‘Ma men’ đủ chiêu chống cảnh sát
Không chịu thổi khi đo nồng độ cồn, cố thủ trên xe hoặc quăng xe bỏ chạy… là cách mà nhiều “ma men” ở TPHCM thực hiện sau khi CSGT ra quân đo nồng độ cồn.
CSGT hướng dẫn người đi xe máy thổi vào máy đo nồng độ cồn. Ảnh: Ngô Bình.
Thận yếu nên thổi… ra cồn!
Liên tục các buổi tối từ ngày 16 tới 23/8, Đội CSGT Rạch Chiếc cùng lực lượng cảnh sát cơ động, dân phòng lập chốt chặn ngay trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội để kiểm tra nồng độ cồn của các tài xế xe tải, xe container và ô tô con. Ngay khi tài xế dừng xe mua vé qua trạm thu phí, lực lượng CSGT tiếp cận yêu cầu tài xế thổi, thời gian kiểm tra tại đây chỉ mất 30 giây và tài xế không cần ngậm ống thổi mà thổi hơi thẳng vào máy đo.
Tuy nhiên, ngoài những tài xế tuân thủ việc kiểm tra, nhiều tài xế ô tô tỏ ra bất hợp tác, không chịu thổi vào máy, thậm chí có người bỏ chạy hay cố thủ trên xe khi thấy lực lượng chức năng chốt chặn. Gặp những trường hợp này, lực lượng CSGT phải mất thời gian dài để thuyết phục, thổi mẫu nhiều lần thì tài xế mới chịu hợp tác.
Chạy chiếc ô tô hạng sang màu đỏ chót vừa dừng tại trạm thu phí để mua vé, bị CSGT đến đo nồng độ cồn, ông L.M.H chỉ ngậm chiếc ống của máy đo nồng độ cồn mà không thổi mặc cho CSGT giải thích và hướng dẫn. Ông H. vẫn chỉ ngậm và nói: “Già rồi thổi không ra hơi”.
Sau nhiều lần giải thích và CSGT phải ngậm ống thổi mẫu thì ông H. mới chịu thổi. Kết quả đo cho thấy ông H. có nồng độ cồn là gần 0,5 mg/lít khí thở. Ông H. bị CSGT lập biên bản xử phạt nhưng không chịu ký mà lấy điện thoại gọi cho người thân để cầu cứu nhưng vẫn không được. Với gương mặt đỏ ngầu, ông này tiếp tục giải thích là mình bị bệnh tiểu đường, thận yếu nên thổi ra hơi cồn chứ không uống rượu bia. Tuy nhiên, với nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, ông H. vẫn bị lập biên bản xử phạt và tạm giữ xe.
Mỗi năm Việt Nam có 12.000 người chết vì TNGT, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến rượu bia. Riêng tại TPHCM từ đầu năm đến nay có 45 vụ TNGT có liên quan rượu bia làm 42 người chết. 6 tháng đầu năm 2016, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận hơn 8.800 ca cấp cứu do tai nạn giao thông trong đó có hơn 1.200 ca liên quan đến rượu bia.
Video đang HOT
Tương tự, tối 17/8, anh N.T.T (28 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) chạy xe máy tới trước vạch đèn đỏ thì bị CSGT đội tuần tra dẫn đoàn yêu cầu tấp vào lề để đo nồng độ. Khi CSGT đưa máy đo, anh T. chỉ ngậm ống thổi phồng má lên nhưng không ra hơi. CSGT phải mất bốn lần giải thích thì anh T. mới chịu thổi nhẹ. Cuối cùng, kết quả đo nồng độ anh T. hơn 0.7 mg/lít khí thở nên bị lập biên bản phạt 3,5 triệu đồng, tạm giữ xe 7 ngày và tước giấy phép lái xe 4 tháng.
Đáng chú ý, cũng trong buổi xử lý của đội Tuần tra dẫn đoàn, một thanh niên chạy xe máy với khuôn mặt đỏ ửng bị CSGT dừng xe đưa vào lề. Ban đầu người này tỏ vẻ chấp hành tốt và sẵn sàng thổi vào máy đo nồng độ. Thế nhưng, khi máy báo nồng độ của người này quá mức cho phép, CSGT chuẩn bị lập biên bản thì người này trở nên hung hăng, không xuất trình giấy tờ và tỏ thái độ thách thức, đập mũ bảo hiểm xuống đường rồi để xe lại bỏ đi. “Tôi thách các ông phạt được tôi đấy”, nam thanh niên nói xong rồi bỏ chiếc xe máy lại, đi mất.
Cảnh sát phải đưa người lái xe bỏ chạy về chốt để đo nồng độ cồn. Ảnh: Ngô Bình.
Một tuần, xử gần 450 trường hợp vi phạm
Theo Phòng CSGT Đường bộ đường sắt (PC67) Công an TPHCM, chỉ trong vòng một tuần ra quân từ ngày 16- 23/8, các đơn vị trực thuộc đã tổ chức tuần tra kiểm soát công khai 24/24 và đã xử lý 447 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 447 phương tiện. Hầu hết lái xe khi thổi vào máy đo đều có mức nồng độ cồn trên 0,25 mg/1 lít khí thở. Trong đó, số trường hợp lái xe có mức nồng độ cồn trên 0,4 mg/1 lít khí thở chiếm trên 36% tổng số trường hợp vi phạm. Riêng Đội Rạch Chiếc tổ chức kiểm tra theo kinh nghiệm quốc tế đã xử lý 15 trường hợp điều khiển phương tiện ô tô có nồng độ cồn, tạm giữ 15 phương tiện, trong đó 11 xe ô tô tải, 4 xe ô tô con.
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó phòng PC67 Công an TPHCM cho biết, từ nay đến cuối năm, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với nhiều lực lượng khác như cảnh sát hình sự, cơ động… đồng loạt ra quân xử lý vi phạm giao thông. Trong đó, sẽ tập trung xử lí quyết liệt đối với các hành vi điều khiển xe ô tô, mô tô, gắn máy có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.
Cụ thể, trong khung giờ từ 18h đến 22h, các đơn vị sẽ thực hiện tuần tra kiểm soát khép kín, kết hợp hóa trang nhằm xử lý có hiệu quả những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn ở các khu vực tập trung đông hàng quán, nhà hàng có kinh doanh rượu bia. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm từ 16/8 tới 15/9, lực lượng CSGT thành phố sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát công khai liên tục 24/24 với những nội dung trọng tâm như chạy xe quá tốc độ; lạng lách, đánh võng; không chấp hành hiệu lệnh, đèn tín hiệu giao thông; đua xe trái phép…
Trong thời gian sắp tới, lực lượng CSGT thành phố tiếp tục tăng cường tuần tra khép kín 24/24, kết hợp kiểm tra hành chính ban đêm, tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông như lái xe sau khi uống rượu bia.
270 “sâu rượu” bị phạt ở Hà Nội
Ngày 25/8, Phòng cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội cho biết, sau hơn một tuần áp dụng tăng mức phạt mới với hành vi vi phạm nồng độ cồn (từ ngày 16/8 đến 24/8), lực lượng cảnh sát đã xử lý trên 270 trường hợp. Trong đó có 3 trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát. Tất cả các hành vi trên, tài xế đều bị xử lý hành chính, tước GPLX theo quy định. Ngoài ra, người điều khiển ô tô vi phạm còn bị tạm giữ phương tiện trong 7 ngày.
Trước đó, tháng 2/2015, Ủy ban ATGT quốc gia và Hiệp hội Rượu – Bia – Nước giải khát Việt Nam ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động phòng chống lạm dụng rượu bia với người điều khiển phương tiện xe cơ giới đường bộ với khẩu hiệu “Đã uống rượu bia là không lái xe”. Theo đó, khách hàng nhậu say có thể để lại ô tô, xe máy ở lại bãi gửi và được nhân viên nhà hàng đưa về miễn phí. Mô hình này được thí điểm tại một nhà hàng trên phố Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau đó mở rộng thêm ở TPHCM và TP Đà Nẵng.
Theo Tiền Phong
CSGT hóa trang không có quyền xử lý "ma men"
Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết, việc CSGT tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang phải có kế hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt
CSGT Hà Nội tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Thực hiện kế hoạch cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, giữa tháng 8.2016, Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội và TP. Hồ Chính Minh đã tăng cường xử lý vi phạm về nồng động cồn.
Trong đó, các đơn vị triển khai thực hiện tuần tra kiểm soát khép kín có kết hợp hóa trang, tập trung xử lý có hiệu quả các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn tại các khu vực đông hàng quán, nhà hàng có kinh doanh thức uống có cồn.
Đại úy Đặng Thành Trung - Đội Phó Đội CSGT số 6 cho biết, khi làm nhiệm vụ xử lý vi phạm về nồng độ cồn, cán bộ CSGT hóa trang sẽ mặc thường phục trà trộn ở khu vực cửa quán nhậu, quán ăn, khi phát hiện người có biểu hiện vi phạm điều khiển xe sẽ báo với tổ công tác làm nhiệm vụ trên đường kiểm tra, xử lý.
Trao đổi với PV, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết, việc CSGT tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để xử lý người vi phạm về nồng độ là phù hợp với quy định tại điều 9, thông tư 01/2016 của Bộ Công an.
"CSGT được phép hóa trang, mặc thường phục để làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc phát hiện người vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Tuy nhiên, cán bộ hóa trang sẽ không có thẩm quyền xử lý vi phạm. Họ chỉ phối hợp, phát hiện dấu hiệu vi phạm sau đó thông báo cho lực lượng làm nhiệm vụ công khai, có mặc sắc phục kiểm tra, xử lý.
Ngoài ra, việc CSGT tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang phải có kế hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt", Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết.
Trao đổi với PV về công tác xử lý người vi phạm nồng độ của Đội CSGT số 6, đại úy Đặng Thành Trung cho biết, quá trình xử lý người vi phạm về nồng độ cồn gặp khó khăn bởi khi làm việc với cán bộ CSGT nhiều người vi phạm sử dụng rượu bia nên vẫn trong trạng thái không tỉnh táo.
"Có trường hợp say rượu chúng tôi yêu cầu thổi máy kiểm tra nồng độ cồn nhưng vứt xe bỏ đi nhất quyết không chấp hành. Chúng tôi vận động đủ kiểu nhưng người vi phạm không chấp hành nên đã xử lý về hành vi không chấp hành kiểm tra về nồng độ cồn", đại úy Đặng Thành Trung.
Theo Phòng CSGT Hà Nội, từ ngày 16.8 đến 15h ngày 17.8, Phòng đã tổng xử lý tổng cộng 46 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, có 5 người điều khiển xe ô tô, 41 trường hợp điều khiển xe mô tô, 2 trường hợp phạm lỗi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn.
Điều 9 - Thông tư 01/2016 Bộ Công an quy định: Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang 1. Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang a) Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; b) Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp. 2. Thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang a) Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang quy định tại Khoản 1 Điều này; b) Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này. 3. Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang a) Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát; b) Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật; Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật; c) Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Theo Đỗ Tuấn (Dân Việt)
Từ 16/8, CSGT lập chốt gần nhà hàng, quán rượu Thời gian lập chốt sẽ bắt đầu vào các giờ cao điểm từ 11h - 14h, từ 16h - 21h trong các ngày từ 16/8-15/9/2016. Cục Cảnh sát giao thông cho biết, nhằm bảo đảm an toàn cho các hoạt động kỷ niệm của Nhà nước và đi lại an toàn của nhân dân trong dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng...