Lý do biểu tình Mỹ biến thành bạo lực
Tâm lý kích động và quan điểm của người biểu tình rằng bạo lực là chính đáng, phù hợp với hoàn cảnh đã góp phần đẩy căng thẳng lên đến đỉnh điểm.
Lệnh giới nghiêm đã được ban bố trên hàng loạt thành phố Mỹ do biểu tình và hỗn loạn đang lan rộng sau khi George Floyd, một người da màu ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, tuần trước bị cảnh sát ghì cổ đến chết.
Một số cuộc biểu tình bắt đầu trong ôn hòa nhưng sau đó biến thành bạo lực. Người biểu tình đụng độ với cảnh sát, đốt phá, cướp bóc các cửa hàng, phương tiện, buộc chính quyền các bang phải huy động Vệ binh Quốc gia Mỹ để đối phó.
Xe cảnh sát bị đốt trong cuộc biều tỉnh ở Atlanta, Georgia, ngày 29/5. Ảnh: Reuters.
“Những sự việc như cái chết của Floyd có thể trở thành ngòi nổ bởi đối với nhiều người, nó là hình ảnh biểu trưng cho mối quan hệ giữa cảnh sát và cộng đồng da màu”, giáo sư Clifford Stott, chuyên gia về hành vi đám đông và chính sách trật tự công cộng tại Đại học Keele, Anh, nhận định. Các tình huống đối đầu sẽ có nhiều khả năng nảy sinh ở những nơi tồn tại bất bình đẳng trong cấu trúc xã hội, ông nhấn mạnh.
Năm 2011, bạo loạn cũng nổ ra tại Anh sau khi một người đàn ông bị cảnh sát bắn chết. Những người phản đối ban đầu tổ chức biểu tình ôn hòa, nhưng căng thẳng liên tục leo tháng, cuối cùng biến thành 4 ngày hỗn loạn với vô số cửa hàng bị cướp phá.
Stott nhận thấy bạo loạn lan rộng ở Anh hồi năm 2011 bởi người biểu tình tại những thành phố khác nhau đã tập hợp lại vì tìm thấy điểm chung là sắc tộc và cùng chia sẻ sự căm ghét với cảnh sát. Khi cảnh sát xuất hiện dấu hiệu lạm quyền, những thành phần gây bạo loạn cảm thấy họ có nghĩa vụ, trách nhiệm phải hành động.
Biểu tình bạo lực ít khi xảy ra nếu cảnh sát có mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng địa phương, nhưng cách họ phản ứng với người biểu tình cũng rất quan trọng, chuyên gia đánh giá.
“Bạo loạn là sản phẩm của sự tương tác, đa phần bắt nguồn từ cách cảnh sát đối xử với đám đông”, giáo sư Stott nói. Trong đám đông biểu tình lớn, căng thẳng sẽ bắt đầu leo thang khi một nhóm nhỏ đụng độ với cảnh sát. Tuy nhiên, cảnh sát thường phản ứng với toàn bộ đám đông. Nếu người biểu tình cảm thấy cảnh sát đang sử dụng vũ lực không chính đáng, điều này sẽ làm gia tăng tâm lý “chúng ta đối đầu với họ”.
“Cảm nhận của mọi người về bạo lực và đối đầu có thể vì thế mà thay đổi, chẳng hạn, họ sẽ bắt đầu cảm thấy rằng bạo lực là chính đáng trong hoàn cảnh đó”, Stott cho biết thêm.
Darnell Hunt, trưởng khoa khoa học xã hội Đại học California, tin rằng cảnh sát Mỹ đã “gia tăng những hành động quyết liệt” vào cuối tuần qua, trước làn sóng biểu tình.
“Huy động Vệ binh Quốc gia, sử dụng đạn cao su, hơi cay, bom khói, những chiến thuật này của cảnh sát đều có thể làm trầm trọng thêm một tình huống vốn đã căng thẳng”, Hunt cho hay.
Video đang HOT
Tâm lý đạo đức cũng có thể giúp lý giải các cuộc biểu tình hóa bạo lực, theo Marloon Moojiman, phó giáo sư về hành vi có tổ chức tại Đại học Rice. Ý thức đạo đức của một người là yếu tố trung tâm hình thành nên cách nhìn nhận của họ đối với bản thân, vì thế “khi chúng ta nhìn thấy điều gì đó vô đạo đức, nó sẽ tạo ra những cảm giác mãnh liệt, bởi chúng ta cảm thấy nhận thức về đạo đức của mình cần được bảo vệ”.
“Cảm nhận này có thể lấn át những suy nghĩ về việc phải giữ mọi việc trong khuôn khổ” bởi “khi bạn nghĩ toàn bộ hệ thống đã bị phá vỡ, bạn sẽ thực sự muốn làm điều gì đó quyết liệt để cho thấy đó là điều không thể chấp nhận được”, Moojiman cho biết.
Nghiên cứu cho thấy mạng xã hội cũng có khả năng khiến mọi người dễ chấp nhận bạo lực hơn nếu họ nhìn thấy hành vi bạo lực xuất hiện ở những người cùng quan điểm đạo đức với mình.
Tại Mỹ, hàng trăm cơ sở kinh doanh đã bị người biểu tình đập phá, cướp bóc. Theo giáo sư Stott, mọi người thường cho rằng những hành vi này bắt nguồn từ sự hỗn loạn và suy nghĩ chưa thấu đáo của đám đông biểu tình. Nhưng thực tế, đây là hành vi hoàn có chủ đích, bắt nguồn từ yếu tố tâm lý.
“Về mặt nào đó, cướp bóc là một cách thể hiện quyền lực, những người da màu có thể cảm thấy họ bị lép vế trong mối quan hệ với cảnh sát, nhưng trong bối cảnh một cuộc bạo loạn, những kẻ gây bạo loạn lại trở nên mạnh mẽ hơn cảnh sát”, Stott nói.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng những địa điểm bị cướp phá thường liên quan tới các doanh nghiệp lớn và hành động cướp phá “thường liên quan đến cảm giác về sự bất bình đẳng trong xã hội tư bản”, ông cho biết thêm.
Tuy nhiên, cả giáo sư Stott và giáo sư Hunt đều lưu ý rằng căn nguyên của hành vi cướp bóc, hôi của trong biểu tình, bạo loạn rất phức tạp. Đôi khi, có những người cướp đồ chỉ để thỏa mãn lòng tham cá nhân hay là thành viên của các tổ chức tội phạm.
Theo các chuyên gia về trật tự công cộng, cách tốt nhất để ngăn chặn bạo lực là cảnh sát phải cho thấy họ hành động đúng luật và nỗ lực thuyết phục người biểu tình đối thoại.
Giáo sư Lawrence Ho, chuyên gia về chính sách và quản lý trật tự công cộng tại Đại học Giáo dục Hong Kong, thừa nhận đàm phàn là chìa khóa giúp ngăn chặn bạo lực, nhưng khó khăn nằm ở chỗ rất nhiều cuộc biểu tình không có người dẫn dắt. “Nếu bạn không thể tìm thấy người đứng đầu, bạn không thể đàm phán với họ”, ông nói.
Nhìn chung, các chính trị gia có thể khiến tình hình tốt hơn hay tệ hơn phụ thuộc vào lựa chọn đối đầu hay đối thoại của họ. Tuy nhiên, sau cùng, các cuộc bạo loạn có thể là biểu hiện của những mối căng thẳng sâu rộng và những vấn đề phức tạp vốn không có giải pháp dễ dàng.
Giáo sư Hunt cho rằng phong trào biểu tình đang diễn ra ở Mỹ là nghiêm trọng nhất từ năm 1968 đến nay, sau khi Martin Luther King bị ám sát.
“Sự việc của George Floyd không phải nguyên nhân, nó giống như giọt nước làm tràn ly hơn. Ta có thể nói rằng hành vi giết hại dân thường của cảnh sát là triệu chứng còn nguyên nhân sâu xa nằm ở tư tưởng da trắng thượng đẳng, nạn phân biệt chủng tộc cùng những vấn đề khác mà Mỹ chưa thể xử lý một cách căn cơ”, ông bình luận.
'Bão' kép tàn phá cuộc sống người Mỹ
Khi ám ảnh về Covid-19 còn chưa qua đi, cuộc sống của người Mỹ tiếp tục chao đảo bởi bạo lực biểu tình.
Covid-19 đã đảo lộn cuộc sống của Jimmy Mills, 56 tuổi, sống ở khu Midtown thuộc thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Hiệu cắt tóc J-Klips của ông là một trong nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ của người da màu bị tàn phá bởi đại dịch. Mills từng rất lạc quan vì ông dự định mở cửa trở lại vào tuần này, sau hai tháng đóng cửa.
Ngày 29/5, biểu tình bạo loạn đã nhấn chìm khu phố nghèo nơi Mills sống và cắt tóc 12 năm qua trong biển lửa. Cái chết của George Floyd, người đàn ông Mỹ gốc Phi 46 tuổi, sau khi bị một sĩ quan cảnh sát Minneapolis ghì gáy, đã thổi bùng ngọn lửa biểu tình ở thành phố này và trên khắp nước Mỹ cuối tuần qua.
"Chúng tôi khổ sở vì nCoV và giờ là biểu tình. Nó không khác gì đòn giáng chí mạng", ông Mills nói.
Người lính của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ khóc khi ngăn biểu tình ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, cuối tuần qua. Ảnh: NYTimes.
Đoạn video ghi lại cảnh Floyd đau đớn kêu "không thể thở được" đẩy Mỹ vào cảnh hỗn loạn, khiến người dân phẫn nộ và lo lắng. Điều này càng khoét sâu thêm vết thương của Covid-19, đại dịch khiến hơn 100.000 người Mỹ thiệt mạng và hơn 40 triệu người thất nghiệp.
Cư dân Minneapolis nói rằng làn sóng phẫn nộ và biểu tình sau cái chết của Floyd là hệ quả của một cộng đồng liên tục bị thách thức bởi bạo lực cảnh sát và đại dịch, mà trong đó phân biệt chủng tộc được khắc họa rõ nét.
Cộng đồng người nhập cư và thiểu số ở Mineapolis chịu ảnh hưởng nhiều hơn về kinh tế và sức khỏe do Covid-19. Lao động Mỹ Latinh và da màu nằm trong nhóm có khả năng mất việc cao hơn. Một số khác là lao động trả lương theo giờ, như nhân viên cửa hàng tạp hóa, công nhân nhà máy. Họ phải chấp nhận rủi ro sức khỏe để kiếm tiền, vì không thể làm việc từ xa.
Giống nhiều người Mỹ gốc Phi khác trên cả nước, cộng đồng da màu ở Minnesota có tỷ lệ nhiễm và chết vì Covid-19 cao hơn nhóm khác. Theo ước tính, người da màu chiếm ít nhất 26% ca nhiễm nCoV ở Minnesota và tính riêng ở thành phố Minneapolis là 35%.
"Không từ ngữ nào có thể miêu tả những gì mà mọi người đang trải qua", nghị sĩ Mohamud Noor, người đại diện cho cộng đồng người Somalia và người nhập cư khác, cho hay.
Bác của Noor đã chết vì nCoV cách đây vài ngày và ông không biết có bao nhiêu người thân khác hay cử tri đang hấp hối. Noor cho rằng đóng cửa trường học sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới học sinh nghèo không có laptop hay internet ổn định để học trực tuyến. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng vọt vì phong tỏa.
Với hơn 200 cơ sở kinh doanh trong khu vực bị thiệt hại vì bất ổn, Noor sợ rằng tình trạng đóng cửa, mất việc và kinh doanh thua lỗ tiếp tục kéo dài.
"Nhiều người nghèo bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong khủng hoảng kép bởi họ hầu như không có gì trong tay", Noor nói.
Từ lâu người dân khu phố Midtown đã cảm thấy bị bỏ rơi và tách biệt với phần còn lại của thành phố. Trước Covid-19, họ đã nỗ lực tái thiết sau nhiều năm kinh tế khó khăn. Một tuyến đường sắt xuyên qua khu phố được chuyển đổi thành đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp. Khu chợ quốc tế Midtown Global mọc lên thu hút nhiều thực khách và người mua sắm tới các gian hàng của người Ấn Độ, Morocco cùng nhiều cửa hàng thủ công và đồ ăn nước khác.
Nhưng giờ đây, ngay bên cạnh hiệu cắt tóc của Mills, một cửa hàng đồng giá và một cửa hiệu cung cấp sản phẩm làm đẹp đã bị thiêu rụi. Cửa sổ phía trước hiệu cắt tóc của ông Mills bị đập vỡ và tivi, thiết bị thu phát video, kéo đều bị cướp sạch. Điện cắt, nước rỉ ra khắp sàn, khu phố bị bao vây bởi lực lượng cảnh sát và Vệ binh Quốc gia. Mills thực sự không biết khi nào cửa hiệu của ông mới có thể mở lại.
"Nửa khu vực này đã bị kiểm soát. Chúng tôi biết đi đâu bây giờ?", ông nói.
Phillipe Cunningham, thành viên hội đồng thành phố, là người đại diện cho tầng lớp người nghèo với phần lớn là người da màu ở Minneapolis. Ông đã đấu tranh suốt hai tháng qua để mở một địa điểm xét nghiệm và nhận được vô số cuộc gọi từ lao động mất việc, chủ cơ sở kinh doanh da màu không tiếp cận được chương trình cứu trợ liên bang.
Hôm 29/5, Cunningham lái xe đi khảo sát các tòa nhà bị hư hại, giúp một số người gia cố mặt tiền cửa cửa hàng để ngăn đập phá và trộm đồ. "Chúng tôi đang phải chiến đấu", ông nói.
Tại nhiều khu phố nghèo của Minneapolis, nơi nCoV xuất hiện nhiều hơn, cư dân không có khẩu trang và dung dịch rửa tay, dù thị trưởng hồi đầu tuần trước yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc khi vào cửa hàng. Tuy nhiên, Starr Brown, mục sư của nhà thờ First Covenant ở trung tâm thành phố, cho biết rất nhiều người vẫn xuống đường biểu tình đòi công lý cho Floyd. "Đây không chỉ là vấn đề mạng sống của một người da màu, mà còn tương lai của chúng tôi và những đứa trẻ", bà nói.
Nhiều người trẻ, đặc biệt thuộc cộng đồng thiểu số, từng làm hai, ba công việc bán thời gian giờ trở thành người thất nghiệp vì Covid-19. Họ lo lắng không biết có được hưởng trợ cấp nếu bị ốm, theo Tyler Sit, mục sư nhà thờ New City.
Ở nhà vì phong tỏa, không có việc làm và cũng không có triển vọng tìm được việc trong thời gian tới, họ quan tâm hơn tới tình hình ở Mỹ và quyết định xuống đường biểu tình.
"Họ không muốn nhiễm nCoV và cũng không muốn lây virus cho người khác nếu chẳng may mình mang mầm bệnh mà không hay biết. Nhưng chứng kiến thành phố hỗn loạn, từ sâu trong họ, một cảm giác thôi thúc phải làm điều gì đó", Tyler Sit nói.
Hai người kiệt sức ngồi trên đường sau cuộc biểu tình giữa đêm ở thành phố Minneapolis cuối tuần qua. Ảnh: NYTimes.
Tại Atlanta, Denver, New York và nhiều nơi khác, làn sóng biểu tình cũng sục sôi. Họ đeo khẩu trang hoặc dùng khăn che mặt để tránh lây nhiễm nCoV và bị xịt hơi cay.
Anais Nunez, 31 tuổi ở khu phố Allerton, thành phố New York, cho biết cô bất chấp rủi ro tham gia biểu tình để thể hiện tinh thần đoàn kết chống lại bạo lực của cảnh sát.
"Tôi đến từ hạt Bronx, tâm dịch của tâm dịch", Nunez nói về hạt tâm dịch của New York, nơi ghi nhận tỷ lệ nhiễm, nhập viện và chết vì nCoV cao nhất thành phố. "Chúng tôi đang chịu rất nhiều đau khổ. Chúng tôi vẫn phải biểu tình, dù biết nó sẽ khiến tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn", cô nói.
Theo Rashawn Ray, nhà xã hội học và thành viên của Viện nghiên cứu Brookings ở thủ đô Washington, điểm khác biệt lớn nhất giữa hai cuộc khủng hoảng hiện tại là Covid-19 có thể biến mất nhờ vaccine hoặc đột phá về y tế. "Nhưng phân biệt chủng tộc là điều không bao giờ biến mất ở Mỹ", ông nói.
Sở cảnh sát Minneapolis bị điều tra Bang Minnesota mở cuộc điều tra về quyền dân sự với Sở Cảnh sát Minneapolis, hy vọng tạo ra những thay đổi sau cái chết của George Floyd. Thống đốc bang Minnesota Tim Walz và Cơ quan Nhân quyền Minnesota đưa ra thông báo trong cuộc họp báo ngày 2/6. Cuộc điều tra sẽ xem xét các chính sách và thủ tục của...