Lý do Tiến Linh mất băng đội trưởng ở CLB Bình Dương
Tân binh Pape Omar đeo băng đội trưởng CLB Bình Dương khá bất ngờ nhưng lại là phương án thuận lòng cầu thủ dưới thời ông Phan Thanh Hùng.
CLB Bình Dương vốn không ồn ào trong hai mùa giải vừa qua sau khi chuyển hướng sang trẻ hóa đội hình. Từ ngày các công thần như Nguyễn Anh Đức, Lê Tấn Tài, Bùi Tấn Trường rời đi, phòng thay đồ của đội bóng đất Thủ là sự pha trộn nhiều cá tính khác nhau.
Đó là cơ hội cho những cầu thủ do Bình Dương đào tạo như Nguyễn Tiến Linh, Tống Anh Tỷ, Nguyễn Trọng Huy.
Ổn định phòng thay đồ
HLV Phan Thanh Hùng nhận lời dẫn dắt đội chủ sân Gò Đậu chỉ đúng một tháng trước ngày V.League 2021 khởi tranh. “Chân ướt chân ráo” vào miền Nam, ông tìm hiểu kỹ những vấn đề đang diễn ra ở đội bóng mà nhìn bề ngoài có vẻ yên tĩnh nhưng đầy sóng ngầm.
Đầu mùa giải 2020, HLV Carlos Oliveira phải khăn gói ra đi sau 3 tháng chuẩn bị trước mùa giải. Sau khi hoàn thành giai đoạn chạy đà, đá giao hữu, HLV người Brazil này bị cho thôi việc với lý do thiếu bằng cấp. Một nghịch lý khó chấp nhận với người từng nhận là bạn của “vua bóng đá” Pele.
Không phải ngẫu nhiên mà giới chuyên môn cho rằng HLV Phan Thanh Hùng có nhiều việc để làm sau khi đến Bình Dương. Ảnh: Quang Thịnh.
Ông Hùng thừa hiểu cần làm gì sau hàng chục năm huấn luyện. Không ổn định được lòng quân thì khó xây mộng ra biển lớn. Một trong số đó là tấm băng đội trưởng của đội bóng. GĐKT Đặng Trần Chỉnh đã một lần chọn ra ban cán sự, tuy nhiên, lựa chọn của ông không thuyết phục. Lý do ông Chỉnh chọn Tiến Linh vì hợp tuổi khiến một số cầu thủ không phục.
Sau hai tuần làm việc, tân HLV cho đội bầu chọn lại ban cán sự để giải quyết những vấn đề tồn đọng trong tư tưởng những cầu thủ trẻ. Bởi lẽ các cầu thủ không thể thi đấu tốt khi cái đầu không cùng chung chí hướng.
Theo kết quả bỏ phiếu kín lần 1, tiền vệ Văn Vũ nhận được số phiếu cao nhất, 12/28 bầu chọn. Ba người nhận được nhiều bầu chọn nhất là Văn Vũ, Tiến Linh và Omar. Tuy nhiên, do số phiếu của Vũ không quá bán nên cả đội phải bầu lại.
Ở lần thứ 2, ngoại binh Pape Omar có số phiếu cao nhất, hơn Văn Vũ 2 phiếu, trở thành tân đội trưởng. Năm cầu thủ Văn Vũ, Tiến Linh, Trọng Huy, Đức Cường, Ali là đội phó. Không phải Tiến Linh, cũng không phải Văn Vũ, người nhận được sự đồng thuận lại là một tân binh.
Tiến Linh sút bóng ra ngoài để giải tỏa khi trọng tài thổi phạt anh trong một tình huống tranh chấp trong trận thắng CLB Thanh Hóa ở vòng 1. Ảnh: Phan Thị.
Lá phiếu nói lên điều gì?
Omar trở thành đội trưởng là điều bất ngờ nhưng lại hợp lý. Pape là ngoại binh mới đến đội bóng, nhưng anh có tố chất một thủ lĩnh và chuyên môn được khẳng định từ Thanh Hóa đến Hà Nội.
Ở trận ra quân gặp CLB Thanh Hóa tối 16/1, Omar cho thấy lý do anh được tin tưởng trong ban cán sự. Cầu thủ 34 tuổi có mặt ở những điểm nóng, giải tỏa sự bất lợi của đồng đội. Anh luôn là người can thiệp khi cầu thủ Bình Dương phản ứng trọng tài.
Ngay cả một cái đầu nóng như Victor Mansaray, Omar cũng không ngại lao vào nắm cổ cầu thủ người Mỹ kéo ra ngoài. Trước đó, ông Hùng đứng ngoài sân, hét khản cổ nhưng Mansaray như bỏ ngoài tai.
Cuộc bỏ phiếu kín để bầu đội trưởng phần nào giúp phòng thay đồ của đội bóng đất Thủ trật tự hơn. Tiến Linh cần thể hiện tiếng nói trên sân thông qua các bàn thắng, còn Văn Vũ vốn nóng tính cũng ít phải tranh cãi tay đôi với trọng tài?
Tiến Linh được GĐKT Đặng Trần Chỉnh chọn chủ yếu vì là tài năng do lò đào tạo trẻ Bình Dương sản sinh ra. Tuy nhiên, cầu thủ sinh năm 1997 đã cho thấy mình còn nhiều điều phải học khi sút bóng ra sát khu kỹ thuật của đội nhà sau tiếng còi của trọng tài.
Pape Omar (trái) được bầu làm đội trưởng sau cuộc bỏ phiếu kín do HLV Phan Thanh Hùng đề xuất. Ảnh: Quang Thịnh.
Văn Vũ là cầu thủ khá nóng tính. Tiền vệ sinh năm 1993 giỏi ghi bàn, phối hợp tốt với Tiến Linh nhưng để có được sự nể trọng từ các đồng đội thì khác. Vũ từng lãnh thẻ đỏ vì chửi trọng tài ở trận giao hữu Thiên Long hồi đầu tháng 1. Anh cũng hay bày tỏ bức xúc về đội trên trang cá nhân.
CLB Bình Dương có đội hình trẻ thứ ba (25.2 tuổi) ở mùa giải 2021. Để kiểm soát được một đội bóng, cần một HLV am hiểu cả hậu trường, hay thường được gọi là “phòng thay đồ”. Với ông Hùng cũng không phải là ngoại lệ. Thành công bước đầu của ông chính là để 28 cầu thủ cùng nhìn về một hướng.
Sau chiến thắng trước Thanh Hóa, dù có phần vất vả, cựu HLV tuyển Việt Nam đã dành nhiều lời khen cho các học trò mới. “Nổi bật nhất trong trận đấu này là tinh thần cầu thủ. Họ chơi bóng bằng ngọn lửa nhiệt huyết. Tôi ghi nhận điều này và hy vọng thêm thời gian, họ sẽ làm tốt hơn”, ông Hùng chia sẻ sau trận đầu tiên.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, cựu HLV đội Bình Dương (2005/06) bình luận: “Mỗi huấn luyện viên sẽ có cách thiết lập ban cán sự, hay gọi là đội trưởng, đội phó ở từng đội bóng. Việc chọn ai là đội trưởng phụ thuộc vào quan điểm huấn luyện viên, không đặt nặng vào cá nhân nào. Điều quan trọng nhất là làm sao đạt sự đồng thuận cao nhất. Băng đội trưởng quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Tập thể vẫn là cái chính nếu họ cùng nhìn về một hướng”.
CLB Sài Gòn có 5 đội trưởng: Daisuke Matsui, Cao Văn Triền, Huỳnh Tấn Tài, Phạm Văn Phong và Nguyễn Văn Ngọ.
CLB HAGL có 4 đội trưởng: Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường, Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Công Phượng.
Sài Gòn FC khiến HAGL của Kiatisak bất lực thế nào?
Sài Gòn FC chơi hay trước HAGL ở vòng mở màn, nhưng đội khách cũng có trận đấu không tệ khi tạo được nhiều cơ hội ăn bàn.
Phút 40, trung vệ Nguyễn Hữu Tuấn cầm bóng trên phần sân nhà. Anh dấn lên một nhịp, đưa bóng đến sát vạch giữa sân. Tuy nhiên, đường chuyền mở biên của Hữu Tuấn bị bắt bài. Bóng tới chân Đỗ Merlo, để rồi tiền đạo 36 tuổi cứa lòng hiểm hóc hạ gục thủ môn Huỳnh Tuấn Linh.
Đây là tình huống phản chiếu hình ảnh của Sài Gòn FC và HAGL ở trận đấu tâm điểm vòng 1 V-League tối qua. Sài Gòn FC rất "quái" và kinh nghiệm, trong khi HAGL dù thua trận, vẫn cho thấy những nét tươi mới.
Video: Sài Gòn FC 1-0 HAGL
Chất quái của Vũ Tiến Thành
Sau mùa chuyển nhượng đầy biến động khi thay máu gần như toàn bộ lực lượng, vị thế của Sài Gòn FC bị nghi ngờ. Đội hình gặp HAGL của Sài Gòn FC chỉ còn bốn cầu thủ thường xuyên đá chính mùa trước là Phạm Văn Phong, Cao Văn Triền, Nguyễn Văn Ngọ và Huỳnh Tấn Tài.
Bảy cầu thủ còn lại là tân binh. Sài Gòn FC giao hữu bốn trận trước mùa, nhưng chỉ có trận gặp SHB Đà Nẵng là tạm đủ lực lượng lắp ráp đội.
Dù vậy, vị trí quan trọng nhất của Sài Gòn FC vẫn "bất biến", đó là ghế HLV trưởng của Vũ Tiến Thành. HLV giữ nguyên, tức triết lý của đội bóng được bảo toàn, dù lực lượng thay đổi ra sao. Đó là yếu tố trái ngược giữa Sài Gòn FC và HAGL - đội bóng gần như giữ nguyên bộ khung cầu thủ, nhưng thay HLV như thay áo.
Chỉ thời gian mới trả lời liệu Sài Gòn FC có đúng đắn khi cải tổ toàn diện đội hình, tuy nhiên, đội bóng chủ sân Thống Nhất vẫn có một trận ra quân "xem được" trước một HAGL giàu khát khao và sung mãn.
Sài Gòn FC (áo xanh) phòng ngự chủ động. (Ảnh: Zing)
Sài Gòn FC không vội vã đẩy cao đội hình. HLV Vũ Tiến Thành giữ nguyên cách tiếp cận như mùa trước khi để cầu thủ đá chậm, chắc. Trong hiệp 1, hiếm khi Sài Gòn FC có nhiều hơn năm cầu thủ tấn công cùng ồ ạt tiếp cận khung thành HAGL. Bộ tứ vệ thường trực ở phần sân nhà, trong khi các tiền vệ hợp thành các nhóm, với nhiệm vụ chia cắt tuyến giữa HAGL.
Đội bóng của HLV Kiatisak Senamuang bất lực trước hệ thống phòng ngự kín kẽ của Vũ Tiến Thành. Tình huống nguy hiểm duy nhất của HAGL trong hiệp 1 diễn ra ở phút 15, khi Nguyễn Văn Toàn đi bóng ở cánh phải, trả ngược bóng cho Trần Minh Vương chuyền sang cho Nguyễn Công Phượng dứt điểm.
Pha tấn công ở tốc độ cao trong không gian hẹp của HAGL khiến Sài Gòn FC bất ngờ. Đó cũng là phương án Kiatisak hướng tới: tận dụng tốc độ, kỹ thuật của các cầu thủ tấn công khéo léo để phá vỡ hàng thủ số đông của Sài Gòn FC, nhưng HAGL chỉ một lần làm được điều này trong 45 phút đầu.
Bởi Sài Gòn FC phòng thủ nhiều lớp, nhưng không hề bị động. Hệ thống của Vũ Tiến Thành chia thành hai tầng bài bản: tầng hậu vệ được xây dựng để chống bóng bổng, tầng tiền vệ và tiền đạo kèm chặt tuyến giữa, bắt bài đường chuyền lên từ hàng thủ của HAGL.
Bộ tứ tiền vệ gồm Woo Sang-ho, Daisuke Matsui, Trần Mạnh Cường và Cao Văn Triền của Sài Gòn FC hợp thành các khối tam giác hoặc tứ giác để bao vây tuyến giữa HAGL. HLV Vũ Tiến Thành hai lần nhắc đến sự kiên trì của cầu thủ Sài Gòn FC, điều này được thể hiện ở phút 39 khi các tiền vệ của ông đã đưa đối thủ vào bẫy.
Tình huống Hữu Tuấn (vòng tròn đỏ) mắc sai lầm.
Phút 40, Hữu Tuấn cầm bóng dâng cao, nhưng tiền vệ trung tâm của HAGL bị bắt chặt bởi bốn cầu thủ Sài Gòn FC. Hai cầu thủ chủ nhà khác cũng tiếp cận, một người bắt bài đường chuyền biên, người còn lại đón lõng pha cắt bóng để tấn công. Hữu Tuấn mất bóng, Sài Gòn FC phản công, HAGL bị trừng phạt.
Trước một HAGL muốn xây dựng lối chơi từ phần sân nhà, Sài Gòn FC đã lùi một bước để tiến ba bước, dụ hậu vệ đối thủ cầm bóng dâng cao để cướp bóng. Sai lầm của HAGL không phải tự nhiên xuất hiện, mà nó đến từ sự bền bỉ, khoa học của đội chủ nhà.
Văn Triền, Matsui đã làm tốt nhiệm vụ pressing, ép HAGL phải đá biên, tạt bổng. Sài Gòn FC thắng xứng đáng và chứng tỏ vị trí thứ ba mùa trước không phải do may mắn.
Kiatisak không phải "dạng vừa"
Dù vậy, HAGL không phải quá buồn. Gặp đối thủ đã thắng Hà Nội FC, CLB TP.HCM lẫn Than Quảng Ninh mùa trước, nhưng Văn Toàn cùng đồng đội đã thể hiện được nhiều điều.
Lời khen "HAGL đá hay hơn" của HLV Vũ Tiến Thành không hoàn toàn xã giao. Trong lần đầu có đội hình mạnh nhất, HLV Kiatisak đã giúp đội bóng phố Núi cải thiện hai khía cạnh: phòng ngự và tinh thần.
HAGL (áo trắng) thi đấu với quyết tâm cao.
45 phút đầu tiên chứng kiến Sài Gòn FC ba lần tiếp cận cầu môn HAGL (ghi một bàn), nhưng đều xuất phát từ sai lầm cá nhân với sự chần chừ của Hữu Tuấn và thủ môn Tuấn Linh. Nhìn toàn cục, HAGL đã phòng ngự tốt, giải quyết gọn những pha phản công của đối thủ.
Khía cạnh tinh thần thể hiện rõ ràng hơn, khi HAGL tấn công tới những phút cuối cùng. Những bước chạy không biết mệt của Công Phượng, Văn Toàn mang về ít nhất ba cơ hội ăn bàn rất rõ cho đội bóng phố Núi. Chỉ có sự xuất sắc của Văn Phong cùng vận may (cú sút của Triệu Việt Hưng dội xà ngang) mới ngăn HAGL có điểm.
Tất nhiên, sự bừng tỉnh muộn màng của HAGL chủ yếu đến từ ý đồ chiến thuật của Sài Gòn FC, khi đội chủ nhà đã nhường lại thế trận để thắt chặt quân số trong vòng cấm. Đội hình của Vũ Tiến Thành cũng thiếu chiều sâu khi các cầu thủ dự bị lộ rõ sự non nớt trước HAGL.
Video: HAGL tự tin chuyền ngắn trước bảy hậu vệ của Sài Gòn FC
Dù vậy, pha vẩy bóng cho Lê Đức Lương dứt điểm của Công Phượng, hay cú sút suýt thành bàn của Văn Toàn cho thấy HAGL có rất nhiều đường triển khai tấn công.
HAGL đã có ý thức phối hợp quãng ngắn, đá nhanh, nhuyễn và tìm nhau để phối hợp thay vì đột phá, nhưng phá khối phòng ngự số đông của Sài Gòn FC là cái khó của mọi CLB V-League, không riêng HAGL.
Vấn đề của Kiatisak là kết hợp những mảnh rời rạc thành một khối thống nhất. Cũng nhiều tân binh, nhưng khác với Sài Gòn FC, Kiatisak chưa thể áp đặt triết lý của ông lên cầu thủ. Sẽ viển vông nếu trông đợi HAGL của Kiatisak lập tức "thành hình" chỉ sau hai tuần làm việc.
Hà Nội FC mất tới tám năm để xây dựng lối chơi chỉn chu, bài bản. Sài Gòn FC mất không dưới bốn năm để thiết lập bản sắc trong cách đá, hay đương kim vô địch Viettel đến giờ vẫn chưa có "hình thù" cụ thể. Kiatisak cần bột để gột nên hồ.
Cuối cuộc họp báo, ông hẹn gặp lại phóng viên ở vòng tới trên sân Pleiku. Hy vọng, HAGL lúc ấy sẽ đá sáng sủa và có nét hơn.
Bảng xếp hạng V-League sau vòng 1.
HLV Phan Thanh Hùng lao vào sân can ngoại binh Mansaray HLV trưởng nhận định Victor Mansaray "có cái đầu không bình thường" khi suýt nữa khiến CLB Bình Dương chơi thiếu người vì phản ứng với trọng tài Trần Đình Thịnh. Trở lại CLB Bình Dương với kỳ vọng tỏa sáng, nhưng Mansaray tiếp tục chứng tỏ anh là "con ngựa chứng" bất kham. Anh chơi nỗ lực nhưng thiếu sự bình tĩnh...