Lý do hiệu trưởng từng kiện GĐ Sở GD-ĐT Cần Thơ không được bổ nhiệm lại
Tại cuộc họp báo quý I/2021, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ Nguyễn Phúc Tăng đã thông tin về việc bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Thạnh Thắng ( huyện Vĩnh Thạnh) không được bổ nhiệm lại mà chuyển sang làm giáo viên.
“Miễn nhiệm là thực hiện khi cán bộ quản lý thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Còn cô Thảo đã hết thời hạn bổ nhiệm vào tháng 7/2020 và chúng tôi làm quy trình bổ nhiệm lại.
Tuy nhiên, kết quả phiếu tín nhiệm của hội đồng sư phạm thấp và Huyện ủy Vĩnh Thạnh cũng có văn bản số 21 ngày 22/10/2020, không thống nhất bổ nhiệm lại đối với bà Thảo”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ nói.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ Nguyễn Phúc Tăng
Trên cơ sở nói trên, ông Tăng cho rằng, bà Thảo và cấp phó T.Q.T. không tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm lại.
Sở đã bố trí, phân công bà Thảo và ông T. làm giáo viên trường THCS-THPT Thạnh Thắng.
Bà Thảo và ông T. đã từng gây xôn xao dư luận vào năm 2019 khi một số hình ảnh được cho khiêu dâm của ông T. bị phát tán.
Tháng 11/2019, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ kết luận bà Thảo là người chịu trách nhiệm chính và trực tiếp về việc này.
Ông T. cho biết, đó là ảnh chụp nửa thân dưới của ông trong tình trạng không mặc gì. Những tấm ảnh này được chụp trong phòng tắm tại nhà riêng bằng điện thoại của mình. Thầy hiệu phó trình bày, có những tấm ảnh ông đã xóa trong điện thoại nhưng vẫn xuất hiện đầy đủ trên tài khoản thư điện tử của trường…
Theo Sở GD-ĐT, bà Thảo mở mail nhà trường rồi vào Google ảnh thì phát hiện nhiều ảnh cá nhân của ông T. Bà đã cho nhiều người xem và phát tán thông tin về hình ảnh của ông T, tự mình gọi báo công an để vào trường xác minh.
Vụ việc diễn biến kéo dài. Ngày 30/7/2020, bà Thảo khởi kiện Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ ra toà, yêu cầu tuyên huỷ kết luận thanh tra số 2910 ngày 15/11/2019 về việc thanh tra trách nhiệm của Hiệu trưởng trường THCS -THPT Thạnh Thắng và quyết định 1387 ngày 30/6/2020 về việc giải quyết khiếu nại lần đầu của Giám đốc Sở GD-ĐT.
Đến ngày 21/1/2021, Toà án TP Cần Thơ đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính liên quan vụ bà Thảo kiện Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ.
Sau đó, bà Thảo kháng cáo xử phúc thẩm và được Toà án nhân cấp cao tại TP HCM thụ lý đơn vào ngày 2/3/2021 vừa qua.
Giám đốc Sở ra ‘tối hậu thư’
Tại buổi họp báo, ông Tăng cũng trả lời câu hỏi về việc chậm bổ nhiệm một số hiệu trưởng.
Video đang HOT
Theo ông Tăng, việc chậm bổ nhiệm một số hiệu trưởng và hiệu phó là do bộ phận tham mưu công tác này làm theo lối mòn, không bám vào các quy định của pháp luật.
“Các tham mưu của bộ phận này đối với lãnh đạo Sở không đủ căn cứ để Giám đốc Sở thực hiện và dẫn đến chậm trễ trong việc vừa qua. Hậu quả là hội đồng kỷ luật đã xử lý kỷ luật các cá nhân có sai phạm. Sau khi kỷ luật các cá nhân có sai phạm, Sở đã thành lập tổ công tác để rà soát, khắc phục tồn đọng của bộ phận tổ chức cán bộ”, ông Tăng nói.
Sở GD-ĐT TP Cần Thơ
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ nói thêm: “Chúng tôi đã hoàn thành các bước cuối cùng của quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng và phó hiệu trưởng các trường THPT. Giám đốc Sở đã ra tối hậu thư cho bộ phận phụ trách công tác tổ chức cán bộ, tuần tới phải hoàn thành công tác bổ nhiệm”.
Tại buổi họp báo, ông Tăng cũng cho biết, tháng 9/2020, đơn vị này có quyết định 1497 về việc lập tổ rà soát các hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và điều động, kỷ luật công chức, viên chức quản lý thuộc Sở trong giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến 31/10/2019.
Kết quả rà soát là cơ sở để Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ tổ chức khắc phục hạn chế, thiếu sót để báo cáo UBND TP.
“Bên cạnh đó, Giám đốc Sở đã chỉ đạo rà soát, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện chưa đúng các quy định trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cũng như kỷ luật công chức, viên chức của ngành”, ông Tăng nói.
Tháng 12/2020, Sở tổ chức kiểm điểm, góp ý đối với những cá nhân có sai sót. Ngày 22/2 vừa qua, Sở tiến hành họp kiểm điểm công chức; đến 25/3, tiến hành họp kỷ luật công chức. Đến nay, Sở đang tiếp tục thực hiện những phần còn lại trong quy trình xử lý công chức.
Hiệu trưởng, tổ trưởng,... khi thôi chức vụ có thể được bảo lưu phụ cấp 6 tháng
Nếu không còn giữ chức vụ lãnh đạo như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn thì vẫn được bảo lưu phụ cấp chức vụ trong 6 tháng.
Hiện nay, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục từ mầm non, phổ thông đến cả bậc đại học khi nhận nhiệm vụ thì được bổ nhiệm chức vụ theo phân cấp quản lý và được hưởng phụ cấp chức vụ theo vị trí công việc, cấp học tương ứng.
Tương tự, khi không còn thực hiện nhiệm vụ thì sẽ không hưởng phụ cấp chức vụ, tuy nhiên trong một số trường hợp khi thôi nhiệm vụ vẫn được tiếp tục được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến 6 tháng.
Trong bài viết này, sẽ phân tích và làm rõ các trường hợp được hưởng phụ cấp chức vụ, hệ số phụ cấp và trường hợp nào được bảo lưu phụ cấp chức vụ.
Phụ cấp chức vụ cho cán bộ quản lý tại trường phổ thông
Tại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông thì thành phần được hưởng phụ cấp chức vụ là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn với hệ số phụ cấp chức vụ như sau:
Tại trường trung học phổ thông
Hiệu trưởng: Trường hạng I phụ cấp chức vụ 0,70; Trường hạng II phụ cấp chức vụ 0,60; Trường hạng III phụ cấp chức vụ 0,45;
Phó hiệu trưởng: Trường hạng I phụ cấp chức vụ 0,55; Trường hạng II phụ cấp chức vụ 0,45; Trường hạng III phụ cấp chức vụ 0,35;
Tổ trưởng chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,25;
Tổ phó chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,15.
Tại trường trung học cơ sở
Hiệu trưởng: Trường hạng I phụ cấp chức vụ 0,55; Trường hạng II phụ cấp chức vụ 0,45; Trường hạng III phụ cấp chức vụ 0,35;
Phó hiệu trưởng: Trường hạng I phụ cấp chức vụ 0,45; Trường hạng II phụ cấp chức vụ 0,35; Trường hạng III phụ cấp chức vụ 0,25;
Tổ trưởng chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,2;
Tổ phó chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,15.
Hiệu trưởng, tổ trưởng,... khi thôi chức vụ có thể được bảo lưu phụ cấp chức vụ 6 tháng. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: Lã Tiến)
Tại trường tiểu học, mầm non
Hiệu trưởng: Trường hạng I phụ cấp chức vụ 0,5; Trường hạng II phụ cấp chức vụ 0,4; Trường hạng III phụ cấp chức vụ 0,3;
Phó hiệu trưởng: Trường hạng I phụ cấp chức vụ 0,4; Trường hạng II phụ cấp chức vụ 0,3; Trường hạng III phụ cấp chức vụ 0,25;
Tổ trưởng chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,2;
Tổ phó chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,15.
Hạng trường hiện nay thì cấp tiểu học đến trung học phổ thông trường Hạng I từ 28 lớp trở lên (vùng núi, sâu, hải đảo 19 lớp trở lên); Hạng II từ 28-27 lớp (vùng núi, sâu, hải đảo từ 10 - 18 lớp); Hạng III dưới 18 lớp (vùng núi, sâu, hải đảo dưới 10 lớp).
Đối với nhà trẻ hạng I có 50 trẻ trở lên, hạng II dưới 50 trẻ;
Đối với trường mầm non thì trường hạng I có 9 nhóm, lớp trở lên (ở vùng núi, vùng sâu, hải đảo có 6 nhóm, lớp trở lên); trường hạng II có dưới 9 nhóm, lớp (ở vùng núi, vùng sâu, hải đảo có dưới 6 nhóm, lớp.
Trường hợp nào thôi hưởng phụ cấp chức vụ được bảo lưu phụ cấp chức vụ 6 tháng?
Phụ cấp chức vụ là phụ cấp lương cho công chức, viên chức hành chính sự nghiệp, người làm việc trong lực lượng vũ trang và trong doanh nghiệp do vừa làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ vừa giữ chức vụ lãnh đạo nhưng mới chỉ hưởng lương chuyên môn, nghiệp vụ.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì giáo viên là viên chức và theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Mục II Thông tư 02/2005/TT-BNV và được sửa đổi bởi khoản 1 mục II Thông tư 83/2005/TT-BNV về hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:
" II. Nguyên tắc và các trường hợp được hưởng, thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo
Các trường hợp được hưởng và thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo:
Trường hợp 1: Nếu tiếp tục làm cán bộ quản lý (có phụ cấp chức vụ) thì:
Theo yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức đang giữ chức danh lãnh đạo được luân chuyển đến giữ chức danh lãnh đạo khác, nếu có mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới thấp hơn thì được giữ mức phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo cũ.
Cán bộ, công chức, viên chức được bầu cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo khác, nếu có mức phụ cấp chức vụ mới thấp hơn mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ mà không thuộc diện luân chuyển theo yêu cầu nhiệm vụ, thì được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng kể từ ngày được cấp có thẩm quyền phê chuẩn kết quả bầu cử hoặc ngày được bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo mới; từ tháng thứ 7 trở đi hưởng mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo mới.
Như vậy, nếu cán bộ quản lý trường học được điều động, luân chuyển, biệt phái,... đến cơ sở khác mà có hệ số phụ cấp chức vụ cao hơn thì được hưởng phụ cấp chức vụ cao hơn kể từ ngày quyết định, nếu có hệ số phụ cấp chức vụ thấp hơn mức hiện hưởng thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ cũ trong thời gian 6 tháng, từ tháng thứ 7 trở đi hưởng phụ cấp chức vụ theo quyết định mới.
Trường hợp 2: Nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm):
Nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo do bị kỷ luật miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc không được bổ nhiệm lại, thì thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo kể từ ngày quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo có hiệu lực thi hành;
Nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo do được kéo dài thêm thời gian công tác khi đến độ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định số 71/2000/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ hoặc thôi giữ chức danh lãnh đạo để làm thủ tục nghỉ hưu theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền mà vẫn thuộc biên chế trả lương có đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan, đơn vị (sau đây gọi chung là thôi giữ chức danh lãnh đạo), thì kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 được chuyển mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số cũ sang hưởng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số mới của chức danh lãnh đạo đã đảm nhiệm tại thời điểm thôi giữ chức danh lãnh đạo cho đến ngày nhận sổ hưu (trường hợp thôi giữ chức danh lãnh đạo từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 trở đi thì hưởng bảo lưu mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số mới kể từ ngày thôi giữ chức danh lãnh đạo cho đến ngày nhận sổ hưu).
Nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo do sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ, thì thực hiện theo hướng dẫn riêng trong lần sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế đó.
Các trường hợp thôi giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) còn lại ngoài các trường hợp tại các trường hợp nêu trên, được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng kể từ ngày có quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo; từ tháng thứ 7 trở đi thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Như vậy, nếu không còn giữ chức vụ lãnh đạo như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn không phải do bị kỷ luật cách chức; kỷ luật miễn nhiệm; kỷ luật bãi nhiệm; không bỏ nhiệm lại (hết nhiệm kỳ hoặc không được tín nhiệm) thì vẫn được bảo lưu phụ cấp chức vụ trong thời gian 6 tháng nếu không còn giữ chức vụ lãnh đạo, từ tháng thứ 7 trở lên mới thôi hưởng phụ cấp chức vụ.
Chỉ tiêu chiến sĩ thi đua có hạn, ban giám hiệu nên nhường giáo viên Nếu thành viên của hội đồng thi đua, đặc biệt là người đứng đầu không công tâm thì chắc chắn các danh hiệu thi đua bậc cao vẫn chỉ là mơ ước của nhiều giáo viên. Vì sao nhiều thầy cô không mặn mà với danh hiệu thi đua cuối năm? Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Thi đua là...