“Ma thuốc độc”: Lời đồn phải nghiêm trị
Liên tục thời gian qua, tại Bắc Giang và Hà Tĩnh xuất hiện tình trạng người dân chỉ ốm nhẹ, người mệt mỏi nhưng đã bị kẻ xấu lừa gạt, đồn thổi do bị “ ma làm”. Vì “ma làm” cho mệt, ốm nên cần phải uống thuốc để “gỡ bả”…
Tuy đã được chẩn đoán, hướng dẫn điều trị bệnh nhưng một số người dân trên địa bàn xã Biển Động, Lục Ngạn, Bắc Giang vẫn dùng thuốc giải độc.
Biển Động vì sao… động?
Chúng tôi về xã Biển Động, huyện Lục Ngạn, cách trung tâm tỉnh Bắc Giang gần 70km, với gần 50% dân số là đồng bào Tày, Nùng, Hoa và Cao Lan – nơi xảy ra căn bệnh mà người dân gọi là do bùa độc, đúng thời điểm đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang vừa hoàn thành đợt kiểm tra sức khỏe nhân dân trong vùng để kết luận về việc này.
Câu chuyện về bùa độc được đồn thổi rằng, từ năm 2011, một số người dân ở thôn Thùng Thình và các thôn lân cận như Đồng Man, Biển Trên, Biển Dưới… xã Biển Động bỗng dưng mắc bệnh với biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, đau người, ho kéo dài… từ đó nhiều người đồn thổi cho rằng trúng bả độc, nếu không “gỡ bả” sẽ chết dần, chết mòn.
Cùng thời điểm đó, trên địa bàn lại xuất hiện các thầy lang vườn, tự nhận có khả năng phát hiện và “gỡ bả”, trong khi họ không có chuyên môn về y dược, chưa hề có chứng chỉ hành nghề. Trong số đó có bà Năng Thị Tẩy, thôn Trại Mật, xã Tân Quang tự cho rằng chỉ cần nhìn trán và lòng bàn tay có thể phát hiện được người bị trúng bả độc. Tiếp xúc với bà Tẩy, bà này kể, khi ngủ nằm mơ có một ông già râu tóc bạc phơ ban cho bà khả năng thần bí. Tuy nhiên, bà chỉ có thể phát hiện trúng bả độc chứ không biết “gỡ bả”. Cùng lúc, ở thôn Thùng Thình, xã Biển Động có bà Lý Thị Tần cũng tự nhận có khả năng giải độc từ bài thuốc gia truyền.
Vậy là người dân truyền miệng nhau, hễ thấy một trong các triệu chứng nghi ngờ là nghĩ đến chuyện bị bỏ bùa độc. Cứ như vậy, không khí hoang mang, lo lắng bao trùm lên mỗi nóc nhà của người dân Biển Động vốn trước kia yên bình.
Video đang HOT
Cũng từ cuối năm 2011, hàng chục người ở Thùng Thình, Đồng Man, Biển Trên, Biển Dưới… tự nghi bị nhiễm độc tìm đến bà Tẩy nhờ phát hiện bệnh người nào bị bà “phán” trúng độc lại được bà giới thiệu đến bà Tần “tháo độc”, với bài thuốc dùng rễ cây rừng (không biết tên) giã nát ngâm với nước vo gạo khoảng 30 phút cho người trúng độc uống, người bệnh sẽ nôn ra chất độc. Số tiền khám, tháo bả độc từ 100-400 nghìn đồng/người. Cùng hành nghề phát hiện, giải độc hiện nay còn có ông lang Chiến, thôn Đồng Cún, xã Giáo Liêm ông Thanh Minh, thôn Đồng Bang, xã Chiên Sơn, huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang). Theo thống kê của cơ quan chức năng, thời điểm này, Biển Động có khoảng hơn 60 người nghi bị bỏ bùa độc đã đến khám, chữa bệnh tại các địa chỉ nêu trên.
Tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, vợ chồng anh Phạm Văn Dần và chị Nguyễn Thị Vinh ở thôn Đông Thái, xã Cẩm Bình bị đau bụng, người uể oải, mệt nhọc. Anh Dần đã đến trạm y tế xã để truyền đạm nhưng ngay tối hôm đó khi về nhà thấy mọi người bàn tán về việc mắc “ma thuốc độc”, lo sợ nên ngay sáng hôm sau, hai vợ chồng anh cùng với 6 cặp vợ chồng bên xóm đã tìm đường vào “thầy” ở Kỳ Anh để được khám bệnh. Kết quả, cả 2 vợ chồng đều “bị mắc” với mức độ khác nhau, vợ nặng hơn và chồng nhẹ hơn. Để giải thuốc độc, thầy đã kê đơn và cắt cho 2 vợ chồng 4 thang thuốc. Hiện tại, đã sắc uống được 3 thang. Sau khi thấy chính quyền và y tế tuyên truyền trên loa truyền thanh thì một thang còn lại anh Dần và chị Vinh không sắc nữa. Anh Dần nói: “Bản thân tôi cũng không tin vào chuyện ma thuốc độc nhưng vì thấy người ta đồn thổi nhiều nên cũng phải đi xem sao”.
Cán bộ y tế xóa tan tin đồn nhảm
Để “gỡ bả”, người dân phải uống 2 thang thuốc không rõ chất lượng, nguồn gốc như thế này. Ảnh: Nguyễn Tâm
Tìm hiểu người dân đã đến các ông lang vườn để bốc thuốc, chúng tôi đều biết đó là do bà con thiếu hiểu biết. Người đang khỏe nhưng bỗng nhiên sốt cao, mệt mỏi là cứ nghĩ mình ốm do… ma làm! Thậm chí, có người vẫn tỉnh táo để đến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã, được thầy thuốc ở trạm y tế xã cấp thuốc, khám, động viên nhưng về đến nhà, nghe theo lời nhỏ to của không ít người thiếu hiểu biết khác bỏ thuốc của trạm y tế xã cấp để tìm đến thầy lang vườn!?
Tình trạng này đã gây hậu quả xấu đối với sức khỏe người dân. Nhiều người mắc bệnh thông thường nhưng hoang mang, nghĩ bị bùa độc không đến cơ sở y tế để khám, điều trị mà chỉ lo gom góp tiền đi “tháo độc” dẫn đến bệnh càng nặng, giảm sút tinh thần và thể lực. Lo ngại hơn, tình trạng này xảy ra trong thời gian dài dẫn tới mối nghi ngờ, mâu thuẫn giữa các gia đình, dòng họ gia tăng nhiều người còn bỏ sản xuất, ảnh hưởng không tốt tới mối quan hệ cộng đồng và tình hình KT-XH, an ninh trật tự trên địa bàn.
Trước tình hình đó, mới đây, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã phối hợp với y tế địa phương tổ chức khám bệnh, điều tra yếu tố dịch tễ làm rõ sự việc. Được biết tại Bắc Giang, trong buổi khám bệnh, có hơn 60 người tự nghi bị trúng bả độc, đã có 46 người đến khám. Trong đó có 27 người được các bà lang chẩn đoán trúng bả độc và đã uống thuốc “tháo độc” nhưng vẫn mệt mỏi, đau người, đau khớp, ho…
Ông Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết: “Kết quả khám bệnh và chẩn đoán của đoàn công tác cho thấy có 11 trường hợp mắc bệnh đường hô hấp, 9 người bị các nhóm bệnh về khớp, 8 ca mắc bệnh đường tiêu hóa, 3 trường hợp mắc nhóm bệnh tim mạch, 2 trường hợp suy nhược cơ thể, số còn lại khỏe mạnh bình thường. Những ca phát hiện bệnh đã được kê đơn điều trị, một số trường hợp được giới thiệu, hướng dẫn kiểm tra, điều trị tại các chuyên khoa tuyến trên. Trong quá trình khám và điều tra dịch tễ học, đoàn công tác không phát hiện dấu hiệu, yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh truyền nhiễm hay biểu hiện bị ngộ độc”.
Cán bộ y tế của Trung tâm YTDP huyện Cẩm Xuyên và Trạm y tế xã Cẩm Bình đã đến tận nhà những trường hợp mà họ cho rằng bị mắc “ma thuốc độc” để thăm khám sức khỏe. Kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ và trường học. Tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh để nâng cao nhận thức cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Định, Trạm trưởng Trạm y tế xã Cẩm Bình cho biết: “Sau khi có tin đồn, cán bộ y tế đã tham mưu với chính quyền địa phương thành lập Ban chỉ đạo. Qua việc thành lập đoàn cùng với Trung tâm y tế dự phòng huyện điều tra, xem xét cụ thể thấy rằng, do thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng nên người dân mắc các bệnh cảm cúm, bị nhiễm virut. Chúng tôi đã tuyên truyền và vào cuộc điều trị kịp thời”.
Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Thùy, Chủ tịch UBND xã Biển Động, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang khẳng định: “Quá trình điều tra và xác minh của các cơ quan chức năng cho thấy tất cả các ông (bà) lang trên đều chưa qua lớp đào tạo về y dược cổ truyền, không có chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện khám, chữa bệnh. Hoạt động của họ là vi phạm pháp luật, mang màu sắc mê tín dị đoan và có yếu tố trục lợi…”.
Qua sự việc trên, thiết nghĩ chính quyền địa phương và y tế cơ sở cần quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đẩy mạnh hoạt động giám sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền, vận động, ổn định tư tưởng cho nhân dân và tăng cường công tác quản lý nhà nước về hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, góp phần răn đe, cảnh báo, giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Bệnh viêm não mô cầu: Quan trọng là phát hiện sớm!
Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm não mô cầu thay cho cách điều trị theo kinh nghiệm trước đây. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, để điều trị thành công, quan trọng nhất là phát hiện và dùng kháng sinh sớm.
Bệnh não mô cầu với các ban xuất huyết điển hình. Ảnh: Cấp Nguyễn
Về chẩn đoán, hướng dẫn điều trị mà Bộ Y tế ban hành mới đây nêu rõ: nếu một bệnh nhân mà có các yếu tố dịch tễ như có tiếp xúc với bệnh nhân hoặc sống trong tập thể có người đã được xác định viêm não mô cầu, lại có các biểu hiện lâm sàng như sốt cao đột ngột, có thể có rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu, rồi thêm các triệu chứng màng não - não như đau đầu dữ đội, buồn nôn, rối loạn ý thức, li bì, vật vã, kích thích... thì cần nghĩ đến nguy cơ viêm não mô cầu.
Theo một bác sĩ có kinh nghiệm điều trị bệnh viêm não mô cầu tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, việc chẩn đoán xác định sớm, điều trị kháng sinh sớm rất quan trọng. Bởi với những trường hợp viêm não mô cầu thể tối cấp sẽ khiến bệnh nhân nhanh chóng bị nhiễm trùng nhiễm độc nặng, rơi vào tình trạng sốc, suy đa thể tạng và có thể tử vong nhanh trong vòng 24h.
Về nguyên tắc điều trị, Bộ Y tế nêu rõ là cần sử dụng kháng sinh sớm (chọn và liều lượng các loại thuốc kháng sinh cụ thể như PenicillinG, Ampicillin, hoặc Cefotaxin, Ciprofloxacin...), hồi sức tích cực và cách ly người bệnh.
Bác sĩ trên cho rằng hướng dẫn cụ thể về loại thuốc và liều lượng cho cả bệnh nhi và người lớn sẽ rất hữu ích cho bác sĩ tuyến dưới điều trị đúng phác đồ, giảm nguy cơ tử vong. Bởi trước khi có hướng dẫn, phác đồ điều trị chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, các ca bệnh gặp rải rác vẫn được bác sĩ phát hiện dựa trên những dấu hiệu được mô tả trên lý thuyết và bệnh học và điều trị theo kinh nghiệm thực tế. Còn khi đã có dấu hiệu ban xuất huyết điển hình và các dấu hiệu viêm não... thì đã chậm.
Tuy nhiên, bác sĩ này một lần nữa khẳng định, với các ca não mô cầu bình thường, thì điều trị kháng sinh rất hiệu quả. Nhưng với thể tối cấp, việc phát hiện, điều trị vô cùng khó khăn vì bệnh diễn tiến cực nhanh, khởi bệnh sốt cao đột ngột và có thể dẫn đến sốc, tử vong chỉ ngay trong ngày đầu biểu hiện bệnh.
Về phòng bệnh, Bộ Y tế cũng hướng dẫn người dân phòng bệnh trong cộng đồng bằng cách thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoái nơi ở, nơi làm việc. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ cần đến viện sớm. Còn tại bệnh viện, cần cách ly bệnh nhân, đeo khẩu trang khi tiếp xúc người bệnh... và với những người tiếp xúc trực tiếp cần dùng thuốc dự phòng. Các loại thuốc dự phòng, liều lượng cũng được hướng dẫn chi tiết để tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến cơ sở trong việc phát hiện, điều trị dự phòng cho những người tiếp xúc bệnh nhân.
Tuy nhiên, với căn bệnh này, để phòng đặc hiệu nhất là tiêm phòng vắc-xin. Người dân nên đi tiêm vắc-xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A,B và C. Vắc xin này có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, nhắc lại 3 năm một lần.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Điều trị bệnh "da lạ" không quá khó! Bệnh lạ tại Quảng Ngãi đang diễn biến phức tạp, số người mắc bệnh và người chết gia tăng. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Hậu Khang, giám đốc bệnh viện Da liễu TƯ, cho rằng không quá khó để điều trị bệnh này. Một bệnh nhân ở làng Rêu, Ba Điền, Ba Tơ, Quãng Ngãi đang được điều trị tại bệnh viện Đa khoa...