Lý Công Uẩn hay Lý… Triển Chiêu?
“ Lý Công Uẩn: đường tới thành Thăng Long” cho giới nghiên cứu, văn nghệ sĩ, kinh doanh… một bài học lớn về nghệ thuật thứ 7, để hiểu rằng, tinh thần tự trọng, tự tôn, tự ái của một dân tộc chẳng phải là điều dễ động chạm.
Bộ phim “Lý… Triển Chiêu”?
Sau khi xem những trailer bộ phim “Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long”, tôi rất ngạc nhiên không hiểu tại sao người ta lại có thể để công làm một bộ phim như thế này. Cho người Việt xem? Và để người Việt hiểu như vậy về Lý Công Uẩn và một thời lịch sử? Chỉ có thể lừa những người Việt “mù” văn hóa. Còn để chiếu ở Trung Quốc và ở các nơi khác trên thế giới? Thì đừng (và không nên) chiếu ở Việt Nam với sự cho phép (có nghĩa là tán đồng) của cơ quan chức năng.
Đành rằng, người ta có thể viết lại những câu chuyện lịch sử với nhãn quan của người nghệ sĩ nhưng nếu có một nhãn quan tốt, một phông văn hóa dày dặn và nhất là một tấm lòng với dân tộc thì dù có viết lại một câu chuyện lịch sử cũng không thể làm biến dạng các nhân vật, không gian của câu chuyện, nhất là lại viết bằng ngôn ngữ điện ảnh.
Cái trăm nghe không bằng một thấy trên màn ảnh đã khiến cho nhân vật Lý Công Uẩn và câu chuyện của ông thành một nhân vật xa lạ, với một không gian xa lạ cùng tư duy và trí tưởng tượng của người Việt.
Nội dung phim khắc họa giai đoạn từ thời tiền Lê đến khi Lý Công Uẩn lên ngôi, quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, sau đổi tên là Thăng Long, đặt nền móng vững chắc cho thời kỳ ổn định và phát triển dài lâu của đất nước. Tôi không bình luận về kịch bản, về tư tưởng thời Lý xuyên suốt bộ phim, về thông điệp của triều Lý để lại trong lịch sử Việt Nam, chỉ xin bình luận đôi điều về những hình ảnh đã xem được từ những đoạn trailer giới thiệu phim đó.
Lý Công Uẩn hay Lý Triển Chiêu?!?
Có người đã đùa rằng đấy là phim “Lý Triển Chiêu”. Cay đắng hơn có người nói đấy là phim về một ông vua nào đó của Trung Quốc và câu chuyện diễn ra tại Trung Quốc nhưng có sử dụng một số chi tiết tư liệu trong bộ sử Việt Nam.
Kịch bản của bộ phim được Kha Chương Hòa, một nhà viết kịch bản phim lịch sử cổ trang Trung Quốc có tên tuổi, biên tập và hoàn chỉnh.
Video đang HOT
Những ai đã đọc cuốn “Vạn Xuân” viết về Nguyễn Trãi của Elvin Feray, nữ tác giả người Pháp, sẽ thấy tác giả cẩn thận với chuyện lịch sử, với nhân vật lịch sử ở mức nào. Cuốn sách đã chiếm được cảm tình của người đọc Việt, dĩ nhiên cả người đọc tiếng Pháp. Và mặc dù tài năng, tình cảm sâu sắc của bà với nước Việt đến mức ấy, vậy mà một đôi chỗ người đọc vẫn thấy đó là cách nghĩ và cách biểu đạt của người nước ngoài. (Nếu các nhà biên kịch chuyển thể thành câu chuyện điện ảnh thì đạo diễn và diễn viên phải thận trọng với các chi tiết ngoại lai đó).
Được biết, để viết cuốn sách đó Elvin Feray phải nghiên cứu nhiều năm lịch sử Việt Nam và sang Việt Nam để sống nhiều năm nữa trong không gian văn hóa Việt, để cảm nhận thế nào là tinh thần Việt. Còn Kha Chương Hòa, ông có nghiên cứu lịch sử Việt Nam? Hay ông chỉ “chuốt lại”, “thêm bớt” những kịch bản đã có trước của Trung Quốc và của Việt Nam mà người ta đưa cho ông? Nếu có thì ông đã góp ý với đạo diễn như thế nào?
Tinh thần tự trọng, tự tôn, tự ái của một dân tộc
Tôi nghĩ, có thể thuê quay phim hay làm hậu kỳ ở nước ngoài vì đấy là lĩnh vực thuần kỹ thuật, còn thuê đạo diễn thì quả là điều… khó hiểu. Bởi vì, đạo diễn (phim, kịch) phải là người am hiểu nhất toàn bộ câu chuyện, đồng thời là người tạo ra linh hồn cho tác phẩm (phim, kịch). Tôi không nghĩ ông Cận Đức Mậu có thể đảm nhận việc đó, mặc dù có thể ông rất nổi tiếng trong điện ảnh Trung Quốc, và cũng đã từng sang tìm hiểu không gian văn hóa Việt Nam ít ngày.
Nếu có, ông đã không đưa những hình ảnh vô cùng xa lạ với trí tưởng tượng của người Việt vào phim. Như trailer phim đã công bố, và như những ý kiến của những người có mặt tại đoàn làm phim đã nói.
Kiến trúc cung điện, đình chùa ở VN xưa nay chưa hề có loại 3 tầng mái với những đầu đao bộ mái thẳng băng như kiến trúc đã quay trong phim. Ảnh: C.T.V
Còn đạo diễn Tạ Huy Cường là người VN, mới đạo diễn một số phim ngắn thể loại game show Chắp cánh thương hiệu thì mới “lần đầu tiên làm phim cổ trang lớn” và lại không biết tiếng Trung, chỉ có thể:”nói chuyện với ê kíp của Trung Quốc bằng hình thể” thì làm sao đảm nhận được vai trò tạo dựng hay trợ lý đạo diễn chính để có thể tạo ra một hiệu quả đáng kể được.
Ngoài ra còn rất nhiều chi tiết khác, như diễn viên (chưa đủ tài sắm các vai quan trọng), diễn viên quần chúng thì của Trung Quốc, phục trang từ vua, quan đến dân thường thì: Mặc dù có bản thiết kế của TS Đoàn Thị Tình nhưng người may lại là người Trung Quốc nên họ may theo ý họ, vì may theo ý ta thì diễn viên không diễn được v.v.. làm cho phim không chỉ là “lai Tàu” mà gần như “hoàn toàn là Tàu”. Đó là lý do mà khán giả – người Việt không chấp nhận được.
Và cuối cùng là không gian, cảnh quan, kiến trúc, những thứ đập ngay vào mắt người xe, gây nên là ấn tượng thị giác mạnh mẽ. Phim được quay ở Hoàng Điếm. Ta cũng biết, không ít các phim không phải của Trung Quốc đã được quay ở phim trường này, song mục đích làm phim, ý nghĩa phim của người ta có thể không giống mình, không phải như dân mình mong đợi.
Dù là hư cấu, giả thiết, mô phỏng thì cũng phải có những yếu tố căn cứ kèm theo. Kiến trúc cung điện, đình chùa ở VN xưa nay chưa hề có loại 3 tầng mái với những đầu đao bộ mái thẳng băng như kiến trúc đã quay trong phim. Người Việt thường đã quen với hình ảnh kiến trúc thời Lý như: Văn Miếu, Chùa Một Cột (Hà Nội), Chùa Cổ Pháp (Bắc Ninh).
Sao không mô phỏng, giả thiết các bộ mái cung điện, đền, chùa miền Bắc VN có Kinh đô Hoa Lư và Thăng Long xưa với các đầu đao bộ mái cong cong như hiện thấy ngày nay, hoặc chí ít thì tham khảo các kiến trúc cung điện Huế cho phù hợp với trí tưởng tượng và tấm lòng hoài cổ của người Việt?
Có người nói, đây là phim do tư nhân đầu tư, cần có cái nhìn thiện cảm với tấm lòng cống hiến cho xã hội. Tôi nghĩ, nếu thực ai đó bỏ tiền đầu tư làm một bộ phim cho dân cho nước không tính toán thiệt hơn thì chúng ta nên có cách ghi công nào đó, cho dù bộ phim sẽ không chiếu nữa, mà tất nhiên là không nên chiếu làm gì.
Bởi “Lý Triển Chiêu” huyền thoại còn đang trên màn ảnh nhỏ với những câu chuyện chống gian tham của Bao Công huyền thoại đã nhiều đến mức nhàm chán rồi. Cũng không thể sửa sang lại rồi cho lưu hành. Nói như thế, giống như dân gian vẫn nói là chẳng hiểu gì về điện.
Một an ủi lớn, đó là bài học kinh nghiệm. “Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long” cho giới nghiên cứu, văn nghệ sĩ, kể cả kinh doanh… một bài học lớn về nghệ thuật thứ 7, để hiểu rằng, tinh thần tự trọng, tự tôn, tự ái của một dân tộc chẳng phải là điều dễ động chạm.
Theo Tuần Việt Nam
Hàng loạt phim lịch sử Việt Nam tung trailer mãn nhãn
Sắp tới, hàng loạt phim về đề tài lịch sử của Việt Nam sẽ đồng loạt được chiếu đó. Cùng xem qua hình ảnh của các bộ phim đó nhé.
Trong một vài ngày qua, hàng loạt trailer của các bộ phim về đề tài lịch sử việt Nam đã ra mắt trên mạng và ngay lập tức khiến khán giả vô cùng hưng phấn với những hình ảnh thân quen của đất nước. Nhân kỷ niệm ngày 2/9, Ngày Quốc Khánh của Việt Nam ta, hãy cùng ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc bằng những trailer siêu cool dưới đây nhé.
Khát Vọng Thăng Long
Ra mắt sớm nhất là trailer bộ phim Khát Vọng Thăng Long. Với độ dài hơn 1 phút, đoạn teaser trailer không cho khán giả biết một chút gì về nội dung phim, mà chỉ là những hình ảnh ghép từ phim, được lồng trong một bản nhạc hay đầy nghĩa khí. Khát Vọng Thăng Long lấy bối cảnh 1000 năm về trước với nội dung phim khắc họa hình ảnh Lý Thái Tổ ở bốn giai đoạn: lúc ông còn nhỏ, lúc trưởng thành, lúc vào cung cho tới khi ông ban chiếu dời đô.
Khát vọng Thăng Long dài 110 phút, do Lưu Trọng Ninh làm đạo diễn, Charlie Nguyễn viết kịch bản, Johnny Trí Nguyễn làm đạo diễn hành động võ thuật. Diễn viên tham gia gồm người mẫu Ngô Mỹ Uyên, Quách Ngọc Ngoan, Đình Toàn, Leon Quang Lê, Thạch Kinh Long, Nguyễn Hoàng Thảo, Thu Trang, Thúy An, Hương Giang... Phim dự kiến chiếu trong tháng 10 tới.
Vượt qua bến Thượng Hải
Trước đó, trailer của bộ phim Vượt qua bến Thượng Hải cũng đã kịp đến tay người xem, hé lộ những phân cảnh hành động mãn nhãn. Vượt qua bến Thượng Hải là bộ phim nhựa dài 100 phút kể lại các sự kiện trong một năm kể từ khi Nguyễn Ái Quốc rời Hong Kong. Đây có thể xem là phần tiếp theo của bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông ra mắt vào năm 2003. Đây là sản phẩm hợp tác của Việt Nam và Trung Quốc, có sự tham gia của dàn diễn viên hai nước và hai đạo diễn thuộc hai quốc tịch. Dù bất đồng về ngôn ngữ, các diễn viên đã có sự chuẩn bị kỹ càng để hòa hợp với nhau trong các cảnh quay. Phim dự kiến ra mắt vào ngày 1/10 tới trên toàn quốc.
Huyền sử thiên đô
Phim truyền hình cũng không hề kém cạnh khi tung ra đoạn trailer ngắn đầy lòng tự hào dân tộc. Phim Huyền sử thiên đô gồm 70 tập phim với nội dung tập trung vào cuộc dời đô lịch sử từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long - Hà Nội) của vua Lý Công Uẩn. Quy tụ một đội ngũ diễn viên có uy tín như NSND Trọng Khôi, NSUT Hà Xuyên, NSƯT Trần Nhượng, NSƯT Trần Tường, Trung Dũng, Giáng My... bộ phim lịch sử cổ trang có quy mô lớn này sẽ chính thức lên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam vào đúng dịp tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đường tới thành Thăng Long
Một trailer khác của bộ phim truyền hình Đường tới thành Thăng Long cũng đã được ra mắt, khắc họa giai đoạn từ thời tiền Lê đến khi Lý Công Uẩn lên ngôi, quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, sau đổi tên là Thăng Long, đặt nền móng vững chắc cho thời kỳ ổn định và phát triển dài lâu của đất nước. Bộ phim truyền hình dài 19 tập này được thực hiện hoàn toàn ở phim trường Hoành Điếm, Trung Quốc. Biên tập phim là Kha Chương Hoà, người đã từng biên kịch cho Thái tổ mật sử, Võ Tắc Thiên, Vương Triều Ung Chính... Phim có 3 đạo diễn, trong đó có hai gương mặt Trung Quốc. Phim dự kiến lên sóng vào cuối tháng 9, trên giờ vàng của VTV3 và dự định phát hành ở Trung Quốc, các nước Asean và châu Âu.
Vương Quốc Âu Lạc
Ngoài ra, ta cũng phải kể đến đoạn quay thử của bộ phim 3-D Vương Quốc Âu Lạc do hãng Sailywood sản xuất. Dù mới chỉ là bản quay thử nhưng đoạn clip cũng làm người xem thấy xúc động với tinh thần đánh giặc quên mình của ông cha. Bộ phim Vương Quốc Âu Lạc nói về danh tướng lỗi lạc của Việt Nam - Ngô Quyền cùng các quân binh của ông. Họ đã chiến đấu rất kiên cường với quân của Kiều Công Tiễn, những kẻ phản bội và quân Nam Hán. Phim vẫn đang trong quá trình quay, dự kiến ra rạp vào khoảng tháng 4/2011.
Cùng thưởng thức 5 đoạn trailer rất đáng khen bên trên và tiếp tục ủng hộ các phim do Việt Nam thực hiện nha các bạn!
Theo PLXH
Phim Việt: Văn hóa gia đình đảo lộn Đã đến lúc các đạo diễn nên tìm cho mình một nhà văn hóa để tư vấn kẻo phim Việt sẽ đi chệch khỏi quỹ đạo văn hóa và mất đi giá trị giáo dục của môn nghệ thuật thứ 7. Phim về văn hóa: Của hiếm Giữa vô vàn đề tài của cuộc sống, đề tài về các nghành nghề, các góc...