Lý Hùng: ‘Bây giờ ngôi sao tự phong nhiều quá’
Với nam tài tử đình đám một thời của làng phim Việt, khái niệm “phim mỳ ăn liền” là không công bằng đối với anh và đồng nghiệp cùng thời.
Đến hiện nay, Lý Hùng vẫn là một ngôi sao lớn trong lòng khán giả hâm mộ điện ảnh, đặc biệt là lứa khán giả trung niên, những người đã khóc theo những cuộc tình diễm lệ của thời điện ảnh “đốt cháy” màn bạc đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Xin một buổi gặp mặt với diễn viên Lý Hùng, anh hẹn người viết đến nhà, cũng là công ty của gia đình anh trên con đường 3/2, TP.HCM. Là công ty, nhưng không có không khí của một công ty lắm, mà khi bước vào, người viết cảm nhận được không khí gia đình đang bao trùm nơi đây.
Lý Hùng của điện ảnh Việt Nam thập kỷ 90.
Mẹ anh đang ngồi chuẩn bị cho bữa cơm trưa, ba anh, nghệ sĩ NSND Lý Huỳnh đang nằm nghỉ ngơi trên chiếc ghế dài, lim dim mắt hưởng thụ một buổi sáng đẹp trời. 10 phút sau anh mới có mặt, không phải anh muộn mà người viết đến sớm để có thời gian quan sát căn nhà của anh. Đủ các bằng khen, các tấm ảnh của gia đinh anh treo kín bốn bức tường. Là ảnh của anh chụp với Lê Tư, ảnh hậu Hong Kong trong dự án phim Phượng hoàng 99, ảnh chụp với Mạc Thiếu Thông và các bạn diễn cùng thời khác. Ngoài ra còn có các bằng khen của cả gia đình anh: đạo diễn Lý Sơn, diễn viên Lý Hương và các bằng khen Lý Hùng đã nhận được trong suốt quãng thời gian anh làm nghệ thuật.
Anh vừa đi tập thể thao về, như thói quen thường lệ của anh trong những ngày rảnh rỗi, là thể thao, nghe nhạc, ăn trưa cùng gia đình, và hẹn bạn bè cà phê vào buổi chiều tối, rồi về nhà ngủ sớm, chuẩn bị sức khoẻ cho ngày mai lại bận rộn.
“Ở độ tuổi này, nhiều người bảo tôi tập thể thao làm gì, nghỉ ngơi nhậu nhẹt đi cho sướng, nhưng tôi không nghĩ thế. Vẫn là một diễn viên, chuyện giữ gìn sức khoẻ trước là cho mình, sau là cho công việc, đâu có gì sai? Tôi vẫn tập đều đặn hai tiếng một ngày, chạy bộ, tennis đủ cả, dần dần thành thói quen, sở thích mà nghỉ tập một hôm là thấy khó chịu ngay.
Khi công việc không còn bận rộn như ngày trước, khi yêu cầu vai diễn cần giảm cân hay tăng cân, tôi đều đáp ứng được trong thời gian cho phép. Làm nghệ sĩ, đâu cứ phải đi đêm về hôm, thức khuya dậy muộn? Mình cũng như người khác, mình cũng cần sức khỏeđể đảm bảo công việc của mình”, Lý Hùng chia sẻ.
Vòng xoáy showbiz không đủ sức hấp dẫn đến mức anh bị “cuốn trôi” đi theo nó. Đi diễn, về nhà, nghỉ ngơi, chăm lo sức khỏe của mình và người thân chính là hình ảnh diễn viên Lý Hùng của ngày hiện tại.
Thành công không xuất phát từ… ăn may
Khi nói về điện ảnh Việt Nam những năm 90, anh hào hứng thấy rõ, mắt anh sáng lên và anh kể mãi không dứt những suy nghĩ của anh về điện ảnh, về anh, về những bạn diễn cùng thời, và về những kỷ niệm anh không bao giờ quên được. Đến nỗi người viết hầu như không phải đặt ra câu hỏi nào, chỉ đơn giản là lắng nghe anh chia sẻ về quá khứ và hiện tại, chỉ kịp đặt máy ghi âm và bị cuốn theo câu chuyện của anh lúc nào không hay.
Video đang HOT
Quay về thập nhiên 90, thời kỳ vàng son của điện ảnh Việt Nam, Lý Hùng chia sẻ: “Thời đó một số người cho rằng điện ảnh Việt Nam là dòng ‘phim mỳ ăn liền’, một số cho rằng đó là phim thị trường. Theo tôi đó là cảm nhận riêng của mỗi người, có phần đúng, có phần sai. Thời đó khán giả rất yêu thích phim Việt Nam. Họ xếp hàng càng nghìn người từ Nam chí Bắc để xem phim với hệ thống cơ sở vật chất rất nghèo nàn, nhưng đam mê thưởng thức nghệ thuật của khán giả lớn lắm.
Thời đó tôi làm phim rất nghiêm túc, một bộ phim chỉ chừng 45 phút nhưng quay mất 3-5 tháng. Tuy nhiên, có một số nhà sản xuất lợi dụng lòng yêu mến đó, làm phim chỉ một tuần, thu tiếng trực tiếp ở nhà, ra trường quay chỉ việc nhấp nháy môi như hát lipsync bây giờ. Giá vé vẫn như thế, tình yêu nghệ thuật của khán giả vẫn thế, một số diễn viên có tên tuổi cũng tham gia những phim như vậy nên mới có định nghĩa ‘phim mỳ ăn liền’.
Dù có là phim thị trường, tôi vẫn phải nói lời cảm ơn điện ảnh Việt Nam ngày đấy bởi chính nhờ những thước phim đó, một thế hệ những diễn viên Lý Hùng, Diễm Hương, Diễm My, Giáng My mới có tên tuổi đến ngày hôm nay”.
“Trước đây, làm một bộ phim rất cực nhọc, phải lựa chọn từng frame hình, set up âm thanh, đi tìm bối cảnh… Có khi đi tìm hàng tháng trời không ra bối cảnh bởi yêu cầu rất cao. Sau khi tìm được địa điểm phù hợp đến từng chi tiết, cả đoàn sẽ tiến hành quay luôn, không phải như một số phim hiện nay, cả ê-kíp đến nơi thấy bối cảnh còn chưa được dựng, mọi người lại phải đi về, tốn rất nhiều công sức và thời gian của mọi người. Có những lúc phải đặt đèn 5 kg rọi thẳng vào mặt diễn viên để đủ sáng bởi máy quay khi đó không hiện đại như bây giờ, đặt xong đèn cũng mất 3 tiếng, diễn viên cứ đứng đến khi đạo diễn ưng ý cũng là lúc hoa mặt chóng mày vì ánh sáng quá mạnh, nhưng công việc phải vậy, chẳng làm khác được.
Hay có những khi tôi phải giảm 10 kg trong 45 ngày để phù hợp với vai diễn. Tôi quan niệm nếu mình không nhận thì thôi, còn nếu đã nhận phải làm đến nơi đến chốn, thế mới không ảnh hưởng đến những gì mình đã gây dựng”, Lý Hùng cho biết thêm về sự nghiêm cẩn với nghề diễn của ban thân anh giữa thời kỳ phim ảnh bị chê là “mỳ ăn liền”.
Là con nhà nòi, vừa học võ vừa học diễn xuất, Lý Hùng thấy mình may mắn khi được đào tạo bài bản ngay từ bé. 12 tuổi, anh đã nằng nặc đòi theo ba đến các trường quay, và những bài học đầu tiên từ diễn xuất bắt đầu từ đó. Sau này, anh được đào tạo chính quy tại Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Bạn cùng lớp của anh, Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương… cũng là những tên tuổi đóng góp không nhỏ cho phim Việt thời đó.
Không có gì là ăn may, cũng không có gì tự nhiên rơi xuống, với Lý Hùng, nghệ thuật phải lao động nghiêm túc gian khổ hơn mọi người nghĩ rất nhiều. Đến giờ, anh vẫn làm việc với một thái độ nghiêm túc như thế: “Nghệ thuật không ăn may được. Tôi không tự vỗ ngực xưng tôi là ngôi sao điện ảnh Lý Hùng, đó là do khán giả yêu mến gọi tôi như thế. Bây giờ ngôi sao tự phong nhiều quá. Khán giả không biết họ là ai nhưng trên mạng trên báo họ vẫn là ngôi sao. Làm gì thì làm, cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới mong thành chuyện được.
Là con nhà võ, tôi phải rèn luyện cực khổ rồi vào trường học, tất cả các yếu tố đó để những bộ phim: Đàn chim và cơn bão, Phạm Công – Cúc Hoa, Người không mang họ, Đô la trắng, Hồng hải tặc… và 6 phim nước ngoài của tôi đến thời điểm này vẫn gây được những cảm xúc cho người xem.
Từ nền tảng của gia đình, đến công sức tôi bỏ ra, đến nay tôi rất hạnh phúc khi đi đến đâu của đất nước: Cao Bằng, Móng Cái, Lạng Sơn, Hà Giang… bà con đều nhận ra và hỏi thăm. Những động viên đó không có gì quý hơn, khiến tôi phải cố gắng hơn nữa. Đến nay là 9 năm liền tôi được bình chọn Nam diễn viên được yêu thích nhất giải Mai Vàng. Đó là phần thưởng quý giá nhất đôi với một người diễn viên mà không có gì đánh đổi được”.
Theo VNE
Những diễn viên chuyện trị vai ác
Với nghệ sĩ, mỗi khi bị khán giả mắng khi đóng vai ác lại là hạnh phúc bởi đó là thành công trong diễn xuất của họ dù không chiếm được nhiều tình cảm của khán giả.
Trong giờ phim tối của VTV1, khán giả đang được gặp lại diễn viên Nguyễn Hậu với vai Ba Luân trong phim Ngược sóng (đạo diễn Lê Cung Bắc) - một kiểu vai "ác mới" theo cách nói của ông. Nhân vật là kẻ từng có ý định chiêu hồi trong chiến tranh, thuộc dạng "lừa thầy phản bạn", thời bình dùng mọi mưu mô hiểm độc để được lên chức tổng giám đốc công ty du lịch có tiếng và "làm mưa làm gió".
Nhân vật biến chất rất nguy hiểm cho xã hội này cũng là sự trở lại với vai ác của Nguyễn Hậu từ sau vai ông Chủ Chiếu trong phim Đồng quê (đạo diễn Lê Phương Nam), trùm giang hồ Mìn Có trong phim Vật chứng mong manh (đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc)...
Diễn viên Nguyễn Hậu (ngoài cùng, trái) phải đầu tư chăm chút từ quần áo đến những trang sức tiểu tiết tạo dấu ấn cho vai trùm giang hồ Mìn Có trong phim Vật chứng mong manh.
Nhìn mặt, đặt vai
"Ai cũng nói mặt tôi nông dân cù lần mà sao đóng ác dữ. Tôi có con mắt một mí, lợi hại lắm. Chỉ cần biết cách là có ngay cái mặt khờ khạo hay ác ôn, nham hiểm. Nói vui vậy, từ lúc đến với nghiệp diễn, tôi đã đọc nhiều lắm, xem phim cũng nhiều, vừa học hỏi cách diễn xuất của diễn viên nước ngoài vừa quan sát cuộc sống. Những vai ác tôi từng thể hiện là tổng hòa của tất cả những gì cóp nhặt được trong cuộc sống", Nguyễn Hậu tiết lộ.
Diễn viên Nguyễn Hậu nói vai ác chọn ông như cái nghiệp. Năm 1982, ông quyết định rời bỏ đoàn văn công Cửu Long, lọc cọc đạp xe lên TP.HCM theo lời mời của đạo diễn Lê Dân cho phim Vòng xoáy bạc. "Tôi đâu có thích đóng ác. Tuy nhiên, đạo diễn nói mặt tôi xấu, chẳng thể nào đóng chính được, đóng hiền mà vai phụ, nhỏ thì không nhiều đất diễn, vai ác mới ấn tượng. Vậy là tôi thành người... ác. Sợ nhất là trùng lắp nên mỗi một dạng vai tôi đều cố tìm tòi, đầu tư cho sự khác biệt. Có khi tôi tự đi lùng sục mua sắm quần áo, trang sức, có những chi tiết rất nhỏ nhưng sẽ làm nên dấu ấn cho nhân vật", Nguyễn Hậu bộc bạch.
Suốt hơn 30 năm diễn xuất với hơn 200 vai diễn lớn nhỏ, vai hiền cũng không ít nhưng hầu như tên Nguyễn Hậu lại gắn với hình ảnh trùm mật vụ, mật thám ác ôn, xã hội đen, đồ tể khát máu, ông bá hộ ác độc rồi cán bộ thoái hóa biến chất... Ông nói, đến giờ, nhiều người vẫn cứ nhắc nhớ nhân vật trùm mật vụ Dương Văn Hiếu (phim Ông cố vấn) hay Hải Cầu Mống (phim Xóm nước đen), trưởng mật thám ác ôn (phim Người đẹp Tây Đô)...
"Họ nói tôi đóng vai ác dã man quá!", Nguyễn Hậu nói vui.
Huỳnh Du vai ông Hội đồng - phim Cay đắng mùi đời.
Huỳnh Du cũng là một "gương mặt ác vượt thời gian" của màn ảnh, từ Mùa gió chướng, Người không mang họ, Ván bài lật ngửa... đến các phim gần đây là Con tàu không số, Lòng dạ đàn bà, Đôi mắt ân tình, Mùa hè lạnh... Tuy nhiên, "mang tiếng" nhất phải kể đến là Phương Dung "Tào Thị". Hình ảnh bà mẹ ghẻ ác độc trong phim Phạm Công - Cúc Hoa đã trở thành "biểu tượng dì ghẻ", đến mức trở thành tục ngữ của người đời: "Ác như Tào Thị".
Khán giả yêu điện ảnh Việt Nam, hầu như không ai không biết đến "Tào Thị" Phương Dung.
Thời đó, Phương Dung bị "chửi tơi bời". Dù sau này chị đã đảm nhận các vai diễn "ác ít" hơn, thậm chí vai hiền nhưng hình ảnh nhắc nhớ đến chị rõ nhất trong tâm trí của một thế hệ khán giả vẫn là Tào Thị. Ngay cả những tên tuổi đã chuyển đổi vai trò như NSND Lý Huỳnh, NSND Đào Bá Sơn, diễn viên Thương Tín, Lê Tuấn Anh... trong ký ức của khán giả và người trong giới, họ vẫn "đóng đinh" vai phản diện. Vai nào của họ cũng gây ấn tượng mạnh với người xem, nếu không đến mức "cướp, giết, hiếp" cũng là tay giang hồ, anh chị phá làng phá xóm hay đểu cáng, lừa thầy phản bạn, âm mưu nham hiểm. Dễn viên Nguyễn Hậu dí dỏm: "Cả đời phải mang tiếng... ác".
Bị khán giả chửi là... hạnh phúc
Phim ảnh bây giờ lột tả mức độ ác của nhân vật không "quá liều" nhưng cũng có không ít diễn viên khắc tên mình với vai ác: Đào Anh Tuấn (gần đây nhất rất thành công với vai Ba Dẫu trong phim Vật chứng mong manh), NSƯT Kim Oanh nổi tiếng với những vai đanh đá, diễn viên - người mẫu Thân Thúy Hà "10 vai có tới 9 vai không tử tế".
Điển hình cho việc "trưởng thành từ vai ác" còn có các diễn viên trẻ Lý Anh Tuấn, Lâm Minh Thắng, Quỳnh Thư... Khán giả bây giờ cũng không còn "quá khích" như thời ghét nhân vật Trần Sùng của diễn viên Lâm Tới trong bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày đêm, ném đá vào màn ảnh nhưng diễn viên đóng vai ác bị khán giả ghét lây khi xuất hiện ngoài đời vẫn đầy.
Nghệ sĩ Kim Xuân để lại ấn tượng mạnh trong phim Vòng xoáy tình yêu.
Đã 10 năm kể từ khi đóng vai ác trong Vòng xoáy tình yêu (phim mở đầu giờ vàng phim Việt của HTV7), diễn viên Kim Xuân vẫn không quên được vai bà Kim "ác lộ" từng bị khán giả chửi suốt một thời gian dài. Họ phản đối cả khi chị được giao vai bà mẹ Việt Nam anh hùng cam chịu, hy sinh trong bộ phim Tiếng chuông trôi trên sông (đóng cùng với nghệ sĩ hài Thanh Nam).
"Không thể tin được khi đi quay ở Bến Tre, tôi gặp làn sóng phản đối dữ dội của các bà mẹ tại địa phương. Họ nói tôi ác độc như vậy làm sao đại diện được cho hình ảnh mẹ Việt Nam anh hùng? Họ còn kéo nhau qua sông, đến trường quay để coi mặt tôi... ác như thế nào", nghệ sĩ Kim Xuân nhớ lại.
Diễn viên Thân Thúy Hà cũng kể lại câu chuyện nhớ đời, thời đóng phim Tình yêu còn lại, chị vào vai nhân vật Quyên phản diện. Khi phim phát sóng, chị bị ghét đến mức có lần đi ăn tối một mình, một nhóm phụ nữ "dòm ngó" chị rồi lên tiếng chì chiết: "Nhìn mặt là... muốn đánh vì đóng phim ác quá".
Diễn viên trẻ Lý Anh Tuấn cũng cho hay: "Có lần đi quay phim ở Bến Tre, nhiều người dân địa phương lớn tuổi nhận ra tôi trong vai Cao Đỉnh của phim Tóc rối đã chửi xiên chửi xéo, nói cái thằng này nhìn đã thấy ác, hèn chi nó đóng phim ác cùng ác tận".
Diễn viên Lý Anh Tuấn.
"Bị chửi là mừng vì chứng tỏ vai đó thành công", diễn viên Lý Anh Tuấn nói.
Với nghệ sĩ đóng vai ác, mỗi khi bị khán giả mắng "xấu còn đóng vai ác" là họ thấy hạnh phúc vì diễn xuất thành công, dù không chiếm được tình cảm của khán giả như vai chính diện. Nhờ vai ác, nhiều diễn viên đã khẳng định tên tuổi trong lòng công chúng, ghi tên vào lịch sử điện ảnh.
Theo GDVN
Cổ trang Việt: "Già làng" không chỗ đứng Có thể thấy, cổ trang là thể loại phim "lớn tuổi" nhất trong làng điện ảnh Việt. Nhưng dường như, vị "bô lão" này chưa bao giờ có được một chỗ đứng xứng tầm. Xét về lịch sử, phim cổ trang là thể loại phim đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam. Từ khi khai sinh, dòng phim này cũng có khá...