Lý do nhà đầu tư cần quan sát kỹ giá dầu
Giá dầu thế giới gần đây đã phục hồi mạnh mẽ do triển vọng nhu cầu dầu tăng cao trở lại. Cụ thể, giá dầu Brent đã tăng từ mức đáy 27 USD/thùng hồi tháng 1/2016 lên mức trên 62 USD/thùng theo giá giao dịch của phiên gần đây nhất, tương đương mức tăng 130%, tương ứng giá dầu WTI cũng tăng từ 26 USD/thùng lên trên 56 USD/thùng.
Với các quốc gia có hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, về cơ bản giá dầu tăng sẽ giúp tăng thu ngân sách, từ đó phần nào cải thiện thâm hụt ngân sách cũng như cán cân thương mại. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí cũng được lợi lớn với kết quả kinh doanh phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, giá dầu tăng mạnh trở lại cũng có thể trở thành cơn “ác mộng” cho các nền kinh tế khác và các doanh nghiệp còn lại. Do dầu là nhiên liệu chính trong nhiều hoạt động sản xuất nên khi giá nhiên liệu đầu vào này tăng sẽ tác động đến giá cả đầu ra của các loại hàng hóa khác. Hệ quả là gây ra tình trạng lạm phát cao và làm hạn chế tăng trưởng kinh tế.
Nền kinh tế thế giới từng trải nghiệm điều tương tự vào đầu những năm 1970, khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã quyết định ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, cụ thể ở đây là nước Mỹ, khiến thị trường dầu mỏ khủng hoảng và giá tăng lên gấp 4 lần, gây ra tình trạng lạm phát cao và tăng trưởng thấp. Sự kiện lớn này đã dẫn đến hậu quả là thị trường chứng khoán hoạt động èo uột suốt một thập niên.
Trong giai đoạn 2007 – 2008, cùng với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, việc giá dầu tăng mạnh từ mức quanh 50 USD/thùng lên 150 USD/thùng cũng tác động tiêu cực đến các thị trường đầu tư như chứng khoán, khiến các chỉ số chứng khoán toàn cầu liên tiếp giảm mạnh và duy trì ở mức thấp suốt thời gian dài, sau đó mới dần hồi phục trước động thái nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương cũng như việc giá dầu rớt mạnh.
Vì vậy, dấu hiệu giá dầu hồi phục mạnh trong thời gian qua là sự kiện lớn đáng chú ý đối với các nhà đầu tư. Khi giá dầu tăng sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và khả năng sinh lời của các doanh nghiệp, khiến việc đầu tư vào cổ phiếu các công ty trở nên kém hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, dòng tiền từ thị trường chứng khoán có thể chảy sang thị trường dầu mỏ để tìm kiếm lợi nhuận…
Ngoài ra, nếu lạm phát bắt đầu tăng trở lại thì để ổn định vĩ mô, các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và tình trạng lãi suất cao rõ ràng không tốt cho thị trường chứng khoán vì khiến chi phí tài chính của các doanh nghiệp tăng lên, các dự án đầu tư mới cũng tốn kém hơn và do đó các doanh nghiệp tạm thời lựa chọn không mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thị trường bất động sản cũng chịu tác động tiêu cực khi lãi suất đi lên, những khoản vay dễ trở thành nợ xấu hơn và từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các ngân hàng và hệ quả là dòng vốn chảy vào nền kinh tế có thể bị tắc.
Video đang HOT
Không chỉ thị trường dầu, lạm phát cao cũng có thể khiến các thị trường tài sản như vàng được lợi và thu hút dòng tiền từ kênh tiền gửi ngân hàng và thị trường chứng khoán. Vì vậy mà thị trường vàng và thị trường dầu mỏ thường có diễn biến khá tương đồng, do hầu hết các nhà đầu tư đều có chung suy nghĩ giá dầu tăng sẽ kéo lạm phát lên cao và trong môi trường lạm phát cao nắm giữ vàng là có lợi nhất. Giá vàng thế giới hôm 17/11 cũng tăng mạnh hơn 16 USD/ounce và hiện đang dao động ngay dưới ngưỡng 1.300 USD/ounce.
Triển vọng của giá dầu trong dài hạn sắp tới là một trong những yếu tố sẽ ảnh hưởng đáng kể lên nền kinh tế, do đó các nhà đầu tư cần lưu tâm và quan sát kỹ là điều cần thiết.
Doanh nhân Sài Gòn
Lỡ sóng "cổ phiếu trụ", nhà đầu tư chứng khoán vẫn còn cơ hội ngay lúc này
Cơ hội kiếm tiền trên thị trường chứng khoán không bao giờ thiếu, nhất là khi thị trường tài chính Việt Nam đã có những bước tiến mới.
Những ngày qua, VN-Index liên tục chinh phục những mốc điểm cao nhưng thực tế chỉ có một số nhóm ngành tăng trưởng và một số cổ phiếu đầu ngành tăng mạnh kéo chỉ số lập đỉnh 10 năm. Các cổ phiếu này thay nhau tăng điểm và kéo chỉ số chứ không đồng loạt tăng để tạo tính lan tỏa toàn thị trường, các cổ phiếu nhóm Mid cap và penny vẫn biến động quanh mức tham chiếu hoặc chìm trong sắc đỏ.
Thực trạng xanh vỏ đỏ lòng xuất hiện và hiện tượng thị trường tăng gần 20 điểm nhưng tài khoản vẫn lỗ xảy ra ở những nhà đầu tư không có "cổ phiếu trụ" trong danh mục. Điều này dẫn đến 2 trạng thái tâm lý, một là nhà đầu tư cầm cổ phiếu nhưng không tăng và sốt ruột muốn bán để cơ cấu lại danh mục, mua cổ phiếu trụ để khỏi lỡ sóng. Mặt khác, những nhà đầu tư sẵn tiền mặt thì e ngại thị trường tăng quá nóng và không dám mua cổ phiếu vì sợ khi mua xong thị trường sẽ điều chỉnh.
Vẫn có giải pháp khác, khi thị trường tài chính Việt Nam đã có những bước tiến mới.
Cơ hội ở thị trường phái sinh
Song hành cùng không khí sôi động của thị trường cơ sở là thị trường chứng khoán phái sinh. Trong phiên giao dịch ngày 21/11/2017, hợp đồng tương lai (HĐTL) VN30 đáo hạn tháng 6/2018 đã lần đầu vượt mức 1.000 điểm với thanh khoản tăng vọt,tính từ ngày bắt đầu giao dịch 23/10,giá trị HĐTL VN30F1806 (với giá khởi điểm 821,8 điểm) đã tăng 22% sau gần 1 tháng. Còn lại 03 HĐTL VN30 giữ sắc xanh trong phiên, trong đó VN301712 ở mức 958 điểm (tăng 3%), VN30F1801 ở mức 969 điểm (tăng 2,5%) và VN30F1803 đạt 993 điểm (tăng 3,4%), điều này cho thấy sự lạc quan về thị trường trong trung và dài hạn.
Những nhà đầu tư chưa kịp mua cổ phiếu trên thị trường cơ sở hoặc cầm tiền mặt sợ mua xong thị trường sẽ điều chỉnh, mất lợi thế về T có thể mở vị thế giao dịch trên thị trường phái sinh.Đó là chiến lược mở vị thế mua hợp đồng tương lai (Go long) hợp đồng tương lai với tỷ lệ ký quỹ từ 10-15%, khá cao so với thị trường cơ sở, sau đó chốt lời ngay trong phiên khi thị trường trở nên quá hưng phấn. Ngược lại, nhà đầu tư đã có sẵn cổ phiếu trên thị trường cơ sở, lo rằng thị trường sẽ điều chỉnh có thể mở vị thế bán (go short) hợp đồng tương lai trên thị trường phái sinh để phòng hộ cho danh mục của mình.
Giao dịch Arbitrage (giao dịch chênh lệnh giá)
Ngoài những chiến lược đầu cơ vị thế hợp đồng tương lai kể trên, chiến lược Arbitrage (Giao dịch chêch lệnh giá) cũng có thể áp dụng trên thị trường phái sinh khi nhà đầu tư đã "lỡ tàu" trên thị trường cơ sở.
Chiến lược giao dịch chênh lệch giá có thể hiểu đơn giản là mua một tài sản tài chính ở nơi giá thấp và bán lại ở nơi giá cao hơn (hoặc ngược lại) tại cùng một thời điểm để thu lợi nhuận từ chênh lệch giá hoặc ngược lại.
Chiến lược này có thể áp dụng với sản phẩm tài chính mới như Chứng chỉ Quỹ ETF (ví dụ như chỉ số E1VFVN30 hoặc FUESSV50), được thực hiện bằng việc mua và bán các chứng khoán có cùng một tài sản cơ sở, do một tác động nào đó dẫn đến các giá của các chứng khoán này có mức sai lệch so với điểm cân bằng, nhà đầu tư sẽ thực hiện mua bán để kiếm lời.
Có thể áp dụng chiến lược này trong phiên 21/11/2017 với chứng chỉ quỹ E1VFVN30 và hợp đồng tương lai VN30F vì có cùng tài sản cơ sở là 30 cổ phiếu trong rổ VN30.
Ngay đầu phiên giao dịch, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 đã xuất hiện GAP chêch lệnh tới 5% (khoảng trống về giá do thị trường quá hưng phấn) so với thị trường cơ sở là chỉ số VN30-Index, đây là cơ hội có thể thực hiện giao dịch Arbitrage.
Ví dụ về GAP trong ngày 21/11
Như thế nào? Chúng ta có thể thực hiện đồng thời lệnh mua chứng chỉ quỹ E1VFVN30 và mở vị thế bán 1 lượng tương ứng hợp đồng tương lai VN30F để phòng hộ cho danh mục của tài sản cơ sở. Hiện tại đang có 4 hợp đồng tương lai với các kỳ hạn khác nhau, nếu mở vị thế bán (go short) hợp đồng tương lai ngắn hạn như VN30F1712 thì nên cân nhắc đóng vị thế ngay trong phiên, còn các hợp đồng dài hạn khác như VN30F1801, VN30F1803 và VN30F1806 thì theo xu hướng thị trường để có thể gia tăng hay giảm tỷ trọng vị thế nắm giữ vì các phiên tiếp theo, chỉ số có thể sẽ tiếp tục tạo GAP và xuất hiện thêm cơ hội giao dịch.
Bản chất của việc đồng thời thực hiện 2 vị thế mua (go long) chứng chỉ quỹ ETF E1VFVN30 và vị thế bán hợp đồng tương lai VN30FXXXX vì cả 2 chỉ số này đều mô phỏng thị trường cơ sở (Underlying asset) là chỉ số Vn30-Index. Việc mở bán (go short) hợp đồng tương lai là để phòng hộ (hedging) danh mục đã mua trước đó và thu được lợi nhuận là phần chênh lệch. Ở đây, lợi nhuận chính là 5% phần gap chênh với tỷ lệ ký quỹ 10-15%, chiến lược này có rủi ro thấp, và thao tác thực hiện cũng không quá phức tạp.
GAP có nghĩa là khoảng trống, trong phân tích kỹ thuật các biểu đồ giá thì khái niệm này nói đến một hiện tượng Breakout, tăng/giảm mạnh và tạo ra một vùng không gian rỗng. Thông thường giá đóng cửa của phiên hôm trước sẽ là giá mở cửa của phiên hôm sau, tuy nhiên do thị trường hưng phấn quá mức, người mua sẵn sàng trả giá cao để sở hữu cổ phiếu, chứng chỉ ETF nên giá chứng chỉ quỹ E1VFVN30 đã xuất hiện 1 cái GAP khiến giá mở cửa phiên 21/11/2017 bật tăng mạnh so với giá đóng cửa phiên trước đó.
Như vậy, khi thị trường giá lên, để có thể giao dịch kiếm lời ngoài việc mua cổ phiếu hay mua chỉ số, thì chiến lược giao dịch chênh lệch giá cũng có thể áp dụng cho cả những nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu hay những nhà đầu tư đang băn khoăn đứng ngoài thị trường. Các hợp đồng chỉ số và chứng chỉ quỹ cũng chỉ là công cụ tài chính, để kiếm lời dựa vào các công cụ này, nhà đầu tư phải có sự hiểu biết sâu và chi tiết cũng như cách thức hoạt động của các loại công cụ tài chính này.
Theo Trí thức trẻ
Đất nền Long Thành "thổi giá", chính quyền vội vã cắm biển khuyến cáo dân Cùng với việc sân bay quốc tế được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thị trường bất động sản tại khu vực Long Thành tiếp tục thu hút các nhà đầu tư xuống tiền. Tuy nhiên, nạn đầu cơ đất nền ở đây trở nên nhức nhối khi giá đất được đẩy lên quá cao chỉ trong thời gian ngắn. Bởi vậy, UBND...