Ly kỳ “hoa máu” tố cáo kẻ đâm nạn nhân 140 nhát
Trong giáo trình đào tạo cảnh sát điều tra, đặc biệt là cảnh sát làm việc ở hiện trường thì phân tích “hoa máu” là một bài giảng riêng. Tuy nhiên, thực tế và sách vở luôn cách xa một trời một vực. Chỉ có sự dày dạn kinh nghiệm, kết hợp với đôi “mắt thần”, được rèn luyện kỹ càng, người cảnh sát khám nghiệm hiện trường mới có thể đọc được những điều “hoa máu” muốn nói về vụ án.
Kỳ 4: Vụ giết người đẫm máu
Tất cả những giọt máu ở hiện trường, “nở” thành loại “hoa” gì: cánh dày, cánh mỏng, cánh nhọn, cánh tù, cánh đậm, cánh nhạt… đều có thể là cánh cửa để khám phá vụ án.
Thậm chí nhìn “hoa máu” rơi ở hiện trường, cảnh sát khám nghiệm hiện trường có thể đoán được hướng gió thế nào, kể cả gió cấp mấy khi vụ án xảy ra.
Thời điểm đó, Nguyễn Hồng Quang còn đeo lon trung tá. Trung tá Quang được anh em trong Phòng Khoa học Kỹ thuật hình sự (Phòng PC21, Công an TP.HCM) coi là bậc thầy về khả năng có thể đọc được những thông tin không ngờ về “hoa máu”.
Với cán bộ hiện trường việc phân tích “hoa máu” rất quan trọng.
Đối với anh Quang, mỗi hình dạng, kích thước “hoa máu” đều là những bí ẩn riêng của vụ án và nó luôn kích thích anh khám phá những bí ẩn đó một cách chính xác, khoa học.
Một ngày cuối tháng 3, người dân phố Lê Văn Sĩ, phường 13, quận 3 kinh hoàng khi chứng kiến cái chết của nạn nhân Tống Văn Trương: Thi thể nhuộm máu với 140 vết đâm trên người. Tất cả đồ đạc có giá trị trong nhà như xe máy, tư trang, tiền bạc đều bị mất.
Làm việc với những xác chết trương chết thối, xác chết bị chặt khúc nhiều rồi, nhưng các chiến sĩ khám nghiệm hiện trường vẫn không thể kìm được sự kinh hoàng khi chứng kiến một loại tội ác ghê tởm như thế. Thi thể nạn nhân lỗ chỗ những vết đâm, khiến các anh đếm hoa cả mắt.
Với tính chất nghiêm trọng của vụ án, gây hoang mang tột độ cho dư luận, do vậy, anh Quang cùng cộng sự quyết tâm bằng mọi cách tìm ra hung thủ trong thời gian sớm nhất.
Video đang HOT
Cán bộ hiện trường đọc được nhiều thông tin từ “hoa máu”.
Tại hiện trường là phòng ngủ của nạn nhân, đâu đâu cũng chỉ thấy máu me. Máu loang đỏ nhà tắm, máu phun thành vệt lên tường, máu thấm ướt chăn màn. Trong xô nước có những cái khăn thấm máu và những vết lau trên các đồ vật chứng tỏ thủ phạm đã bình tĩnh lau sạch sẽ tất cả các dấu vân tay.
Soi xét những dấu chân giẫm đạp lên nhau còn để lại trên các vũng máu, đội Khám nghiệm hiện trường, Phòng PC21 đã chắc chắn có tới 3 hung thủ giết Tống Văn Trương. Mở chiếc đầu video có đĩa sẵn trong đó, trên màn hình hiện ra đoạn phim khiêu dâm của giới đồng tính. Các cán bộ hiện trường nhận định: nạn nhân chết khi không mảnh vải che thân, bộ phim đồi trụy của giới đồng tính vừa chiếu xong.
Như vậy, nhiều khả năng hung thủ là những tên cùng giới. Điều đó đã được khẳng định chắc chắn hơn khi những người hàng xóm kể rằng Trương là kẻ rất khác thường, luôn ưỡn ẹo như đàn bà và những người bạn thường lui đến nhà Trương cũng vậy.
Không bỏ sót bất cứ chi tiết nào ở hiện trường.
Như vậy, hung thủ của vụ án đã được thu gọn lại trong giới đồng tính, nhưng có đến cả vạn kẻ đồng tính nằm trong “sổ đen” của công an, làm thế nào để tìm ra? Điều này không phải dễ dàng.
Trung tá Quang hướng đôi mắt lúc nào cũng đầy vẻ trầm ngâm, suy tư bởi sự điều khiển của bộ não ưa phân tích về phía những giọt máu giăng mắc như ma trận khắp hiện trường.
Những “hoa máu” dẫn anh từ phòng ngủ của Tống Văn Trương đi dọc cầu thang xuống tầng trệt. Rồi những vệt “hoa máu” lại dẫn anh từ tầng trệt lên phòng ngủ của nạn nhân.
Đôi mắt của Trung tá Quang không bỏ qua một giọt máu nào đáng nghi rơi vãi trên hiện trường. Sau một hồi trầm ngâm, phân tích, anh đưa ra nhận định: có hai hung thủ bị thương!
Tỉ mẩn từng li từng tí.
Khi mọi người còn đang ngơ ngác chưa kịp hỏi vì sao anh biết, thì anh giải thích:
- “Hoa máu” rơi vãi từ phòng Tống Văn Trương xuống tầng trệt rất nhiều, rơi dày, đậm, “cánh hoa” tù (tia máu ngắn)… Những thông tin trên cho thấy vết thương của hung thủ thứ nhất ở cách mặt đất gần một mét, như vậy sẽ ở phần đùi của nạn nhân. Vết thương ở đùi của hung thủ khá sâu và hướng bị đâm từ sau lên trước! Vết đâm đó ở đùi phải vì dấu chân của hung thủ ở bên trái so với đường rơi của “hoa máu”.
- Hung thủ thứ hai bị thương thể hiện qua các “hoa máu” và vệt máu quệt chỗ đậm, chỗ nhạt trên vách tường dọc cầu thang. Căn cứ vào những vệt máu trên tường (do hung thủ quệt vết thương dính máu vào tường khi đi lại) và những “hoa máu” rơi dưới cầu thang có cánh nhọn, mỏng hơn cho thấy hung thủ thứ hai bị thương ở vị trí cao hơn và chắc chắn là vào tay trái.
- Thông qua những vết máu của hung thủ và cái chết bởi chi chít vết đâm của nạn nhân, anh Quang nhận định thêm: Trương là kẻ to, khỏe, 3 hung thủ kia nhỏ con hơn nên bị Trương chống cự quyết liệt, do vậy chúng phải đâm liên tiếp nhiều nhát. Chúng đâm chém Trương vào lúc tối om nên đã đâm bừa vào nhau.
Từ phán đoán đó, các trinh sát hình sự đã thâm nhập vào các bệnh viện, phòng cấp cứu và chỉ vài giờ sau, cả 3 hung thủ đều đã bị tóm.
Chỉ từ hình thù vết máu, đã có thể mở ra hướng truy lùng và bắt sống tội phạm.
Tháo băng trên tay tên Lý Quốc Huy, một đối tượng đồng tính thì thấy vết thương vẫn đang rỉ máu. Còn tên Nguyễn Công Danh thì bị bắt sống ở bệnh viện 115 với một vết thương khá nặng ở đùi phải.
Với những chứng cứ không thể chối cãi, hai tên đã phải cúi đầu nhận tội và khai nốt kẻ thứ ba tham gia vụ giết người là tên Đỗ Thanh Phương. Tên Phương cũng bị bắt ngay sau đó.
3 hung thủ khai như sau: Tống Văn Trương là kẻ đồng tính rất đồi trụy, thay “người yêu” như thay áo.
Bữa ấy, Trương bỏ tiền mua dâm cả 3 tên. Để khơi gợi dục tính, Trương mở phim sex của giới đồng tính cho cả bọn xem. Khi Trương tắt đèn, cả 3 tên, mỗi thằng một dao găm cùng nhào vào đâm Trương liên tiếp.
Trương rất to con so với 3 tên nên không gục ngay, song do chúng đâm như một cái máy, tới 140 nhát trúng người nên Trương không thể còn đường nào sống sót.
Đúng như phán đoán của Trung tá Quang, bọn này khai rằng, do tối quá nên chúng không nhìn thấy nhau, cứ đâm chém loạn xạ thành thử “quân ta chém trúng quân mình”.
Công an TP.HCM tuần tra đêm giữ bình yên phố phường.
Câu chuyện bắt “hoa máu” phải lên tiếng nghe cứ như chuyện tưởng tượng của thiên tài tiểu thuyết trinh thám Conan Doyle khi xây dựng nhân vật thám tử lừng danh Sherlock Holmes, song rõ ràng dưới con mắt của những cán bộ khám nghiệm hiện trường, “hoa máu” quả là “biết nói”.
Cũng như việc bác sĩ pháp y có thể “nghe” được người chết “nói” theo cách nghe riêng, Trung tá Quang và các cán bộ khám nghiệm hiện trường cũng có thể “nghe” được những điều “hoa máu” muốn nói. Thế mới biết vì sao lưới trời thưa mà khó lọt, có mấy kẻ phạm tội giết người mà không phải đền tội đâu.
Loạt bài chỉ là một phần rất nhỏ trong công việc hàng ngày của người chiến sĩ công an Phòng PC21, CA TP.HCM. Bất cứ lúc nào, ở đâu, giữa trưa hay nửa đêm về sáng, trời nắng hay mưa giông bão tố, hễ vụ án xảy ra là họ phải lập tức lên đường.
Riêng công việc của tổ Pháp y thuộc Phòng PC21, chỉ có 5 người, nhưng mỗi năm họ phải thực hiện 1.500 đến 1.800 ca giải phẫu tử thi. Như vậy, mỗi tháng 5 cán bộ phải mổ xẻ tới 120-150 tử thi và mỗi ngày trung bình là 4 đến 5 tử thi!
Nhiệm vụ nặng nề như vậy, song trong công việc luôn phải thận trọng, tỉ mỉ, bởi kẻ phạm tội rất có thể sẽ thoát khỏi sự trừng phạt của công lý nếu các cán bộ khoa học hình sự để lọt chứng cứ.
Xã hội ngày càng phát triển, thủ đoạn của bọn tội phạm tinh vi, xảo quyệt hơn. Tuy nhiên, mọi thủ đoạn, phương tiện gây án của bọn tội phạm dù tinh vi đến đâu cũng khó có thể thoát khỏi “mắt thần” của những cán bộ khoa học hình sự.
Chiến công của họ thầm lặng, song luôn giữ vị trí tiền tiêu trên con đường khám phá các vụ án phức tạp.
Theo VNE