Mặc áo chật ngực dễ bị lao vú
Nhiều chị em vô tình bị lao tuyến vú do mặc áo ngực quá chật, nâng ngực.
Nguyên nhân là những lúc khó chịu, họ vô tình đưa tay lên gãi, làm xước, tổn thương ngực và vi khuẩn lao xâm nhập qua con đường này.
Chị N.T.V., nhân viên tư vấn bảo hiểm, nói gia đình chị không ai bị bệnh lao nhưng mới đây chị bị viêm tuyến vú, đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám thì được giới thiệu sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, và tại đây kết quả xét nghiệm, chụp X-quang cho thấy chị bị lao tuyến vú.
Quá gò ép vòng 1
Không giấu giếm, chị N.T.V. cho biết do vòng một khiêm tốn, chị thường mặc những áo nịt ngực có chức năng nâng, độn ngực. “Tôi không biết vì sao mình lại bị lao vú nhưng một thời gian dài tôi đã mặc áo ngực chật, có chức năng nâng ngực và rất nhiều lần nóng bức, ngứa, tôi lấy tay gãi mà chẳng nghĩ ngợi gì” – chị N.T.V. thổ lộ.
Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trần Đình Thanh, trưởng khoa ung bướu Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, giải thích trang phục quá chặt, bó ép vòng 1, gây nóng bức, ngứa, gãi làm trầy xước da khiến vi trùng lao vô tình có ở tay đi thẳng đến vết thương trên da tuyến vú là một trong ba nguyên nhân dẫn đến lao tuyến vú (đường lây trực tiếp).
Một nguyên nhân khác là do người ta hít phải vi trùng lao trong không khí vào phổi nhưng chưa thể gây bệnh và trở thành vi trùng lao nội tại trong cơ thể, nằm chờ đến khi nào cơ thể bị mất cân bằng, suy giảm miễn dịch thì vi trùng tấn công. Khi vi trùng lao nội tại này tới cơ quan nào sẽ gây lao ở cơ quan đó, ví dụ như tới hạch gây lao hạch, tới não gây lao màng não, tới vú thì gây lao vú (đây là cơ chế lây theo đường máu). Nguyên nhân còn lại do bản thân người bệnh đang bị lao phổi, lao xương sườn, từ những ổ lao này vi trùng lao xâm lấn trực tiếp ra mô vú hoặc hạch qua đường rò mủ (đường lây kế cận). Cũng theo bác sĩ Thanh, trong số các bệnh nhân đã được ông khám và điều trị, gần 60% bệnh nhân có thói quen mặc áo ngực chật, nâng ngực.
Video đang HOT
Chọn nội y đúng chuẩn sẽ giúp chị em giữ gìn sức khỏe tốt hơn – Ảnh: MINH ĐỨC
Nguy cơ ung thư
Mới đây PGS.TS Nguyễn Thị Thu Ba, bộ môn lao và bệnh phổi ĐH Y dược TPHCM, báo cáo có đến 47 trường hợp bệnh nhân lao vú được chẩn đoán xác định và điều trị tại đây. Riêng thống kê của bác sĩ Thanh thì từ năm 2002 đến nay, ông đã và đang điều trị khoảng 500 bệnh nhân bị lao vú. Do ảnh hưởng thẩm mỹ nên khi bị lao vú, nhiều chị em hoang mang, mất tự tin. Đặc biệt, nếu bị ápxe tái diễn nhiều lần phải chọc thoát mủ dẫn lưu hay gây tình trạng rò mủ ra da, một số trường hợp đường rò ngóc ngách quá nhiều phải cắt lọc đường rò, đôi khi phải cắt bỏ một phần tuyến vú, gây mất thẩm mỹ cho người bệnh.
Ngoài vấn đề thẩm mỹ, lao vú còn có thể dẫn đến nhiều tình huống nguy hiểm khác. “Nếu lao vú để lâu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể rò ngược trở vào lồng ngực, gây lao ở lao màng phổi, lao phổi, thậm chí vi trùng lao vào đường máu và có thể gây lao màng não. Một số kháng sinh thường dùng cũng ảnh hưởng đến vi trùng lao, việc điều trị không tốt sẽ gây ra lao kháng thuốc, rất nguy hiểm. Do đó, phải phát hiện sớm để kịp thời điều trị và điều trị đúng” – bác sĩ Thanh khuyến cáo. Các tổn thương lành tính tại vú như viêm nhiễm lâu ngày, tái diễn ápxe nhiều lần tại vú như lao vú cũng là một yếu tố có nguy cơ phát triển ung thư vú (tuy rất ít).
Theo bác sĩ Thanh, khi phát hiện u vú, chị em nên đến một cơ sở khám có chuyên khoa về tuyến vú như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phụ sản… Nếu tại đó chẩn đoán không phải ung thư mà viêm vú thì nên dè chừng lao tuyến vú. Việc điều trị lao vú cũng như điều trị lao thông thường theo chương trình chống lao quốc gia là tám tháng khỏi bệnh, tuy nhiên lao ngoài phổi (trong đó có lao màng não, lao xương, lao vú…) thường phức tạp, rất có thể bác sĩ phải điều trị từ chín tháng đến một năm tùy từng trường hợp.
Khi khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị lao vú, bác sĩ Thanh đều khuyên họ không nên mặc áo ngực trong khi còn tổn thương ở vú, hoặc nếu dùng nên mặc áo ngực thoáng, mát, kích cỡ vừa phải, không gây gò bó cho vòng 1. Với những trường hợp vú bị ápxe nhiều và rò mủ thì nên để ngực trần. Với nguyên nhân vi trùng lao xâm nhập qua tuyến vú như trên, bệnh nhân có thể phòng, tránh bằng cách không mặc những loại áo ngực quá gò bó, gây nóng bức và nên vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chạm vào vòng 1. Ngoài ra, nên tầm soát cơ chế lây từ gia đình, như nhà có người thân bị lao phổi, những bệnh lao khác hoặc tầm soát từ chính bản thân có bị lao hay không.
15 ngày điều trị viêm nhiễm không giảm, nên khám chuyên khoa lao
Bệnh nhân bị áp xe vú, sau khi làm xét nghiệm tế bào học, nếu chẩn đoán là viêm vú và được điều trị 15 ngày bằng kháng sinh mà không giảm thì nên gặp bác sĩ điều trị để tham vấn thêm.
Nếu tiếp tục được chẩn đoán là viêm vú thì nên tìm đến chuyên khoa lao để khám, tầm soát và có thể bác sĩ sẽ đề nghị chọc dò làm tế bào học và sinh thiết làm giải phẫu bệnh để chẩn đoán. Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chuyển sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch bốn trường hợp bị viêm tuyến vú, kết quả giải phẫu bệnh cho biết cả bốn bệnh nhân này đều bị lao vú.
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cũng từng phát hiện một bệnh nhân nam bị lao tuyến vú do xuất phát từ lao phổi, màng phổi rò vào tuyến vú.
Theo MỸ DUNG (Tuổi trẻ)
Hơn 40% dân số Việt Nam đã nhiễm lao
Theo điều tra tại nước ta, cứ 5 người thì có 2 người nhiễm lao nhưng chưa thành bệnh. Khi hệ miễn dịch của cơ thể kém đi hoặc đến tuổi trung niên, bị cao huyết áp, tiểu đường.., sức đề kháng giảm là vi khuẩn lao có cơ hội trỗi dậy.
Hiện nước ta xếp thứ 12/22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới, đứng thứ 14/27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc.
Phó giáo sư Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội) cho biết, nước ta có tỷ lệ dân số bị nhiễm lao cao, trong đó bệnh nhân lao phổi mỗi năm có khoảng 70.000 người. Dù đã có cả một chương trình chống lao quốc gia thế nhưng số người mắc lao vẫn ngày một đông. Thực trạng này là do sự chậm trễ trong phát hiện và điều trị bệnh.
Nhiều bệnh nhân mắc lao nhưng không điều trị là mối nguy lớn làm lây lan căn bệnh này trong cộng đồng. Ảnh: Bệnh viện lao và bệnh phổi Ninh Thuận.
Bên cạnh đó phải kể đến sự thiếu hụt về nhân lực đang ở mức báo động đỏ. Sau cải tổ hệ thống y tế tuyến huyện, 50% số cán bộ làm công tác chống lao là mới và chưa được đào tạo. Cán bộ làm công tác chống lao đang "già đi", không có người thay thế trong khi bệnh lao lại đang "trẻ lại", phó giáo sư Ngọc Sỹ cho biết.
Giám đốc một bệnh viện lao và phổi tại Đà Nẵng lo ngại: "Sau thế hệ chúng tôi không biết còn ai sẽ làm lao nữa. Đã 10 năm nay chúng tôi chưa tuyển được thêm bác sĩ nào".
Theo các chuyên gia, việc khai báo các ca bệnh theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm chưa được thực hiện nghiêm túc. Lao lây truyền qua tiếp xúc và có thể lây lan qua không khí như các bệnh cảm cúm. Khi người nhiễm có vi khuẩn lao trong phổi ho, hắt hơi, cười, khạc nhổ hay hát hò, vi khuẩn sẽ "bắn" vào không khí và người khác có thể hít phải.
Thế nhưng có đến 7% số người mắc bệnh lao không điều trị do tâm lý e ngại. Thực tế này làm cho căn bệnh dễ chữa thành khó chữa. Ngược lại, có bệnh nhân bị bệnh nhưng chữa trị không đúng cách, tự ý ngưng điều trị giữa chừng, hoặc trong quá trình điều trị không tuân thủ những dặn dò của bác sĩ (như ăn riêng bát đũa). Điều này gây nhiễm chéo trong gia đình, cộng đồng khiến việc điều trị rất phức tạp.
Tiến sĩ Phạm Quang Tuệ, Bệnh viện Phổi Trung ương cũng khuyến cáo, ngày càng nhiều người bị nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS đã mắc lao. Virus HIV gây suy giảm miễn dịch ở người sẽ tạo điều kiện cho cơ thể mắc các bệnh nhiễm khuẩn, điển hình là bệnh lao.
"Một số bệnh nhân nhiễm lao có HIV do sợ bị kỳ thị khi đi khám bệnh, nên đã phần muốn giấu bệnh, không đến cơ sở điều trị làm cho bệnh tình càng trầm trọng hơn. Tâm lý này là mối họa tiềm ẩn gia tăng nguy cơ lây nhiễm lao trong cộng đồng", tiến sĩ Tuệ nói.
Vì thế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao phổi như: sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi, gầy sút chán ăn, ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, có thể kèm đau tức ngực, khó thở, ho ra máu, người bệnh cần phải đến đúng cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm. Không nên vì tâm lý e ngại mà giấu bệnh vì điều đó không chỉ gây nguy hiểm tới tính mạng, mà còn tăng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
"Bệnh lao là bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu chúng ta hiểu và đầu tư đúng. &'Vì một thế giới không còn bệnh lao', hãy hành động ngay từ ngày hôm nay. Đây cũng là chủ đề Ngày Thế giới Chống lao năm nay", phó giáo sư Sỹ khẳng định.
Tại Việt Nam, trung mình mỗi năm có thêm 200.000 bệnh nhân mắc lao mới vào 30.000 người tử vong. Bệnh nhân tập trung chủ yếu ở tuổi lao động (22-44 tuổi) chiếm tới 40%, trong đó đa phần là nam. Đặc biệt, ước tính có 5.000-6.000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc.
Theo SKDS
Lao thanh quản Giọng khàn - coi chừng lao thanh quản Lao thanh quản có mối liên quan mật thiết với lao phổi. Từ phổi, vi khuẩn lao trong đờm, mủ bị khạc ra ngoài có thể dính vào thanh quản lúc đi qua cơ quan này và gây nhiễm bệnh, nhất là khi có các tổn thương viêm, phù nề, trợt... Vi khuẩn lao còn...