Lý do khiến Thủ tướng Canada mất điểm trong mắt người dân
Tại các tỉnh bang quan trọng như Ontario và British Columbia, Thủ tướng Trudeau đã “thất thủ” ngay trong hai nhóm cử tri vốn đã giúp ông thắng cử năm 2015, đó là phụ nữ và thanh niên.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Justin Trudeau dường như phải chịu nhiều “thiệt hại” từ vụ bê bối SNC- Lavalin hơn là những tổn thất mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải gánh từ chuỗi các cuộc điều tra liên quan đến việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, trả tiền cho ngôi sao khiêu dâm cũng như bị cáo buộc vi phạm luật tài chính trong chiến dịch tranh cử…
Theo một cuộc thăm dò mới đây của Ipsos, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Trudeau hiện ở mức 40%, trong khi ở Mỹ, tỷ lệ này của Tổng thống Trump là 43% . Đáng chú ý, đảng Bảo thủ đang dẫn trước đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau một khoảng cách khá xa. Mức tín nhiệm 40% của Thủ tướng Trudeau hiện thấp hơn mức 47% hồi tháng 4/2015 của cựu Thủ tướng Stephen Harper.
Kế hoạch ngân sách liên bang của đảng Tự do đã không làm được gì nhiều để hạn chế những tổn thất từ vụ SNC-Lavalin, với hầu hết người dân Canada tham gia cuộc khảo sát có thái độ bàng quan về kế hoạch ngân sách này và chỉ một số ít người ấn tượng với những gì mà Bộ trưởng Tài chính Bill Morneau đưa ra.
Tại các tỉnh bang quan trọng như Ontario và British Columbia, Thủ tướng Trudeau đã “thất thủ” ngay trong hai nhóm cử tri vốn đã giúp ông thắng cử năm 2015, đó là phụ nữ và thanh niên.
Trong cuộc thăm dò đối với 1.002 người Canada trong thời gian từ ngày 25-27/3 vừa qua, đảng Bảo thủ được 40% cử tri ủng hộ, trong khi con số này chỉ là 30% đối với đảng Tự do, 21% đối với đảng Dân chủ Mới (NDP) và 5% đối với đảng Khối Quebec.
Video đang HOT
Về vụ việc liên quan đến SNC-Lavalin, Darrell Bricker – Giám đốc điều hành Ipsos Public Affairs – cho biết mặc dù vụ bê bối này không có các yếu tố như tình dục hay tiền bạc, nhưng nó đã khiến người dân Canada phải xem xét lại việc có ủng hộ Thủ tướng Trudeau và chính phủ của đảng Tự do hay không.
SNC-Lavalin – tập đoàn xây dựng có trụ sở tại Montreal – bị cáo buộc đã chi hàng triệu CAD cho các quan chức Libya trong thời gian từ năm 2001 đến năm 2011 để đổi lấy các hợp đồng của Chính phủ Libya. Nếu bị kết án, SNC-Lavalin có thể bị cấm tham gia đấu thầu các hợp đồng của chính phủ liên bang trong 10 năm và đây sẽ là một đòn nặng nề không chỉ đối với tập đoàn mà còn đối với cả nền kinh tế Canada
Hồi tháng 9/2018, các công tố viên liên bang đã từ chối đàm phán với SNC-Lavalin về một thỏa thuận để tập đoàn này có thể nộp tiền phạt thay vì đối mặt với những cáo buộc tại tòa. Một số quốc gia trong Nhóm 7 nền công nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới (G7) như Anh, Mỹ và Pháp, đã cho phép tiến hành các thỏa thuận ngoại tụng đối với những doanh nghiệp phạm tội.
Chính phủ Canada đã sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2018, cho phép thực hiện các thỏa thuận hoãn truy tố này. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Canada Jody Wilson-Raybould ngày 29/3 đã công bố các tài liệu chứng minh bà đã phải chịu sức ép từ các quan chức chính phủ trong vụ truy tố SNC-Lavalin.
Bà Wilson-Raybould, từ vị trí Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã bị điều chuyển sang làm Bộ trưởng Các vấn đề về cựu chiến binh hồi tháng 1/2019 và đã từ nhiệm vào tháng 2/2019. Cuộc khủng hoảng chính trị này cho đến nay đã “lấy đi” của Thủ tướng Trudeau hai nữ Bộ trưởng, một cố vấn thân cận nhất và Thư ký Hội đồng cơ mật Michael Wernick.
Những con số thăm dò ở các tỉnh đang khiến đảng Tự do lo ngại. Tại Ontario, đảng Bảo thủ được 40% số người ủng hộ, dẫn trước đảng Tự do 12 điểm. Tại đây đảng NDP ngang phiếu với đảng Tự do, được 28% số người ủng hộ.
Đảng Bảo thủ cũng đang dẫn trước đảng Tự do tại British Columbia. Tại Alberta, đảng Bảo thủ được 63% số người ủng hộ, bỏ xa đảng Tự do (17%) và đảng NDP (15%). Hiện chỉ có một tỉnh mà đảng Tự do ở vị trí thuận lợi đó là Quebec, nơi đảng này được 38% số phiếu ủng hộ.
Điều đáng thất vọng đối với đảng Tự do đó là người lãnh đạo đảng đang để “chảy máu” những bộ phận cử tri nòng cốt đã đưa ông lên nắm quyền hồi năm 2015. 40% số phụ nữ được khảo sát cho biết họ sẽ bầu cho đảng Bảo thủ, so với mức 28% bầu cho đảng Tự do.
Trong nhóm cử tri nam giới tham gia khảo sát, tình hình cũng tương tự. Trong nhóm cử tri ở độ tuổi 18-34, đảng Bảo thủ được 34% phiếu bầu, cao hơn một chút so với đảng Tự do (31%). Chỉ có một nhóm cử tri chủ chốt mà đảng Tự do đang dẫn đầu đó là nhóm có trình độ đại học, 44% ủng hộ đảng Tự do, so với 30% ủng hộ đảng Bảo thủ.
Hiện những hy vọng đã tiêu tan về khả năng đảng Tự do có thể dùng con bài ngân sách để lấy lại vận may của mình. Khi được hỏi về ngân sách liên bang 2019, 64% số người Canada cho biết họ không quan tâm, 25% đánh giá đây là kế hoạch tồi, và chỉ 11% đánh giá là tốt.
Theo ông Bricker, một chính phủ chỉ có vài quân bài trong tay và lá bài lớn nhất đó là ngân sách, đặc biệt là ngân sách trước cuộc tổng tuyển cử. Thực tế cho thấy người dân Canada đã phớt lờ kế hoạch ngân sách của đảng Tự do.
Cho dù đảng Bảo thủ hiện đang dẫn trước đảng Tự do, nhưng ông Bricker cho rằng lãnh đạo đảng Bảo thủ Andrew Scheer cần “vận động” nhiều hơn thay vì đơn giản chỉ “thư giãn” và quan sát đảng Tự do đang “nổ tung” trước sức ép của vụ SNC-Lavalin.
Người dân Canada đang đặt câu hỏi: Nếu không chọn Trudeau thì sẽ chọn ai để thay thế? Và ông Scheer phải sẵn sàng để đáp ứng những kỳ vọng của người dân cũng như giải quyết các mối băn khoăn về ông, vì trên thực tế, ở thời điểm hiện nay, người dân Canada không biết gì nhiều về nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ này.
Theo Hương Giang (P/v TTXVN tại Ottawa)
Canada: Thêm tiếng nói bênh vực Thủ tướng J.Trudeau trong vụ SNC-Lavalin
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện ngày 6/3, ông Gerald Butts, cựu cố vấn hàng đầu của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng chính phủ đã can thiệp vào tiến trình truy tố Tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin - khiến chính phủ rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ.
Cố vấn hàng đầu của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, ông Gerry Butts. Ảnh: CTV News/TTXVN
Ông Gerald Butts - vốn được đánh giá là một trong những "kiến trúc sư" quan trọng trong chiến thắng của Thủ tướng Trudeau năm 2015, đã từ chức vào tháng trước do không muốn trở thành "người cản đường" trong bối cảnh chính quyền của Thủ tướng Trudeau sẽ phải đối mặt với cuộc tổng tuyển cử khó khăn dự kiến vào tháng 10 tới.
Phát biểu tại phiên điều trần, ông đã bác bỏ các cáo buộc mà cựu Bộ trưởng Tư pháp Jody Wilson-Raybould đưa ra rằng các quan chức chính phủ đã gây sức ép một cách "không thích hợp" với bà nhằm hỗ trợ SNC-Lavalin không phải ra tòa với cáo buộc hối lộ. Ông Gerald Butts cho biết đã có 10 cuộc họp và 10 cuộc điện thoại về vấn đề này, trong đó có 1 cuộc trao đổi ngắn trực tiếp giữa ông với cựu Bộ trưởng Tư pháp Wilson-Raybould vào ngày 5/12/2018. Tuy nhiên, ông khẳng định "không có bất kỳ điều gì vượt ra ngoài khuôn khổ hoạt động bình thường của chính phủ".
Sóng gió đã nổi lên trên chính trường Canada sau khi tờ Globe and Mail dẫn nguồn tin giấu tên cho hay người từng đứng đầu cơ quan tư pháp Canada, bà Wilson-Raybould, đã phải chịu sức ép từ Văn phòng Thủ tướng Trudeau trong vụ truy tố SNC-Lavalin. Tập đoàn có trụ sở tại Montreal này bị buộc tội hối lộ các quan chức Libya trong giai đoạn 2001 - 2011 để đổi lấy các hợp đồng. SNC-Lavalin muốn được nộp phạt để tránh phải hầu tòa.
Theo nguồn tin này, sau khi bà Wilson-Raybould - trên cương vị Bộ trưởng Tư pháp - đã từ chối "chỉ đạo" của Văn phòng Thủ tướng, muốn bà dàn xếp để vụ việc liên quan đến SNC-Lavalin không cần tòa án phân xử. Sau đó, bà đã bị điều chuyển sang đảm nhiệm chức Bộ trưởng Các vấn đề về cựu chiến binh. Tuy nhiên, bà Wilson-Raybould đã từ chức hôm 12/2, sau chưa đầy một tháng ở cương vị mới. Ngày 4/3, bà Jane Philpott, một chính khách đang nổi lên trong nội các của Thủ tướng Trudeau, cũng đã quyết định từ chức Chủ tịch Ủy ban Ngân khố, với tuyên bố mất niềm tin vào chính phủ.
Thủ tướng Trudeau đã bác bỏ mọi cáo buộc. Ông thừa nhận có nêu vấn đề này với bà Wilson-Raybould, song đã nói rõ rằng bà sẽ là người chịu trách nhiệm mọi quyết định liên quan. Nhiều bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Trudeau cũng đã lên tiếng bênh vực ông. Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nêu rõ "Thủ tướng không bao giờ gây sức ép một cách không thích hợp" và khẳng định bà "tin tưởng Thủ tướng Trudeau 100%". Bộ trưởng Tài chính Bill Morneau cho rằng "hoàn toàn hợp lý" khi các quan chức của bộ này thảo luận với các nhân viên của Bộ trưởng Tư pháp về những tác động kinh tế theo sau quyết định của Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ đảng Tự do chỉ trích về việc Văn phòng Thủ tướng đã phản ứng quá chậm trong vụ bê bối SNC-Lavalin, khi cựu Bộ trưởng Tư pháp cho rằng bà và các nhân viên của bộ đã phải hứng chịu sức ép liên tục trong vụ truy tố SNC-Lavalin. Trước phản ứng của dư luận, người phát ngôn của Thủ tướng Canada Eleanore Catenaro cho biết Thủ tướng Trudeau dự kiến sẽ trả lời trực tiếp báo giới về vấn đề này trong ngày 7/3.
Theo khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu Nanos, 1/4 số người Canada cho biết vụ bê bối SNC-Lavalin sẽ ảnh hưởng đến quyết định của họ trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 tới. Đáng chú ý, uy tín của cá nhân Thủ tướng Trudeau đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau buổi điều trần của cựu Bộ trưởng Tư pháp Wilson-Raybould. Tính đến ngày 1/3, chỉ 10% số người Canada cho rằng Thủ tướng Trudeau là nhà lãnh đạo có đạo đức nhất. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ lãnh đạo đảng Xanh, bà Elizabeth May, là 28%.
Hương Giang - Ngọc Hà (TTXVN)
Theo Tintuc
Dân mạng Trung Quốc 'sôi sục' với lời chúc năm mới của Thủ tướng Canada Thông điệp chúc mừng năm mới âm lịch của Thủ tướng Canada Justin Trudeau được đăng tải trên mạng xã hội châm ngòi những phản ứng trái chiều từ cư dân mạng Trung Quốc, trong đó nhiều người đề cập đến vụ giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ tại Vancouver. Mở đầu thông điệp với lời chúc mừng năm mới bằng...