Lý Hùng: ‘Phút cuối, cha dặn chúng tôi bảo bọc mẹ’
Trước khi mất, nghệ sĩ Lý Huỳnh – cha tài tử Lý Hùng – gọi sáu con đến giường bệnh, hôn từng người, dặn thay cha chăm sóc mẹ.
Chiều 22/10, trong tang lễ nghệ sĩ Lý Huỳnh diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, quận Gò Vấp, TP HCM, tài tử Lý Hùng xúc động nói về tâm nguyện của cha.
- Gia đình chuẩn bị tinh thần thế nào khi bệnh tình nghệ sĩ Lý Huỳnh trở nặng?
- Dù đã phòng sẵn tâm lý ông sẽ ra đi, tôi biết, mẹ và các anh chị em cũng đau như tôi. Trước mặt cha, mẹ không bao giờ khóc. Hôm cha hấp hối, mẹ nắm chặt tay ông không rời, nhưng trong phòng riêng, mẹ và Lý Hương ôm nhau giàn giụa nước mắt.
Bốn năm trước, ông mắc bạo bệnh. Lần đó, các con nuốt nước mắt chuẩn bị sẵn cho ông chốn an nghỉ tại nghĩa trang Phúc An Viên (quận 9). May thay, ông dần phục hồi và sống vui cùng con cháu. Cha tôi có nghị lực sống phi thường. Ông chống chọi bệnh tiểu đường suốt 40 năm qua. Bác sĩ từng nói ông không thể sống thọ, vậy mà ông vẫn trụ lại được đến hôm nay.
- Những ngày cuối đời của cha anh ra sao?
- Nửa tháng trước, ông nhập viện vì bệnh tình trở nặng. Tôi biết cha đau lắm vì nhiều năm qua, mỗi tuần chạy thận ba lần, lại gánh nhiều bệnh lý nền như tim, tiểu đường… Các bác sĩ đã nỗ lực để cứu cha tôi đến phút cuối, nhưng có lẽ ông đã hưởng hết mệnh trời.
Điều an ủi với gia đình là cha ra đi rất nhẹ nhàng. Vài ngày trước, ông đột nhiên tỉnh táo, cởi bỏ ống thở. Tôi mừng lắm, những tưởng cha sẽ qua được đợt này. Song, ông gọi vợ và các con đến bên giường bệnh. Không nói được nhiều, ông chỉ nắm tay vợ, hôn lên trán từng thành viên gia đình, dặn các con thay ông bảo bọc mẹ. Hai ngày sau, ông qua đời, vẫn mỉm cười. Có lẽ cha đã không còn gì vướng bận ở cõi tạm này.
- Anh nhớ gì về chuyện tình 60 năm của cha mẹ mình?
- Không phải là con cháu trong nhà mà tôi mới nói điều này: Tôi luôn ngưỡng mộ tình yêu của cha mẹ, nhưng cả đời tôi chưa thấy ai hạnh phúc như cha mẹ mình. Những năm 1960, khi mới yêu, họ thường chạy xe máy ra bến Bạch Đằng, uống cà phê, ngắm sông. Khi là vợ chồng, cha mẹ vẫn duy trì thói quen ấy, không đổi. Mỗi ngày, cha tôi đều nhờ con dìu ra vườn, hái hoa tặng vợ. Ban đêm, dạo phố, ông luôn nắm, hôn tay bà. Mỗi lần xem tivi, thấy các đôi nhảy tango, rumba…, ông đều nhắc lại kỷ niệm thời hẹn hò. Lúc cha mất, tôi lo cho mẹ lắm. Nhưng rồi tôi biết, mẹ đã nguôi ngoai phần nào bởi cha và mẹ đã sống trọn nghĩa vợ chồng suốt sáu thập kỷ qua.
Video đang HOT
Lý Hùng dìu mẹ – bà Đoàn Thị Nguyên – trong tang lễ. Ảnh: Quỳnh Trần.
- Anh sẽ thay cha thực hiện những tâm nguyện nào của ông?
- Cuối đời, cha tôi vẫn nung nấu dự án điện ảnh về các anh hùng lịch sử nước nhà. Năm 2010, ông bỏ tiền túi hơn 12 tỷ để làm Tây Sơn hào kiệt – phim về anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh. Phim lỗ nặng vì chi phí đầu tư lớn và phim dã sử thường kén khán giả, nhưng ông vui lắm bởi thỏa được một phần đam mê. Ông còn định làm phim về nữ tướng Bùi Thị Xuân, đang ấp ủ kịch bản thì bệnh trở nặng. Tôi sẽ hoàn tất tác phẩm này. Sắp tới, tôi học sâu hơn về đạo diễn để lấy thêm kiến thức, dù trước đó đã có kinh nghiệm cùng cha sản xuất một số phim.
Đợt bão vào miền Trung vừa qua, khi đó cha tôi còn khỏe, ông luôn đau đáu về người dân vùng lũ. Ông nhờ tôi quyên góp một số người bạn thân, đến nay đã được hơn 500 triệu đồng. Ông định khỏe lại sẽ cùng gia đình ra miền Trung hỗ trợ người dân. Ông còn dặn tôi xây lại Viện dưỡng lão nghệ sĩ, nâng cấp lối vào để các cô chú dễ đi lại. Sinh thời, nơi đây là chốn thân quen của ông. Tết nào, ông cũng về Viện dưỡng lão vui vầy cùng các nghệ sĩ gạo cội. Những tâm nguyện đó, nhất định tôi sẽ thay cha hoàn thành.
Nghệ sĩ Lý Huỳnh hướng dẫn Lý Hùng trên phim trường “Tây Sơn hào kiệt” (năm 2010). Ảnh: Lý Hùng.
- Anh lưu giữ những kỷ niệm gì về cha?
- Tôi giữ từng di vật của ông – hầu hết là quà ông tặng tôi làm đạo cụ đóng phim. Năm 2011, tôi đóng vai một sĩ quan chế độ cũ trong phim Con tàu không số. Chưa có nhiều kinh nghiệm đóng vai tướng tá, tôi lo lắm. Ông bèn tìm mua cho tôi một đôi “bốt đờ sô” (botte de saut) – giày đi lính ngày xưa. Nhiều bộ áo dân tộc thiểu số sau khi quay phim xong cha đều nhờ tôi cất giúp như một phần kỷ niệm.
Cha từng nói: “Lúc con nhỏ, cha hay dắt con đi chơi. Giờ cha già rồi, con dìu cha đi nhé”. Nghe câu đó, tôi thương ông vô cùng. Vậy là, cứ bảy giờ mỗi tối, tôi lái xe chở cha mẹ vào trung tâm thành phố ngắm cảnh. Trên phim trường, ông kỹ tính, nghiêm túc bao nhiêu thì ở nhà, ông hòa nhã với vợ con bấy nhiêu. Ông luôn lo cho đời sống tình cảm của các con. Thấy tôi mãi chưa lấy vợ, ban đầu ông buồn lắm, sợ tôi mai này cô đơn, không ai nương tựa. Nhưng rồi ông chỉ khuyên tôi: Chuyện đôi lứa là duyên nợ, chỉ cần bản thân thấy hạnh phúc là được. Trong các con, có lẽ ông thương Lý Hương nhất vì là con út. Thấy Hương lận đận chuyện hôn nhân, cha thường nói: “Nếu ngoài kia mệt mỏi quá thì con cứ về nhà, cha mẹ luôn dang tay đợi con”.
- Sự ra đi của cha để lại khoảng trống gì trong anh?
- Trước mặt các thành viên trong gia đình, tôi cố nén cảm xúc để lo tang sự. Chỉ những lúc nghỉ ngơi, nước mắt tự nhiên chảy xuôi. Tôi không biết làm sao để diễn tả nỗi mất mát. Cha là người dìu tôi đi từ những bước đầu tiên. Ngày bé, tôi mê võ hơn mê diễn. Cha không cấm nhưng chỉ khuyên tôi nên thử sức đóng phim. Là võ sư thành danh từ lâu, cha hiểu được nghề đánh đấm vốn hơn thua nhau trên võ đài. Mình đấm người ta một, họ cũng đánh lại mình hai, ba cái, ăn miếng trả miếng. Cha không muốn tôi theo con đường đó.
Khi tôi 12 tuổi, cha dắt tôi đến các đoàn làm phim để học hỏi dần. Niềm đam mê phim ảnh mới thấm vào người tôi từ đó. Ông theo sát tôi suốt 5 năm học ở trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Mỗi lần nhận kịch bản, đến vai tôi, cha lấy bút lông gạch dưới từng lời thoại và bắt tôi học. Ban đầu, tôi nản lắm vì thoại của vai chính thì nhiều vô kể. Ông bảo: “Con ráng đi, phải học thuộc chứ để lên phim trường nhắc thoại thì khó nhập vai lắm”. Tôi còn học được ở cha cách luôn giữ hào khí như thời trai trẻ. Khi quay tác phẩm cuối cùng – Tây Sơn hào kiệt, cha tôi đã gần 70 tuổi, ông vẫn nắm đao, múa kiếm thị phạm cho tôi trên phim trường. Tôi được như ngày hôm nay, khả năng bản thân là một, công lao dìu dắt của cha đến 10.
Lý Huỳnh sinh năm 1942. Ông là võ sư, đồng thời là diễn viên và nhà sản xuất phim điện ảnh. Thuở nhỏ, ngoài việc học võ với cha, Lý Huỳnh còn học võ Thiếu Lâm, võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định. Năm 1965, ông mở trường dạy võ, bắt đầu đào tạo nhiều võ sĩ giỏi. Từ năm 1972 đến năm 1989, ông đóng nhiều phim, trở thành một trong số người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh.
Vai đầu tiên của ông là đại tá Hoàng trong phim Cô Nhiếp, bộ phim sau đó đoạt giải Bông sen bạc. Sau đó ,ông tham gia nhiều phim: Mối tình đầu (1977) của đạo diễn Hải Ninh, Vùng gió xoáy, Ông Hai Cũ (1982) , Hòn đất, Mùa gió chướng, Ngọn cỏ gió đùa, Thăng Long đệ nhất kiếm… Vai Hai Lúa trong Vùng gió xoáy mang về cho ông giải Nam diễn viên xuất sắc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ sáu (1983). Năm 2010, ông dồn tâm huyết thực hiện phim điện ảnh Tây Sơn Hào Kiệt. Bộ phim cổ trang được đầu tư 12 tỷ đồng nói về trận Ngọc Hồi – Đống Đa do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy dẹp tan 20 vạn quân Thanh, thể hiện hùng khí dân tộc.
Từ năm 1957 đến 1964, Lý Huỳnh thượng đài sáu trận về quyền anh và thắng ba trận, trong đó có trận đấm ngã đối thủ Lyauté Francoise – một võ sĩ da đen nổi tiếng. Năm 1973, ông còn nổi tiếng khi công khai thách đấu với Lý Tiểu Long trên truyền hình. Sự kiện này được báo chí Việt Nam và Hong Kong thời đó đưa tin, trở thành giai thoại đẹp trong cuộc đời của Lý Huỳnh. Năm 2012, Lý Huỳnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Mai Nhật
Lý Hùng: 'Trước khi qua đời, cha hôn từng người con'
"Tôi như mất một phần tâm hồn mình, cảm thấy hụt hẫng, chông chênh", Lý Hùng nói về nỗi đau mất cha.
Sáng 22/10, NSND Lý Huỳnh qua đời tại nhà riêng sau thời gian dài chữa bệnh thận, tim. Ông hưởng thọ 78 tuổi. Sự ra đi của võ sư kiêm diễn viên, nhà sản xuất phim khiến đồng nghiệp và khán giả tiếc nuối. Theo các nghệ sĩ, NSND Lý Huỳnh đã có đóng góp không nhỏ đến sự phát triển của điện ảnh Việt.
Chia sẻ với Zing, Lý Hùng nói trong nghẹn ngào: " Trước khi qua đời, cha tôi nằm viện nửa tháng. Cha nằm ở phòng cấp cứu đặc biệt tại Bệnh viện Chợ Rẫy, được bác sĩ chăm sóc 24/24. Anh em tôi nói với bác sĩ tìm mọi cách để cứu cha, dù tốn bao nhiêu tiền cũng được. Nhưng cha tôi yếu quá, không thể qua được. Ông nằm viện nhưng liên tục đòi về nhà".
Lý Hùng đưa cha mẹ đi từ thiện.
"Trước khi mất, cha tôi tỉnh táo lắm. Ông dặn dò và hôn từng người con. Ông dặn tôi phải chăm sóc mẹ chu đáo trong khi nước mắt tràn chảy. Tôi sống cùng cha mẹ nhiều năm nay nên sự ra đi của cha khiến tôi hụt hẫng, cảm thấy như mất một phần tâm hồn", nam diễn viên nói.
Đối với Lý Hùng, NSND Lý Huỳnh có vai trò quan trọng trong cuộc đời anh. Chính ông là người dẫn dắt anh học võ, theo điện ảnh.
Nam diễn viên chia sẻ: "Sự trưởng thành cũng như thành công của tôi ngày nay đều có công sức của cha. Tính cách của tôi cũng ảnh hưởng từ ông rất nhiều. Tôi học được ở cha nghị lực mạnh mẽ, phi thường. Trước đây, cha tôi nghị lực, quyết tâm theo đuổi võ thuật, làm phim. Sau này, cha chiến đấu với bệnh tật. Nếu không có nghị lực đó, ba chắc khó qua khỏi nhiều lần cấp cứu".
Đau xót trước sự ra đi của cha, Lý Hùng nhớ lại thời gian chập chững vào nghề diễn. Anh kể được cha đưa đến đoàn phim, dạy cách diễn xuất.
"Tôi vẫn nhớ hình ảnh cha dùng bút màu, gạch chân từng câu thoại để tôi học kịch bản. Ông kiên nhẫn, giải thích góp ý khi tôi chưa làm đúng. Cha tôi là võ sư nhưng tính cách nhẹ nhàng, ấm áp. Ông chưa từng đánh con", nam diễn viên nhớ lại.
Lý Hùng cho biết anh xây biệt thự đưa cha mẹ về sống cùng.
Ngay cả khi Lý Hùng trưởng thành, nổi tiếng, Lý Huỳnh vẫn đưa ra những lời khuyên hữu ích với con trai. Và theo nam diễn viên, nhờ những lời khuyên đó, anh giữ được hình ảnh đẹp trong lòng khán giả.
Anh trải lòng: " Tôi nổi tiếng từ sớm, nếu không có sự sát sao, dạy bảo của cha mẹ sẽ dễ bị ảo tưởng. Nhưng cha mẹ đã cho tôi chiếc neo vững chãi, biết sống hòa đồng và giữ mình trong thế giới hào nhoáng. Riêng phim ảnh, cha không khuyến khích tôi tham gia nhiều, mà lựa chọn phim phù hợp. Như thế khán giả mới trân trọng mỗi khi mình xuất hiện".
NSND Lý Huỳnh từng được đánh giá là một trong bốn ngôi sao võ thuật của miền Nam trước năm 1975. Ông là võ sư chưởng môn của lò võ Huỳnh Tiền, nổi tiếng với chiêu liên hoàn bát cước.
Từ năm 1972, ông chuyển sang đóng phim và làm nhà sản xuất. Ông là người đầu tiên đưa võ thuật vào phim ảnh Việt. Những bộ phim mang đậm dấu ấn của NSND Lý Huỳnh như Long hổ sát đấu, Quái nữ Việt Quyền Đạo, Báu kiếm rửa hận thù, Hải vụ 709....
Thập niên 1990, ông tiên phong trong vai trò sản xuất, tự bỏ vốn làm phim và hợp tác với Hong Kong trong các phim Kế hoạch 99, Hồng hải tặc... Bộ phim cuối cùng ông tham gia với vai trò đạo diễn là Tây Sơn hào kiệt. Năm 2012, ông được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân.
NSND Lý Huỳnh: Vinh quang và nỗi buồn Sau một thời gian dài chiến đấu với nhiều căn bệnh, sáng 22/10, NSND Lý Huỳnh đã qua đời. Những lần đóng phim khó quên của NSND Lý Huỳnh Sau một thời gian dài chiến đấu với nhiều căn bệnh, sáng 22/10, NSND Lý Huỳnh đã qua đời. Đây thật sự là một tin buồn với những ai từng yêu mến một tượng...