Ly hôn với chồng đã chết tại Nhật Bản
Phát hiện từng bị ‘ cắm sừng’, không thể một mình chăm sóc cha mẹ chồng già yếu, nhiều phụ nữ ở xứ Phù Tang chọn cách đoạn tuyệt quan hệ với người chồng quá cố.
Zing trích dịch bài đăng trên Nippon và Asahi Shimbun nói về xu hướng ly hôn người đã mất tại Nhật Bản. Ngày càng nhiều phụ nữ chọn cách cắt đứt mọi ràng buộc pháp lý với người chồng đã khuất vì phát hiện nửa kia từng ngoại tình hoặc không muốn một mình chăm sóc cha mẹ chồng già yếu.
Giữa năm 2019, Ako (50 tuổi) nộp đơn ly dị người chồng đã mất 2 năm trước của mình.
“Ngay cả khi chồng tôi còn sống, tôi phải làm mọi việc và chăm sóc cha chồng 80 tuổi bị tiểu đường. Chồng tôi làm việc ở công ty, luôn đi sớm về khuya, cuối tuần đi chơi golf. Anh ấy chưa bao giờ phụ giúp gì cho tôi”, Ako kể.
Người phụ nữ 50 tuổi từng nhiều lần tính đến chuyện ly hôn nhưng lại tự nhủ chờ đến khi con tốt nghiệp đại học. Năm 2017, chồng cô qua đời vì ung thư. Kiệt sức vì một mình chăm sóc cha chồng, cô quyết định ly hôn.
Tại Nhật Bản, ly hôn thông thường cần có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Nhưng trong trường hợp một trong hai người đã mất, người còn lại vẫn có quyền ly hôn để cắt đứt quan hệ với nhà chồng/vợ.
Một đám cưới truyền thống tại Nhật Bản. Ảnh: Getty.
Trên thực tế, ly hôn với người đã khuất (thuật ngữ trong tiếng Nhật: shigo rikon) không hề hiếm tại xứ sở hoa anh đào và đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, năm 2013, số vụ ly hôn người đã chết là hơn 2.000. Năm 2016, con số này tăng lên 4.000 trường hợp. Và đến năm 2019, số lượng các vụ ly hôn người chết tiếp tục tăng, vượt 10.000 vụ.
Ước tính, trong 10 năm (2008-2018), số phụ nữ ly dị chồng đã khuất đã tăng gấp 3 lần.
Cạn tình
Khác với trường hợp của Ako, chuyên gia tư vấn hôn nhân Takahara Sakiko (61 tuổi) ly hôn người chồng đã mất sau khi phát hiện ông ta từng ngoại tình.
Năm 2010, Sakiko biết chuyện chồng có quan hệ với phụ nữ khác. Tuy nhiên, khi chồng phát hiện ung thư, bà vẫn gác lại mọi giận hờn để vào bệnh viện chăm sóc, hoàn thành đạo nghĩa vợ chồng.
Video đang HOT
“Nhưng tôi phát hiện ông ta vẫn lén lút giữ lại ảnh chụp chung cùng người đàn bà đó. Điều đó khiến tôi tổn thương”, Sakiko nói.
Một năm sau, chồng qua đời, Sakiko nộp đơn ly hôn sau khi hỏi ý kiến các con. “Tôi không muốn tiếp tục sống với tư cách vợ của người đã phản bội mình”.
Ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản ly hôn chồng quá cố. Ảnh minh họa: Reuters.
Vài năm trở lại đây, Sakiko tổ chức các hội thảo về ly hôn chồng đã mất. Không hối hận về quyết định của mình nhưng bà “không khuyến khích điều này” và khuyên mọi người nên thảo luận với con cái, người thân hai bên gia đình trước khi nộp đơn.
Giống Sakiko, ngày càng nhiều phụ nữ quyết ly hôn vì “cạn tình” với người đã chết. Những mâu thuẫn, hiểu lầm tích tụ khi hai vợ chồng còn chung sống đã khiến các bà vợ không muốn “dính líu” gì đến chồng, kể cả người đó đã mất.
Phản ánh thực tế nói trên, bộ phim Sugu Shinun Dakara được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Uchidate Makiko đang tạo ra cơn sốt tại Nhật Bản.
Trong phim, nhân vật chính đã quyết định cắt bỏ mọi mối quan hệ với người chồng đã khuất sau khi nhận ra mình bị phản bội và chưa bao giờ được trân trọng trong thời gian dài chung sống.
Không thừa kế, không nghĩa vụ
Thủ tục ly hôn với người đã chết khá đơn giản. Người muốn ly hôn chỉ cần điền vào mẫu đơn và nộp lên chính quyền địa phương cùng một số giấy tờ tùy thân và giấy chứng tử của vợ/chồng.
Người muốn ly hôn có thể nộp đơn bất cứ lúc nào sau khi vợ/chồng qua đời. Đơn có thể được duyệt và có hiệu lực ngay trong ngày.
Sau khi ly hôn, mọi mối quan hệ với nhà vợ/chồng đều chấm dứt. Nhiều góa phụ nói rằng họ như được “giải thoát” vì không còn phải gánh vác nghĩa vụ, trách nhiệm của người vợ, người con dâu như trước.
“Chồng mất, tôi tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình, tự mình xây nhà, chăm sóc hai con. Thế nhưng, vài ba bữa, mẹ chồng lại đến quấy rầy. Tôi cảm giác như bà đang đổ lỗi cho tôi vì cái chết của chồng. Sau hai năm đau khổ, tôi đã đệ đơn ly hôn”, một phụ nữ kể.
Nhiều phụ nữ ly hôn vì mâu thuẫn với nhà chồng. Ảnh minh họa: Shutterstock.
“Nhiều phụ nữ góa bụa ở độ tuổi 50-60 thường không thể chia sẻ quan điểm truyền thống của cha mẹ chồng đã ngoài 70 tuổi của họ. Không muốn hoặc không thể tiếp tục đáp ứng những kỳ vọng vô lý từ nhà chồng, họ chọn cách cắt đứt mọi ràng buộc về mặt pháp lý với cha mẹ chồng”, trang Nippon nhận định.
Theo luật sư Tatsuya Hagiwara, ly hôn chồng đã mất có thể giúp người vợ thoát khỏi ràng buộc trách nhiệm với nhà chồng. Tuy nhiên, nó cũng khiến các góa phụ gặp không ít bất lợi.
“Những người vợ chọn giải pháp ly hôn như vậy sẽ không thể tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ người thân của chồng về cả tài chính lẫn tinh thần”.
Ngoài ra, họ phải chủ động với cuộc sống mới, bao gồm chuyện nhà cửa, nuôi dạy con cái. Đây có thể là một thách thức lớn vì đa số những người này đều ở chung với gia đình chồng trước đó và thường phụ thuộc kinh tế vào chồng.
Trong khi đó, luật sư Mito Ayako nhận định: “Vợ chồng nên quan tâm và bày tỏ sự biết ơn của mình đến người kia. Như vậy, những cuộc ly hôn sau khi chết sẽ không còn cần thiết”.
Phụ nữ Nhật quyết ly hôn: 'Covid-19 giúp nhận ra bản chất của chồng'
Sau những ngày cách ly tại nhà, nhiều phụ nữ Nhật Bản đang sử dụng hashtag '#coronarikon' (ly hôn vì corona) để bày tỏ sự thất vọng về bạn đời.
Trước khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 vào đầu tháng 4, khái niệm corona rikon (ly hôn vì corona) đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Nhiều người sử dụng hashtag #coronarikon để kể câu chuyện bất mãn của họ với bạn đời.
Hiện tại, sau hơn một tháng Tokyo khuyến khích người dân ở nhà, nhiều cặp vợ chồng cảm thấy sự thất vọng đã lên đến đỉnh điểm. Mắc kẹt với gia đình, trẻ nhỏ 24/7, họ cảm thấy mệt mỏi, dễ bực tức với người gần gủi nhất.
Phụ nữ Nhật Bản muốn ly hôn sau thời gian cách ly. Ảnh: Savvy Tokyo.
Không có thời gian cho bản thân
Với hashtag #coronarikon, tài khoản có tên "meneki wo ageru" viết về chồng mình: "Anh thức giấc, ăn trưa, chơi với con một lúc, rồi lại quay về giường. Anh thức cả đêm lướt mạng. Và sáng ra khi lũ trẻ dậy, anh ngủ bù".
Ngay trong những gia đình chưa có con nhỏ, nơi phụ nữ hy sinh sự nghiệp, phụ trách việc nhà để chồng chuyên tâm với công việc, người vợ chợt nhận ra họ mới là người bận rộn nhất nhưng chẳng được thừa nhận.
Một phụ nữ khác có tên tài khoản Twitter "hãy lắng nghe những điều ngu ngốc mà chồng tôi làm" viết: "Chồng tôi đang có thời gian nghỉ ngơi dưới danh nghĩa 'làm việc từ xa', trong khi tôi vẫn làm 6 ngày một tuần. Nhưng khi tôi về nhà, không có bữa tối, anh ấy đang uống rượu. Và giờ, anh ta ngủ rồi".
Nhiều người cảm thấy mệt mỏi vì bạn đời không phụ giúp công việc nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: New York Times.
Giống như nhiều quốc gia khác, bạo lực gia đình tại Nhật Bản gia tăng trong giai đoạn phong tỏa, cách ly tại nhà. Một tổ chức hỗ trợ nạn nhân và chống bạo lực gia đình có trụ sở tại Tokyo, A , đã nói với NHK rằng số vụ gia tăng từ tháng 3. Nhiều trường hợp liên quan đến nỗi lo về tài chính, căng thẳng khi làm việc ở nhà, trẻ em ồn ào.
Một phụ nữ 26 tuổi nói với chuyên trang dành cho phái nữ Lip Pop về sự căng thẳng mà cô gặp phải khi chồng work from home: "Từ trước đến nay, thời gian chồng ra khỏi nhà là thời gian tôi thoải mái chăm lo cho mình. Tôi có thể ăn, làm bất cứ việc gì tôi thích. Giờ đây khi ở nhà, anh ta không giúp đỡ tôi, và sự căng thẳng đã tăng lên, tôi bắt đầu nghĩ đến việc ly hôn".
Ngoài việc căng thẳng do không có thời gian cho chính mình, những rắc rối của người phụ nữ này dường như phản ánh vai trò truyền thống của những người vợ Nhật Bản là phục vụ mọi nhu cầu của chồng họ.
Đại dịch là chất xúc tác ly hôn
Ngày 29/4, tạp chí Lip Pop công bố kết quả của khảo sát trực tuyến về ly hôn liên quan đến corona. Trong 100 người được hỏi (82% là nữ giới), 38% cho biết họ đang cân nhắc việc ly hôn do các vấn đề liên quan đến Covid-19.
Một phụ nữ 41 tuổi nói rằng đại dịch Covid-19 là chất xúc tác giúp cô cân nhắc việc ly hôn.
"Đại dịch giúp tôi nhận ra bản chất của chồng. Dù chúng ta phải hạn chế ra ngoài vì corona, tôi vẫn thấy chồng đến tiệm game hay đi chơi với bạn bè. Chồng có thể lây bệnh cho các con. Nếu anh ta không thể nghĩ đến lợi ích của các con, thì tôi không muốn anh ấy là cha của chúng".
Theo khảo sát của tạp chí Lip Pop, 38% người được hỏi cho biết đang cân nhắc việc ly hôn do các vấn đề liên quan đến Covid-19. Ảnh: AP.
Nước đầu tiên thực hiện lệnh phong tỏa là Trung Quốc. Tại đây, số trường hợp ly hôn đã tăng lên. Các cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn ở Thượng Hải phải chờ đến một tháng để nhận được lịch hẹn, điều mà thông thường chỉ khiến họ mất khoảng một tuần.
Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra ở nhiều nước. Luật sư ở nhiều quốc gia cho biết nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các cặp đôi tìm cách ly hôn ngay sau khi hết lệnh phong tỏa.
Dù vậy, một chút nỗ lực có thể bảo vệ các mối quan hệ khỏi nỗi căng thẳng mang tên Covid-19. Tiến sĩ David Cates, nhà tâm lý học tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, nói với Newsweek: "Để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, các cặp vợ chồng nên tìm cơ hội thể hiện sự quan tâm, đồng cảm, bày tỏ tình cảm, hướng đến thỏa thuận chung".
Tiến sĩ Cates cũng khuyến khích các cặp vợ chồng giảm căng thẳng cá nhân để cải thiện mối quan hệ, bằng cách hạn chế tin tức tiêu cực, ăn uống lành mạnh, ngủ ngon, tập thể dục.
Nhiều bé gái dân tộc thiểu số ở Hong Kong bị ép lấy anh họ Do gặp khó khăn tài chính, nhiều gia đình ép con gái đi lấy chồng, đôi khi cưới chính anh em họ. Không ít cô bé thậm chí chưa đầy 14 tuổi. Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập đến nạn tảo hôn, cưỡng ép hôn nhân bùng phát trong cộng đồng người gốc Nam Á ở Hong...