Mắc bệnh bại liệt, bé trai 4 tuổi tử vong tại Lào
Cục Y tế Dự phòng cho biết, trong khoảng đầu tháng 11, tại Lào đã phát hiện hai trường hợp mắc bệnh bại liệt, trong đó có 1 trường hợp 4 tuổi đã tử vong.
Mắc bệnh và tử vong nhanh chóng
Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), mới đây tại Lào lại xuất hiện thêm 2 trường hợp nhiễm virus bại liệt 1 do vắc xin (bại liệt). Theo đó, Trường hợp thứ nhất là một trẻ trai 15 tuổi, sinh sống tại làng Phameung, quận Bolikhan, tỉnh Bolikhamxay. Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt và liệt vào ngày 7/10/2015, nhập viện ngày 9/10 2015.
Ngay sau đó bệnh nhân được lấy mẫu và gửi sang Nhật Bản để xét nghiệm, đến ngày 26/10/2015, kết quả cho thấy các mẫu phân của các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân này cũng đã được thu thập và xét nghiệm, kết quả đã phân lập được vi rút bại liệt từ mẫu phân của 3 người nhà tiếp xúc với bệnh nhân.
Trường hợp thứ hai là bé trai 4 tuổi, khởi phát bệnh với triệu chứng sốt ngày 28/9/2015, liệt chi dưới ngày 29/9/ 2015. Ngày 30/9/2015, bệnh nhân được đưa tới khám tại Trạm Y tế xã, sau đó ngày 1/10/2015, được chuyển Khoa hồi sức tích cực của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bolikhamxay và tử vong một ngày sau đó.
Được biết, huyện Bolikhan (địa phương phát hiện ra bệnh nhân mắc bại liệt) thường xuyên có tỷ lệ tiêm chủng thấp, theo đó tỷ lệ bao phủ trẻ được uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt là 40% năm 2009 và 66% vào năm 2014.
Ngay khi phát hiện ca bệnh bại liệt đầu tiên, Bộ Y tế Lào đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động ứng phó dịch bệnh. Theo đó, Bộ Y tế Lào đã lập kế hoạch tổ chức 06 đợt uống vắc xin OPV từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016 (4 đợt cấp tỉnh và 02 đợt cấp quốc gia) cho trẻ em dưới 15 tuổi với khoảng 8.6 triệu liều vắc xin.
Các hoạt động truyền thông nguy cơ và huy động xã hội cũng được thực hiện, trong đó tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho các nhà vận động xã hội, tổ chức các buổi nói chuyện trao đổi thông tin nhằm tạo dựng niềm tin của người dân đối với lợi ích của tiêm chủng; xây dựng các thông điệp truyền thông phát trên đài truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng.
Video đang HOT
Để phòng bệnh bại liệt hãy cho trẻ đi uống vắc xin đầy đủ, đúng lịch.
Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Theo các chuyên gia y tế, bệnh bại liệt là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm do vi rút bại liệt (Polio) gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa do nhiễm vi rút bại liệt chủ yếu có trong nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm từ phân của người bệnh hoặc người lành mang vi rút bại liệt.
Bệnh thường được phát hiện qua hội chứng liệt mềm cấp; bệnh có thể tiến triển nặng xuất hiện đau cơ dữ dội, cổ cứng, cứng lưng, liệt mềm có thể xảy ra và có thể dẫn tới tử vong; di chứng liệt thường không hồi phục và gây tàn tật suốt đời.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia thường xuyên có người đi du lịch tới các khu vực có dịch và bị ảnh hưởng bởi bệnh bại liệt cần tăng cường giám sát đối với các ca liệt mềm cấp nhằm phát hiện sớm các chủng vi rút mới xâm nhập.
Tất cả các du khách đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi bệnh bại liệt cần được tiêm chủng đầy đủ, cụ thể khách du lịch đến từ các khu vực bị nhiễm bệnh nên uống một liều bổ sung OPV hoặc vắc xin bại liệt tiêm (IPV) trong vòng 4 tuần đến 12 tháng trước khi đi du lịch.
Được biết, bệnh bại liệt là bệnh đã có vắc xin phòng bệnh và Việt Nam đã đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhờ việc triển khai vắc xin bại liệt trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã được công nhận thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và từ đó đến nay không phát hiện trường hợp bại liệt hoang dại nào; đây là thành tựu rất lớn của cả nước cũng như của ngành y tế dự phòng Việt Nam.
Trước tình hình nhiều nước khác vẫn còn vi rút bại liệt hoang dại lưu hành, để bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt, Bộ Y tế Việt Nam đã tích cực triển khai việc uống vắc xin bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi; từ năm 2014 đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức chiến dịch uống vắc xin bại liệt bổ sung cho trẻ dưới 5 tuổi tại các tỉnh có nguy cơ cao để đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin bại liệt trên 95%.
Trước tình hình bệnh bại liệt diễn biến phức tạp tại Lào, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân đưa trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng đến các cơ sở y tế để uống vắc xin phòng bệnh bại liệt đầy đủ, đúng theo lịch tiêm chủng.
Tại các tỉnh có nguy cơ cao đang triển khai chiến dịch uống bổ sung vắc xin bại liệt, các gia đình đưa trẻ dưới 5 tuổi tới các cơ sở y tế để được uống vắc xin phòng bệnh bại liệt theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Trên phạm vi toàn quốc, lịch uống vắc xin phòng bệnh bại liệt (OVP) thường xuyên đối với trẻ dưới 1 tuổi cụ thể như sau:
- Liều thứ nhất khi trẻ 2 tháng tuổi
- Liều thứ hai khi trẻ 3 tháng tuổi
- Liều thứ ba khi trẻ 4 tháng tuổi
Theo_Eva
Dễ mắc bệnh vì làm hương
Hương (nhang) là thứ không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, được thắp với các mục đích tốt đẹp... Tuy nhiên, với người làm hương, đó là nghề dễ đưa lại cho họ những nguy cơ về bệnh tật, tai nạn.
Thấy bệnh không sợ
Bất chấp chiếc máy chẻ nan tre quay những guồng gấp gáp, bà Trần Thị Oanh (60 tuổi, thôn Tỏa Dương, xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn một tay cho nan vào quay, một tay cầm chiếc điện thoại nghe - nói liên tục. Trong xưởng bà Oanh làm việc có tới 7 công nhân nhưng chẳng ai đeo khẩu trang, mặc dù bụi từ việc se tăm tre và và se hương đang bay mù mịt. Bụi, cộng với mùi màu nhuộm, tiếng ồn làm bầu không khí trở nên ngột ngạt, bức bối khó chịu. Thế nhưng, đồ bảo hộ lao động duy nhất mà phóng viên nhìn thấy trên người những lao động này là chiếc găng tay đã rách nát.
Bà Trần Thị Oanh đang phơi tăm hương. Ảnh: M.N
Bà Oanh tâm sự: "Mặc dù nhiều tuổi nhưng vì nhà khó khăn nên tôi xin vào đây làm để có thêm đồng ra đồng vào. Dù đeo găng tay, nhưng lúc đầu vì chưa quen nên tôi cũng thường bị tăm tre cứa rách tay. Do găng tay rách nên có lần vướng cả vào máy, suýt bị cuốn nát tay. Còn việc cay mắt, đau mắt hay ho sặc, khó thở vì bụi là chuyện thường ngày". Cũng theo bà Oanh, hầu hết lao động ở đây đều không được tập huấn qua về an toàn lao động (ATLĐ). Bà biết công việc ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không làm thì đói.
Cạnh bà Oanh, bà Nguyễn Thị Lan (thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu) dụi đôi mắt đỏ quạch, tâm sự: "Vì xưởng nhỏ nên chủ cũng không để ý trang bị thiết bị bảo hộ. Mấy lần mình cũng chú ý tự mua khẩu trang, kính mắt đeo để phòng bụi, nhưng chỉ đeo được vài lần thấy lích kích, vướng víu nên bỏ. Làm việc mệt quá nên lúc nhớ thì đeo, quên thì thôi".
Ông Nguyễn Anh Tuấn - chủ cơ sở sản xuất tăm hương ở thôn Quảng Nguyên cho biết, thông thường năm nào cũng vậy, cứ vào dịp giáp tết là đơn hàng nhiều lên, phải đốc thúc thợ tăng ca, làm gấp. Hiện tại xưởng của anh có 10 máy, cả 10 máy đều đang hoạt động hết công suất để chuẩn bị hàng cho dịp tết. Mặc dù là xưởng sản xuất với nhiều nguyên vật liệu dễ cháy, lại sử dụng nhiều máy móc, thiết bị điện với dây nhợ chằng chịt... nhưng anh Tuấn lại không trang bị bất cứ dụng cụ bảo hộ lao động, hay bình xịt phòng chống cháy nổ... Hệ thống nhà xưởng cũng thiếu ánh sáng, không có hệ thống hút bụi.
Về tận nhà dạy "an toàn"
"Không chỉ lo sợ nguy cơ tai nạn, người dân làng nghề tăm hương còn đối mặt với sự ô nhiễm từ nguồn nước xả thải, ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi từ các cơ sở sản xuất. An toàn giao thông cũng bị đe dọa khi đường chật hẹp lại nhiều phương tiện vận tải thô sơ đi lại thường xuyên". Ông Lê Văn Dịu
Ông Lê Văn Dịu - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết: Sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm tới 50% cơ cấu kinh tế của xã, trong đó 65% là do sản xuất tăm hương, thu hút hơn 600 lao động. Mỗi năm nghề tăm hương mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng. Thu nhập trung bình của mỗi lao động ở làng nghề đạt từ 3,5 -5 triệu đồng/tháng. Nhờ có nghề làm hương mà bà con có công việc làm ăn, thu nhập ổn định, làng xã cũng khang trang hơn trước. Tuy nhiên, xã cũng đang phải đối diện với nhiều hệ lụy từ làng nghề. Nguy cơ cháy nổ do các kho chứa nguyên vật liệu sản xuất dễ cháy, hay tai nạn lao động rình rập do người lao động sử dụng máy móc thô sơ...
Ông Dịu cho biết, định kỳ mỗi quý một lần cán bộ trên địa bàn xã được tập huấn về phòng chống cháy nổ. Phòng LĐTBXH huyện Ứng Hòa cũng đã tập huấn ATLĐ cho xã, nhưng việc tập huấn chỉ dừng lại ở cấp thôn, xã và đối tượng tham gia chủ yếu là cán bộ. Tuy từng được tập huấn, nhưng ý thức của bà con chưa cao nên còn lơ là trong việc thực hành sản xuất đảm bảo an toàn. Mặt khác, vì thiếu kinh phí nên bà con tự mua máy bơm nước, hoặc khẩu trang tự chế không đảm bảo tiêu chuẩn.
"Bà con ở đây bận việc, nên nhiều khi có muốn mời họ đi tập huấn cũng khó. Chính vì vậy, chúng tôi phải kêu gọi cán bộ thôn vào từng nhà để tuyên truyền về việc đảm bảo ATLĐ, phòng chống cháy nổ cho người dân. Đồng thời, hàng tuần UBND xã cũng yêu cầu đài truyền thanh xã phát các bản tin kêu gọi người dân, các cơ sở sản xuất đảm bảo ATLĐ trong quá trình sản xuất" - ông Dịu nói.
Theo_Dân việt
Thêm một trường hợp mắc bệnh lạ, bị "ăn" mất tai Hai trường hợp "bệnh lạ" trên đều ở cùng xã Hậu Thành, Cái Bè (Tiền Giang), nhà chỉ cách nhau khoảng 1km Trong khi ông Huỳnh Văn Đạt , 51 tuổi, ngụ tại ấp Hậu Hòa, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bị mắc căn "bệnh lạ" chưa trị khỏi tại địa phương này lại có thêm một trường hợp...