Lưu ý bảo dưỡng mái nhà trước mùa mưa
Trước khi mùa mưa lại đến, gia chủ cần chú ý điều gì để tránh được tình trạng này?
Tình trạng thấm, dột mỗi khi mùa mưa đến luôn là nỗi lo thường trực của nhiều gia đình hiện nay. Tuy việc xử lý thấm, dột là một trong những yêu cầu cơ bản và tiên quyết trong quá trình xây dựng, nhưng thực tế, công trình sau khi hoàn thành lại không đáp ứng được. Vậy, trước khi mùa mưa lại đến, gia chủ cần chú ý điều gì để tránh được tình trạng này?
Mái ngói dốc truyền thống với hệ khung gỗ cách nhiệt và thoát nước tốt
Mái nhà – một bộ phận kiến trúc quan trọng trên nhiều phương diện
Mái nhà là một bộ phận kiến trúc quan trọng của ngôi nhà, che chắn cho ngôi nhà từ phía trên. Mái nhà có nhiệm vụ ngăn những tác động tiêu cực của thiên nhiên (nắng, mưa, bụi bẩn…) tới ngôi nhà, bảo vệ để ngôi nhà bền vững và tiện nghi trong sinh hoạt. Ở góc độ thẩm mỹ, mái nhà góp phần tạo nên hình thức kiến trúc đặc trưng cho công trình, tạo nên hình ảnh của công trình.
Từ xưa, cha ông ta đã rất coi trọng mái nhà. Mái nhà là yếu tố rất quan trọng của công trình và có ý nghĩa văn hoá cao. Trong quá trình thi công xây dựng, công đoạn thi công mái luôn được chú trọng – đặc biệt việc “cất nóc” được thực hiện với nghi lễ trang trọng. Lễ cất nóc là thời điểm đánh dấu công trình hoàn thành về mặt tinh thần.
Đã có nhiều ca dao tục ngữ nói về mái nhà hoặc có hình tượng mái nhà như: “Con không cha như nhà không nóc”, “Ngó lên nuột lạt mái nhà/ Bao nhiêu nuột lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”…hay mượn mái nhà để nó về quan điểm sống: “Một mái nhà tranh hai trái tim vàng”…
Mái nhà vượt ra ngoài khái niệm là một thành phần, một bộ phận kiến trúc; mái nhà trở thành hình tượng, ý niệm về gia đình, về sự sum họp quây quần. Mái nhà là nơi trở về. “Chung một mái nhà” thể hiện một tình đoàn kết, tình cảm gắn bó và đồng thuận trong suy nghĩ. Mái nhà – mái ấm luôn là khát vọng muôn đời.
Mái bê tông lợp ngói trong kiến trúc hiện đại
Các loại mái nhà
Video đang HOT
Có nhiều cách phân loại mái nhà, nhưng phổ biến là những cách phân loại sau:
Theo hình thức: Có hai loại là mái bằng và mái dốc
Mái bằng: Mái nằm song song với phương mặt đất với độ dốc được coi như bằng 00, độ dốc đủ để thoát nước bề mặt, không có ý nghĩa tạo hình kiến trúc. Mái bằng có ưu điểm tạo được sàn có thể để các cấu kiện, vật dụng khác trên mái (bể nước…), dễ di chuyển, thao tác trên mái khi có sự cố.
Mái dốc: Mái được tạo với phương ngang một góc nhất định. Tuỳ loại vật liệu lợp mái và vật liệu khung mái cùng độ rộng diện tích che phủ mà mái có độ dốc khác nhau. Mái nhà tranh, tre, nứa, lá có độ dốc từ 33-450, mái ngói trong kiến trúc dân gian truyền thống có độ dốc từ 30-330, mái nhà Rông Tây Nguyên dốc tới 70-800, mái tôn có độ dốc thấp hơn – khoảng 12-150. Các loại vật liệu lợp mái ở mái dốc cũng có những hệ kết cấu tương ứng. Nếu vật liệu lợp mái là tranh thì sử dụng kèo tre, lợp ngói thì ứng với kèo gỗ, mái tôn được sử dụng với hệ kèo thép… Mái dốc về cơ bản khó di chuyển, thao tác trên bề mặt và không tận dụng được diện mái như mái bằng. Mái dốc góp phần tạo hình kiến trúc.
Theo kết cấu:
Mái bê tông cốt thép: Là mái được đổ bê tông toàn khối hoặc lắp ghép những cấu kiện bê-tông (panel). Mái bê tông cốt thép có ưu điểm bền vững, chịu tải tốt nhưng nhược điểm là khó có khả năng tháo lắp khi cần di chuyển hay phá dỡ công trình.
Mái khung (giàn) phẳng (với vật liệu tre-gỗ, thép): Là những dạng mái sử dụng kèo, vì kèo, tường thu hồi… chịu lực cùng các lớp kết cấu khác (tuỳ loại vật liệu lợp mái). Mái ngói có các lớp kết cấu: Vì kèo, hoành, rui, mè (hoặc vì kèo, xà gồ, cầu phong, litô), mái tôn có các lớp: vì kèo, xà gồ… Loại mái này dễ tháo lắp các cấu kiện.
Mái giàn không gian (hay còn gọi là giàn thép không gian): Hiện nay mái dàn không gian được sử dụng nhiều trong các công trình cần không gian lớn như ga hàng không, triển lãm, sân vận động, nhà thi đấu… Giàn không gian cho phép vượt được những nhịp lớn và khá linh hoạt trong giải pháp tổ hợp hệ khung cũng như việc tháo lắp, di chuyển.
Mái có kết cấu đặc biệt: Các dạng mái kết cấu vỏ mỏng, dây treo…
Mái bằng lớn tiềm ẩn nguy cơ thấm dột nếu thoát nước không tốt
Theo vật liệu:
Có thể phân loại theo vật liệu lợp mái hay kết hợp cả vật liệu của kết cấu chịu lực mái: Ví dụ như mái bê tông, mái ngói, mái kính, mái tôn, mái thép – kính, mái gỗ – kính, mái bê tông – ngói… Hiện nay trên thị trường các loại ngói và tấm lợp mái rất đa dạng. Việc lựa chọn một hình thức mái và vật liệu mái cần dựa trên nhiều yếu tố: thẩm mỹ kiến trúc, kỹ thuật, kinh tế.
Chọn vật liệu mái nào để đảm bảo an toàn?
Mỗi loại mái có những ưu – nhược điểm riêng, không có loại mái nào (cả kết cấu và vật liệu) là tối ưu cả. Ví dụ như mái bằng đúc bê tông bền vững trước gió bão những lại hấp thụ bức xạ mặt trời lớn gây nóng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thấm dột do dễ bị nứt. Mái tôn có ưu điểm nhẹ, thi công nhanh, thoát nước tốt nhưng cũng nóng, ồn khi trời mưa và dễ bị gió thổi tốc mái. Mái ngói có tải trọng nặng tốn chi phí cho hệ khung nhưng cách nhiệt tốt… Chọn loại mái nào – cả hình dáng và vật liệu phụ thuộc vào tính chất, quy mô, hình thức ngôi nhà, ý đồ tạo hình của kiến trúc sư; phụ thuộc vào đặc thù kiến trúc khí hậu của từng địa phương và khả năng cung ứng vật liệu ở nơi xây dựng.
Hiểu được đặc tính và ưu – nhược điểm của từng loại mái sẽ giúp ta xử lý các vấn đề khi thi công và bảo dưỡng mái được hiệu quả; phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm. Việc duy tu bảo dưỡng cho mái nhà cần được làm định kỳ, nhất là trước mùa mưa bão để mái nhà bền vững và an toàn.
Bảo dưỡng mái nhà khi mùa mưa đến
Trên các bề mặt công trình thì mái nhà là nơi hứng nhiều lượng mưa nhất (nhất là đối với những ngôi nhà ở nhỏ – thấp tầng. Vì vậy, việc quan tâm tới mái nhà là việc cần thiết để đảm bảo an toàn cho mái nhà và công trình. Cần kiểm tra lại tất cả các máng nước (seno) và ống thoát nước mái, hố ga thoát nước tránh để bị tắc, tràn gây hậu quả tiêu cực. Dùng biện pháp phù hợp để thông tắc máng nước, ống thoát và hố ga (nếu bị tắc). Nếu mái nhà đã có tiền sử thấm dột, cần kiểm tra những điểm thấm dột ở tầng áp mái để có biện pháp xử lý thích hợp. Với những mái dốc sử dụng hệ khung, cần kiểm tra, bảo dưỡng lại hệ khung để đảm bảo an toàn (sơn lại khung, gia cố những vị trí đấu nối, liên kết) để tăng tuổi thọ cho hệ khung mái. Kiểm tra và thay thế những tấm lợp hay ngói đã bị hư hỏng, không đảm bảo che chắn và thoát nước.
Thi công mái là một công đoạn quan trọng
Nếu mái không được vệ sinh, duy tu, bảo dưỡng thì rất dễ bị thấm dột
Tùy từng loại mái có những cách xử lý, gia cố bảo dưỡng khác nhau, nhưng đều chung một mục đích là chống thấm dột, tạo điều kiện thoát nước hiệu quả. Ví dụ như đối với mái bằng cần vệ sinh bề mặt mái sạch sẽ, tránh để rác chui vào ống thoát nước gây tắc. Đối với mái ngói có thể đảo ngói, thay thế những viên nứt vỡ để chống dột. Đối với mái tôn thì bịt lại keo tại các vị trí đinh vít liên kết tấm mái với hệ khung mái để tránh nước rò rỉ gây thấm dột… Những ngôi nhà ở miền biển cần có giải pháp chằng buộc để tránh tốc mái khi có gió lớn hay bão./.
Thú vị nhà Tudor ở Mỹ
Nếu tới các đô thị hiện đại của Mỹ, bạn sẽ thấy hàng loạt ngôi nhà chọc trời bằng xi măng cốt thép, lấp lóa trong nắng nhờ lắp đầy cửa kính.
Nhưng vùng ngoại ô, nông thôn của nước này là một phong cảnh ngược lại. Đó là những ngôi nhà thấp, thường chỉ có vài tầng, song bề thế, to lớn với tường gỗ và mái ngói.
Có nhiều kiểu nhà khung gỗ giản dị nhưng ấn tượng nhất vẫn là kiểu nhà Tudor, lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc lều gỗ đắp vữa, mái dốc của Anh cách đây 500 năm. Có cả vạn ngôi nhà Tudor, rải khắp nơi ở Mỹ và được xây từ năm 1900 - 1940, tạo nên một phong trào nhà cửa hoài cổ mà sang trọng.
Do đất đai rộng rãi, người ta thường làm nhà Tudor rất to, có nhiều phòng, sân trước, vườn sau như một biệt thự. Điểm nổi bật của chúng là cái khung bán gỗ, tức không phải hoàn toàn từ gỗ với những ván gỗ to bản, mà ở giữa những ô trống của khung sườn ấy phủ đắp khá nhiều chất liệu như vữa, gạch, đất.
Tường nhà thường được sơn trắng, trong khi nẹp gỗ thì sơn nâu hoặc đen. Trên mái nhà thường dốc với các ô cửa sổ phụ lô xô. Dù to lớn thế nào, mỗi ngôi nhà Tudor đều rất nhẹ nhàng, thoáng đãng, hòa vào cây cỏ xanh tươi.
Phong thái nhà Tudor đã xuất hiện tại Anh vào cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16 và để làm nhà ở cho các quân vương, có nguồn gốc từ xứ Wales. Thay vì xây chủ yếu bằng gạch, đá nặng trịch với hàng trăm ô cửa và hàng chục cái ống khói trên một tòa lâu đài, dân gian đã học tập nhưng chỉ xây nhà đơn giản bằng khung gỗ, rồi trình tường bằng daub (một hỗn hợp đất cát và phân bò trộn nước).
Khi đất nhão khô đi, nó sẽ cứng như gốm, bê tông và được quét vôi trong khi những chỗ gỗ (nẹp gỗ) lộ ra thì phết nhựa đường cho khỏi mục. Đây được gọi là kỹ thuật nhà bán gỗ, mang tới vẻ đẹp độc đáo khi mà mọi thứ không chìm hẳn mà lộ ra.
Ở những ngôi nhà bình thường, khung gỗ chỉ là những thanh thẳng, trơn mặt, đóng vuông góc, song song hay vắt chéo song ở nhà giàu, quyền thế thì trên thanh gỗ thường được trạm khắc, và tường cũng hay bằng gỗ mỏng, đục theo dạng đăng ten. Bên trong thường có nhiều phòng và với nhà lớn có thể cao 5 tầng, 10 ống khói để phục vụ từng phòng trong từng mục đích riêng.
Điều thú vị là khi ở Anh, nhà Tudor bắt đầu phai nhạt thì tại Mỹ, chúng đã trở thành mốt. Đặc biệt vào đầu thế kỷ 20, nhà Tudor đã tái xuất ở nhiều tiểu bang và có sự phối hợp của đa phong cách cổ kim hoặc phong cách Cổ thế giới (Old World style). Một đơn cử là tầng dưới thường xây tường bằng gạch đá, song tầng trên bằng khung gỗ phết vữa hay tấm giả gỗ trang trí.
Tuy nhiên, mái nhà vẫn là mái gable (dốc đứng), cửa nóc gable dốc và có các hàng trấn song bằng gang. Các thanh xà, vòm cửa, cột kèo, cầu thang gỗ trong nhà cũng giữ nguyên kiểu Tudor. Những ngôi nhà Tudor Phục Hưng tại Mỹ thường được gọi là nhà Mock Tudor hay nhà Jacobean.
Do chi phí tốn kém nên một số hộ dân giảm thiểu chi tiết, kích cỡ của ngôi nhà mà tạo nên một kiểu nhà mini, cho một gia đình nhỏ, gọi là Tudor Cottage (lều Tudor) và thường có 1,5 tầng, một ống khói...
Vì sự trang nhã, mát mẻ, thoáng đãng chúng trở thành các biệt thự cổ và nhà nghỉ mùa hè sang trọng phục vụ du khách. Có thể tìm thấy khá nhiều ngôi nhà Tudor lớn như Manor ở các vùng Đông Bắc và Trung Tây Mỹ, còn những ngôi nhà nhỏ nhắn hiện diện ở mọi nơi và thường hay lai tạo thêm nhiều yếu tố Đông Tây mới.
Thiết kế không nên bỏ qua khi xây nhà tự điều hoà hè mát, đông ấm Để tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức, tốt nhất bạn nên chọn giải pháp lâu dài ngay từ khi lên kế hoạch xây dựng nhà mới. Hướng nhà Thời tiết của từng vùng miền là khác nhau. Vì vậy, khi xây dựng, gia chủ cần quan tâm đến yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến ngôi nhà để đưa ra...