Lý do Pháp đề xuất thuế đánh người giàu và ‘thắt lưng buộc bụng’
Chính phủ Pháp đã đề xuất áp dụng thuế đánh vào người giàu và cắt giảm chi tiêu chính phủ nhằm bù đắp lỗ hổng ngân sách.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, quyết định này có thể ảnh hưởng đến chiếc ghế của Thủ tướng Michel Barnier và thậm chí là cả Tổng thống Emanuel Macron.
Nội dung kế hoạch ngân sách của Thủ tướng Michel Barnier
Ngày 10/10, chính quyền của Thủ tướng Michel Barnier đã trình bày kế hoạch ngân sách năm 2025 của Pháp, trong đó bao gồm các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt với mục tiêu là giảm chi phí 60,6 tỷ euro vào năm 2025, tương đương 2% GDP của Pháp.
Điều này được cho là cần thiết bởi vào tháng 6 vừa qua, Ủy ban Châu Âu đã khởi xướng các biện pháp trừng phạt đối với Pháp và 6 quốc gia liên minh khác, bao gồm cả Ý và Bỉ, do thâm hụt ngân sách quá mức của các nước này. Theo quy định tài chính của EU, sự mất cân đối trong ngân sách quốc gia không được vượt quá 3% GDP và nợ công không được vượt quá 60%. Tại Pháp, thâm hụt ngân sách, theo ước tính của Bộ Nội vụ nước này, ở mức gần 6,1% GDP và nợ công tăng lên 110% (khoảng 3,1 nghìn tỷ euro).
Paris lẽ ra phải nộp kế hoạch ngân sách cho Brussels trước ngày 20/9. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử Quốc hội Pháp mùa hè kết thúc với thất bại đối với những người ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron, Pháp đã trải qua 2 tháng không có nội các mới – chính phủ cuối cùng chỉ được thành lập vào ngày 22 tháng 9. Về vấn đề này, Pháp đã yêu cầu Ủy ban châu Âu trì hoãn.
Video đang HOT
Thủ tướng Pháp Michel Barnier. Ảnh: Reuters
Theo kế hoạch, Pháp sẽ tiết kiệm 40 tỷ euro bằng cách cắt giảm chi tiêu chính phủ và sẽ thu hút thêm 20 tỷ euro bằng cách tăng thuế đối với các tập đoàn lớn và người dân Pháp giàu có (tối thiểu 20% đối với các cá nhân kiếm được 250 nghìn euro mỗi năm hoặc các cặp vợ chồng, có số lượng gấp đôi). Theo ước tính của Chính phủ Pháp, biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến 65 nghìn người dân và khoảng 440 công ty lớn.
Chính phủ Pháp tin rằng, những sáng kiến này sẽ không ảnh hưởng đến đại đa số tầng lớp trung lưu và sẽ không dẫn đến suy thoái kinh tế. “Những biện pháp thuế này sẽ không ảnh hưởng đến tầng lớp thu nhập thấp, trung lưu và những người đang đi làm. Đây là con đường loại bỏ mọi biện pháp đe dọa về thuế hoặc thắt lưng buộc bụng. Không có sự mơ hồ trong việc này. Chúng tôi sẽ không cải thiện tình hình ngân sách nhà nước bằng cách phá hủy tăng trưởng”, Bộ trưởng Ngân sách Laurent Saint-Martin phát biểu hôm 10/10.
Tuy nhiên, các biện pháp tiết kiệm có thể ảnh hưởng đến những lĩnh vực rất nhạy cảm đối với người dân Pháp. Đặc biệt, Chính phủ Pháp đề xuất giảm 3,8 tỷ euro chi phí chăm sóc sức khỏe, cũng như trì hoãn việc tăng lương hưu mặc dù lạm phát leo thang. Nội các cũng đề xuất giảm quỹ lương của công chức và giảm tổng chi phí của các chính quyền địa phương khoảng 5 tỷ euro.
Bộ trưởng Ngân sách Saint-Martin giải thích rằng, việc bãi bỏ dần các biện pháp bảo trợ xã hội được đưa ra trong thời kỳ đại dịch đã được lên kế hoạch, bao gồm cả cái gọi là “lá chắn thuế quan”, nhằm ngăn chặn việc tăng giá điện đối với bộ phận nghèo nhất của Pháp.
Tuy nhiên, các biện pháp thắt lưng buộc bụng sẽ không ảnh hưởng tới lĩnh vực quốc phòng. Chi tiêu quân sự của Pháp trong năm tới, theo kế hoạch của nội các, có thể tăng thêm 3,3 tỷ euro và đạt 2% GDP. Theo AFP, chi tiêu cho vũ khí dự kiến sẽ tăng 16% lên 10,6 tỷ euro, trong khi kinh phí cho việc răn đe hạt nhân có thể tăng lên 7 tỷ Euro, tăng 8% so với năm 2024.
Theo kế hoạch của Chính phủ Pháp, các biện pháp mới sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 148 tỷ euro – tổng thu ngân sách trong năm tới sẽ là 536 tỷ euro và chi phí sẽ là 684 tỷ euro.
Nền chính trị Pháp đối mặt nguy cơ bất ổn?
Các đề xuất giảm thâm hụt ngân sách do nội các của Thủ tướng Michel Barnier đưa ra tiềm ẩn rủi ro chính trị cao. Báo Le Monde lưu ý rằng, chính quyền đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ tất cả các lực lượng chính trị ở Pháp, mặc dù thâm hụt không thể kiểm soát và nợ công gia tăng có liên quan trực tiếp đến việc chính quyền không có khả năng tài trợ thỏa đáng cho các nghĩa vụ xã hội.
Luật ngân sách quốc gia nên được thông qua trước cuối năm nay. Nếu Chính phủ Pháp không bảo đảm được đa số trong quốc hội bị chia rẽ thì chính phủ sẽ phải viện dẫn Điều 49.3 của Hiến pháp Pháp, cho phép các dự luật được thông qua mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội, và điều này làm tăng khả năng xảy ra một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Quốc hội đối với chính quyền của Thủ tướng Michel Barnier.
Thực tế, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Michel Barnier đã phải đối mặt với đợt tấn công dữ dội đầu tiên của cánh tả. Ngày 8/10, chính quyền của tân Thủ tướng Michel Barnier đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên tại Hạ viện Pháp theo kiến nghị của các nghị sĩ cánh tả.
“Đây là kế hoạch thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt nhất mà đất nước này từng chứng kiến”, Manuel Bompard, một nhà lập pháp thuộc Đảng Invictus (LFI) cực tả của Pháp, người đứng đầu ủy ban tài chính của Hạ viện Pháp tuyên bố. Ông tin rằng, các biện pháp mới sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm trầm trọng thêm vấn đề nghèo đói ở Pháp.
Trong khi đó, người phát ngôn của đảng Mặt trận Quốc gia (RN) Jean-Philippe Tanguy gọi kế hoạch của Thủ tướng Michel Barnier là “một sáng kiến tồi tệ”. Ông nói: “Tất cả những gì chúng tôi thấy là sự bất công về tài chính và không có sự cải thiện lâu dài nào về tình hình tài chính của đất nước”. RN đã phản đối đề xuất của chính quyền ông Barnier về việc trì hoãn điều chỉnh lương hưu trong 6 tháng để tiết kiệm 4 tỷ euro.
Tờ RBC dẫn nhận định của Pavel Timofeev, chuyên gia tại Viện Kinh tế quốc tế và quan hệ đối ngoại (IMEMO), Viện Hàn lâm khoa học Nga, tin rằng còn quá sớm để nói rằng phe cực hữu sẽ ủng hộ các sáng kiến của cánh tả nhằm phế truất chính quyền của ông Barnier. “Mặc dù cánh hữu không hài lòng với các biện pháp giảm thâm hụt do chính phủ đề xuất, nhưng sự sụp đổ nội các của Michel Barnier, một chính trị gia cánh hữu, không có lợi cho họ. Rất có thể đảng RN của bà Le Pen sẽ tiếp tục ủng hộ Michel Barnier coi như là một giải pháp tình thế”, ông nói.
Chuyên gia này đồng ý rằng, tân thủ tướng Pháp đang rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn: các biện pháp tài chính mà ông đề xuất có khả năng gây ra làn sóng phản đối. “Tuy nhiên, ngay cả khi cánh tả thành công trong việc lôi kéo người dân xuống đường, vẫn khó để nói liệu họ có đạt được mục tiêu hay không. Chúng ta không nên quên rằng cả một chiến dịch đã được phát động nhằm phản đối cải cách liên quan đến việc tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Tổng thống Macron đã cố gắng thúc đẩy sáng kiến này”, Timofeev lưu ý.
Theo ông, số phận nội các của Thủ tướng Michel Barnier sẽ phần lớn phụ thuộc vào việc ông có thể giải thích tính khả thi của các biện pháp thắt lưng buộc bụng cho công chúng và doanh nghiệp hay không, cũng như xây dựng một cuộc đối thoại với các công đoàn. Như chuyên gia lưu ý, nếu các biện pháp giảm thâm hụt đã công bố không thể được thực hiện, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến không chỉ Thủ tướng Barnier, mà còn cả những người ủng hộ Tổng thống.
“Tổng thống Macron có lẽ đang cố gắng sử dụng sự kết hợp giữa những người trung dung và cánh hữu để chia sẻ cái giá phải trả cho những biện pháp không được lòng dân này. Trong trường hợp này, bản thân ông Macron không phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng, bởi vì, như người ta nói, ông chỉ cần đợi đến năm 2027, khi cuộc bầu cử tổng thống được lên kế hoạch. Nhưng ai trong số các chính trị gia trung dung khác có thể đảm nhận vị trí lãnh đạo sẽ phụ thuộc phần lớn vào thái độ của họ đối với các biện pháp được thực hiện để giảm thâm hụt. Chắc chắn người Pháp sẽ ghi nhớ điều này”, Timofeev cảnh báo.
Chính phủ mới của Pháp vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên
Chính phủ của tân Thủ tướng Michel Barnier ngày 8/10 đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên tại Hạ viện (Quốc hội) Pháp theo kiến nghị của các nghị sĩ cánh tả - lực lượng lớn nhất hiện nay tại cơ quan này sau cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn hồi tháng 7 vừa qua.
Thủ tướng Pháp Michel Barnier phát biểu trước Quốc hội ở Paris ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Cụ thể, kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Bariner chỉ nhận được 197 phiếu ủng hộ, thấp hơn nhiều so với 289 phiếu cần thiết để được đa số trong Quốc hội gồm 577 ghế thông qua. Đây là "phép thử đầu tiên" đối với chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier.
Tuy nhiên, chính phủ của ông Barnier vẫn đang phải chịu nhiều áp lực lớn trong việc đệ trình kế hoạch ngân sách năm 2025 để giải quyết tình hình tài chính khó khăn hiện nay của Pháp.
Trong lúc Quốc hội Pháp bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mới, Bộ trưởng Tài chính Pháp Antoine Armand cũng phải trấn an các đối tác Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) về những ưu tiên chính sách của chính phủ mới trong việc kiểm soát thâm hụt ngân sách và tuân thủ các quy tắc của Liên minh châu Âu (EU) tại cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính EU, diễn ra ở Luxembourg.
Áp lực đè nặng lên Chính phủ mới của Pháp Một ngày sau khi Thủ tướng Pháp Michel Barnier công bố thành phần Chính phủ của ông, với 39 thành viên đến từ các đảng trung dung và cánh hữu, Chính phủ mới đã đối mặt ngay với thách thức, khi các mối đe dọa "bất tín nhiệm" tại Quốc hội ngày một tăng. Tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier (phải, phía trước)...