Lý do cuộc tấn công của Iran không thất bại như nhiều đánh giá
Cuộc tấn công trả đũa của Tehran có thể không gây ra nhiều thiệt hại cho Israel nhưng lại thành công hơn nhiều so với những gì được đánh giá.
Hệ thống phòng không Israel đánh chặn vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào Jerusalem ngày 14/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Vào đêm 13/4, Iran đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái liều chết vào lãnh thổ Israel. Các cuộc tấn công không gây bất ngờ. Tehran đã cảnh báo rằng họ sẽ đáp trả cuộc không kích của Israel vào khu phức hợp đại sự quán Iran ở Damascus, Syria, vào ngày 1/4, khiến một số sĩ quan cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) thiệt mạng, trong đó có hai tướng chỉ huy cấp cao. Cuộc tấn công trả đũa được gọi là “Chiến dịch Lời hứa thực sự”.
Theo đài Sputnik, sau vụ tấn công đã có nhiều tranh cãi về việc liệu cuộc tấn công trả đũa của Iran có thành công hay không. Hầu hết các chuyên gia quân sự đều đồng ý rằng hành động của Tehran không có gì bất thường, ngoại trừ việc đây là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào lãnh thổ Israel. Từ quan điểm kỹ thuật, chiến lược này rất đơn giản và đúng đắn: Đầu tiên, Iran trấn áp hệ thống phòng không của đối phương bằng máy bay không người lái, sau đó phóng tên lửa siêu vượt âm mà Israel và Mỹ không thể đánh chặn được.
Không nên vội kết luận
Nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về cuộc tấn công của Iran và vội vàng cho rằng đòn trả đũa không như mong đợi. Hầu hết cho rằng phản ứng này hầu như không có gì đáng ngạc nhiên. Lý luận của họ là cuộc tấn công phải giống như một bộ phim bom tấn của Hollywood với những hiệu ứng đặc biệt, trong đó ngày tận thế và sự cứu rỗi thần kỳ sẽ diễn ra ở cuối, với những cảnh lãng mạn ở giữa. Nhưng trong cuộc sống thực, mọi thứ lại khác. Như Tôn Tử đã viết vào thời cổ đại, đánh trăm trận trăm thắng không phải là đỉnh cao của kỹ năng đánh trận. Cách tốt nhất để giành chiến thắng là không chiến đấu gì cả. Đây là chiến lược của Iran. Cuộc tấn công vào Israel không phải là một phản ứng quân sự mà là nước cờ của một đại kiện tướng trong một ván cờ lớn. Và cuộc chơi vẫn chưa kết thúc.
Sau cuộc tấn công vào tòa nhà lãnh sự bên trong đại sứ quán Iran ở thủ đô Syria, Tehran đã rơi vào tình thế bối rối. Nước này phải phản ứng theo một cách thuyết phục và đạt được các mục tiêu quân sự cụ thể, nhưng sẽ không khơi mào chiến tranh khu vực.
Ảnh chụp màn hình cho thấy các vụ nổ thắp sáng bầu trời Hebron, Bờ Tây, trong cuộc tấn công của Iran vào Israel, rạng sáng 14/4/2024.
Video đang HOT
Để đạt được mục tiêu đầu tiên, Iran đã phải thực hiện một cuộc tấn công trực tiếp mà không cần dùng đến lực lượng ủy nhiệm – và đó thực sự là cách họ hành động. Về mục tiêu thứ hai, mặc dù hầu hết tên lửa và máy bay không người lái đã bị bắn hạ, một số đã xâm nhập được không phận Israel và tấn công các mục tiêu quân sự. Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Iran, Mohammad Bagheri, cho biết trung tâm thông tin ở biên giới Israel-Syria và căn cứ không quân Nevatim của Israel đã bị tấn công. Và cuối cùng, về điểm thứ ba – chiến tranh khu vực đã không xảy ra. Điều này giống với tình hình năm 2020, khi người Iran tấn công các căn cứ của Mỹ ở Iraq để đáp trả vụ ám sát Tướng Soleimani.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để suy đoán liệu cuộc tấn công của Iran có thành công hay không. Câu hỏi lớn bây giờ là Israel sẽ phản ứng thế nào.
Những gì Iran đã đạt được
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là chiến dịch “Lời hứa thực sự” của Iran mang nặng tính chính trị hơn là quân sự. Theo nghĩa này, nó đã được thực hiện một cách tinh tế và đã thành công. Rõ ràng, người Iran không muốn khơi mào một cuộc chiến có sự tham gia của Mỹ, mặc dù đó là điều mà Israel mong muốn. Nói cách khác, Israel đã không thể khiêu khích Iran.
Rõ ràng là nước Cộng hòa Hồi giáo sở hữu nhiều máy bay không người lái và tên lửa mạnh hơn những chiếc được sử dụng trong vụ tấn công ngày 14/4. Tuy nhiên, ngay cả những máy bay không người lái và tên lửa kém tiên tiến cũng có thể xâm nhập không phận Israel và gây thiệt hại kinh tế, vì Israel đã chi nhiều tiền để bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái hơn số tiền Iran bỏ ra để phóng chúng.
Ngoài ra, Tehran một lần nữa chứng minh rằng Israel không phải là bất khả xâm phạm và hoàn toàn có thể tấn công nước này.
Cuối cùng, thành tựu chính của Iran là họ đã gây bối rối cho Israel. Tel Aviv phải đáp trả, nhưng bằng cách nào? Israel có nên tấn công lực lượng ủy nhiệm của Iran? Điều này có thể thực hiện được, nhưng Israel luôn làm điều đó mà không mang lại nhiều kết quả. Liệu họ có nên tấn công trực tiếp vào Iran? Nhưng điều đó sẽ khơi mào một cuộc chiến mà không ai chuẩn bị sẵn sàng, kể cả Mỹ.
Giữa căng thẳng với Israel, ngày 17/4, Iran đã ra lệnh tạm thời đóng cửa các cơ sở hạt nhân. Trong ảnh là một nhà máy điện hạt nhân ở miền Nam Iran. Ảnh: AFP/TTXVN
Quả bóng hiện đang ở trên sân của Israel và đất nước này phải đối mặt với những thách thức tương tự mà Iran đã gặp phải sau ngày 1/4. Nhưng liệu Israel có thể giải quyết những thách thức này một cách hiệu quả không?
Đáng chú ý, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami đã cảnh báo rằng từ nay trở đi, nếu Israel tấn công vào lợi ích của Iran và công dân Iran, Tehran sẽ lại tấn công.
Đây là một tuyên bố quan trọng. Về cơ bản, cuộc tấn công do Iran thực hiện ngày 14/4 không chỉ là đòn trả đũa mà còn thiết lập một trật tự mới. Iran đã chứng tỏ rằng họ sẵn sàng sử dụng các phương tiện gây ảnh hưởng mới trong tình huống mà lời nói là không đủ. Họ tấn công trực tiếp vào Israel không phải để khơi mào một cuộc chiến mà để chứng minh điều gì có thể xảy ra nếu tất cả các phương pháp gây áp lực khác đối với Israel đều thất bại.
Một lựa chọn mới đã được đưa ra. Israel có thể bị tước đi lợi thế quan trọng nhất của mình – “quyền miễn trừ” tuyệt đối, điều mà cho đến gần đây vẫn được Mỹ đảm bảo.
Truyền thông Iran tiết lộ chi tiết các loại tên lửa và UAV tấn công Israel
Gần đây, truyền thông Iran đã điểm danh chi tiết những loại tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nước này sử dụng trong cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Israel đêm 13/4.
Hệ thống phòng không của Israel đánh chặn vụ tấn công bằng tên lửa trên bầu trời Tel Aviv ngày 14/4. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh Press TV, trước khi phóng tên lửa và UAV, Tehran đã tấn công mạng hệ thống radar và điện lưới của Israel, gây mấy điện.
Trong khi đó, hãng thông tấn bán chính thức Mehr cho biết có hàng chục máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 tham gia chiến dịch. Shahed-136 sở hữu tầm hoạt động lên tới 2.000 km, mang tải trọng 50 kg.
Một số kênh Telegram có liên quan đến Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) lại tuyên bố rằng máy bay không người lái Shahed-238 cũng góp mặt trong cuộc tấn công. Shahed-238 được cho có thể đạt tốc độ lên tới 600 km/h.
Ngoài các máy bay không người lái, Iran cũng tung nhiều tên lửa hướng đến Israel hôm 13/4. Press TV đưa tin nhiều khả năng Iran đã dùng tên lửa đạn đạo tầm trung Kheibar Shekan có thể vươn xa tới 1.450 km.
Còn có thông tin rằng Tehran đã phóng một số tên lửa siêu vượt âm Fattah mang phạm vi hoạt động lên tới 1.400 km và sở hữu năng lực vượt trội xuyên thủng hệ thống phòng không đối thủ nhờ tốc độ và tính linh hoạt.
Trong khi đó, Mehr cho rằng Iran cũng đã sử dụng tên lửa Khorramshahr-4 tầm bắn 2.000 km và tải trọng 1.500 kg.
Chuyên gia về quân đội Iran tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Đức - ông Fabian Hinz đánh giá rằng Iran cũng đã triển khai tên lửa hành trình Paveh 351 có phạm vi hoạt động 1.650 km.
Iran và Israel có phản hồi tương đối khác biệt về kết quả của hành động quân sự ngày 13/4. Giới chức Iran khẳng định cuộc tấn công gặt hái thành quả tốt hơn dự kiến và gây hư hại cho hai căn cứ của Israel. Tel Aviv trong khi đó khẳng định 99% vũ khí Iran phóng đến đã bị bắn hạ.
Cuộc tấn công của Iran kéo dài trong vài tiếng đồng hồ với nhiều lớp tấn công. Sự kiện này được ghi nhận là cuộc tấn công tên lửa và máy bay không người lái lớn nhất và vươn xa nhất của Iran trong khuôn khổ chiến dịch quân sự thực tế.
Tư lệnh IRGC Hossein Salami khẳng định chiến dịch đã thành công vượt mong đợi và các vũ khí của Iran chỉ nhắm vào các cơ sở quân sự Israel, bao gồm căn cứ không quân Nevatim trong sa mạc Negev.
Những hệ thống phòng không quan trọng nhất của Israel trong đánh chặn tên lửa và UAV từ Iran Hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel đã bảo vệ nước này khỏi cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran. Một hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Ảnh: AFP/TTXVN Theo hãng tin AP, cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel rạng sáng 14/4 với hàng trăm máy bay không người lái (UAV) và...