Lý do Nga sẽ “sống sót” trong cuộc chiến kinh tế với phương Tây
Sự sụt giá chóng vánh của đồng rúp bất chấp nỗ lực tăng mạnh lãi suất đến dường như tuyệt vọng của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) hồi tháng trước đã làm dấy lên nỗi ám ảnh về cuộc khủng hoảng kinh tế Nga năm 1998.
Quả thật, phương Tây đã và đang tìm mọi cách làm sống lại bóng ma đó trong cuộc đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt Moskva cho tới tháng 9/2015. Tuy nhiên, kinh tế Nga mặc dù chắc chắn đang cực kỳ khó khăn nhưng khả năng sụp đổ hoàn toàn lại rất thấp.
Đồng rúp Nga đã giảm giá 45% so với đồng đô la Mỹ trong năm 2014
Đó là nhận định của Giáo sư Charles Wyplosz, một chuyên gia kinh tế quốc tế và là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế về tiền tệ và ngân hàng tại Viện sau Đại học về nghiên cứu quốc tế, Geneva, Thụy Sỹ, đăng trên trang Project Syndicate mới đây.
Dầu mỏ và khí đốt chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của Nga, phần còn lại là các hàng hóa cơ bản khác. Do đó, việc giá dầu thế giới lao dốc không phanh gần đây rõ ràng là một cú sốc đủ lớn – khi kết hợp với tác động của các biện pháp trừng phạt ngày càng khắt khe của phương Tây – châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng quy mô đáng kể.
Video đang HOT
Trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp trong một thời gian, tổn thất về mặt thu nhập sẽ không chỉ đơn giản là một thách thức tạm thời với Moskva.
Nhưng nền kinh tế Nga không phải là không có lối thoát – ít nhất là vào lúc này. Tình hình hiện thời rất khác so với năm 1998 – khi đó, Nga vừa bị thâm hụt tài khoản vãng lai, vừa bị thâm hụt ngân sách. Moskva đã phải vay nợ rất nhiều ngoại tế. Điều này có nghĩa rằng, khi đồng rúp mất giá, các khoản nợ của Nga gia tăng và cuối cùng, vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi.
Ngược lại, trong những năm trở lại đây, Moskva đạt được thặng dư ngân sách đáng kể, nợ công ở mức dưới 20% GDP. Đúng là thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt, vốn chiếm phần lớn thu ngân sách Nhà nước, đã giảm đi một nửa nên tính bằng đồng USD. Nhưng đồng rúp cũng rớt giá với mức phần trăm tương tự như hồi 1998, nghĩa là nguồn thu ngân sách nhà nước tính bằng đồng rúp hầu như không thay đổi.
Tương tự như vậy, cán cân tài khoản vãng lai của Nga thường xuyên đạt thặng dư trong những năm gần đây. Tổng nợ công và nợ tư ngoài nước ở mức dưới 40% GDP, đa phần tính bằng đồng rúp. Do đó, với xuất phát điểm khá thuận lợi như bây giờ, việc lo sợ về thảm kịch sụp đổ kinh tế với Nga lúc này vẫn là quá sớm, cho dù sự sụt giảm doanh thu xuất khẩu đang thay đổi tình hình nhanh chóng.
Việc giá đồng rúp rơi tự do chủ yếu là do luồng vốn chảy ra. Giới đầu sỏ chính trị nổi tiếng của Nga đã cất giữ hầu hết tài sản của họ ở nước ngoài, nhưng lại giữ lại khoản tiết kiệm đáng kể ở trong nước. Khi tình hình kinh tế và chính trị suy giảm, nhiều khả năng họ sẽ rút tiền gia. Các khoản tiết kiệm nhỏ cũng có thể chuyển sang ngoại tệ bất cứ lúc nào.
Điều này đặt Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) vào một vị trí đầy thách thức. Đồng rúp mất giá chắc chắn làm tăng lạm phát, vốn đang ở khoảng 11% – cao hơn nhiều so với mục tiêu 5% của CBR. Trong bối cảnh đó, quyết định tăng mạnh lãi suất của chính phủ Nga vừa qua là hết sức hợp lý, cho dù đây là “con dao hai lưỡi”. Bởi, động thái này sẽ giúp ngăn chặn luồng vốn chảy ra ngoài, nhưng cũng có thể sẽ có tác dụng ngược nếu bị hiểu nhầm là nhằm bảo vệ đồng rúp khỏi bị sụp đổ.
Vấn đề là lãi suất cao sẽ khiến suy thoái kinh tế Nga thêm trầm trọng. Và vấn đề là không gì đảm bảo được phương Tây cũng sẽ không “sứt đầu mẻ trán” trong cuộc chiến kinh tế với Moskva, trong khi bản thân cũng còn đang loay hoay, vật vã đối phó với những cuộc khủng hoảng của chính mình.
Theo Linh Phương (tổng hợp)
PetroTimes
Đòn trừng phạt lỗi thời
Trừng phạt và cấm vận kinh tế không những không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine mà còn chẳng thể làm nước Nga lùi bước trước "đòn" có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Nga thực hiện đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào giá dầu mỏ để chống khủng hoảng
Phát biểu với hãng tin Interfax ngày 28-1, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich tuyên bố mọi biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine đều vô nghĩa. Tuyên bố được cho là nhằm đáp trả trước trước khả năng Liên minh châu Âu (EU) đang trù tính các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga để gây sức ép trong vấn đề Ukraine.
Theo các nguồn tin báo chí, lãnh đạo EU đã yêu cầu các ngoại trưởng của liên minh này có thêm "hành động thích đáng" đối với Nga sau khi xảy ra các vụ giao tranh ác liệt giữa lực lượng đòi độc lập và quân đội Chính phủ Ukraine ở miền Đông Ukraine. Trong ngày 29-1, các ngoại trưởng EU đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) song không thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế mới mà chỉ đề nghị Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan chấp hành của EU) soạn thảo các biện pháp tiếp theo để lãnh đạo liên minh đưa ra quyết định về vấn đề này tại cuộc họp thượng đỉnh EU vào ngày 12-2 tới.
Hiện chưa biết đòn trừng phạt mới của EU với Nga sẽ ra sao và có được thực thi hay không nhưng có thể thấy, nó khó có thể khiến nước Nga thay đổi lập trường hay chùn bước trong vấn đề Ukraine. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga cũng như bùng nổ chiến sự tại miền Đông Ukraine, phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp cấm vận với Nga, chủ yếu nhằm vào lĩnh vực dầu khí - mũi nhọn của nền kinh tế Nga, ngân hàng, công nghiệp quốc phòng...
Đúng là thời gian qua, nền kinh tế Nga gặp khó khăn trầm trọng như tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 0,5-0,6% năm 2014, đồng ruble mất giá kỷ lục 41% so với đồng USD và Euro trong năm 2014... song chủ yếu là do giá dầu thô xuống giá quá mạnh chứ đòn trừng phạt của phương Tây chỉ có tác dụng phần nào đó. Việc giá dầu thô thế giới đột ngột sụt giảm từ mức trên 100 USD/thùng xuống 50-60 USD/thùng đã khiến ngân sách Nga thất thu nghiêm trọng, đi liền với nó là rất nhiều hệ lụy với nền kinh tế.
Không phải ai khác mà chính nhiều nhà lãnh đạo EU đã tỏ ra quan ngại về sự phản tác dụng của các biện pháp trừng phạt của họ với nước Nga. Tổng thống Áo Heinz Fischer cho rằng, sẽ là sai lầm khi gia tăng các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga nhằm đạt các mục tiêu chính trị bởi kinh tế Nga có tiềm năng ổn định và việc gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ không giải quyết được cuộc xung đột Ukraine. Trong khi đó, ngoài Anh, Ba Lan, Hà Lan và 3 nước Baltic ủng hộ duy trì trừng phạt Nga, thì Áo, Hungary, Italia, CH Cyprus, Luxembourg, Slovakia, Pháp và CH Czech và mới đây là Hy Lạp lại tán thành việc dỡ bỏ trừng phạt để mở đường cho đối thoại với nước này để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong kế hoạch chống khủng hoảng trị giá 1.172 tỷ ruble (1 USD = 68,1 ruble) cho năm 2015 trong bối cảnh kinh tế khó khăn và phương Tây lăm le tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt, Nga đã đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, hạn chế phụ thuộc vào giá dầu mỏ cũng như tác động của đòn trừng phạt vốn là thứ vũ khí lỗi thời từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Theo_An ninh thủ đô
EU có thể kéo dài cấm vận Nga thêm 6 tháng Tại hội nghị ở Brussels (Bỉ) hôm nay 29/1, các Ngoại trưởng châu Âu nhiều khả năng sẽ đưa ra quyết định kéo dài lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng. Sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014, các lệnh trừng phạt này đã được thông qua với thời hạn 1 năm. Nền kinh tế Nga đã gặp nhiều khó khăn...