Lý do Ukraine tăng cường tấn công tầm xa cơ sở dầu mỏ Nga, bất chấp phản ứng của Mỹ
Ukraine bảo vệ các cuộc tấn công nhà máy lọc dầu của Nga, lưu ý rằng doanh thu từ dầu mỏ là trung tâm của nền kinh tế Nga, khiến chúng trở thành “mục tiêu hợp pháp”.
Lửa bốc lên sau một cuộc tấn công của Ukraine vào cơ sở dầu mỏ ở Nga. Ảnh: TASS
Theo trang web của Hội đồng Đại Tây Dương (atlanticcouncil.org) mới đây, Ukraine đã thực hiện một trong những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) tầm xa nhất trong cuộc chiến cho đến nay vào ngày 2/4, tấn công một nhà máy lọc dầu ở vùng Tatarstan của Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 1.300 km.
Đây là vụ tấn công mới nhất trong chiến dịch sử dung UAV đang mở rộng, gây thiệt hại đáng kể cho ngành dầu khí của Nga, nhưng điều đó cũng bộc lộ sự chia rẽ giữa các bên liên quan trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Những dấu hiệu đầu tiên của sự chia rẽ đối với cuộc không kích của Ukraine xuất hiện vào cuối tháng 3, khi tờ Financial Times đưa tin các quan chức Mỹ đã kêu gọi Ukraine dừng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các nhà máy lọc dầu của Nga trong bối cảnh lo ngại về giá dầu toàn cầu và khả năng trả đũa.
Vài ngày sau, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận phản ứng của Mỹ trước các cuộc không kích bằng UAV của Ukraine là “không tích cực”, nhưng nhấn mạnh Ukraine sẽ không chấp nhận những hạn chế trong việc sử dụng vũ khí sản xuất trong nước. “Chúng tôi đã sử dụng máy bay không người lái của mình. Không ai có thể nói với chúng tôi rằng Ukraine không thể làm điều đó”, Tổng thống Zelensky tuyên bố.
Cho đến nay, các đồng minh chủ chốt khác của Ukraine vẫn chưa lên tiếng bày tỏ lo ngại tương tự về các cuộc tấn công bằng UAV vào bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, sự chia rẽ rõ ràng đã được thể hiện trong chuyến thăm Pháp mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Trong khi ông Blinken nhắc lại rằng Mỹ “không ủng hộ cũng như không cho phép Ukraine tấn công bên ngoài lãnh thổ của mình”, thì Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné lại đưa ra một lập trường khác: “Ukraine đang hành động để tự vệ. Trong hoàn cảnh như vậy, hầu như không còn gì để nói”.
Video đang HOT
Tính đến thời điểm hiện tại, Ukraine đã tấn công hơn chục nhà máy lọc dầu của Nga kể từ đầu tháng 1/2024, bao gồm một số cơ sở lọc dầu máy lớn nhất ở nước này. Nhiều cuộc tấn công đã diễn ra cách xa biên giới Ukraine, làm nổi bật khả năng hoạt động tầm xa ngày càng tăng của UAV từ Ukraine.
Do Ukraine bị hạn chế sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga nên việc sản xuất máy bay không người lái tầm xa đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Kiev. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng đầu tư và số lượng tăng đột biến. Sản xuất máy bay không người lái với số lượng lớn rẻ hơn đáng kể so với tên lửa tầm xa và yêu cầu ít cơ sở hạ tầng hơn.
Các đối tác của Ukraine cũng ủng hộ việc Kiev tập trung vào chiến tranh máy bay không người lái. Vào tháng 1/2024, Anh cam kết chi ít nhất 250 triệu USD để nhanh chóng mua sắm, sản xuất và giao 1.000 máy bay không người lái tấn công một chiều cho Ukraine.
Mặc dù các chi tiết chính xác liên quan đến kho dự trữ máy bay không người lái của Ukraine vẫn chưa được tiết lộ, nhưng tuyên bố của các quan chức cấp cao Ukraine và các cuộc tấn công đang diễn ra cho thấy chiến dịch tấn công bằng UAV bên trong lãnh thổ Nga có thể sẽ tiếp tục được tăng cường.
Ukraine đã bảo vệ các cuộc tấn công của mình vào các nhà máy lọc dầu của Nga bằng cách lưu ý rằng doanh thu từ dầu mỏ là trung tâm của nền kinh tế Nga, khiến các cơ sở dầu mỏ trở thành “mục tiêu hợp pháp”. Các nhà hoạch định quân sự Ukraine dự kiến cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mở rộng của họ sẽ gây ra những hậu quả về quân sự, kinh tế và chính trị cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong lĩnh vực quân sự, các cuộc tấn công kéo dài 3 tháng qua đã xác nhận rằng các cơ sở dầu mỏ của Nga không được bảo vệ đầy đủ. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tiếp theo của Ukraine có thể buộc Nga phải triển khai lại các hệ thống phòng không hiện có để bảo vệ các nhà máy lọc dầu. Điều này có khả năng tạo cơ hội cho Ukraine tấn công các mục tiêu có giá trị cao khác bên trong lãnh thổ Nga.
Các chỉ huy quân sự Ukraine hy vọng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có thể làm suy yếu năng lực chiến đấu của Nga. Quân đội Nga phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm dầu mỏ đã tinh chế như xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay phản lực.
Việc giảm công suất lọc dầu của Nga có thể tác động đến nguồn cung cấp nhiên liệu quân sự về lâu dài, tạo ra những thách thức về hậu cần cho quân đội Nga và cản trở việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn mới trong năm 2024.
Chiến lược của Ukraine cũng mang tính kinh tế và nhằm mục đích giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga. Theo Bộ Quốc phòng Anh, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã làm gián đoạn ít nhất 10% công suất lọc dầu của Nga. Quá trình sửa chữa thiệt hại do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái còn phức tạp hơn do các nhà máy lọc dầu của Nga phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ phương Tây.
Với các lệnh trừng phạt hạn chế khả năng tiếp cận của Nga với các bộ phận và thiết bị quan trọng, việc nối lại hoạt động tại các nhà máy lọc dầu bị tấn công có thể sẽ là một quá trình tốn kém và mất thời gian.
Ngành dầu mỏ Mỹ hưởng lợi lớn từ lệnh trừng phạt Nga
Ấn Độ đã bắt đầu mua thêm dầu từ Mỹ trong bối cảnh Washington thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với công ty vận tải Sovcomflot của Nga.
Một tàu chở dầu của Nga cập cảng ở Ấn Độ. Ảnh: Sputnik/AP
Các công ty dầu mỏ của Mỹ đã trở thành đối tượng hưởng lợi chính từ cuộc chiến trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của Nga, tờ Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 1/4 đưa tin.
Mỹ cũng được hưởng lợi từ chính sách giảm sản lượng dầu, nhờ đó các nước tham gia thỏa thuận của OPEC duy trì được giá thế giới ở mức cao. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak xác nhận nước này sẽ giảm sản lượng dầu trong quý 2/2024 để phù hợp với mức cắt giảm ở các nước OPEC khác.
Hiện tại, dầu của Mỹ đang thay thế nguồn cung "vàng đen" từ các nước OPEC . Trong tháng 4 này, Ấn Độ sẽ nhận được lô hàng dầu lớn nhất từ Mỹ sau khi thắt chặt lệnh trừng phạt đối với các nhà cung cấp Nga.
Xuất khẩu dầu của Mỹ đã lập 5 kỷ lục mới hàng tháng kể từ khi các nước phương Tây bắt đầu áp dụng hàng loạt lệnh trừng phạt mới chống Nga. Ngoài ra, do việc nối lại các hạn chế thương mại đối với Venezuela, dầu của Mỹ đang nhanh chóng thay thế dầu Nga cung cấp cho Ấn Độ, quốc gia cho đến nay vẫn là một trong những nước mua dầu lớn nhất từ Nga và Venezuela, Bloomberg đưa tin.
Sự thay đổi này nhấn mạnh mức độ mà các biện pháp trừng phạt đã giúp Mỹ giành được thị phần dầu mỏ trên toàn thế giới. Nguồn cung dầu của Mỹ sang châu Âu và châu Á cũng tăng mạnh, biến Mỹ trở thành một trong những nước xuất khẩu "vàng đen" lớn nhất thế giới. Trên thực tế, các nhà cung cấp dầu của Mỹ đang thâm nhập vào những thị trường truyền thống của OPEC trên toàn thế giới.
Các biện pháp trừng phạt chống Nga không phải là lý do duy nhất khiến xuất khẩu dầu của Mỹ ngày càng chiếm ưu thế. Kể từ tháng 3/2020, Saudi Arabia, Nga và các nhà xuất khẩu khác đã đồng ý giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu.
Thỏa thuận này trong OPEC đã tạo ra một tình huống đặc biệt cho các công ty Mỹ, vì họ có thể tận dụng cùng lúc hai yếu tố thuận lợi - giá dầu cao và nguồn cung hạn chế trên thị trường thế giới. Các quan chức của Bộ Năng lượng Nga xác nhận thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong OPEC trên thực sự làm giảm thị phần của Nga, Saudi Arabia và những nước OPEC khác trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Gary Ross, nhà quản lý quỹ phòng hộ tại Black Gold Investor LLC, cho biết: "Sản lượng của Mỹ đang tăng lên trong khi sản lượng của OPEC và Nga đang giảm, do đó, theo logic, Mỹ sẽ có thị phần lớn hơn".
Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba và là khách hàng mua dầu lớn thứ hai của Nga sau Trung Quốc. Nhưng tại thị trường Ấn Độ cũng đang chứng kiến sự mở rộng của dầu mỏ Mỹ. Theo công ty dữ liệu Kpler, các chuyến hàng của Mỹ đến Ấn Độ trong tháng 3 tăng lên mức cao nhất trong gần một năm. Đồng thời, nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ đã giảm khoảng 800 nghìn thùng mỗi ngày so với mức cao nhất của năm ngoái, Bloomberg đưa tin.
Nguồn cung từ Nga đến Ấn Độ có thể còn giảm hơn nữa do các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ không còn nhận hàng từ các tàu chở dầu thuộc sở hữu của Sovcomflot PJSC thuộc sở hữu nhà nước Nga, vốn gần đây đã chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Và tại châu Âu, nơi đã giảm mua dầu của Nga sau năm 2022, nguồn cung từ Mỹ đạt kỷ lục 2,2 triệu thùng/ngày, Bloomberg tính toán. Nguồn cung dầu của Mỹ sang Pháp đã tăng gần 40% từ năm 2021 đến năm 2023, trong khi nhập khẩu dầu từ Mỹ vào Tây Ban Nha tăng 134%.
Tuy nhiên, nguồn cung từ Mỹ không thể thay thế hoàn toàn dầu Nga do khác biệt về chất lượng dầu và thời gian vận chuyển. Matt Smith, nhà phân tích tại Kpler cho biết: "Nhưng chắc chắn sẽ có thay đổi theo hướng gia tăng nhập khẩu dầu từ Mỹ".
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) của Bộ Năng lượng Mỹ, các công ty dầu mỏ của nước này năm 2023 đã lập kỷ lục lịch sử về xuất khẩu dầu - trung bình 4,1 triệu thùng/ngày, phần lớn được chuyển đến châu Âu.
Xung đột Nga - Ukraine: Hai bên tập trung tấn công các mục tiêu chiến lược, giá trị cao Không có thay đổi chiến lược nào làm nghiêng cán cân cục diện chiến trường ở Ukraine trong tuần qua. Cuộc chiến tiêu hao vẫn đang định hình xung đột Nga - Ukraine. Nga và Ukraine đã tăng cường tấn công các mục tiêu chiến lược của nhau trong tuần qua. Ảnh: TASS Theo chuyên gia phân tích cấp cao Can Kasapoğlu thuộc...