Lý do Israel – Hamas cùng tuyên bố chiến thắng
Israel và Hamas đều giành được lợi thế về hình ảnh lẫn chính trị sau 11 ngày giao tranh, còn dân thường hai phía là bên thua cuộc.
Israel và Hamas ngày 21/5 ký thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt 11 ngày giao tranh dữ dội khiến 230 người Palestine cùng 12 người tại Israel thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, hàng nghìn người tại Dải Gaza mất nhà cửa. Hai bên cùng tuyên bố chiến thắng, dù lệnh ngừng bắn này về bản chất đưa tình hình tại khu vực trở về như trước khi xung đột xảy ra.
Israel thông báo sẽ cho phép hàng hóa vào Dải Gaza từ ngày 21/5, trong khi Hamas gây áp lực buộc các nhóm dân quân Palestine khác ở khu vực này tuân thủ lệnh ngừng bắn. Điều này giống hệt thỏa thuận được bắt đầu cách đây khoảng một thập kỷ, trong đó chính phủ Israel cho phép chuyển tiền và hàng hóa trị giá hàng tỷ USD vào Dải Gaza để đổi lấy việc Hamas đảm bảo tình hình yên ổn trước mắt.
Dẫu vậy, Khalil al-Hayya, một trong những thủ lĩnh cao cấp của Hamas, tuyên bố trước hàng nghìn người Palestine đang tràn ra đường phố Gaza ăn mừng lệnh ngừng bắn rằng “đây là niềm vui chiến thắng”.
Dân Palestine tại Dải Gaza đổ ra đường ăn mừng sau lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas ngày 21/5. Ảnh: AFP .
Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Israel cho biết họ “hài lòng với kết quả” sau 11 ngày giao tranh và “đã đạt được mục tiêu” trong chiến dịch tấn công Dải Gaza.
Avi Issacharoff, bình luận viên các vấn đề Trung Đông, cho rằng trong cuộc xung đột này, Hamas giành được chiến thắng lớn hơn về trung hạn khi củng cố được vị thế trong cộng đồng người Arab lẫn Palestine. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đạt được lợi thế trong ngắn hạn, khi thoát được áp lực bủa vây từ phe đối lập và dường như đảm bảo vững chắc vị trí trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Trên thực địa, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) giành được những kết quả chiến thuật quan trọng, trong đó có việc phá hủy mạng lưới hầm ngầm và các cơ sở sản xuất rocket của Hamas tại Dải Gaza. Tuy nhiên, IDF không thể giảm đáng kể số lượng đợt phóng rocket của Hamas, đồng thời chưa hạ sát được các lãnh đạo cao cấp nhất của nhóm dân quân.
Số lượng biệt kích Hamas bị IDF hạ sát trong các đòn tập kích tương đối thấp. IDF thông báo khoảng 125-130 thành viên Hamas và 30 biệt kích của nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PlJ) bị hạ sát kể từ khi Israel mở chiến dịch đáp trả nhằm vào Dải Gaza. Phần lớn tay súng Palestine tại khu vực này vẫn sống sót sau các đợt oanh tạc của không quân Israel.
Hamas trong khi đó không giành được kết quả đáng kể về mặt chiến thuật. Hầu hết rocket phóng từ Dải Gaza đều bị tổ hợp Vòm sắt của Israel bắn hạ, số khác gặp sự cố nên rơi giữa đường hoặc bắn trượt mục tiêu.
Các nỗ lực triển khai chiến dịch tấn công mang tính tàn khốc hơn của Hamas, như sử dụng tàu ngầm không người lái để tập kích các mục tiêu chiến lược của Israel, cũng thất bại. Tuy nhiên, Hamas đạt thành công ngoài mong đợi về mặt chiến lược, Issacharoff đánh giá.
Cảnh sát và nhân viên cứu hộ Israel bên cạnh một ngôi nhà ở thành phố Ashkelon bị trúng rocket của Hamas ngày 20/5. Ảnh: Magen David Adom .
“Giao tranh mở ra các mặt trận mới trong xung đột Israel – Hamas, bao gồm các đợt tập kích rocket từ Lebanon và Syria cùng bạo loạn ở Bờ Tây”, Issacharoff cho biết. “Hamas bắt đầu đợt giao tranh với mục tiêu chính là làm tổn thương phong trào Fatah và Chính quyền Palestine, còn Israel chỉ là mục tiêu phụ”.
Khi cả Hamas và Israel đều tuyên bố chiến thắng sau cuộc giao tranh, Issacharoff cho rằng dân thường tại Dải Gaza và Israel, từ miền nam nước này tới tận Tel Aviv và xa hơn nữa, là những kẻ thua cuộc và hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của chiến sự.
Giới chuyên gia cũng tỏ ra hoài nghi về thời gian hiệu lực của lệnh ngừng bắn giữa Hamas và Israel. “Với kết quả của cuộc xung đột, dường như lệnh ngừng bắn không kéo dài quá 5 tháng, chứ chưa bàn đến 5 năm như mục tiêu thành công mà một số tướng Israel đặt ra”, Issacharoff nói.
Một nguồn tin của Hamas cho biết nhóm dân quân đang theo dõi chặt chẽ các động thái của giới chức Israel tại Jerusalem và khu Sheikh Jarrah, nơi một số gia đình Palestine nguy cơ bị trục xuất để lấy chỗ định cư cho người Do Thái. Nguồn tin cho biết Hamas đã lên kế hoạch “đánh bom thực thể Israel” nếu những người Palestine tại khu vực này bị buộc phải rời khỏi nơi ở lâu đời của họ.
Một trong những huyền thoại lớn nhất về cuộc xung đột Israel – Palestine diễn ra trong nhiều thế kỷ
Nguồn cơn xung đột Israel – Palestine. Video: VOX .
“Tuyên bố này dường như cho thấy Hamas chưa hài lòng với mục tiêu của mình. Có thể sau cuộc giao tranh tại Dải Gaza hoặc động thái của Israel ở Jerusalem, Hamas sẽ phóng rocket thêm lần nữa hoặc cho phép các nhóm dân quân khác ở Dải Gaza làm điều này. Đó là một thực tế tồi tệ mà Israel sẽ phải chấp nhận, để rồi lại đàm phán một lệnh ngừng bắn khác với Hamas”, Issacharoff kết luận.
Dân thường ở Gaza bế tắc, run rẩy sống giữa hai làn đạn giao tranh
Nhiều người dân thường ở Dải Gaza sợ hãi chứng kiến những trận giao tranh ác liệt giữa lực lượng Hamas và Israel, nhưng không biết đi đâu về đâu để tránh tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào.
Một tòa nhà ở Gaza chìm trong lửa khi trúng hỏa lực của Israel (Ảnh: AFP).
Những tiếng la hét và các mảnh vỡ bay vèo vèo "xé toạc" màn đêm ở thành phố Gaza. Mò mẫm trong bóng tối, người phụ nữ 50 tuổi, Umm Majed al-Rayyes, cuống cuồng đưa 4 đứa cháu và bỏ chạy thật nhanh khi bom của Israel rơi xuống gần khu căn hộ của họ, làm nổ tung cửa sổ, thổi bay các mảng bê tông lớn.
Trong khi con số thương vong đang gia tăng trong cuộc giao tranh dữ dội nhất kể từ năm 2014 giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas của người Palestine, al-Rayyes và những người Palestine đang sinh sống trên dải đất hẹp - tiền tuyến rực lửa của cuộc xung đột - đều đứng trước một câu hỏi quen thuộc: "Chúng tôi sẽ đi đâu đây?".
"Cả khu vực này nhỏ xíu. Dù có chạy đi đâu thì bạn cũng có thể trở thành mục tiêu", al-Rayyes trả lời phỏng vấn qua điện thoại với AP , sử dụng nhờ điện thoại của nhà hàng xóm. Bà đang phải tá túc nhờ tại đây cùng các con cháu với chỉ một vài túi quần áo mang theo.
Cảnh đổ nát ở Gaza (Ảnh: AFP).
Tại Gaza, một dải đất hẹp ven biển đông đúc với 2 triệu dân, không có hệ thống còi báo động hay các khu vực nhà trú ẩn. Các cơ sở tạm do Liên Hợp Quốc xây dựng đã bị hư hại đáng kể khi giao tranh kéo dài dai dẳng nhiều năm.
Trong những ngày qua, nhằm đáp trả Hamas dội hàng nghìn tên lửa từ ngày 10/5, Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc không kích, trong đó có những đòn tấn công đánh sập các tòa nhà. Israel có cảnh báo trước để người dân di tản, tuy nhiên các đòn tấn công của họ ngoài việc đánh vào trụ sở các cơ quan quan trọng của Hamas còn khiến nhiều người Palestine ở Dải Gaza mất nơi để sinh sống.
Người Palestine quan sát đống đổ nát mà họ từng gọi là nhà ở Gaza (Ảnh: AFP).
Ngoài ra, Israel còn sử dụng tiêm kích để nã tên lửa vào những khu vực mà họ nghi có các thành viên của Hamas sinh sống. Tổng cộng, ít nhất 67 người Palestine ở Dải Gaza đã thiệt mạng, trong đó có khoảng 16 trẻ em. Hàng trăm người bị thương.
Tại bệnh viện thành phố Gaza, các gia đình run rẩy kể về việc họ kéo những thân nhân người dính đầy máu ra khỏi các đống đổ nát. Một phụ nữ cho biết cháu trai 4 tuổi của bà và cô con dâu đang mang bầu bị thiệt mạng trong cảnh "bom rơi, đạn lạc" hôm 12/5.
Chính phủ Israel cáo buộc Hamas sử dụng người dân thường để làm "lá chắn". Israel nghi ngờ Hamas dường như thường đặt những điểm phóng rocket trong khu vực dân thường sinh sống và các cơ sở chỉ huy trong các tòa nhà dân sinh.
Dải Gaza - dải đất hẹp dọc ven biển Địa Trung Hải - trở thành điểm nóng xung đột trong những ngày qua (Đồ họa: BBC).
Người dân ở Dải Gaza nói họ không cảm thấy an toàn tại khu vực này. Họ không thể rời khỏi dải đất bé nhỏ - một trong những khu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới. Dọc theo ranh giới, Israel đặt hàng rào gắn cảm biến, tường bê tông, hàng rào thép mạ kẽm. Tại khu vực giáp với Địa Trung Hải, Israel cũng áp lệnh hạn chế tàu thuyền từ Gaza do xung đột lâu năm với Hamas.
"Không có nơi nào để di tản, không có nơi nào để trú nấp. Sự sợ hãi là không thể mô tả", Zeyad Khattab, một dược sĩ 44 tuổi ở Gaza, cho biết.
Người phụ nữ Palestine gục đầu trước một tòa nhà bị trúng hỏa lực (Ảnh: AFP).
Nhà báo Saud Abu Ramadan ở Gaza mô tả bầu không khí lúc này "giống năm 2014", gợi lại cuộc chiến 7 tuần đẫm máu khiến 2.000 người Palestine thiệt mạng và cơ sở hạ tầng Gaza bị tàn phá nghiêm trọng.
Bé trai 5 tuổi Israel thiệt mạng vì trúng rocket
Phía bên kia chiến tuyến, dân thường Israel cũng là nạn nhân của cuộc giao tranh dữ dội kéo dài nhiều ngày qua. Hệ thống phòng không "Vòm sắt" của Israel đạt tỷ lệ đánh chặn 85-90% tại các khu vực đông dân cư, nhưng với hàng nghìn tên lửa dội về dồn dập trong vài ngày, 6 người Israel và 1 người Ấn Độ sống ở Israel đã thiệt mạng.
Tòa nhà nơi bé trai 5 tuổi Israel trú ẩn bị trúng rocket khiến bé thiệt mạng (Ảnh: Times of Israel).
Bé trai Ido Avigal trở thành nạn nhân vô tội của bom đạn khi mới chỉ 5 tuổi. Tối ngày 12/5, căn nhà ở thị trấn Sderot nằm giáp Gaza của Avigal bị trúng rocket. Mẹ em vội vàng đưa em tới một căn nhà trú ẩn trong lúc tiếng còi báo động kêu inh ỏi. Tuy nhiên, mảnh rocket xuyên thủng cửa sổ của khu vực trú ẩn và khiến cậu bé và mẹ bị thương nặng. Vài giờ đồng hồ sau, Avigal đã tử vong.
Theo quân đội Israel, tổng cộng gần 1.300 quả rocket và đạn cối đã nã về phía nước này từ ngày 10/5. Trong những ngày qua, người dân Israel cũng liên tục phải đi tránh "bom rơi, đạn lạc", khi các quả rocket của Hamas đã rơi xuống hàng loạt mục tiêu dân sự, bao gồm xe buýt, hay ngôi trường ở Askhelon.
Tòa nhà ở Petah Tikva, Israel trúng rocket của Hamas (Ảnh: AFP).
Người Israel - Palestine tiếp tục đụng độ Cảnh sát Israel và người Palestine lại đụng độ tại khu nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem ngay sau khi Israel và dân quân Hamas tuyên bố ngừng bắn. Phóng viên địa phương cho biết cuộc đụng độ đang diễn ra nghiêm trọng giữa cảnh sát Israel và người Palestine tối 21/5 tại khu nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, trong đó cảnh...