M163 VADS Thái Lan sau nâng cấp có vượt trội ZSU-23-4 Việt Nam?
Pháo phòng không tự hành M163 VADS được Mỹ chế tạo trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, có vai trò tương tự như ZSU-23-4 của Liên Xô.
Trang mạng Thai Defence vừa qua cho biết, Lục quân Hoàng gia Thái Lan đã ký hợp đồng với tập đoàn IMI của Israel để nâng cấp các tổ hợp pháo phòng không tự hành M163 VADS (Vulcan Air Defence System).
Pháo phòng không tự hành M163 VADS của Lục quân Hoàng gia Thái Lan trong một cuộc triển lãm
Giới thiệu chung
M163 VADS là hệ thống pháo phòng không tự hành do Mỹ chế tạo từ những năm 1960, chính thức phục vụ quân đội nước này trong giai đoạn 1968 – 1994.
Hệ thống gồm 1 pháo tự động nòng xoay M168 Vulcan Gatling cỡ 20 mm với cơ số 1.100 viên đạn đặt trên khung gầm xe thiết giáp M113.
Pháo M168 có thể bắn từng loạt ngắn 10, 30, 60, 100 viên hoặc tự động hoàn toàn với tốc độ 3.000 phát/phút; tầm bắn hiệu quả đạt 1,5 – 2 km, tối đa 5 km; pháo có góc nâng hạ -50 – 800 (tốc độ 450/giây), góc xoay ngang 3600 (tốc độ 600/giây).
Một hệ thống pháo phòng không tự hành M163 VADS của Mỹ
M163 VADS được trang bị radar điều khiển hỏa lực tầm ngắn AN/VPS-2 cùng kính ngắm quang học M61 cho phép tác chiến vào ban đêm. Tuy nhiên do pháo thủ phải ngồi trong tháp pháo hở dẫn đến chịu nhiều nguy hiểm trên chiến trường.
Ngoài nhiệm vụ phòng không, khi cần thiết M163 VADS còn có thể sử dụng để chống lại xe thiết giáp bằng đạn M53 (xuyên được giáp dày 6,3 mm ở góc chạm 00 từ cự ly 1.000 m) hoặc đạn M56 (thâm nhập 12,5 mm thép đồng nhất ở góc chạm 00 cách 100 m).
Màn hình hiển thị chức năng được lắp đặt bên trong khoang chiến đấu của M163 VADS
Do các thiết bị điều khiển tác chiến của M163 VADS đều cũ và lạc hậu nên Thái Lan đã quyết định nâng cấp toàn bộ 24 hệ thống của mình.
Theo thông tin ban đầu, IMI sẽ tiến hành lắp đặt thiết bị đo xa laser nhằm thay thế radar AN/VPS-2, trang bị thêm màn hình hiển thị chức năng, kính ngắm ảnh nhiệt và một vài tính năng mới như điều khiển từ xa, theo dõi mục tiêu tự động trong mọi điều kiện thời tiết…
Sau khi trải qua quá trình nâng cấp, M163 VADS được đánh giá sẽ có một sức mạnh mới, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của tác chiến phòng không hiện đại.
Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 của Việt Nam
Video đang HOT
Một trong những hệ thống tương đương với M163 VADS chính là pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 “Shilka” do Liên Xô chế tạo, hiện có trong trang bị của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
ZSU-23-4 gắn kết trên khung gầm xe bánh xích GM-575 một tháp pháo bọc thép dạng hàn có thể xoay 3600 với 4 pháo tự động 23 mm loại 2A7 (cơ số đạn 2.000 viên) làm mát bằng chất lỏng.
Mỗi nòng pháo có tốc độ bắn 850 – 1.000 phát/phút, tạo ra hỏa lực 3.400 – 4.000 phát/phút, đi kèm cơ cấu giảm giật bằng thủy lực rất đáng tin cậy.
Hệ thống hoàn toàn ổn định và có khả năng bắn tốt, chính xác khi đang di chuyển nhờ radar RPK- 2 “Tobol” (NATO định danh “Gun Dish”) tầm hoạt động tối đa 20 km.
ZSU-23-4 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay với tốc độ 450 m/s, tầm bắn hiệu quả lên tới 2.500 m.
Để chống lại xe thiết giáp, Shilka sử dụng đạn BZT xuyên được 15 mm giáp đồng nhất với góc chạm 300 từ cự ly 100 m, hoặc lên tới 25 mm nếu bắn từ xa 400 m ở góc 00.
Có thể dễ dàng nhận thấy ZSU-23-4 vượt trội khá nhiều so với M163 VADS, nhưng hiện nay ưu thế này liệu còn rõ rệt?
Pháo phòng không ZSU-23-4 Shilka của Việt Nam trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật
Đánh giá
Nếu căn cứ theo những thông tin đã công bố, gói nâng cấp của Israel chủ yếu tập trung vào hệ thống ngắm bắn nhằm nâng cao độ chính xác cho M163 VADS.
Tuy nhiên các thông số sau hiện đại hóa vẫn chưa rõ ràng và đáng kể nhất là M163 VADS đã không còn radar dẫn bắn.
Cách xác định mục tiêu bằng laser mặc dù chính xác hơn nhưng chỉ ổn định trong điều kiện thời tiết đẹp, hiệu suất sẽ giảm rõ rệt khi trời mưa hay có sương mù.
Trong khi đó, ZSU-23-4 ngoài ưu thế về hỏa lực, sức mạnh và độ tin cậy thì gần đây, mặc dù không ồn ào nhưng nhiều thiết bị điều khiển tác chiến cũng đã được Việt Nam tự cải tiến trong nước bằng những công nghệ hiện đại.
Do vậy, rất khó để cho rằng M163 VADS của Thái Lan sau nâng cấp sẽ có sức mạnh vượt trội Shilka như một số nhận xét trên các trang mạng quân sự nước ngoài.
Theo Trí Thức Trẻ
Các loại xe, pháo phòng không tự hành của Quân đội Việt Nam
Pháo phòng không tự hành là một trong những thành phần quan trọng của "lưới lửa" tầm thấp bảo vệ bầu trời tổ quốc.
1. Pháo phòng không tự hành ZSU-57-2
Pháo phòng không tự hành ZSU-57-2
ZSU-57-2 (Ob'yekt 500) là loại pháo phòng không tự hành đầu tiên của Liên Xô được sản xuất với số lượng lớn. "ZSU" là viết tắt của Zenitnaya Samokhodnaya Ustanovka (tiếng Nga: ), nghĩa là "Hệ thống pháo phòng không tự hành" đặt trên khung gầm xe xích. "57" là cỡ nòng của pháo tính theo đơn vị mm và "2" là số lượng nòng pháo trang bị trên xe.
Công việc thiết kế ZSU-57-2 bắt đầu năm 1947 và kết thúc vào năm 1954. Sang đến năm 1955, loại pháo tự hành này được chính thức chấp nhận đưa vào biên chế quân đội Liên Xô, giai đoạn sản xuất hàng loạt kéo dài từ năm 1957 - 1960 với hơn 2.000 hệ thống được xuất xưởng.
Thông số kỹ thuật cơ bản: Trọng lượng 28,1 tấn; dài 8,46 m (tính cả chiều dài nòng pháo); rộng 3,27 m; cao 2,71 m; kíp chiến đấu 6 người. Xe được trang bị động cơ diesel V-54 công suất 520 mã lực cho tốc độ tối đa 50 km/h trên đường tốt (30 km/h trên đường xấu), tầm hoạt động 420 km trên đường tốt (320 km trên đường xấu).
Thân xe pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 về cơ bản là phiên bản đơn giản hóa của khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-54 với giáp mỏng hơn (chỉ từ 8 - 15 mm) và bớt đi 1 hàng bánh chịu lực. Trên khung xe là tháp pháo lớn, mở ra trên nóc, trong tháp pháo là 2 khẩu pháo phòng không 57 mm L/76,6 S-60 (hoặc S-68A) với cơ số 300 viên đạn.
Pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 của Việt Nam khi mới tiếp nhận
Pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 được Liên Xô viện trợ rộng rãi cho các nước đồng minh thuộc Khối Hiệp ước Warsaw cũng như ở châu Á và châu Phi. Quân đội Nhân dân Việt Nam nhận được một lượng nhỏ ZSU-57-2 vào giai đoạn giữa của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 của Việt Nam trên chiến trường
Về cơ bản, ZSU-57-2 bị đánh giá là một vũ khí không thành công do pháo cao xạ S-60 mặc dù uy lực khá mạnh (tầm bắn hiệu quả lên tới 6.000 m) nhưng lại có tốc độ bắn chậm (tối đa 210 - 240 viên/phút), mang theo được ít đạn, thêm vào đó lại thiếu radar và không thể bắn khi di chuyển. Trong quân đội Liên Xô và nhiều quốc gia khác (có cả Việt Nam), ZSU-57-2 đã sớm bị thay thế bằng ZSU-23-4 ưu việt hơn.
2. Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4
Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4
Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka (Lá chắn nhỏ) được quân đội Liên Xô thiết kế từ năm 1957 - 1962 với mục đích khắc phục những nhược điểm đã nêu của ZSU-57-2. Mặc dù có tầm bắn hiệu quả ngắn hơn nhưng Shilka vẫn được đánh giá tốt hơn nhiều so với người tiền nhiệm nhờ tốc độ bắn cao và được trang bị radar điều khiển hỏa lực có thể theo dõi mục tiêu từ cự ly 6 - 10 km.
ZSU-23-4 được trang bị cho phòng không lục quân Liên Xô vào năm 1962, giai đoạn sản xuất hàng loạt từ năm 1964 - 1982 với tổng số 6.500 hệ thống. Hiện nay các phiên bản ZSU-23-4 vẫn còn trong biên chế quân đội Nga và tất cả những quốc gia từng sử dụng khác.
Thông số kỹ thuật cơ bản: Trọng lượng 19 tấn; dài 6,535 m; rộng 3,125 m; cao 2,576 m (tính cả radar); kíp chiến đấu 4 người. Xe được trang bị động cơ diesel V-6R công suất 280 mã lực cho tốc độ tối đa 45 km/h trên đường tốt (30 km/h trên đường xấu), tầm hoạt động 450 km trên đường tốt (300 km trên đường xấu).
Thân xe pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 được sửa đổi trên khung gầm xe bánh xích GM-575, loại cũng được sử dụng trên xe tăng lội nước PT-76. Trên tháp pháo là 4 pháo phòng không loại 2A7 cỡ nòng 23 mm với 2.000 viên đạn, tốc độ bắn 4.000 viên/phút, có thể bắn trúng các mục tiêu đang bay với tốc độ 450 m/s, tầm bắn hiệu quả lên tới 2.500 m.
Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 của Việt Nam
So với ZSU-57-2 thì Shilka có mặt tại Việt Nam muộn hơn, vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tuy nhiên do số lượng viện trợ hạn chế và bộ đội Việt Nam còn chưa thực sự quen với khí tài nên loại pháo phòng không tự hành này hầu như không để lại dấu ấn nào đáng kể trên chiến trường.
ZSU-23-4 Shilka của Việt Nam trong cuộc diễn tập bắn đạn thật tại trường bắn TB-1 đầu tháng 12/2013
Hiện nay ZSU-23-4 Shilka đang giữ vai trò chủ lực của lực lượng phòng không lục quân Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ phòng không như thiết kế, khi cần thiết thì loại pháo tự hành này còn có thể hạ nòng để trở thành một phương tiện yểm trợ hỏa lực cho bộ binh rất hiệu quả.
3. Xe thiết giáp phòng không BTR-40A và BTR-152A
Ngoài 2 loại pháo phòng không tự hành chuyên dụng trên, Quân đội Nhân dân Việt Nam còn có trong biên chế 2 loại xe thiết giáp được sử dụng với vai trò phòng không gồm BTR-40A và BTR-152A. Đây là 2 loại xe bọc thép chở quân mui trần được hoán cải bằng cách lắp thêm súng máy phòng không ZPU-2 (KPV 14,5 mm) lên thùng xe.
Những xe thiết giáp phòng không BTR-40A của Việt Nam được Liên Xô viện trợ vào giữa thập niên 1950, nó được triển khai hoạt động chủ yếu trên tuyến đường Trường sơn để bảo vệ các đoàn xe vận tải. Hiện nay toàn bộ số BTR-40A của Việt Nam đều đã bị loại biên.
Xe thiết giáp phòng không BTR-40A của Việt Nam
Biên đội xe thiết giáp phòng không BTR-40A của Việt Nam trên đường hành quân
Ngoài BTR-40, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ Việt Nam còn nhận được cả thiết giáp BTR-152, tuy nhiên đó là phiên bản chở quân BTR-152V. Những xe thiết giáp BTR-152A phiên bản phòng không hiện đang sử dụng có lẽ là do quân đội Việt Nam tự tiến hành hoán cải.
Xe thiết giáp phòng không BTR-152A của Việt Nam
Gần đây trên truyền hình Quân đội nhân dân đã xuất hiện những hình ảnh đầu tiên của xe thiết giáp BTR-152A do Việt Nam nâng cấp, có thể thấy xe đã được lắp đặt 1 tháp súng mới hiện đại hơn thay cho kiểu bố trí "đơn sơ" nguyên bản.
Xe thiết giáp BTR-152A nâng cấp của Việt Nam
Theo Tri Thức
Tính năng chưa biết của pháo phòng không ZSU-23-4 Việt Nam ZSU-23-4 ngoài khả năng phòng không còn có thể tấn công bộ binh địch, điều này đã được chứng minh trong nhiều cuộc xung đột. Những người lính trong Quân đội Liên Xô thường nói đùa rằng "lính phòng không thường là những phi công không đạt chuẩn, cho nên họ không thích những kẻ khác bay trên bầu trời của mình". Điều...