Lý do truyền thông Triều Tiên im lặng bất thường về biến động chính trị tại Hàn Quốc
Truyền thông Triều Tiên gây chú ý khi im lặng bất thường trước những biến động chính trị lớn tại Hàn Quốc, bao gồm lệnh thiết quân luật và nỗ lực luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Điều này trái ngược hoàn toàn với cách Triều Tiên từng tích cực đưa tin về các sự kiện tương tự trong quá khứ.
Tuần hành kêu gọi Tổng thống Yoon Suk-yeol từ chức tại Seoul, Hàn Quốc ngày 5/12/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Cho đến nay, Triều Tiên đã có phản ứng bất ngờ khi chưa đưa tin về lệnh thiết quân luật được ban bố vào tuần trước tại Hàn Quốc hoặc những hậu quả của lệnh này trong tuần tiếp theo tính đến ngày 10/12, bao gồm cả động thái của phe đối lập nhằm luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết.
Cụ thể, các phương tiện truyền thông chính của Triều Tiên, bao gồm Rodong Sinmun và Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), vẫn chưa đưa tin nào liên quan đến tình hình bất ổn do thiết quân luật tại Hàn Quốc.
Rodong Sinmun, tờ báo nhắm vào độc giả trong nước, từng đăng tải các bài viết chỉ trích Tổng thống Yoon, chẳng hạn như các bài viết về các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hàn Quốc, hàng ngày trong những tuần gần đây.
Video đang HOT
Nhưng tờ báo này đã ngừng đưa tin ngay cả những thông tin như vậy kể từ ngày 5/12, sau khi Tổng thống Yoon tuyên bố thiết quân luật trong một thông báo bất ngờ vào đêm hôm trước. Tổng thống Yoon đã dỡ bỏ sắc lệnh sau khi Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu bác bỏ.
Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu thông qua động thái luận tội Tổng thống Yoon vào ngày 7/12 trong bối cảnh các cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn quốc đòi phế truất ông, nhưng động thái này cũng bị bác bỏ do thiếu số người tham dự.
Điều này hoàn toàn trái ngược với thời điểm Hàn Quốc tiến hành luận tội Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2016.
Vào thời điểm đó, tờ Rodong Sinmun và Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên đã thường xuyên đăng tải các tin tức về bà Park kể từ khi vụ bê bối lạm dụng quyền lực liên quan tới bà Park nổ ra, thậm chí còn đưa tin chi tiết về các câu chuyện liên quan ở Hàn Quốc cũng như các cuộc biểu tình thắp nến quy mô lớn kêu gọi lật đổ bà Park.
Các chuyên gia cho rằng sự im lặng của Triều Tiên có thể nhằm mục đích tránh những hành động khiêu khích không cần thiết đối với Hàn Quốc vào thời điểm quan trọng, nhằm ngăn chặn mọi tình huống khẩn cấp với Seoul.
Ngoài ra, đằng sau sự không hành động này có thể là mối lo ngại tiềm tàng của Triều Tiên về tác động xã hội mà tin tức về việc Hàn Quốc ban bố thiết quân luật và việc Quốc hội bác bỏ lệnh này có thể gây ra cho dư luận ở Triều Tiên.
“Việc bỏ qua các bản tin về thiết quân luật và thúc đẩy luận tội nhằm mục đích ngăn chặn mọi tác động tiêu cực đến hệ thống nội bộ Triều Tiên”, Yang Moo-jin, Hiệu trưởng trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, cho biết.
Khủng hoảng chính trị Hàn Quốc và tác động đến liên minh với Mỹ
Lệnh thiết quân luật bất ngờ của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã gây chấn động toàn cầu, làm dấy lên lo ngại về sự ổn định chính trị và tương lai của liên minh Hàn - Mỹ.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái) phát biểu tại một sự kiện ở Seoul ngày 22/11/2024. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Theo tờ Korea Herald của Hàn Quốc, diễn biến chính trị bất ngờ và chưa từng có tiền lệ đã xảy ra tại Hàn Quốc, khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành lệnh thiết quân luật chỉ trong vòng 6 giờ và ngay lập tức hủy bỏ, gây nên một cơn địa chấn chính trị có thể ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ đồng minh Hàn Quốc - Mỹ.
Có thể nói sự kiện chưa từng có kể từ năm 1979 này đã làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về tình hình chính trị tại Hàn Quốc. Các chuyên gia đánh giá rằng quyết định của Tổng thống Yoon không chỉ là một sự cố đơn lẻ, mà có thể là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc.
Clint Work, chuyên gia từ Viện Kinh tế Hàn Quốc tại Mỹ, nhấn mạnh: "Liên minh Mỹ và Hàn Quốc đang phải đối mặt với một tương lai vô cùng bất định". Ông dự báo trong vòng 6-9 tháng tới, liên minh này có thể phải trải qua một loạt thay đổi hỗn loạn.
Mặc dù hiện tại Washington vẫn cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của sự cố, nhưng các chuyên gia lo ngại về những hệ lụy lâu dài. Karl Friedhoff từ Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago cho rằng Mỹ sẽ nỗ lực "giả vờ như chuyện này chưa từng xảy ra" để tiếp tục kéo Hàn Quốc tham gia vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Về phần mình, Mason Richey, Giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk, cảnh báo rằng sự bất ổn chính trị sẽ làm tổn hại đến lòng tin của Mỹ đối với Hàn Quốc như một đối tác liên minh.
Trong khi đó, Andrew Yeo từ Viện Brookings chỉ ra rằng quyết định thiết quân luật đã phá hỏng hình ảnh quốc tế của Hàn Quốc. Ông này cho rằng việc này "làm cho ý tưởng về ngoại giao dựa trên giá trị và vai trò của Hàn Quốc như một quốc gia then chốt toàn cầu trở nên vô nghĩa".
Với những bất ổn hiện tại, câu hỏi lớn nhất đặt ra là Tổng thống Yoon có phải từ chức không và ai sẽ là người kế nhiệm ông? Nếu điều này xảy ra và Đảng Dân chủ Hàn Quốc lên nắm quyền có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong quan hệ với Mỹ.
Chuyên gia Friedhoff nhấn mạnh: "Không ai có thể đoán được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ phản ứng thế nào. Phần quan trọng hơn đối với mối quan hệ đồng minh sẽ là ai là tổng thống Hàn Quốc tiếp theo".
Như vậy, khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc không chỉ là vấn đề nội bộ, mà còn có những hàm ý sâu rộng đối với an ninh khu vực và quan hệ quốc tế. Liên minh Mỹ - Hàn Quốc, vốn được coi là một trong những mối quan hệ đồng minh vững chắc nhất, giờ đây đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ.
Triều Tiên im lặng về diễn biến ở Hàn Quốc liên quan tới việc thiết quân luật Truyền thông Triều Tiên đến sáng 5/12 vẫn hoàn toàn im lặng về diễn biến Tổng thống Yoon Suk Yeol áp đặt thiết quân luật khẩn cấp trong thời gian ngắn tại Hàn Quốc. Binh sĩ Hàn Quốc được triển khai bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ở Seoul, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố lệnh thiết quân luật, rạng...