Ma túy phá tan bình yên vùng nông thôn
70% xã, phường trên cả nước có người nghiện ma túy khiến nhiều vùng nông thôn giờ đây đến tối là phải cửa đóng then cài, còn con nghiện không ngừng gây nên các vụ trọng án. Nhiều vùng nông thôn đã không còn bình yên vì người nghiện ma túy.
Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm tại buổi tọa đàm “Hiểm họa ma túy và hành động của chúng ta” diễn ra tại Hà Nội sáng 14.6.
Cai nghiện tại cộng đồng
Xã Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa) là một trong những xã được triển khai mô hình đề án đổi mới về cai nghiện ma túy do SCDI thực hiện. Chị Nguyễn Thị Hoa – Trạm trưởng Trạm y tế xã Vạn Giã cho hay, toàn xã có hơn 10 người nghiện ma túy. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của SCDI, trạm y tế bước đầu tiếp cận được với phương pháp tư vấn và điều trị cai nghiện.
Nhiều đối tượng nghiện ma túy đá chưa có phác đồ điều trị cụ thể. (chụp tại Trung tâm Cai nghiện Thủy Nguyên, Hải Phòng). ảnh: Minh Nguyệt
Anh Nguyễn Triệu Phú (28 tuổi, ở Vạn Giã) cho biết, anh nghiện ma túy 10 năm, ban đầu vì mặc cảm nên anh giấu gia đình, hàng xóm. Sau 2 năm nghiện ma túy, sức khỏe yếu đi, không đi làm được nên không có tiền để hút, anh trộm tiền của gia đình và bị phát hiện. Sau nhiền lần đi cai nghiện bắt buộc đều thất bại, anh và mẹ tìm đến trạm y tế xã để cai nghiện. “Sau đó, nhờ được sự động viên của gia đình và tư vấn của trạm y tế xã, tôi đã được điều trị cai nghiện thay thế bằng mathadone. Sau 7 tháng cai nghiện, tôi thấy sức khỏe tốt hơn, có thể làm việc lại như bình thường” – anh Phú nói.
Ông Trần Quốc Thông – Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Khánh Hòa cho biết, hiện cả tỉnh đang quản lý hồ sơ của gần 1.200 người nghiện ma túy ở 85 xã, phường, thị trấn. Trong đó, các nơi có nhiều người nghiện ma túy nhất là TP.Nha Trang (464 người), huyện Vạn Ninh (223 người), TP.Cam Ranh (160 người), thị xã Ninh Hòa (123 người)…
Tỉnh đã thành lập 3 cơ sở điều trị nghiện bằng methadone đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh ở nhiều địa phương. Ngoài ra, có 30 xã, phường, thị trấn ở Khánh Hòa đã thực hiện giúp người nghiện ma túy điều trị ngay tại cộng đồng.
“Qua thực hiện, hoạt động cai nghiện tại cộng đồng nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người dân, đặc biệt là người nghiện và gia đình của họ. Kết quả thực hiện cũng cho thấy hoạt động cai nghiện tự nguyện đạt hiệu quả cao bởi có gia đình và cộng đồng hỗ trợ” – ông Thông nói.
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh – Giám đốc SCDI cho biết, hiện nay công tác tư vấn còn hạn chế, việc điều trị chưa đạt kết quả như mong đợi bởi chủ yếu vẫn là cai nghiện bắt buộc. Quá trình cai nghiện không có sự phân loại để đánh giá mức độ mới sử dụng hay đã nghiện ma túy. Mặt khác, tình trạng người nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp tăng nhanh, nhưng lại chưa có phác đồ điều trị cụ thể nên hiệu quả cai nghiện và thời gian phục hồi chậm.
“Những nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy có tới 30-40% người nghiện ma tuý có vấn đề về sức khoẻ tâm thần và có những mối quan hệ hạn chế. Việc gia đình xa lánh, hàng xóm láng giềng tránh mặt khiến cho nguy cơ sử dụng ma tuý càng lớn hơn” – bác sĩ Oanh nói.
Hỗ trợ tiền để cai nghiện bắt buộc
“Tôi cho rằng quan trọng nhất là nghị lực của chính người nghiện, ngoài yếu tố quyết định này cũng cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của gia đình và xã hội. Những người đã cai nghiện thành công đều gắn chặt với hai yếu tố này”.
Ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH
Video đang HOT
Để đẩy mạnh công tác cai nghiện tại cộng đồng, Bộ LĐTBXH đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện. Theo đó, dự thảo đề cập tới nhiều điểm mới, như đơn giản hồ sơ để thực hiện cai nghiện tự nguyện, bắt buộc. Đề nghị hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, mức hỗ trợ có thể bằng 70% mức cai nghiện bắt buộc (hiện cai nghiện bắt buộc được hỗ trợ 960.000 đồng/người/tháng).
Ông Nguyễn Xuân Lập – Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, Việt Nam có 210.751 người nghiện có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, còn nhiều đối tượng chưa được phát hiện. Các đối tượng sử dụng ma tuý chủ yếu trong độ tuổi 25 trở xuống. Đặc biệt, có tới 8% người nghiện ở độ tuổi vị thành niên.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH đang thực hiện việc đổi mới căn bản công tác cai nghiện. Theo đó, không chỉ dừng lại ở cai nghiện bắt buộc, mà tiến tới phát triển cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, trong gia đình. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện tiếp cận theo phương pháp dự phòng và cai nghiện. Theo đó, chúng tôi sẽ phân rõ, người mới sử dụng ma túy và người nghiện ma túy để có cách thức phòng tránh và cai nghiện hiệu quả” – ông Lập nói. /.
Theo Danviet
Tây "ngáo", ta "ngáo" và những bi hài kịch
Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (BVTTTW 1), chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân cả Tây lẫn ta đang phải vật vã cắt cơn. Điểm chung của các bệnh nhân này là trong cơn phê thuốc, bị ảo giác điên cuồng, phấn khích tột độ, họ có những hành động điên rồ, tự hủy hoại bản thân hoặc trở thành những "ác quỷ", gây hại cho những người xung quanh, thậm chí cả người thân...
1. Tháng 4-2016 vừa qua, người dân và lực lượng chức năng ở phường Quảng An (Tây Hồ) bị một phen náo loạn vì một ông Tây "ngáo".
Mờ sáng ngày 30-4 người dân sống ở ven Hồ Tây nghe thấy tiếng một người nước ngoài đang gào rú ở bờ hồ khu vực phường Quảng An. Ít phút sau ông này biến mất dưới hồ, để lại trên bờ nhiều tư trang, quần áo và cả xe gắn máy. 8 giờ sáng, khi không thấy ông Tây này mò lên lấy đồ, người dân vội báo lên Cơ quan công an.
Có mặt tại hiện trường, nhiều người phán đoán khả năng người này bị đuối nước là rất cao. Vì đã hơn 3 giờ đồng hồ trôi qua mà không thấy anh ta mò lên. Công an quận Tây Hồ, Công an phường Quảng An vội thuê nhiều thuyền để tiến hành rà soát tại các khu vực nghi vấn anh ta có thể bị đuối nước. Tuy nhiên, suốt nhiều giờ lùng sục vẫn không thấy tăm hơi của người này đâu.
Cho đến khoảng 15 giờ cùng ngày, bất ngờ anh ta xuất hiện tại căn nhà trọ trên phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội). Người này được làm rõ là Martin Ezequiel (29 tuổi, quốc tịch một quốc gia châu Mỹ, sang Việt Nam theo đường du lịch).
Một ông tây nghiện ma túy đá.
Theo như Martin tường trình, sáng sớm hôm đó tự nhiên anh ta cảm thấy người cứ phừng phừng như lửa đốt. Đêm hôm trước Martin cũng có uống "vài" ly rượu và nhảy nhót ở một quán bar khu vực đường Xuân Diệu. Sau khi rời quán bar đi xe máy về nhà trọ, Martin lang thang thế nào mà lại lạc ra đường ven Hồ Tây.
Khi đó, cảm giác thèm được vẫy vùng nổi lên, Martin cởi bỏ quần áo, vứt xe trên bờ rồi nhảy ùm xuống nước. Bơi một lúc thì Martin quên mất vị trí ban đầu, và trèo lên một khu vực khác cách chỗ cũ hơn 800m. Sau đó Martin đi bộ thẳng về ngôi nhà trọ của mình trên phố Hoàng Hoa Thám.
Tưởng chuyện đến đây là hết, ai ngờ sáng hôm sau lực lượng chức năng tại phường Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) tá hỏa khi phát hiện một ông Tây lao từ một chung cư cao tầng xuống đất. Danh tính người này nhanh chóng được làm rõ, và lại là Martin Ezequiel. Cú lao đó đã khiến Martin bị chấn thương nặng ở cột sống và xương chậu, phải điều trị nhiều ngày tại Bệnh viện Việt - Pháp.
Qua khám sơ bộ, có thể thấy thần kinh của người đàn ông này không bình thường. Không loại trừ khả năng Martin sử dụng nhiều chất kích thích hướng thần nên đã làm những việc rồ dại trên.
Cũng có những hành vi quái dị như Martin, song Micheal Lee (36 tuổi, quốc tịch một quốc gia ở châu Đại Dương) đã phải chuyển thẳng vào BVTTTW I để điều trị.
Khoảng 16 giờ chiều một ngày tháng 7-2016, Lee bỗng dưng chạy nhảy, la hét ầm ĩ trên khu vực phường Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Người dân và công an ở đây đã tạm giữ anh ta và báo cho phía sứ quán giải quyết.
Sau khi được uống nước và ngồi nghỉ tại trụ sở công an phường, Lee dần tĩnh tâm lại và viết bản tường trình. Buổi chiều hôm đó, anh ta thấy đầu bị "bốc hỏa", luôn có cảm giác đang bị nhiều người theo dõi và sát hại. Chính vì thế, Lee đã không làm chủ được hành vi. Anh ta đập phá đồ đạc tại phòng trọ, sau đó lao ra đường. Phía sứ quán đã liên hệ với BVTTTW I và đưa thẳng Lee vào điều trị tại đó.
Có mặt tại bệnh viện này, chúng tôi cũng ghi nhận được một số trường hợp các ông Tây "ngáo" khác.
Bệnh nhân Falko T. (23 tuổi, quốc tịch Nam Phi) được đưa vào từ đầu tháng 3-2016. Nhiều cán bộ chiến sỹ công an còn nhớ rất rõ những hành vi quậy phá của Falko. Hôm trước anh ta vừa quậy ở quận Hà Đông, sau được thả ra thì lại mò lên phá phách tại quận Hoàn Kiếm. Khi được đưa về trụ sở công an phường, Falko chống đối bằng cách cởi hết quần áo, rồi liên tục chửi bậy, nhổ nước miếng vào các chiến sỹ.
Khi nhập viện, anh ta vẫn chưa được cởi trói vì đầu óc còn quá hưng phấn. Các bác sỹ phải canh anh ta suốt đêm, sợ tự tử. Sau nhiều ngày được điều trị bằng thuốc an thần, Falko mới dần tỉnh lại. Anh ta cho biết mới sang Việt Nam được khoảng hai tháng. Ở quê nhà Nam Phi, Falko gần như không kiếm được việc, thu nhập cũng rất thấp.
Sang Việt Nam, Falko đi dạy tiếng Anh tại một trung tâm Anh ngữ quốc tế. Tháng đầu tiên Falko đã được trả 1.000 USD (gấp 10 lần thù lao ở quê nhà). Phấn khởi vì gặp "thiên đường", anh ta liền mua ít cần sa về rủ bạn bè "liên hoan". Chơi xong, Falko lao ra đường quậy phá.
Mấy ngày đầu trong bệnh viện, Falko liên tục giở bài cởi trần truồng, liên tục nhổ nước miếng vào các nhân viên và không chịu tắm rửa. Biết việc công dân mình đang điều trị tại bệnh viện, một đoàn cán bộ của Đại sứ quán Nam Phi xuống thăm hỏi. Vẫn chưa qua cơn hưng phấn, Falko tiếp tục giở bài lột trần truồng và ném chăn màn vào đoàn công tác, khiến các nhân viên sứ quán phải chạy tán loạn. Các bác sỹ của Khoa Cai nghiện hết sức vất vả khi điều trị cho Falko.
Bệnh nhân M.P (có 2 quốc tịch Mỹ và Mexico) phải nhập viện trong một trạng thái rất xấu. Phê ma túy đá, P. quậy tưng bừng tại sân bay Nội Bài, thậm chí còn bị đứt mạch máu. P. nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Việt Đức để nối lại. Hôm sau thì được đưa vào BVTTTW I. Dù được tiêm thuốc an thần, song khi bác sỹ vào kiểm tra buồng của P. thì phát hiện anh ta dỡ hết ga băng bó để nhét vào bồn cầu, báo hại các bác sỹ phải lôi ra. P. "ngáo" nặng đến nỗi phải dùng thuốc an thần để ngủ, song cứ tỉnh dậy là lại phá phách.
Cơ quan chức năng vất vả giải cứu một con nghiện ma túy đá.
2. Tại Khoa Cai nghiện, chúng tôi còn chứng kiến khá nhiều bệnh nhân tuổi đời còn rất trẻ, chỉ tầm 15-22 phải vào đây vì nghiện ma túy đá.
Theo các bác sỹ tại khoa, em Phùng Hữu Đ. (18 tuổi) nhập viện trong tình trạng rất bi đát. Người Đ. gầy gò lẻo khoẻo như con nhái bén và mặt mũi thì xương xẩu, lờ đờ. Mẹ Đ. kể, đã mấy lần nó cầm con "phóng lợn" huơ lên dọa xiên mấy ông hàng xóm. "Tôi biết nó nghiện nên bắt nhốt ở nhà để cai. Nhưng nào có cai được. Nó lừa đánh riêng một chìa khóa, rồi lại đi bết với đám bạn. Đến hôm nó lên cơn cầm dao dọa giết tôi. Sợ quá tôi phải đưa nó vào đây để các bác sỹ thăm khám" - mẹ của Đ. trần tình.
Sau một thời gian điều trị, sức khỏe tâm thần của Đ. đã có chiều hướng tốt hơn. Đ. cũng tâm sự với các bác sỹ, gia đình em nghèo lắm, bố bỏ đi sớm, chỉ có hai mẹ con. Mẹ Đ. thì sức khỏe yếu chỉ làm được những việc lặt vặt nên cuộc sống của hai mẹ con luôn khó khăn, Đ. cũng không được sự dạy dỗ của mẹ.
Học kém nên Đ. chán học và sớm theo bạn bè dạt nhà đi bụi. Năm 12 tuổi, Đ. đã tập tọe hút thuốc lá, rồi ít lâu sau thì chuyển sang "cỏ Mỹ". Lớn thêm chút nữa thì Đ. làm chân "ship hàng" cho một số người bạn, kiếm tiền ăn tiêu. Sinh nhật 17 tuổi, Đ. được bạn chiêu đãi món hàng "đá". Và Đ. nghiện lúc nào không hay.
Phụ thuộc vào ma túy đá, Đ. bảo lúc nào cũng cảm thấy có những tiếng nói xì xào trong đầu. Rồi thấy có những người ở âm ty muốn đuổi theo giết mình, thế nên phải cầm dao để phòng vệ. Lúc lên cơn thì muốn chém giết ai đó...
Đối tượng Hùng được cho là đã sát hại song thân khi lên cơn ngáo đá.
Một trường hợp khác, bệnh nhân Chu Văn H. cũng nhập viện đến 2 tháng rồi mà người vẫn gầy nhẳng, mắt trũng sâu, mặt xương xẩu đến tội nghiệp. Người thân của H. kể cậu ta có "thâm niên" nghiện từ năm học THCS. H. cũng từng bị đưa đi cai nghiện bắt buộc. Và trong suốt 2 năm đó, H. không một lần đụng đến heroin. Vậy nhưng, ra khỏi trung tâm cai nghiện chỉ 2 ngày sau đã có đứa bạn đến rủ chơi ma túy.
Lần này tụi nó bảo với H. rằng chơi món mới "đẳng cấp" hơn mà lại không gây nghiện đau đớn và... dễ bị lộ như heroin. H. thử, chừng dăm cữ thì quên luôn heroin, chỉ "đập đá". Làm bạn với "đá" một thời gian, H. bị hoang tưởng nặng. H. nhớ lại sau nửa năm "đập đá", em tự nhiên có sở thích là đếm lá rơi. H. cứ ra công viên, ngồi từ sáng đến chiều chỉ để đếm lá mà không biết chán.
Mùa đông, lá cây rụng hết, không có gì để đếm, H. buồn quá, khóc như mưa như gió. Em thậm chí từng nhảy xuống hồ Bảy Mẫu tự tử. May có mấy bác đi câu cá vớt lên. Rồi sau đó, H. không đếm lá nữa mà chuyển sang đam mê ngắm... đèn đỏ. H. cứ ra ngã tư ngồi thu lu một góc xem đèn. H. "phê" nhất khi thấy đèn xe máy, ô tô đỏ quạch khi phanh. Em mê man, mụ mị đi vì ngắm đèn đỏ.
Có đợt phê quá, H. leo ra ô văng cửa sổ ngồi ngắm đèn. H. bị rơi xuống tầng 1, may chỉ bị rạn xương...
Hàng loạt vụ án đau lòng khi hung thủ trong cơn "ngáo"
Tháng 9 vừa qua, ngáo đá đã khiến cho Doãn Trung Dũng (45 tuổi, trú tại phường Trưng Vương, TP Uông Bí, Quảng Ninh) gây ra vụ thảm sát 4 bà cháu trong một gia đình.
Tối 23-9, Dũng đến nhà chị Vũ Thị Thanh tại khu Hợp Thành, phường Phương Nam (TP Uông Bí, Quảng Ninh) và ở lại chơi khá muộn. Thấy chị Thanh không có nhà, Dũng xin bà Nguyễn Thị Hát (mẹ đẻ chị Thanh) cho ngủ nhờ và được bà Hát đồng ý.
Trong lúc mọi người đi ngủ, Dũng sử dụng ma túy đá. Trong cơn "phê" ma túy, hắn đã dùng dao sát hại cháu Phạm Đình Hưng (SN 2007, con trai chị Thanh) vì cho rằng Hưng có "thái độ không tốt" với mình. Sau khi tiếp tục sát hại cháu Phạm Thu Hà (SN 2008, con gái chị Thanh), Dũng quay lại giường ngủ như chưa có chuyện gì xảy ra. Rạng sáng, khi bà Hát dậy đi vệ sinh và phát hiện xác cháu Hà dưới bếp, vừa định hô hoán thì bị Dũng tiếp tục ra tay tàn độc với bà và cháu bé 3 tuổi Vũ Khánh Huyền (con của chị gái chị Thanh).
Sau khi gây án, kẻ sát nhân lục soát đồ đạc trong nhà nhưng không tìm được gì, hắn quay ra lấy đôi hoa tai cùng chiếc nhẫn 4 chỉ vàng của bà Hát rồi tẩu thoát...
Trước đó, tháng 9-2015, một vụ án thương tâm xảy ra tại Nam Định mà hung thủ cũng là con nghiện ma túy đá. Đỗ Đức Mạnh Hùng (28 tuổi, trú tại tổ 21, đường Nguyễn Bính, TP Nam Định) sau khi dùng ma túy đã bị ảo giác mạnh, hắn dùng dao xông vào giường đâm chết cả bố và mẹ.
Theo Yên Chi
An ninh thế giới
Rạn nứt tình làng, nghĩa xóm: Ra tay vì chuyện nhỏ nhặt Từ những mâu thuẫn, bực tức nhỏ nhặt, người ta sẵn sàng hành động nhẫn tâm để triệt hạ đường làm ăn của nạn nhân. Tình trạng tội phạm này đã được báo động từ lâu, nhưng chưa bao giờ trở nên bức xúc và gay gắt như hiện tại. Thủ đoạn kinh sợ Mới nhất phải kể đến vụ kẻ gian đổ...