Lý do khiến cơ quan tình báo Đức khó chiêu mộ nhân viên mới
Cơ quan tình báo Đức đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên mới do đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi sở thích làm việc của một bộ phận giới trẻ ngày nay.
Logo Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND) bên ngoài trụ sở ở Berlin (Đức). Ảnh: Reuters
Theo ông Bruno Kahl – người đứng đầu Cơ quan Tình báo Liên bang (BND) của Đức, các ứng viên tiềm năng ngày càng quan tâm đến cơ hội làm việc tại nhà và tỏ ra do dự khi phải chấp nhận không sử dụng điện thoại di động cá nhân như một trong nguyên tắc làm việc.
“Làm việc từ xa hiếm khi được chấp nhận tại BND vì những lý do an ninh. Trong khi đó, việc không thể mang theo điện thoại di động khi đi làm đòi hỏi quá nhiều từ một người trẻ đang tìm kiếm việc làm. Thái độ ngại ngần khi phải tuân thủ những điều kiện này trở thành một rào cản lớn đối với các ứng viên tiềm năng”, ông Kahl lý giải.
Theo webstie chính thức của BND, cơ quan này hiện có khoảng 6.500 nhân viên. Môi trường làm việc của cơ quan đòi hỏi người lao động phải duy trì hiện diện trực tiếp, khiến làm việc từ xa trở nên không thực tế.
Trong bối cảnh thế hệ trước sắp đến tuổi nghỉ hưu, BND phải đối mặt với một trở ngại bổ sung trong việc tìm kiếm những ứng viên mới đủ tiêu chuẩn để lấp đầy các vị trí. Ông Kahl nhấn mạnh với những nhân sự có kinh nghiệm rời khỏi lực lượng lao động, nhu cầu về các cá nhân có trình độ nghiệp vụ tăng lên, khiến quá trình tuyển dụng trở nên khó khăn hơn.
Những nỗ lực giải quyết các thách thức tuyển dụng mà các cơ quan tình báo Đức phải đối mặt có thể bao gồm các giải pháp sáng tạo cân bằng giữa các yêu cầu bảo mật và kỳ vọng ngày càng tăng của các nhân viên tương lai.
Quan chức tình báo Ukraine kêu gọi thiết lập khu phi quân sự với Nga
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Islandia (Iceland), ông Kirill Budanov - người đứng đầu Tổng cục Tình báo, Bộ Quốc phòng Ukraine mới đây cho biết, ông kêu gọi thành lập một khu vực phi quân sự kéo dài 100 km giữa Ukraine và Nga.
Ông Kirill Budanov - người đứng đầu Tổng cục Tình báo, Bộ Quốc phòng Ukraine, kêu gọi thiết lập khu phi quân sự với Nga. Ảnh minh họa. Nguồn: AP.
"Câu hỏi về việc chấm dứt xung đột sẽ ra sao có thể bao gồm cả việc thiết lập một vùng phi quân sự. Đó là mục tiêu của chúng tôi", ông Kirill Budanov nói với kênh truyền hình Islandia ngày 17/5, thêm rằng vùng phi quân sự này sẽ kéo dài 100km giữa Nga và Ukraine.
Khi giải thích thêm về các khía cạnh thực tế của việc thiết lập một khu vực như vậy, ông Kirill Budanov nhấn mạnh: "Đây sẽ là một khu vực không thể bị tấn công bằng các biện pháp thông thường. Theo quan điểm của tôi, với 100 km chiều dài, đây hoàn toàn là khoảng cách phù hợp".
Theo TASS, hồi tháng 3, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev từng cho biết, Moscow muốn tạo vùng đệm phi quân sự bên trong Ukraine, quanh các khu vực nước này đã sáp nhập. Khu phi quân sự sẽ cấm sử dụng các loại vũ khí tầm ngắn và tầm trung, nghĩa là từ 70-100km.
Trước đó, chính phủ Nga đã nhiều lần lên tiếng, khẳng định sẵn sàng đàm phán với Ukraine để đạt được một giải pháp cho cuộc xung đột. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng Moscow không thấy bất kỳ mong muốn nào từ phía Kiev để bắt đầu một cuộc đối thoại nghiêm túc về một giải pháp hòa bình.
Đặc biệt, hồi năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin
Phương Tây hướng đến vai trò của Trung Quốc nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine Cách tiếp cận này dựa trên quan điểm rằng không bên nào có khả năng duy trì chiến đấu vô thời hạn và việc Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò trong các cuộc đàm phán hòa bình quốc tế. Các nhà lãnh đạo phương Tây đang hướng tới một sự đồng thuận rằng ngừng xung đột Nga-Ukraine có thể là lựa chọn...