Ly kỳ chuyện 3 ‘ông cá thần’ nghìn năm ở Bắc Ninh
Gần đây, dư luận cả nước xôn xao về chuyện xuất hiện 3 “ông cá”, được coi là cá thần, đã sống trong giếng Ngọc (làng Diềm, xã Hòa Phong, TP Bắc Ninh), gần nghìn năm nay.
Mỗi ngày, có đến cả trăm, thậm chí, trong những ngày cuối tuần, có cả ngàn người kéo về chiêm ngưỡng dung nhan các “ông cá”. Sự thực về 3 chú cá, mà người dân làng Diềm tôn kính gọi bằng ông này ra sao?
Hai nàng công chúa con vua Lý Thánh Tông đã hóa thành… cá!
Đã hết “tháng ăn chơi”, song xe cộ vẫn nườm nượp đổ về làng Diềm. Tôi táp xe vào một quán nước ven đê sông Đuống, chưa kịp hỏi đường, bà chị xứ quan họ đã thánh thót: “Chú đi xem cá thần nghìn tuổi hả? Cứ đi thẳng đoạn nữa, rẽ phải là đến!”. Tôi chắc mẩm có nhiều người đi xem cá thần lắm, nên chị bán hàng nước mới hiểu ý nhanh người hỏi đường đến thế.
Con đường dẫn vào thôn Diềm đổ bêtông sáng lóa, xe đậu hàng dài, người ra người vào tấp nập. Cụm di tích gồm đền Cùng, đền Vua Bà, đình Diềm, giếng Ngọc, thuộc quần thể di tích làng Diềm, nằm dưới tán những cây muỗm, đa, gạo khổng lồ, rợp bóng mát.
Video đang HOT
Du khách về làng Diềm xem cá thần dưới giếng Ngọc.
Ngay giữa khoảng sân rộng, mặt tiền các di tích, là giếng Ngọc cổ kính rêu phong. Dưới làn nước trong xanh leo lẻo, 3 “ông cá” bơi lội tung tăng, lúc lặn mất tăm, lúc nổi lều phều lên mặt nước hít thở. Nhiều người đứng quây quần bên giếng, chiêm ngưỡng dung nhan các “ông cá” với thái độ thành kính.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, thủ nhang của cụm di tích là người nắm rất rõ truyền thuyết về đền Cùng, đền Vua Bà và giếng Ngọc. Giữa khói hương nghi ngút trước đền Cùng, ông kể sự tích xuất hiện 3 “ông cá”. Chuyện bắt đầu từ cái giếng lạ, không rõ đã có từ khi nào.
Ông Bích là người nắm rõ truyền thuyết về cá thần.
Theo truyền thuyết mà nhà nghiên cứu dân gian hàng đầu Bắc Ninh, ông Lê Danh Khiêm (Trưởng ban Nghiên cứu Sưu tầm Quan họ – Trung tâm Văn hóa thể thao Bắc Ninh), đã dày công sưu tầm, nghiên cứu, thì xưa kia, công chúa, con gái của Vua Hùng thứ 6, đi kinh lý qua vùng Diềm, thấy trong vùng có giếng nước, gọi là giếng Ngọc, có nước trong xanh, ngọt lịm, liền dừng lại định cư. Điều đó có nghĩa, theo truyền thuyết, giếng Ngọc đã có rất lâu rồi, từ thời Hùng Vương.
Đền thờ hai nàng công chúa biến thành cá.
Người dân làng Diềm không rõ bà tên gì, mà chỉ kính trọng gọi là Vua Bà. Vua Bà hướng dẫn nhân dân khai khẩn rừng hoang, bờ bãi, biến thành bờ xôi ruộng mật, nuôi tằm, dệt tơ.
Sống cùng người dân nơi đây, Vua Bà phát hiện ra giọng nói ngọt ngào của nhân dân, bà liền truyền dạy làn điệu quan họ. Chính vì thế, người Bắc Ninh coi Vua Bà là Thủy Tổ của quan họ. Làng Diềm nổi tiếng là nơi xuất phát của quan họ và cũng là vùng hát quan họ hay nhất Kinh Bắc, không những vì là nơi được Thủy Tổ truyền dạy, mà còn vì có giếng nước ngọt mát. Các cụ kể rằng, muốn có giọng hát quan họ hay, phải uống nước giếng Ngọc từ khi còn tấm bé.
Ngay cạnh giếng Ngọc là đền Cùng, nơi thờ hai nàng công chúa của vua Lý Thánh Tông. Tương truyền, gần 1.000 năm trước, khu vực làng Diềm còn là rừng rậm um tùm, với những cây gỗ lim khổng lồ, gốc to vài người ôm. Trên núi Kim Sơn và Kim Lĩnh cạnh đó có nhiều thú dữ. Hổ báo thường xuyên về làng ăn thịt người, bắt trộm gia cầm, gia súc.
Nghe nói, vùng làng Diềm có giếng nước ngọt, người làng Diềm có giọng hát quan họ rất hay, hai nàng công chúa con vua Lý Thánh Tông là Ngọc Dung và Thủy Tiên rất tò mò, đã tìm đến thưởng ngoạn.
Thấy mạng sống dân chúng nơi đây bị thú dữ đe dọa, hai nàng công chúa đã xin vua cha cho quân lính về tiễu trừ. Thú dữ bị tiêu diệt, cuộc sống người dân trở lại cảnh thanh bình, ấm no.
Liệu đây có phải hai nàng công chúa và người hầu?
Mê đắm giọng hát quan họ làng Diềm, rồi như say nước giếng Ngọc, hai nàng công chúa đã xin vua cha xây dựng “Thủ khố ngân sơn”, tức là kho dự trữ tiền của, lương thực dưới chân núi. Hai nàng công chúa của vua Lý Thánh Tông đã trực tiếp cai quản kho ngân quỹ này. Ngoài việc dùng kho ngân quỹ phục vụ quân đội trong lúc chiến tranh, còn để cứu đói dân nghèo.
Vào ngày 3/3 âm lịch, cách đây gần 1.000 năm, đúng tiết trời Thanh Minh thanh tịnh, hai bà hướng về phía triều đình, vái lạy vua cha 3 lần, xin vua cha cho ở lại nơi đây vĩnh viễn.
Vái lạy xong, hai bà cùng với người hầu hóa, rồi biến thành 3 con cá lạ tuyệt đẹp, bơi lội tung tăng trong giếng Ngọc cho đến tận ngày hôm nay.
Dân làng thương nhớ, kính trọng, liền lập đền thờ hai bà ngay cạnh giếng Ngọc, rồi hàng năm, nhằm ngày hai bà hóa, lại tổ chức lễ hội, thau rửa, vệ sinh giếng, giúp 3 “ông cá” có nơi ở sạch sẽ, an toàn.
Theo VTC