Lý giải tầm quan trọng của máy thở đối với bệnh nhân COVID-19
Máy thở là một trong những thiết bị y tế có vai trò quan trọng trong việc cứu sống các bệnh nhân mắc COVID-19.
Máy thở có vai trò quan trọng trong việc điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 có diễn tiến nặng. Ảnh: The Guardian/Axel Heimken/AFP qua Getty Images.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo các nước nên tối ưu hóa việc dùng máy thở để điều trị các bệnh nhân có chuyển biến nặng với COVID-19 do đây là liệu pháp chính chữa trị các trường hợp này một cách hiệu quả. Vậy máy thở là gì và nó có tầm quan trọng thế nào đối với việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19?
Máy thở là gì?
Theo The Guardian, máy thở là 1 thiết bị y tế được dùng khi bệnh nhân không thể tự hô hấp. Quá trình lấy khí oxy và thải khí carbon dioxide được thực hiện thông qua một ống thở luồn vào khí quản của bệnh nhân.
Sau đó ống thở được gắn vào máy thở và nhân viên y tế có thể điều chỉnh tốc độ đẩy không khí và oxy vào phổi. Quá trình này còn được gọi là đặt nội khí quản.
Khi nào bác sĩ quyết định đặt máy thở cho bệnh nhân
Giáo sư David Story, Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc tích hợp của Đại học Melbourne (Australia), đồng thời là một bác sĩ gây mê tại Bệnh viện Austin (Australia) cho biết: “Trước khi quyết định đặt máy thở cho bệnh nhân, các bác sĩ sẽ xác định các dấu hiệu suy hô hấp với biểu hiện nhịp thở và nồng độ CO2 trong máu tăng, bệnh nhân trở nên mơ hồ và đau đớn. Nhịp thở của người bình thường là khoảng 15 nhịp một phút, nếu nhịp thở đạt khoảng 28 lần một phút, thì đây là tín hiệu cho thấy có thể cần thông khí”.
Theo Giáo sư John Wilson, bác sĩ hô hấp và là hiệu trưởng trường Đại học Bác sĩ Hoàng gia Australasian (Australia), quyết định cắm máy thở vào bệnh nhân được thực hiện khi có căn cứ rõ ràng rằng phổi của họ đã bị viêm quá nặng, hoặc bị chấn thương nghiêm trọng, không thể tự thực hiện chức năng và khi những thao tác ít can thiệp hơn như đeo mặt nạ oxy trên mũi và miệng không thể đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.
Tầm quan trọng đối với bệnh nhân mắc COVID-19
COVID-19 là bệnh về đường hô hấp xảy ra khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập và tấn công phổi, trong một số trường hợp, gây ra các vấn đề về hô hấp. Máy thở được xem là giải pháp cuối cùng để cứu lấy sinh mạng những bệnh nhân nguy kịch.
Giáo sư Sarath Ranganathan, thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức Phổi Australia và là bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Melbourne (Australia) cho hay: “Với các hình thức thông khí thủ công như bóp bóng qua mặt nạ, sự sống của bệnh nhân COVID-19 chỉ có thể duy trì trong thời gian ngắn. Họ cần được đặt máy thở trong vòng 30 phút kể từ khi xảy ra cơn nguy kịch”.
Theo cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc, khoảng 14% những người nhiễm virus SARS-CoV-2 diễn tiến thành các ca nặng, cần nhập viện và hỗ trợ thở oxy và 5% người mắc COVID-19 cần điều trị trong các phòng chăm sóc tích cực.
Khoảng thời gian mà một bệnh nhân sử dụng máy thở có thể từ vài ngày đến vài tuần tùy tình hình. Tại Trung tâm Y tế Tulane ở New Orleans (Mỹ), các bệnh nhân mắc COVID-19 thường được gắn máy thở trong 1 – 2 tuần.
Khi bệnh nhân không còn cần đến máy thở nữa, ống nối sẽ được tháo ra và máy thở sẽ được chuyển sang cho bệnh nhân tiếp theo sau khi được khử trùng kỹ càng.
LÊ THANH HÀ
'Ám ảnh' với video thực tế ảo mô phỏng bên trong phổi của bệnh nhân nhiễm COVID-19
Một bác sĩ phẫu thuật đã tạo ra mô hình thực tế ảo (VR) của phổi người nhiễm coronavirus mới từ các dữ liệu thực tế.
Theo các báo cáo, người nhiễm coronavirus mới (COVID-19) có các triệu chứng chính là sốt, ho và có đờm. Và dựa vào các dữ liệu thực tế và công nghệ đồ họa máy tính ba chiều, mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học George Washington đã sử dụng công nghệ thực tế ảo để tìm hiểu những tổn hại trên cơ thể do virus corona mới gây ra.
Trong video mô phỏng, bạn có thể thấy các mô phổi khỏe mạnh màu xanh lam và mô phổi bị nhiễm virus có màu vàng.
Video VR minh họa phổi người nhiễm Covid-19.
"Có một sự tương phản rõ rệt như vậy giữa mô phổi bất thường (bị nhiễm virus) và mô phổi liền kề khỏe mạnh hơn", tiến sĩ Keith Mortman, trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực tại bệnh viện này cho biết. " Và đó là một sự tương phản đến nỗi bạn không cần chứng chỉ bác sĩ đa khoa để hiểu những hình ảnh này... Tổn thương do virus gây ra mà chúng ta thấy không bị cô lập với bất kỳ phần nào khác của phổi. Đây là tổn thương nghiêm trọng cho cả hai lá phổi."
Mô hình thực tế ảo nói trên được đồng phát triển bởi tiến sĩ Keith Mortman và Surgical Theater, phần mềm của một công ty VR về y tế. Trước đây, bác sĩ Mortman đã sử dụng phần mềm này để cố gắng hình dung các khối u bằng dữ liệu từ bệnh nhân.
Phổi của bệnh nhân. Vùng màu xanh mờ là phổi bình thường và vùng bị nhiễm bệnh được vẽ màu vàng.
Khu vực chấn thương mở rộng ra ngoài tới vô số các nhánh của phế quản.
Mô hình VR này được tạo ra dựa trên dữ liệu thực tế như quét CT bệnh nhân.
Vì là mô hình VR, nên có thể quan sát phổi từ bên trong phế quản.
Bạn có thể thấy rõ rằng toàn bộ phổi đã bị phá hủy bởi COVID-19, chứ không chỉ một phần.
"Khi chúng tôi hình dung phổi của bệnh nhân COVID-19 bằng phần mềm, chúng tôi thấy rằng phổi cho thấy các tổn thương nhanh và tiến triển, đòi hỏi mức độ điều trị cao hơn cả máy thở", Mortman nói. "Sau đó, bệnh nhân được điều trị bằng máy tạo oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO) để đưa máu trong tĩnh mạch ra khỏi cơ thể, loại bỏ carbon dioxide, đồng thời bổ sung oxy và trả lại các tế bào hồng cầu cho cơ thể".
Mortman cũng cho biết ông đặc biệt lo ngại về khả năng tổn thương phổi lâu dài đối với những người sống sót sau khi nhiễm COVID-19.
Bảo Nam
Bảo hộ kín người 12 tiếng/ngày: Nỗi vất vả ít biết của lực lượng tuyến đầu Trong ca trực kéo dài 12 tiếng chăm sóc bệnh nhân Covid-19, y bác sĩ mặc trang phục phòng hộ "trùm kín người". Quá trình điều trị dài, liên tục nhiều ngày, trang phục này gây ra không ít "rắc rối"... Kín mít trong suốt một ca trực 12 tiếng Covid-19 là một loại bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan mạnh,...