Lý do Tổng thống Trump hoãn trừng phạt bổ sung Nga
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/1 cho biết sẽ chưa áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung Nga bất chấp quốc hội đã thông qua đạo luật mới về áp đặt trừng phạt Moscow.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters)
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, sở dĩ chính quyền Tổng thống Trump hoãn trừng phạt bổ sung Nga do các lệnh trừng phạt cũ đã phát huy tác dụng. “Các chính phủ nước ngoài đã hủy kế hoạch mua sắm hàng tỷ USD thiết bị quốc phòng của Nga”, bà Heather Nauert cho biết.
Quyết định trên được đưa ra bất chấp Quốc hội Mỹ hồi cuối năm 2017 đã thông qua một dự luật mới về trừng phạt bổ sung Nga do cáo buộc Moscow can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Video đang HOT
Theo đạo luật này, chính quyền Tổng thống Trump có hạn chót đến ngày 29/1 quyết định áp lệnh trừng phạt với các cá nhân, tổ chức có quan hệ làm ăn với các cơ quan trong ngành quốc phòng và tình báo Nga.
Tuy nhiên, bà Nauert cho biết Washington nên chờ thêm trước khi áp các lệnh trừng phạt bổ sung với Moscow. Bà Nauert nói thêm, chỉ đe dọa trừng phạt là đủ và không cần hành động thêm nữa.
Sự trì hoãn của chính quyền ngay lập tức đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều nghị sĩ Dân chủ khi những người này cho rằng, chính quyền đang giấu giếm điều gì đó, hoặc không xem xét mối đe dọa này một cách nghiêm túc.
Minh Phương
Theo Dantri
Ông Trump tính chi 716 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng năm 2019
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ đề xuất lên quốc hội bản kế hoạch ngân sách quốc phòng cho năm 2019 với tổng trị giá 716 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: National Interest)
"Đó là một con số khổng lồ. Đó là một bước nhảy vọt trong quốc phòng và rõ ràng là chính quyền ông Trump quyết tâm đầu tư tiền của chống lại chiến lược phòng thủ cực đoan", chuyên gia Mark Cancian từ trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Washington Post cho rằng, con số 716 tỉ USD có thể được coi là chiến thắng của người đứng đầu Lầu Năm Góc James Mattis. Gần đây, ông Mattis đã đề xuất kế hoạch bảo trì, thay mới và cải tổ quân đội Mỹ.
Năm ngoái, ông Mick Mulvaney, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ từng cảnh báo việc Mỹ mang tiền đầu tư vào quốc phòng có thể ảnh hưởng tới nguồn ngân sách họ dành cho những dự án và chương trình trong nước. Chuyên gia Todd Harrison từ CSIS cho rằng con số 716 tỷ USD cho thấy trong "cuộc đấu tranh" giữa ông Mattis và ông Mulvaney, phần thắng đã nghiêng về Bộ trưởng quốc phòng Mỹ.
Con số này có thể đủ cho Lầu Năm Góc thực hiện hàng loạt kế hoạch từ việc duy trì các chiến dịch quân sự trên khắp thế giới và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, với mức tăng 8% so với năm 2018. Tuy nhiên, quốc hội vẫn chưa thông qua đề xuất chi tiêu ngân sách quốc phòng như vậy.
Ông Trump từng cho biết ngân sách quốc phòng năm 2018 là một trong những khoản chi tiêu lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, tình hình thực tế có thể khiến cho Lầu Năm Góc không mấy hài lòng. Ban đầu, ông Trump đề xuất con số 668 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng 2018. Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật lưỡng đảng quy định ngân sách là 700 tỉ USD, nhưng đây chỉ là mức cho phép chi chứ chưa hợp thức hóa việc chi dùng. Điều này có nghĩa nếu Lầu Năm Góc muốn tiêu tiền họ phải tiếp tục nhận được sự đồng thuận của quốc hội thông qua các đạo luật khác.
Nếu năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump muốn chi dùng quốc phòng nhằm đầu tư vào huấn luyện và nâng cao mức độ sẵn sàng của lực lượng hiện tại, thì ngân sách năm 2019 được cho là tập trung vào hiện đại hóa kho vũ khí nhằm sẵn sàng đối đầu với các đối thủ chính của Mỹ.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Mỹ-Trung lên tiếng về lời kêu gọi thống nhất của Triều Tiên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington có thể ủng hộ lời kêu gọi thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, nhưng phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng là ưu tiên hàng đầu. Hãng thông tấn KCNA hôm 25.1 đăng lời kêu gọi "tất cả người dân Triều Tiên trong và ngoài nước hướng tới quan hệ tốt hơn với Hàn Quốc...