Lý do người Nhật có lối sống ’siêu sạch’
“Làm sao để đường phố sạch như vậy” là câu hỏi của hầu hết du khách lần đầu đến Nhật, dù không thấy thùng rác hay lao công.
Những học sinh ngồi ngay ngắn, cặp sách đặt trên bàn, háo hức được về nhà sau một ngày dài với 7 tiết học, mỗi tiết kéo dài 50 phút. Các em vẫn kiên nhẫn lắng nghe khi giáo viên dặn dò thời gian biểu ngày mai. Tiếp đến, như mọi ngày, giáo viên “chốt hạ” bằng câu: “Tất cả các em hãy vào vị trí dọn dẹp hôm nay. Dãy thứ nhất và thứ hai dọn sạch lớp học. Dãy ba và bốn dọn hành lang và cầu thang. Dãy năm sẽ dọn nhà vệ sinh”.
Một vài tiếng than thở phát ra từ dãy bàn thứ năm, nhưng các học sinh vẫn đứng dậy, lấy giẻ lau, vải, xô và chổi từ tủ đựng ở phía sau lớp học, chạy nhanh vào nhà vệ sinh. Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra tại các trường học trên khắp nước Nhật vào cuối mỗi buổi học.
Người Nhật giữ cho môi trường sống sạch sẽ theo cách như vậy. “Trong suốt 12 năm đi học, từ tiểu học cho đến trung học phổ thông, dọn vệ sinh là một phần không thể thiếu”, Maiko Awane, trợ lý giám đốc văn phòng tỉnh Hiroshima ở Tokyo, cho biết. “Trong cuộc sống gia đình cũng vậy, cha mẹ dạy chúng tôi rằng sẽ thật tệ hại nếu chúng tôi không giữ gìn mọi thứ và không gian sao cho sạch sẽ”.
“Nhật Bản chúng tôi rất nhạy cảm về hình ảnh trong mắt người khác. Chúng tôi không muốn người khác nghĩ rằng chúng tôi là những người không có giáo dục, không được dạy để dọn dẹp mọi thứ”, Awane nói.
Việc đào tạo ý thức vệ sinh được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường, giúp học sinh phát triển nhận thức cũng như sự tự hào về môi trường sống xung quanh. Chẳng ai muốn bôi bẩn ngôi trường mà họ phải tự dọn dẹp.
“Đôi khi tôi chẳng muốn dọn dẹp trường học đâu”, dịch giả tự do Chika Hayashi nhớ lại. “Nhưng tôi chấp nhận vì đó là một phần thói quen của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng phải dọn trường là điều rất tốt, bởi chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của việc phải có trách nhiệm làm sạch những thứ, những nơi mà mình sử dụng”.
Khi đến trường, học sinh để giày trong tủ có khóa và thay giày khác. Ở nhà cũng vậy, mọi người để giày ở lối vào. Ngay cả những người thợ đến nhà cũng phải tháo giày. Khi lớn lên, khái niệm của một học sinh về những gì tạo nên không gian xung quanh chúng vượt ra ngoài một lớp học, bao gồm một khu phố, thành phố và đất nước.
Một số ví dụ khác về sự sạch sẽ của người Nhật Bản lan truyền khắp thế giới, như hình ảnh các cổ động viên bóng đá Nhật Bản nhặt rác ở sân vận động sau trận đấu tại World Cup 2014 ở Brazil hay ở Nga năm 2018. Các cầu thủ Nhật cũng rời phòng thay đồ mà không để lại một cọng rác nào. Priscilla Janssens, một quan chức FIFA, gọi đây là “tấm gương” cho tất cả các đội bóng khác.
Cảnh tượng tương tự diễn ra tại các lễ hội âm nhạc Nhật Bản. Tại Fuji Rock, một trong những lễ hội lớn nhất và lâu đời ở Nhật Bản, người hâm mộ sẽ cầm rác trên tay cho đến khi họ tìm thấy thùng rác. Theo trang web của lễ hội này, những người hút thuốc được hướng dẫn mang theo gạt tàn và tránh hút thuốc ở những nơi có thể ảnh hưởng đến người khác.
Khoảng 8h sáng mỗi ngày, nhân viên văn phòng và nhân viên các cửa hàng có thói quen dọn dẹp đường phố xung quanh nơi họ làm việc. Trẻ em cũng tham gia các hoạt động dọn dẹp hàng tháng, như nhặt rác trên đường phố gần trường học. Các khu phố cũng tổ chức sự kiện vệ sinh thường xuyên, đến nỗi không có nhiều rác để nhặt, bởi mọi người thường mang rác về nhà.
Video đang HOT
Một con phố ở Nhật Bản. Ảnh: Ian Dagnall/Alamy.
Ngay cả tiền giấy được rút từ các cây ATM cũng sắc nét và sạch sẽ “như một chiếc áo mới”. Trong các cửa hàng, khách sạn và thậm chí trên taxi, người Nhật có một khay dùng để đựng tiền, bởi tiền vốn bẩn. Người khác sẽ cầm tiền từ trong khay đựng.
Thủy thủ người Anh William Adams lần đầu tiên đặt chân tới Nhật Bản vào khoảng những năm 1600 và được công nhận là một chiến binh Samurai. Trong tiểu sử của Adams, nhà văn Anh Giles Milton mô tả “Quý tộc có nghĩa là sự sạch sẽ một cách cẩn trọng”, bao gồm cả cống rãnh và nhà vệ sinh cũng phải sạch, phòng tắm hơi làm bằng gỗ thơm. Vào thời điểm đó, đường phố Anh tràn ngập bùn lầy, thậm chí cả phân. Người Nhật cảm thấy “kinh hoàng” vì điều đó và cho rằng nó là sự coi thường vệ sinh cá nhân.
Sự sạch sẽ của người Nhật nảy sinh từ những mối quan tâm thực tế. Trong môi trường nóng ẩm ở đất nước này, thức ăn sẽ nhanh chóng bị ôi thiu, vi khuẩn phát triển mạnh, sâu bọ rất nhiều. Vì vậy, giữ gìn vệ sinh là điều cần thiết để có sức khỏe tốt.
Nhưng sâu xa hơn, sạch sẽ là một phần của giáo lý nhà Phật, vốn xuất phát từ Trung Quốc và Hàn Quốc từ giữa thế kỷ thứ 6 và thứ 8. Khi Thiền xuất hiện trong đạo Phật ở Nhật và Trung Quốc vào các thế kỷ 12 và 13, những công việc hàng ngày như dọn dẹp và nấu ăn cũng được coi là các bài học về tâm linh, không khác gì thiền định.
“Tất cả các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, bao gồm cả ăn uống và dọn dẹp không gian xung quanh, phải được xem như một cơ hội để tu tập. Rửa sạch bụi bẩn cả về thể chất và tinh thần đóng vai trò quan trọng trong việc tập luyện hàng ngày”, nhà sư Eriko Kuwagaki tại chùa Shinsho ở Fukuyama, Hiroshima cho biết.
Trong cuốn sách về Trà đạo của Okakura Kakuro năm 1906, ông viết rằng trong căn phòng nơi diễn ra các nghi thức trà đạo, tất cả mọi thứ đều phải sạch sẽ. Không một hạt bụi nào được tìm thấy ở góc tối nhất, vì nếu bụi tồn tại thì chủ nhân sẽ không xứng làm chủ của buổi trà đạo đó.
Quan niệm này vẫn đúng cho tới ngày nay. Trước một buổi trà đạo tại quán Seifukan ở Hiroshima, trợ lý của ông chủ trà đạo mặc kimono, cầm trên tay một cuộn băng dính màu nâu, quỳ xuống nhặt từng hạt bụi.
Rất lâu trước khi Phật giáo xuất hiện, Nhật Bản đã có tôn giáo bản địa của riêng mình, gọi là Thần giáo, có nghĩa là “Con đường của các vị thần”, được cho là lưu giữ linh hồn và bản sắc Nhật. Sự sạch sẽ được coi là trung tâm của Thần đạo.
Một khái niệm quan trọng trong Thần đạo là “kegare”, nghĩa là tạp chất hay bụi bẩn, trái ngược với sự thuần khiết. “Điều quan trọng là luôn phải giữ mình sạch sẽ. Điều này giúp bạn thanh tẩy và ngăn chặn hiểm họa cho xã hội. Đó là lý do Nhật Bản là một đất nước rất sạch”, Noriaki Ikeda, tư tế tại đền Kanda ở Hiroshima nói.
Trước khi bước vào một ngôi đền thờ Thần đạo, các tín đồ phải rửa tay và miệng trong một chiếc bồn nước bằng đá ở ngay lối vào. Nhiều người Nhật mua xe mới cũng mang xe tới đền thờ để làm lễ thanh tẩy.
Nếu sống ở Nhật Bản, bạn sẽ sớm thấy mình hòa vào lối sống sạch sẽ ở đất nước này. Bạn sẽ ngừng hỉ mũi ở nơi công cộng, sử dụng chất khử trùng tay được cung cấp sẵn cho khách hàng tại các cửa hàng, văn phòng hay học cách phân loại rác trong mỗi gia đình thành 10 loại khác nhau trước khi tái chế, bình luận viên Steve John Powell và Angeles Marin Cabello của BBC nhận định.
Theo Mai Lâm (VNE)
Bữa trưa trong các trường học Nhật Bản
Cá thu nấu trong miso, salad củ cải trắng, mận chua, rau củ thái lát và một loại trái cây tươi, nhiều người nghĩ đây là thực đơn của nhà hàng.
Nhưng thực tế, đó là thực đơn bữa trưa một ngày tháng 3 tại trường Tiểu học Konan thuộc thành phố Fukuroi, tỉnh Shizouka (Nhật Bản) - nơi học sinh được khuyến khích ăn nhiều đồ tươi xanh.
Vào buổi trưa, lớp học biến thành "nhà hàng". Điệp khúc "Itadakimasu" vang lên. Đó là cách nói lịch sự của người Nhật với ý nghĩa là "Xin mời", nhấn mạnh sự cảm ơn tới người đã cất công chuẩn bị bữa ăn.
Khác với buổi có cá thu nấu trong canh miso, một ngày thứ sáu thực đơn có cá tuyết nướng, ngô ngọt xào với cải chíp, súp rau kiểu Italy, bánh mì trắng phết kem, một hộp sữa nhỏ. Các phần ăn trông ít, nhưng vẫn đạt 667 kcal - phù hợp với trẻ 11 tuổi và đảm bảo không bị đói cho đến khi về nhà.
Một bữa trưa dành cho học sinh 11 tuổi ở trường Konan. Ảnh: The Guardian
Konan không phải là trường duy nhất chuẩn bị bữa trưa cho học sinh. Tại Nhật Bản, bữa ăn học đường được gọi là "Kyushoku" được triển khai trên cả nước vào những năm 1950 nhằm giúp trẻ không phải ăn bữa cơm thiếu dinh dưỡng trong những năm sau chiến tranh. Nó được chế biến bằng những nguyên liệu tươi sạch, chứa hàm lượng sắt, canxi và chất xơ được quy định bởi một chương trình dành cho trẻ từ mẫu giáo đến hết THCS do Chính phủ điều hành.
Hơn 7 thập kỷ trôi qua, "Kyushoku" được hầu hết trường tiểu học và trường THCS thực hiện, được ghi nhận là đã đóng góp vào việc tạo nên tuổi thọ ấn tượng của người dân Nhật Bản, giúp tỷ lệ béo phì ở trẻ em và người lớn thuộc nhóm thấp nhất trong các nước OECD.
Fukuroi, nơi có trụ sở trường Tiểu học Konan, là một trong những địa phương thực hiện rất tốt bữa ăn học đường "Kyushoku". Bằng chứng là năm ngoái, thành phố này đã nhận được giải thưởng thực hành tốt nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong việc thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh của trẻ em, với sự giúp đỡ của các nhà sản xuất, cung cấp thực phẩm tại địa phương.
Mỗi ngày, trung tâm bữa trưa học đường của thành phố chuẩn bị và gửi hơn 10.000 bữa trưa đến các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS. Hầu hết bữa ăn được lấy cảm hứng từ ẩm thực Nhật Bản nhưng cũng bao gồm các món ăn Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu. Thực đơn được xây dựng với những món ăn khác nhau theo từng ngày và từng tháng, tùy thuộc vào các loại thực phẩm theo mùa.
Chi phí mỗi bữa thường là 250 yên (hồi tháng 3, tương đương khoảng 54.000 đồng theo tỷ giá hiện nay). Phụ huynh phải trả một nửa chi phí, số còn lại do chính quyền địa phương đóng góp.
Về thực phẩm, chính quyền thường đặt từ nhà cung cấp tại địa phương. Ông Toshiyuki Suzuki, một người dân trồng cải chíp ở Fukuroi, cho biết mỗi năm nông dân chuyển 4 tấn rau đến các trường học trong thành phố.
"Các loại rau chúng tôi bán thường phải qua hệ thống phân phối, nhưng khi giao cho các trường học là chúng tôi chuyển trực tiếp. Nhờ vậy, bọn trẻ luôn được ăn rau tươi sạch nhất", ông Suzuki nói.
Hợp tác chặt chẽ với hội đồng giáo dục thành phố, ông Suzuki và những nông dân khác trong khu vực đã giúp đẩy tỷ lệ rau được trồng ở địa phương trong bữa ăn tại trường từ hơn 13% vào năm 2012 lên gần 32% vào năm ngoái. Điều này cũng tạo ra sự yên tâm về chất lượng thực phẩm trong bữa ăn trường học.
"Chúng tôi nghĩ bữa trưa trường học quan trọng. Kết quả kiểm tra sức khỏe thường xuyên ở trẻ em nói chung là tốt và chúng tôi tin rằng bữa trưa ở trường có liên quan đến điều đó", ông Koji Ishizuka, quản lý bộ phận bếp ăn tại Hội đồng giáo dục thành phố Fukuroi, chia sẻ.
Trẻ em ở Nhật sử dụng bữa trưa do nhà trường chuẩn bị. Ảnh: Shutterstock
TS Atsushi Miyawaki, chuyên gia chính sách y tế tại trường Y khoa của Đại học Tokyo, nhận định chương trình bữa ăn học đường "Kyushoku" có nhiều đặc điểm nổi bật. "Kyushoku" cung cấp một thực đơn thống nhất cho tất cả trẻ em ở mỗi trường trong 5 ngày mỗi tuần, không giống như những bữa trưa ở căng tin kiểu thường thấy ở Mỹ và Anh.
"Điều đó có nghĩa trẻ em không có lựa chọn nào liên quan đến các món ăn trong thực đơn và cũng không có lựa chọn mang cơm từ nhà hay ăn suất ăn do trường cung cấp", ông Miyawaki nói và cho rằng điều này giúp tránh sự mất cân bằng trong việc cung cấp dinh dưỡng, đồng thời "che giấu" được sự chênh lệch kinh tế của gia đình mỗi đứa trẻ.
Không chỉ với mục đích đơn thuần là cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, bữa ăn học đường tại Nhật Bản được coi là một phần chính thống trong giáo dục. Từ năm 2005, Chính phủ yêu cầu các nhà trường phải dạy trẻ về nguồn gốc và thành phần của món ăn. Học sinh cũng được giáo dục nên ăn hết thức ăn.
"Hãy nhớ rằng rất nhiều người đã tham gia vào việc chuẩn bị bữa trưa, đặc biệt là khi các con bắt gặp một loại rau mà các con nghĩ sẽ không thích nó" là thông điệp thường được nhắc tới trong bữa ăn của học sinh ở Nhật.
Giờ nghỉ trưa của học sinh lớp 3 trường Tiểu học Konan sắp kết thúc. Không thấy một miếng rau hay cá tuyết nào còn sót lại. Nhân viên hỗ trợ tuyên bố trẻ ăn hết 95% số thức ăn được họ đưa ra. Những khay đựng trống trơn được xếp vào xe đẩy và đưa vào bếp trong khi học sinh các lớp hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng trong bài học ở bữa trưa - đánh răng.
Dương Tâm
Theo The Guardian/VNE
Cô gái Việt tố nhà hàng ở Rome 'chặt chém' Nha hang ơ Rome bi chi trich vi "chăt chem" nhiêu du khach sau khi 2 ngươi Nhât cho biêt ho bi tinh hoa đơn lên tơi 470 USD cho 2 đia spaghetti ca va nươc. Bức ảnh về hóa đơn "khủng" từ nhà hàng Antico Caffè di Marte ở Castel Sant'Angelo đã gây dậy sóng trên mạng xã hội sau khi nó...