Lý do Singapore đột ngột đổi lập trường, khuyên dân đeo khẩu trang
“Đảo quốc sư tử” không còn khuyến cáo người dân không cần đeo khẩu trang nếu khỏe mạnh, bắt đầu phát khẩu trang tái sử dụng được cho các hộ gia đình.
Trong thông báo ngày 3/4 về các biện pháp mới nhằm ứng phó dịch Covid-19, Thủ tướng Lý Hiển Long đã thông báo thay đổi lập trường của Singapore về việc đeo khẩu trang đại trà. Chính phủ không còn khuyến cáo người dân đừng đeo khẩu trang nơi công cộng nếu không mắc bệnh như trước đây.
Thông báo được ông Lý công bố cùng một số biện pháp khác, như đóng cửa trường học và nhiều cơ quan làm việc từ đầu tuần sau. Singapore siết chặt hạn chế đi lại và tụ tập đông người, khuyến cáo người dân ở yên trong nhà để khống chế đà lây lan của virus corona.
Số ca dương tính tại đảo quốc này đã vượt mốc 1.100 người vào ngày 3/4.
Người dân Singapore theo dõi bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long, thông báo siết chặt hạn chế đi lại và khuyến cáo đeo khẩu trang chống Covid-19. Ảnh: Reuters.
Thay đổi theo tình hình và phát hiện mới
Ông Lý thừa nhận giới chức y tế Singapore thời gian qua khuyến cáo người dân đừng đeo khẩu trang trừ khi cảm thấy không khỏe. Những thông điệp này được đăng tải trên trang nhất các tờ báo địa phương. Tuy nhiên, khuyến cáo về đeo khẩu trang được thay đổi sau khi xuất hiện một số nghiên cứu mới và số ca nhiễm tăng cao.
“Giờ đây, chúng tôi nghi ngờ còn một số ca nhiễm trong cộng đồng chưa được phát hiện, dù có thể những trường hợp này không nhiều”, Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ trong bài phát biểu toàn quốc lần thứ 3 về dịch Covid-19.
“Chúng tôi cũng có bằng chứng rằng một người nhiễm dù không xuất hiện triệu chứng vẫn có thể lây virus cho người khác. Vì vậy, chúng tôi dừng việc không khuyến khích người dân đeo khẩu trang”, ông nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban đầu cũng cho rằng việc đeo khẩu trang đối với người khỏe mạnh là điều không cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tổ chức này cũng bắt đầu xem xét lại lập trường của mình. T
rung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng có những thay đổi tương tự. Một số chuyên gia nhận định văn hóa đeo khẩu trang ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã góp phần kiểm soát được mức lây nhiễm.
Một nghiên cứu được công bố ngày 3/4 trên tạp chí khoa học Nature, có số lượng đối tượng được nghiên cứu hơn 200 người, phát hiện khẩu trang y tế có khả năng “giảm đáng kể phát hiện virus corona và virus cúm trong hơi thở”. Nhóm khoa học nhận định biện pháp cơ bản này có khả năng “ngăn chặn virus truyền nhiễm”.
Phát biểu trên Fox News ngày 3/4, Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh dị ứng và truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết Mỹ sẽ sớm mở rộng khuyến cáo cho người dân về việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
“Có một số thông tin gần đây cho thấy virus vẫn lây lan dù chúng ta chỉ nói chuyện, không chỉ khi ho và nhảy mũi. Tốt nhất là khi bạn ra đường và không thể đảm bảo được khoảng cách với người khác theo khuyến cáo là 6 bước (gần 2 m), bạn hãy dùng một vật gì đó để che mặt”, ông nói.
Video đang HOT
Hướng dẫn mới nhất của CDC tối cùng ngày khuyến khích mọi người, đặc biệt là từ các vùng dịch, đeo những đồ che mặt như áo phông, khăn vuông bandana và khẩu trang không phải loại y tế khi đi ra ngoài.
Chính phủ Mỹ vẫn nhấn mạnh nên dành khẩu trang y tế và khẩu trang N95 cho các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
Nhân viên được yêu cầu đeo khẩu trang khi làm việc trong quầy bán trái cây tại khu ẩm thực ở Singapore. Ảnh: AFP.
Không muốn người dân “kiệt sức”
Từ ngày 5/4, Hiệp hội Nhân dân, cơ quan giám sát những ban quản lý cấp cộng đồng tại Singapore, sẽ bắt đầu phân phát khẩu trang có thể tái sử dụng cho cư dân đảo quốc.
Trong tháng 2, chính phủ Singapore đã phát khoảng 5,2 triệu khẩu trang y tế cho 1,37 triệu hộ gia đình, mỗi hộ được nhận 4 khẩu trang.
Theo Kenneth Mak, lãnh đạo cơ quan dịch vụ y tế, thuộc Bộ Sức khỏe Singapore, khuyến cáo mới về đeo khẩu trang được dựa trên các rủi ro và bằng chứng cụ thể.
“Quyết định dựa trên hiểu biết của chúng tôi về nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, cũng như mức độ hiểu biết về kiểu truyền nhiễm đang diễn ra tại Singapore”, ông nói.
Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh khẩu trang y tế vẫn cần được dự trữ cho nhân viên y tế tại các phòng khám và bệnh viện, người điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Bộ trưởng Thương mại Chan Chun Sing nói chính phủ đã lên kế hoạch từ trước cho kịch bản này. Chính phủ đảm bảo nguồn cung khẩu trang của riêng mình. Các cửa hàng và siêu thị trên khắp đảo quốc cũng dự trữ sẵn khẩu trang.
Một số ý kiến cho rằng chính phủ Singapore đáng lẽ nên thay đổi lập trường sớm hơn trong câu chuyện khẩu trang.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Lawrence Wong, các bước giãn cách xã hội được chính phủ thực thi với tính toán kỹ lưỡng. Ông lo ngại người dân có thể “kiệt sức” nếu một loạt biện pháp quyết liệt được áp dụng cùng lúc.
“Khi mệt mỏi, người dân có thể không tuân thủ tốt các biện pháp được đề ra và sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn”, ông nói.
“Trước đây, chúng ta không có lây nhiễm cộng đồng, giờ đây chúng ta nhận thấy số ca nhiễm nội địa gia tăng. Chúng tôi cũng lo ngại về khả năng những ca bệnh âm thầm trong cộng đồng. Vì những lý do này, chúng tôi quyết định cập nhật khuyến cáo về khẩu trang”, ông chia sẻ.
Thanh Danh
Singapore nguy cơ 'vỡ trận' khi tưởng khống chế được Covid-19
Bất chấp các biện pháp phòng chống đại dịch nghiêm ngặt, Singapore ghi nhận số ca nhiễm nCoV tăng gấp gần 10 lần chỉ trong một tháng.
Vào đầu tháng 3, Singapore ghi nhận hơn 100 ca nhiễm nCoV và trở thành niềm cảm hứng trong trận chiến chống đại dịch toàn cầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo dõi liên lạc chủ động, kiểm dịch nghiêm ngặt, hạn chế đi lại và xét nghiệm quy mô lớn giúp Singapore làm được điều này.
Nhiều quốc gia khi đó ghen tị trước quốc đảo nhỏ bé khi Singapore thực hiện hàng loạt biện pháp hiệu quả để giữ mức độ lây nhiễm thấp, trong lúc vẫn cho trường học và trung tâm thương mại hoạt động bình thường. Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Singapore hồi tháng 2 chỉ ở một con số.
Thế nhưng đến đầu tháng 4, số ca nhiễm tại Singapore chạm mốc 1.000 và bức tranh không còn màu hồng. Ngày 1/4, Singapore xác nhận thêm 74 ca nhiễm nCoV mới, một ngày sau nước này thêm 49 ca nhiễm và một người chết. Giới chuyên gia nhận định đất nước 5,7 triệu dân đang hứng đợt bùng phát Covid-19 thứ hai.
Nhân viên y tế tại khu vực sàng lọc của Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Singapore ngày 3/4. Ảnh: ST.
Đợt đầu tiên bắt đầu khi các du khách từ Trung Quốc truyền virus sang dân Singapore. Singapore sau đó thực hiện một số biện pháp hạn chế đi lại để ngăn dịch.
Đợt bùng phát thứ hai liên quan đến công dân Singapore trở về từ Mỹ và Anh, các quốc gia đang có số ca nhiễm mới tăng nhanh chóng mỗi ngày. Giới chức Singapore lo ngại khi đợt bùng phát tiếp theo bao gồm các ca nhiễm nội địa và các ca không truy được nguồn lây.
Để đối phó, Singapore đưa ra các biện pháp "cách biệt cộng đồng" nghiêm ngặt hơn bao gồm cấm khách du lịch từ mọi quốc gia ngày 23/3, đóng cửa quán bar và địa điểm vui chơi ban đêm ngày 27/3, hạn chế tụ tập trên 10 người, phạt các cá nhân hoặc nhà hàng không tuân thủ yêu cầu giữ khoảng cách một mét. Dân chúng được khuyến khích ở nhà và chỉ ra ngoài để mua nhu yếu phẩm.
Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Lawrence Wong, đồng chủ tịch nhóm đặc biệt chống Covid-19, nói hai tuần tiếp theo "quan trọng" để chứng minh liệu các biện pháp này hiệu quả hay không. Wong nói chính phủ cần "dân Singapore thấu hiểu rằng thực tế mọi người đều ở trên tuyến đầu".
Singapore hồi tháng 2 xác định 6 cụm dịch nhưng tới tháng 4 tăng lên 20, bao gồm một phòng chụp ảnh cưới, một ký túc xá dành cho công nhân và một viện dưỡng lão, nơi có một cụ bà 102 tuổi nhiễm nCoV. Trung tâm Mustafa, địa điểm mua sắm nổi tiếng của dân Singapore và khách du lịch, là nơi phát hiện 11 ca nhiễm.
"Chắc chắn tất cả chúng ta nên lo lắng về đợt bùng phát thứ hai", giáo sư Jeremy Lim thuộc Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock cho biết. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tại Singapore không tăng bất thường trong bối cảnh toàn cầu tăng vọt. Thế giới ghi nhận hơn 86.000 ca nhiễm ngày 29/2, tăng lên gấp gần 10 lần với hơn 858.000 ca ngày 31/3 và vượt một triệu vào hôm qua.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Michael Osterholm tại Đại học Minnesota nhận định cách tiếp cận của Singapore là "một trong những cách tốt nhất", tuy nhiên họ cho thấy nCoV là một loại "virus khó đánh bại và kìm hãm".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mô tả cách tiếp cận của Singapore là "khó bị lật đổ", dù chưa dùng đến biện pháp phong tỏa. Song giới chuyên gia lo ngại khi chiến lược phòng chống Covid-19 của Singapore không đạt được thành công hơn.
Kitty Lee, người đứng đầu bộ phận Khoa học Sức khỏe và Đời sống chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương của công ty Oliver Wyman, mô tả tình hình "tương đối đáng sợ". Lee mô tả dân Singapore chấp hành "hời hợt" yêu cầu "cách biệt cộng đồng", ví dụ chỉ 40% lao động trong khu trung tâm tài chính của quốc đảo làm việc tại nhà.
Chính phủ Singapore sau đó buộc phải cảnh báo các nhà tuyển dụng rằng những người không làm việc tại nhà dù có khả năng sẽ bị truy tố.
Dân Singapore đeo khẩu trang khi ra đường ngày 3/4. Ảnh: Reuters.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam nói công chúng cần "tích cực hơn" khi thực hiện cách biệt cộng đồng. "Những gì hiện tại là chưa đủ để đánh gục đại dịch. Thay vào đó, đại dịch đang đánh gục chúng ta vì một bộ phận công dân thiếu ý chí", Leong Hoe Nam nói.
Trưởng khoa Sức khỏe Cộng đồng của Đại học Saw Swee Hock Teo Yik Ying nhận định nếu dân Singapore từ chối làm theo "những chỉ dẫn đơn giản" thì bất kể chính phủ làm điều gì, "một đợt bùng phát không thể kiểm soát" sẽ diễn ra.
Các biện pháp cách biệt cộng đồng được nhấn mạnh hơn khi những nghiên cứu mới cho thấy nCoV có thể lây trước khi người nhiễm biểu hiện triệu chứng. Nhóm chuyên gia y tế Singapore, trong đó có người đứng đầu bộ phận phụ trách bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Vernon Lee, cho biết có 5 người nhiễm không biểu hiện triệu chứng đã lây nCoV sang cho 7 người khác.
Vernon Lee cho biết tốc độ lây lan của nCoV tại Singapore hiện là dưới một, nghĩa là cứ một người nhiễm virus truyền bệnh cho ít hơn một người khác. Tốc độ lây lan tại Vũ Hán, nơi khởi phát Covid-19, là 2,35 trước khi chính phủ Trung Quốc phong tỏa thành phố.
Số ca nhiễm nội địa tăng tại Singapore gây ra tranh luận về việc đeo khẩu trang. Singapore từng khuyến cáo dân chúng không đeo khẩu trang vì cần bảo đảm vật tư cho các nhân viên y tế. Tuy nhiên, Mỹ đã khuyến cáo dân chúng đeo khẩu trang ở nơi công cộng và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đam xem xét lại hướng dẫn trước đó của mình.
Một số chuyên gia ở Hong Kong và Nhật Bản cho rằng văn hóa đeo khẩu trang rộng rãi tại vài quốc gia giúp họ giảm số ca nhiễm nCoV. "Có câu hỏi rất nghiêm túc về đeo khẩu trang, đặc biệt ở những nơi có lượng người qua lại đông như tàu hỏa. Đeo khẩu trang cũng có thể tạo cảm giác an toàn giả tạo, khiến dân chúng nới lỏng các biện pháp cách biệt cộng đồng", giáo sư Jeremy Lim nói.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam nói Singapore đối mặt với hai thách thức là không đủ khẩu trang cho toàn dân và cần thêm người thực hiện cách biệt cộng đồng. Leong Hoe Nam cảnh báo nếu không hành động thêm, hệ thống y tế của Singapore có thể bị số ca nhiễm nCoV "tăng theo cấp số nhân" áp đảo.
Giới chuyên gia hy vọng lập trường cứng rắn của chính phủ về làm việc tại nhà sẽ có hiệu quả ngăn Covid-19 tại Singapore. Song giáo sư Lim nói giới chức Singapore đã hết các lựa chọn thi hành chặt chẽ hơn biện pháp cách biệt cộng đồng.
"Có lẽ chỉ còn ba việc nữa để làm: đóng cửa trường học, dừng hoạt động hệ thống giao thông công cộng và buộc các địa điểm ăn uống cùng trung tâm thương mại ngừng kinh doanh. Tôi không chắc còn gì thêm để làm", Lim nói.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 1,1 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 59.000 người chết và hơn 228.000 người đã hồi phục. Singapore xác nhận hơn 1.100 người nhiễm, trong đó 5 người chết và hơn 280 người đã hồi phục.
Hôm qua, Thủ tướng Lý Hiển Long đã quyết định đóng cửa trường học (từ 8/4), hầu hết các nơi làm việc (từ 7/4), trừ những dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, bệnh viện, giao thông, trong một tháng.
"Chúng ta phải hành động quyết liệt ngay bây giờ, nhằm ngăn chặn trước lây nhiễm leo thang", Thủ tướng Lý nói.
Nguyễn Tiến
Mauritania ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19 Ngày 31/3, Mauritania thông báo ca tử vong đầu tiên vì nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia châu Phi này. Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-2 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN Theo truyền hình nhà nước Mauritania, bệnh nhân nữ, 48 tuổi, mang hai quốc tịch Pháp và Mauritania, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus sau khi tử vong....