Ma túy đá: Con đường dẫn tới tâm thần
Sau những ảo giác đê mê của ma túy đá, con nghiện dần bị hoang tưởng, tâm thần.
Sau “ảo giác” là tâm thần
Theo các bác sĩ chuyên khoa về thần kinh, đáng sợ nhất vẫn là bệnh nhân tâm thần do sử dụng ma túy, đặc biệt là loại ma túy đá, bởi là căn nguyên của những triệu chứng hoang tưởng dẫn đến tự sát hoặc “đồ sát” người khác.
Để tìm hiểu thêm về tác hại của “hàng đá”, chúng tôi đã đến Bệnh viện tâm thần TPHCM. Trước mặt chúng tôi là khuôn mặt đờ đẫn của bệnh nhân P.X.H (29 tuổi, ngụ Q1). Được biết H. nhập viện do sử dụng “hàng đá” gây ra chứng loạn thần. Khi bác sĩ chuyên khoa đang hỏi chuyện, H. cứ nằng nặc yêu cầu cho mượn điện thoại để gọi mẹ đến rước về nhà. Đoạn sau, H. lại níu áo năn nỉ chúng tôi cũng chỉ để mượn cái điện thoại, miệng lẩm bẩm “con bớt bệnh rồi mà bác sĩ”. H. nghiện từ năm 2010. Lần đầu sử dụng “hàng đá” là do bạn bè rủ rê. Cứ thế, sau đó khoảng 4 – 5 ngày cả nhóm lại tụ tập chơi “hàng đá” một lần. Chơi riết rồi tiền cũng hết. Dù đã có một đứa con trai nhưng vợ H. không thể chịu nổi tình cảnh này nên bỏ nhà đi. Sau đó, H. bị tâm thần. Cứ tối đến, H. không ngủ, cầm bộ bài xóc cả đêm, không chịu ăn uống và cứ hăm dọa sẽ giết mẹ. Hoảng quá, mẹ H. đành đưa con đến bệnh viện để điều trị bệnh.
Bệnh nhân P.X.H tại BV tâm thần TPHCM
Tốt nghiệp Cao đẳng về công nghệ ôtô, nhưng sau một thời gian thất nghiệp, N.T.H.P (ngụ Q11) trở thành tiếp viên trong vũ trường. Lúc đầu chỉ là vì chuyện cơm áo, nhưng sau đó P. bị nghiện thuốc lắc rồi chuyển sang “đập đá”. Sau những cơn đê mê ở chốn “thiên đường”, hiện P. đang trở thành bệnh nhân tâm thần vì chứng hoang tưởng. Suốt ngày P. đập phá, mắng chửi mẹ, cầm dao leo lên nóc nhà múa máy bảo là để “đuổi ma”.
Trước kia, P.Đ.L (24 tuổi, ngụ Q4) chỉ sử dụng heroin. Dù được người nhà đưa đi cai nhiều lần nhưng L. vẫn không bỏ được. Mấy tháng gần đây, hắn bị bạn bè xúi sử dụng thử “hàng đá”. Nhưng sau cái cảm giác hoan lạc do “đá” mang lại thì L. thường hay lảm nhảm, nghĩ có người hại mình; ăn ít, ngủ ít lại chỉ thích gây gổ, đập phá. Cả nhà hốt hoảng đưa hắn vào bệnh viện chữa trị. Vài ngày, hắn năn nỉ gia đình đưa về nhà, rồi bệnh lại tái phát vì tiếp tục sử dụng “hàng đá”. Cuối cùng, L. phải trải qua chuỗi ngày dài ở bệnh viện cùng với những bệnh nhân tâm thần khác.
Bác sĩ Thắng kể, có lần bệnh viện tiếp một ca khá đặc biệt. Người ấy từng là một thanh niên khỏe mạnh, có vợ đẹp con xinh, nhà lầu xe hơi đủ cả. Tuy nhiên, sau đó trong vài cuộc nhậu nhẹt, nghe bạn bè xúi giục, hắn bị nghiện, nhà cửa tiêu tan, phải đi ở thuê. Đã thế, hắn còn luôn trong trạng thái ngờ vực vợ ngoại tình. Thế rồi hắn cứ tìm cách chì chiết và đánh vợ, suốt ngày chỉ nghĩ đến việc lục lọi tìm bằng chứng. Sau khi đến BV tâm thần điều trị một thời gian, bệnh khỏi hẳn, nhưng hắn lại không vượt qua sự cám dỗ của “hàng đá”. Sau cơn mê muội, hắn thấy mình mọc cánh giống như đại bàng, rồi hắn bay, hậu quả là phải nhập viện chấn thương chỉnh hình với thân hình dập nát.
Các học viên nghiện ma tuý tại Trung tâm cai nghiện Thanh Đa
Video đang HOT
Cũng có không ít trường hợp sau khi sử dụng “hàng đá” lại thích dùng dao “tự xử” mình. Đang là sinh viên năm 3 của một trường ĐH ở TPHCM, sẵn gia đình có rủng rỉnh tiền lại là con một nên A.T trở nên hư hỏng sau những lần bù khú với bạn. T. dồn hết tiền và thời gian để chơi “hàng đá”. Trước mắt cậu ta mọi thứ đều lung linh, huyền ảo. Cho đến một ngày, T. bỗng vớ ngay con dao trước mặt để “tự sướng” bằng cách cứa mạnh cổ và tay. May mắn là người nhà kịp thời phát hiện nên T. thoát chết.
Theo thống kê của Bệnh viện tâm thần TPHCM, kể từ năm 2012 đến nay khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng 821 ca do sử dụng “hàng đá” có các triệu chứng hoang tưởng ảo giác và rối loạn hành vi, tác phong, khả năng nhận thức kém. Đa phần người sử dụng “hàng đá” có tiền căn dùng các chất gây nghiện khác như heroin, thuốc lắc. Theo bác sĩ chuyên khoa 1 BV tâm thần TPHCM Vũ Kim Hoàn thì việc sử dụng các loại ma túy tổng hợp, trong đó có “hàng đá” rất dễ gây chứng loạn thần như ảo giác, hoang tưởng, tác động đến tâm lý của người sử dụng như hoảng sợ, lo lắng, nghi ngờ, mất ngủ, sợ có người giết mình… Đó chính là lý do khiến bệnh nhân luôn sống trong tâm trạng căng thẳng, phát sinh nhiều hành động dị thường, kỳ quặc, thậm chí không còn kiểm soát được hành vi.
Điều trị lâu dài
Tại Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (TPHCM), con số học viên sử dụng ma túy tổng hợp dạng kích thích và số học viên bị tâm thần phải điều trị hóa dược tăng đáng kể. Nếu như năm 2006 chỉ có khoảng dăm ba học viên thì đến năm 2012, con số ấy đã tăng lên 321 người. Riêng hai tháng cuối năm 2012, số học viên sử dụng ma túy đá tăng lên 1/3 trên tổng số học viên đang cai nghiện.
Theo bác sĩ Nguyễn Khánh Duy – Giám đốc Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa, những năm trước đối tượng nghiện chủ yếu là heroin, nay đã chuyển sang sử dụng “hàng đá”. Có thể nói, ma túy đá được xếp vào loại phá hủy não bộ nghiêm trọng nhất, làm cho người nghiện dễ có nguy cơ trở thành bệnh nhân tâm thần. Những trường hợp não bộ bị ma túy đá phá hủy rất khó để phục hồi. Người sử dụng phải đối mặt với chứng hoang tưởng ảo giác, lo sợ, bị kích động, lên cơn loạn thần, ảo giác, môi khô, mắt đỏ, đi loạng choạng, nói một mình, sợ bị đuổi đánh, sợ có người theo dõi… Nó có thể biến một người hiền lành, nhút nhát trở nên cực kỳ hung hãn. Hơn nữa, người dùng ma túy đá trong một thời gian dài còn có nguy cơ đột quỵ do hiện tượng thiếu máu não, tăng nhịp cơ tim. Đây cũng thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV cao do quan hệ tình dục bừa bãi. Điều khiến BS Duy trăn trở nhất là đa số người nghiện ma túy đá đều còn rất trẻ.
BS Duy cũng cho biết thêm, hiện heroin đã có phác đồ điều trị, còn riêng đối với ma túy đá vẫn chưa có phác đồ điều trị nên việc cai nghiện cho các học viên không hề đơn giản. Bởi “hàng đá” tác dụng tức thời lên vòm não, sử dụng lâu ngày thì não sẽ bị tổn thương trực tiếp dẫn đến tâm thần kèm theo những biểu hiện khó nhận biết. Mỗi lần lên cơn nghiện tuy không vật vã như heroin nhưng người người dùng ma túy đá lại rất khó bỏ và dễ tái nghiện. Để cai nghiện ma túy đá thành công là cả một quá trình, đòi hỏi sự kết hợp các bước: giáo dục nhân cách, điều trị các rối loạn hành vi và phục hồi não bộ, đồng thời cần kết hợp nhiều liệu pháp như: tâm lý, giáo dục, xã hội. Hiện Trung tâm Thanh Đa đã cắt cơn thành công cho đối tượng nghiện “đá”, nhưng vấn đề ở chỗ là học viên có tái nghiện lại hay không mới là điều đáng quan tâm.
BS Vũ Kim Hoàn – Bệnh viện tâm thần TPHCM cũng chia sẻ thêm: một khi đã xuất hiện những rối loạn hành vi trên người sử dụng “hàng đá” cần phải được đưa đi điều trị kịp thời để tránh tai họa có thể xảy ra. Nếu xét thấy bệnh nhân ở mức độ đáng lo ngại, bệnh viện sẽ chỉ định nhập viện và cho sử dụng thuốc chống loạn thần để ổn định hành vi. Để cắt cơn cho con nghiện hàng đá thì không khó và sau khi điều trị bệnh nhân vẫn có khả năng phục hồi như người bình thường, nhưng vấn đề ở chỗ là bệnh nhân có bị tái nghiện hay không? Vì cũng có nhiều trường hợp đã xuất viện nhưng sau đó không lâu lại nhập viện trở lại vì không vượt qua sức hút của “hàng đá”. Riêng đối với những bệnh nhân bị tâm thần vì dùng “hàng đá” thì việc điều trị hoàn toàn không đơn giản và cần phải có thời gian. Có bệnh nhân vài tháng khỏi nhưng có người phải mất đến vài năm. Sau khi cắt cơn nghiện phải điều trị duy trì làm sao cho các tác động sinh học thần kinh độc hại do ma túy gây ra giảm dần, đồng thời tạo điều kiện cho người nghiện làm quen với lối sống lành mạnh.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết: hiện tỉ lệ nghiện “hàng đá” đang ngày càng gia tăng một cách rõ rệt trong một bộ phận giới trẻ sống buông thả. Vấn đề ở chỗ việc đưa các đối tượng này vào trung tâm rất khó khăn, bởi vì chưa có kinh phí đầu tư để chuẩn bị que thử xét nghiệm, hơn nữa các đối tượng nghiện ma túy đá rất khó nhận biết.
Nói không với “hàng đá”
Thực tế cho thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc “hàng đá” vẫn là nỗi ám ánh của những người trong cuộc. Và mỗi người tìm đến “hàng đá” với vô vàn lý do… Mổ xẻ chuyện ấy thì muôn hình, vạn trạng, nhưng chung quy lại vấn đề là do ý thức của mỗi cá nhân.
Trước khi ra về, BS Vũ Kim Hoàn không quên nhắn nhủ với chúng tôi: “Ráng tuyên truyền làm sao mà giới trẻ đừng thử ma túy đá. Nhiều em không biết gì về “hàng đá”, nhưng bị bạn bè rủ rê là cứ thử một lần vì loại này không gây nghiện. Nhưng đã có lần đầu thì sẽ thêm những lần sau nữa rồi nghiện lúc nào không biết. Vì thế, tốt nhất là không thử dù chỉ một lần. Hơn nữa, các em cũng không nên khẳng định đẳng cấp của mình bằng cách chơi “hàng đá”, như thế chỉ hủy hoại đời mình, gây khổ cho gia đình và gây tổn hại cho xã hội”.
BS Trịnh Tất Thắng bày tỏ: “Trước những hệ lụy khôn lường do ma túy đá mang lại, mong rằng giới trẻ nên tránh xa “hàng đá”, tập trung vào việc học hành, trang bị kiến thức để trở thành người có ích. Bởi một khi đã sa vào con đường nghiện ngập sẽ trở thành người mất hết nhân cách, không còn giá trị, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Theo 24h
Cơn lốc "đập đá" tàn phá giới trẻ
Dù ma túy đá sẽ khiến con nghiện tự rạch tay, gào thét, chạy xe quá tốc độ,... nhưng một bộ phận giới trẻ vẫn ngày đêm bay bổng trong cuộc chơi hàng đá.
Dụng cụ "hít đá" của dân chơi. Ảnh: Công an TP HCM
"Sau khi hít một hơi 'đá', mình thấy trong người rần rần như có thứ gì chạy khắp cơ thể, rồi mắt dại đi. Mình phấn khích đến nỗi như muốn dồn hết sinh lực trong người để quậy tưng lên. Nhạc càng to nghe càng đã, chân tay múa may giật đùng đùng theo tiếng nhạc điên cuồng... cho đến khi hết phê thuốc thì thôi", Quỳnh Anh - một dân chơi "hàng đá" cho biết.
Theo cô gái con nhà giàu chỉ biết đốt tiền vào vũ trường và chơi "hàng đá" này thì khi đã nghiện "đá", người chơi nghĩ đến việc gì là quyết không bỏ cuộc. Sau những cái ngáp mệt mỏi, đôi mắt đờ đẫn, Quỳnh Anh nói chẳng chút ngượng ngùng: "Nếu đã lăm lăm nhắm vào tình dục thì sẽ cảm thấy sung mãn với 'chuyện ấy'. Cái ảo giác chết người đã khiến người chơi cảm thấy sức khỏe thật mãnh liệt, không biết đến hai từ mệt mỏi".
Nhưng cô cũng gật gù thừa nhận: "Khi hết phê thuốc, cơ thể sẽ mềm nhũn, rũ rượi và chán chường. Đó là lý do khiến nhiều dân chơi "hàng đá" thường không thể bỏ giữa chừng...". Nói xong, Quỳnh Anh hít điếu thuốc đang cầm trên tay và nhả khói điệu nghệ.
Gần đây, các cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng của giới trẻ thường không thể thiếu "đập đá". Hùng, sinh viên một trường đại học ở TP HCM hào hứng: "Chỉ có chơi "đá" mới biết được cảm giác bay lơ lửng trên chín tầng mây...". Đã bao lần Hùng dồn hết tiền ba mẹ cho để cùng đám bạn vào khách sạn "đập đá". Theo Hùng, giá cả cũng tùy loại, nhưng một chấm (tức một cục đá nhỏ) giá dao động 1,2 - 1,5 triệu đồng, dùng được cho khoảng 5 người trong một đêm.
Có nhiều người ban đầu bị rủ rê với lời chiêu dụ rất tử tế: "Thử một lần đi, đảm bảo không gây nghiện đâu mà sợ. Lên mây một tí cho biết cảm giác". Vậy mà một khi đã gật đầu đồng ý thì coi như xong. Là chủ của một Beauty Salon có tiếng, tiền bạc rủng rỉnh nên chỉ sau vài lần hội tụ bạn bè, Thái bị nghiện "đá". Cả nhóm đều mê nó, còn Thái không muốn bị cho là "nhà quê". Ngay từ lời nói khích đầu tiên của lũ bạn, cậu thử luôn. Và khi đã thành con nghiện, Thái vẫn bô bô giới thiệu "cái này không gây nghiện đâu".
Từ nhận định sai lầm đó, dần dần "hàng đá" leo lên vị trí lựa chọn đầu bảng của giới ăn chơi. "Đá" được xem như loại "thần dược" đầy mê hoặc giúp thăng hoa, hưng phấn tột đỉnh nên đã nhanh chóng len lỏi vào mọi ngóc ngách của các buổi tiệc tùng, nhảy nhót, hát hò, bù khú... của một bộ phận giới trẻ có lối sống thác loạn. Những ai thất tình, chán sống lại càng muốn tìm đến "hàng đá" để tạm quên thực tại.
Theo những con nghiện "đá" lâu năm thì đẳng cấp dân chơi không chỉ được chứng minh bởi việc chi tiền cho mỗi chầu "đập đá" mà còn phải tỏ số má trong việc đầu tư công cụ "hít đá". Dụng cụ "đập đá" càng độc, càng chứng tỏ đẳng cấp. Nhiều đại gia đồng thời cũng là con nghiện đã không ngần ngại vung tiền để tậu về một bộ đồ nghề nhập từ nước ngoài có kiểu dáng "độc nhất vô nhị".
Trào lưu "đập đá" cứ thế trở thành cơn lốc ngầm khủng khiếp tàn phá một bộ phận giới trẻ thị thành, trong đó sinh viên dễ bị lôi kéo kích động. Độ tuổi của những người sử dụng có xu hướng trẻ hóa, từ 18 - 30 tuổi chiếm tỷ lệ rất cao. Một con nghiện còn khá trẻ từng trải lòng: "Sau khi phê 'đá', cơ thể như mọc hai cái cánh và người cứ thế nhẹ tênh, chỉ muốn bay, bay và... bay".
Một dân nghiện "đá" không ngần ngại chia sẻ: "hít đá" xong có khi làm "chuyện ấy" không biết mệt mỏi nên họ tìm đến các dịch vụ "xả đá". Trong các cuộc ăn chơi thác loạn đúng nghĩa thì "đập đá" và "xả đá" không thể tách rời nhau. Sinh hoạt tình dục tập thể không còn là chuyện hiếm trong giới chơi "hàng".
Tháng 3 vừa qua, Công an thị xã Thuận An (Bình Dương) bắt quả tang Đỗ Anh Kiệt (32 tuổi), Nguyễn Trọng Nghĩa (28 tuổi, cùng ở Bình Dương) cùng 2 thiếu nữ 17 và 19 tuổi đang chơi "hàng đá" trong khách sạn. Tang vật là một bộ nõ, bộ khò ma túy, cân tiểu ly và cục ma túy đá, ngoài ra còn nhiều hung khí như một lưỡi dao lê, roi điện... Kiệt và Nghĩa đã rủ bạn gái cùng vào khách sạn rồi ép "hít đá". Khi cả nhóm đều phê thì quan hệ tình dục tập thể.
Gói ma túy đá bị Liên ngành 141 Công an TP Hà Nội thu giữ trong quá trình làm nhiệm vụ
Ma túy đá là tên gọi chung cho các loại ma túy tổng hợp có chứa chất methamphetamine (meth) và amphethamine (amph), thậm chí là niketamid. Nó được bán bất hợp pháp trên thị trường dưới các dạng tinh thể đá. Theo các chuyên gia, ma túy đá không chỉ có tác dụng gây phê cho người nghiện mà còn là loại thuốc khiến người dùng thèm muốn cả chuyện quan hệ tình dục. Nhiều người dùng ma túy đá với mục đích ban đầu chỉ để được "hưởng lạc" trong một khoảnh khắc hoặc để chứng tỏ đẳng cấp, nhưng lại không biết nó có sức tàn phá sức khỏe nghiêm trọng và để lại nhiều hậu quả nguy hiểm.
Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, hàng đá có chất kích thích tâm thần, nếu dùng nhiều, ảo giác sẽ luôn thường trực khiến cơ thể hưng phấn, năng lượng tràn trề. Nó giải phóng những vận động tự động của cơ thể khiến người sử dụng chỉ muốn lắc lư, nhảy nhót với một tinh thần điên loạn và sẵn sàng chơi quên ngày, quên đêm. Ngay khi sử dụng, meth sẽ tác động trực tiếp gây kích thích hệ thần kinh trung ương, có thể tạo ảo giác trong một thời gian dài.
Từ đó, người nghiện sẽ thực hiện những việc làm khác thường, không thể kiểm soát được hành vi như: tự rạch tay, gào thét, chạy xe quá tốc độ, hình thành băng đảng đi gây án, thậm chí quan hệ tình dục tập thể... Người sử dụng lại không biết hoặc cố tình không biết đó chỉ là những cảm giác điên loạn nhất thời. Khi hết phê thuốc, thứ ảo giác kia biến mất, người nghiện sẽ đối mặt với thân hình tàn tạ, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, có khi trở về trạng thái vô hồn.
Bác sĩ Thắng cũng cho biết, ngoài việc gây ra cho người sử dụng chứng hoang tưởng ảo giác, rối loạn hành vi, "hàng đá" còn kích thích hệ thần kinh, gây mất ngủ khiến các cơ quan sinh học nội tạng nhanh chóng bị suy yếu, kiệt quệ. "Đập đá" còn ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp tăng, nếu sử dụng quá liều có thể dẫn đến tử vong. Chất Amph trong "hàng đá" còn gây ngộ độc các tế bào thần kinh sinh ra những chứng bệnh tâm thần, trầm cảm, loạn thần, nguy hiểm nhất vẫn là chứng hoang tưởng (nghi ngờ có người ám hại mình, ghen tuông, tự hành hạ bản thân...). Có không ít trường hợp khi nghiện "hàng đá", đòi hỏi tình dục tăng cao. Đó chính là nguyên nhân khiến "hàng đá" gắn liền với nhiều vụ làm tình tập thể.
Theo các chuyên gia, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, các con nghiện có thể mất khả năng duy trì nòi giống, nhất là đối với con nghiện "hàng đá" lâu năm.
Đằng sau thú chơi gây ảo giác cực mạnh ấy là những hậu quả khôn lường. Nhưng hàng đêm, trong tiếng nhạc xập xình với bộ loa vặn hết công suất tại các quán bar, vũ trường, những con nghiện "hàng đá" vẫn đang nhảy nhót điên cuồng. Đâu đó trong khách sạn, có đám lại tụm năm, tụm bảy đốt tiền bằng việc "đập đá" để được "cưỡi gió, vờn mây".
Theo xahoi
Thú vui của dân chơi nhí: Không biết đập đá, phá ke thì... quê lắm Nhiều quí tử cho rằng, không bay lắc thì đừng bao giờ nhắc đến "đẳng cấp". Để thể hiện cái gọi là đẳng cấp, dân chơi nhí đã lờ đi hậu quả chết người của các loại ma túy tổng hợp. Những kẻ đàn anh luôn cho rằng "thuốc lắc không bao giờ gây nghiện..."?! Phải đập đá, phá ke mới sành điệu...