Ma trận trạm thu phí: 10 km, 5 trạm
Tại Đồng Nai, bao vây TP.Biên Hòa là hàng loạt trạm thu phí (TTP) “chốt chặn” trên các tuyến quốc lộ 1A, 1K, 51, 20 và cả các tuyến tỉnh lộ, nội thành.
Theo QL51 từ Đồng Nai đi Vũng Tàu, ngay tại Long Thành (Đồng Nai) đã có một trạm nhưng khi chạy thẳng về cách trạm Long Thành khoảng 30 km lại có một trạm nữa nằm trên địa phận H.Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Nhưng bức xúc nhất là trên tuyến tỉnh lộ 16 dày đặc các TTP. Từ hướng Tân Vạn về H.Tân Uyên, Bình Dương, khi gần đến giao lộ với QL1K, tài xế phải mua vé ở trạm số 3. Vừa chạy qua khỏi vòng xoay cầu mới Hóa An (TP.Biên Hòa), lại gặp ngay trạm số 2. Hai trạm chỉ cách nhau chưa đầy 300 m, đứng từ trạm này có thể thấy rõ trạm kia. Cách trạm 2 khoảng 2 km về hướng Tân Uyên là trạm số 1. Cả 3 trạm này đều do Công ty Cường Thuận IDICO quản lý. Sau khi qua khỏi 3 trạm này, chạy thêm khoảng 7 km qua đến địa phận Bình Dương, lại gặp thêm 2 trạm nữa. Như vậy, trên một đoạn chỉ 10 km của tỉnh lộ 16, có đến 5 trạm nằm san sát nhau.
Điều bức xúc còn ở cách thu tiền bán vé. Theo quy định, mua 1 vé được đi suốt tuyến, có tuyến 2 trạm (QL1K), có tuyến 3 trạm (trên tỉnh lộ 16 do Cường Thuận IDICO quản lý), và ở các trạm đều có bảng hướng dẫn tài xế giữ vé lại để đi suốt tuyến nhưng bảng thông báo chữ lại quá nhỏ nên nhiều tài xế không biết, qua trạm nào cũng mua vé và nhân viên soát vé vẫn cứ bán. Bên cạnh đó, việc thu lại vé ở trạm cuối dẫn đến việc tài xế không còn vé để thanh toán.
Đó là chưa kể rất nhiều trường hợp dù cùng trên một tuyến đường ngắn nhưng nếu tuyến đường này đi qua địa bàn nhiều tỉnh thì phải mua phí nhiều lần. Ví dụ như tại QL13, QL1K, dù lái xe đã mua vé ở TP.HCM nhưng chỉ chạy vài km qua ranh giới Đồng Nai lại phải mua tiếp. Hay tại tỉnh lộ 16 đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương cũng vậy, chỉ hơn 10 km nhưng bắt buộc phải mua phí ít nhất là 2 lần.
Video đang HOT
Trạm số 2 và trạm số 3 (tỉnh lộ 16, Biên Hòa, Đồng Nai) chỉ cách nhau cái vòng xoay, đứng bên trạm này có thể thấy rõ trạm kia – Anh: T.Đ – H.N
TP.HCM: Bủa vây cửa ngõ
Trên địa bàn TP.HCM hiện có 7 trạm gồm: An Sương – An Lạc, Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Triệu 2, cầu Phú Mỹ. Tuy không dày đặc nhưng được bố trí theo kiểu bủa vây.
Các xe đi về miền Tây và ngược lại theo hướng QL1A sẽ phải qua trạm An Sương – An Lạc. Nếu đi theo tuyến đường Kinh Dương Vương ra QL1A thì cũng dính trạm Kinh Dương Vương. Những xe nếu đã “trót lỡ” chạy vào QL1A từ hướng An Sương đi An Lạc thì phải trả tiền cho “hệ thống” TTP An Sương – An Lạc. Gọi là hệ thống vì ngoài trạm chính ở QL1A (An Lạc, Q.Bình Tân) thì ngay cửa ngõ vào KCN Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh) cũng có thêm một trạm “con”, đến ngã tư Gò Mây (Q.Bình Tân), dù rẽ trái vào đường Lê Trọng Tấn hay rẽ phải vào đường Nguyễn Thị Tú cũng đều trả phí vì có 2 trạm “con” án ngữ cả hai phía. Tương tự ngay đầu đường Tân Kỳ Tân Quý, giao với QL1A cũng có một trạm “con”, tất cả đều thuộc dự án An Sương – An Lạc.
Ở hướng đông bắc là trạm xa lộ Hà Nội. Qua khỏi trạm này, xe nào rẽ qua cầu Phú Mỹ, vào đường Nguyễn Văn Linh để ra QL1A sẽ gặp trạm cầu Phú Mỹ, sau đó tiếp tục trả phí khi qua trạm trên đường Nguyễn Văn Linh. Ở hướng bắc, các xe đi vào TP.HCM phải đóng phí cho trạm dưới chân cầu Bình Triệu 2. Mới đây, Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) còn đặt thêm trạm (dù chỉ đang thử nghiệm) ngay dưới chân cầu Bình Triệu 1 song song với trạm cầu Bình Triệu 2, gây ra cảnh ùn ứ, ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Theo Thanh Niên
Ma trận trạm thu phí
Tại các cửa ngõ TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận, sự tồn tại dày đặc của trạm thu phí (TTP) khiến tài xế, các công ty vận tải vô cùng bức xúc.
Từ trung tâm TP.HCM, muốn ra khỏi TP, trước hết phải qua TTP cầu Bình Triệu 1. Vừa ra khỏi địa phận TP.HCM đi theo hướng quốc lộ (QL) 13 là "đụng" ngay trạm thu phí Vĩnh Phú - trạm đầu tiên của tỉnh Bình Dương, chỉ cách TTP cầu Bình Triệu 9 km. Ở trạm này, lưu lượng xe khá đông nên dù giữa trưa nhưng nhiều xe phải xếp hàng dài chờ đến lượt mua vé qua trạm. Tiếp tục chạy thẳng, chưa đầy 30 km, đến gần khu du lịch Đại Nam lại gặp tiếp một TTP nữa.
Trạm thu phí dày đặc gây nên cảnh ùn ứ giao thông thường xuyên - Ảnh: T.Đ - H.N
Từ ngã ba cầu Phú Long, nếu không đi thẳng mà quẹo phải về huyện Dĩ An, Bình Dương sẽ gặp ngay TTP Lái Thiêu (ấp Đông Ba, xã Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương), trạm này cách trạm Vĩnh Phú chưa đầy 3 km. Còn theo QL13 đến ngã tư Sở Sao, rẽ phải về Bình Phước lại tiếp tục gặp thêm vài TTP nữa. Anh Nguyễn Cường, lái xe cho một công ty vận tải tại TP.HCM có chi nhánh tại thị xã Đồng Xoài, Bình Phước, than thở: "Từ TP.HCM đi Đồng Xoài khoảng hơn 100 km mà có đến 5 trạm thu phí, cả đi và về mất gần 200.000 đồng phí. Thật vô lý".
Sơ đồ trạm thu phí dày đặc tại khu vực Bình Dương - Biên Hòa, Đồng Nai - Ảnh: T.Đ - H.N
Nhưng về mật độ dày đặc TTP phải kể đến tuyến QL1K. "Qua khỏi trạm Lái Thiêu, tiến về hướng QL1K sẽ gặp một "ma trận" TTP", tài xế tên Bằng chạy xe container từ QL13 về Tân Vạn nói với chúng tôi. Quả đúng như vậy, cách trạm Lái Thiêu 10 km, trước khi vào QL1K, lái xe phải giáp mặt với TTP Bình Thung (P.Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương). Chạy thêm 2 km đến QL1K, sẽ gặp 2 trạm nữa cùng mang tên TTP QL1K. Hai trạm này đều nằm trên QL 1K nhưng cách nhau chưa đầy 2 km, một đặt ở ấp Đông, xã Đồng Hòa, Dĩ An, Bình Dương, một tại phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Như vậy, dù rẽ trái (chạy về Biên Hòa) hay rẽ phải chạy về cầu vượt Sóng Thần cũng đều bị "dính" TTP. Nếu không về Sóng Thần hay Biên Hòa mà chạy thẳng về Tân Vạn theo đường ĐT743C thì cách QL1K chưa đầy 3 km sẽ gặp trạm Bình Thắng (thuộc xã Bình Thắng, Dĩ An, Bình Dương). Trong bán kính chưa đầy 3 km đã có 4 TTP bủa vây, "có chạy đằng trời cũng không thoát", lái xe Bằng nói.
Anh Hồ Thanh Tùng, tài xế xe container chạy tuyến cảng Bình Dương - TP.Thủ Dầu Một, nói: "Cánh tài xế ai cũng ngán ngẩm vì đi một đoạn đường ngắn lại phải trả tiền phí. Trả tiền đã khổ, khổ hơn là cảnh chen chân chờ mua vé qua trạm. Chúng tôi chở hàng, chỉ mong đưa hàng về sớm, nhưng rơi vào giờ cao điểm, các TTP này ùn ứ xe, đợi chờ rất lâu, rất mệt".
Khoản 3, điều 1, mục I, phần II, Thông tư 90 Bộ Tài chính ngày 7.9.2004 quy định: Đối với các đoạn đường bộ bắt đầu thu phí phải bảo đảm khoảng cách giữa hai trạm thu phí ở trên cùng một tuyến đường có độ dài tối thiểu là 70 km.
Trường hợp cá biệt, đoạn đường bộ không bảo đảm khoảng cách giữa hai trạm thu phí tối thiểu 70 km thì Bộ GTVT hoặc HĐND cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Tài chính, nêu rõ lý do đề nghị thu phí, kèm theo đề án thu phí (gồm: phương thức đầu tư, độ dài và chất lượng đường, việc xây dựng trạm thu phí và các điều kiện bảo đảm công tác tổ chức thu phí, dự kiến mức thu và căn cứ xác định mức thu...) để Bộ Tài chính xem xét, quyết định.
Theo Thanh Niên
Xe quá tải ùn ùn né trạm Hàng loạt xe quá tải chở hàng cao ngất rẽ vào các con đường trong khu dân cư để né trạm cân Dầu Giây Cả ngày lẫn đêm, xe quá tải chui vào đường Hùng Vương sát nách Trạm cân Dầu Giây để né trạm nhưng không thấy CSGT xử phạt Trạm cân Dầu Giây vốn từ lâu đã xảy ra lắm chuyện...