa. Hỏi ra mới biết, khi thi học kỳ cháu không được vào thi như các bạn trong lớp".
Ông Nguyễn Xuân Sơn, hiệu trưởng trường THCS Phúc Thành cho biết: "Trong quá trình tuyển sinh từ cấp 1 chúng tôi nhận được hồ sơ của em T chỉ là sổ đánh giá nhận xét, giấy khám sức khỏe chứ không có học bạ hay bảng điểm. Để tạo điều kiện cho em chúng tôi chỉ còn cách xếp em vào dạng học sinh hòa nhập".
Trong giấy khám sức khỏe do trạm trưởng trạm y tế Phúc Thành ký có kết luận, "em T sức khỏe không bình thường, trí tuệ chậm phát triển", ông Sơn cho biết thêm.
"Có lần đi học về cháu khóc ròng, không chịu đi học nữa. Hỏi ra mới biết, khi thi học kỳ cháu không được vào thi như các bạn trong lớp", bà Nguyễn Thị Thanh, bà nội em T.
Tuy nhiên khi chúng tôi tiếp xúc với em T, em vẫn đối đáp bình thường, nhanh nhẹn, thông minh không có biểu hiện thiểu năng trí tuệ. Bác Hải (xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An) bán hàng trước cổng trường THCS Phúc Thành cho biết: "Tôi có biết cháu T, tôi bán hàng ở đây 10 năm rồi, từ khi nó còn học mẫu giáo. Vẫn thấy cháu đi học đều, mỗi khi vào mua hàng cháu cũng rất nhanh nhẹn, thậm chí thông minh hơn đứa khác".
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Công Trọng, nguyên hiệu trưởng trường tiểu học Phúc Thành 1 cho biết: "Khi em vào học lớp 1 chúng tôi vẫn cho em nhập học như học sinh bình thường, nhưng sau quá trình bệnh tật em nhiều, không đáp ứng được chương trình chúng tôi đã thỏa thuận với gia đình cho em vào dạng học sinh hòa nhập và có giấy khám sức khỏe của trạm y tế".
Khi được hỏi vì sao chỉ dựa vào giấy khám sức khỏe của trạm y tế xã để đưa em T. vào dạng học sinh khuyết tật, vấn đề này ông Trọng cho biết: "Tôi nhận trách nhiệm này, do chưa hiểu hết được qui định pháp luật, cũng như qui trình để xét học sinh khuyết tật vào thời điểm đó nên gây ra hậu quả như vậy".
Theo_Dân việt
Chỉ có 1 quả thận, nam sinh mồ côi mất cơ hội vào học trường Quân sự Tất cả sự cố gắng, nỗ lực của Bùi Đình Sơn đã được đền đáp bằng tấm giấy báo nhập học vào Học viện Hậu cần. Thế nhưng, qua đợt kiểm tra sức khỏe sau khi nhập học, Sơn được phát hiện chỉ có 1 quả thận, không đủ điều kiện sức khỏe để theo học tại trường Quân sự. Tâm sự của...