Lướt Net càng nhiều, học càng kém
Lần đầu tiên một hội thảo khoa học quy mô lớn về thực trạng nghiện Internet đã được tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP HCM vào sáng 23/11 vừa qua.
Hội thảo thu hút hơn 18 tham luận, bài viết của các tác giả cả nước bàn về những tác hại của Internet ảnh hưởng đến người dân và đặc biệt là giới trẻ.
Nguyên nhân gây nghiện Internet
ThS Đỗ Minh Hoàng trình bày nghiên cứu về tác động của Internet đến sinh viên (SV) Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Tác giả cho rằng: “SV truy cập Internet càng nhiều, kết quả học tập càng kém. Cụ thể, những SV có học lực giỏi và xuất sắc có số giờ truy cập Internet là 17,6 giờ/tuần trong khi SV yếu, kém có số giờ truy cập Internet bình quân lên đến 31,9 giờ/tuần. 9,1% SV giỏi truy cập Internet quá 4 giờ/ngày và có đến 50% SV yếu truy cập Internet trên 4 giờ/ngày”.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Văn Thọ – nguyên Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 2, Trưởng khoa Khoa học Xã hội Nhân văn ĐH Văn Hiến, cụm từ “nghiện Internet” được BS Kimberly Young – Giám đốc Trung tâm phục hồi nghiện Internet (Mỹ) tiến hành các nghiên cứu đầu tiên và đưa ra khái niệm “nghiện Internet” vào năm 1996. Bà Young đã khẳng định người dùng Internet thái quá cũng tương đồng như người mê cờ bạc thái quá. Họ cũng có thể bị ám ảnh hoặc ép buộc, cưỡng bức về cảm xúc và hành vi.
Vì vậy, bà đã dựa vào mô hình “cờ bạc bệnh lý” để phát triển bảng câu hỏi gồm tám mục nhằm đánh giá người nghiện Internet. Và bà cũng đưa ra tiêu chuẩn là những người nghiện Internet thường sử dụng Internet 38 tiếng/tuần cho những mục đích không liên quan đến học tập và công việc.
Có thể bị rối loạn tâm thần
TS Ngô Xuân Điệp – Trưởng bộ môn Tâm lí học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng: “Người nghiện Internet thường có các biểu hiện như cơ thể xanh xao do thiếu ngủ, học lực yếu, sức khỏe sút kém, bị ảo tưởng hay quên, hay tức giận, bồn chồn khi không sử dụng Internet,… Nếu phụ thuộc vào Internet trong thời gian dài, người nghiện có thể bị dẫn đến tình trạng tách biệt xã hội, trầm cảm, hoang tưởng, rối loạn tâm thần… Đôi khi người nghiện còn có hành vi bạo lực khi bắt chước các trò chơi trên game”.
Để hạn chế những tác hại của Internet thì không thể nào buộc người nghiện từ bỏ Internet mà chỉ có thể giúp họ tiết chế việc truy cập Internet như một bệnh lí, đồng thời duy trì việc sử dụng Internet chính đáng một cách có kiểm soát. Đó cũng là mục đích chính của những người trị liệu nghiện Internet hướng tới.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Văn Thọ, để thực hiện việc trị liệu “cai nghiện” Internet, các nhà trị liệu còn sử dụng hỗn hợp các liệu pháp tâm lí để điều trị hành vi của người nghiện. Ví dụ như xây dựng lại thời gian biểu của người bệnh, dùng các dụng cụ cảnh báo để nhắc nhở ngưng sử dụng máy tính, ghi phiếu nhắc nhở…
Video đang HOT
“Nhưng quan trọng nhất trong việc điều trị nghiện Internet là cần đề ra một mô hình dự phòng nghiện Internet trong cộng đồng. Trong đó nên chú trọng đến lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhóm này có nguy cơ nghiện Internet và game online rất cao vì chưa có khả năng về nhận thức và cảm xúc cần thiết để tự kiểm soát mình nên rất dễ cuốn hút vào game và Internet”, BS Thọ nhấn mạnh.
8 tiêu chí đánh giá nghiện Internet, game online
Theo BS Kimberly Young – Giám đốc Trung tâm phục hồi nghiện Internet (Mỹ) thì 8 tiêu chí đó như sau:
1. Bạn có cảm thấy bận tâm quá mức với game online, Internet?
2. Bạn có cảm thấy là cần thiết phải sử dụng Internet hay chơi game online với khoảng thời gian tăng dần để đạt tới sự thỏa mãn của bản thân?
3. Bạn có những cố gắng không thành công và lặp đi lặp lại nhiều lần khi cố kiểm soát, giảm bớt sử dụng hoặc ngưng chơi game online?
4. Bạn có cảm giác bồn chồn, buồn rầu, suy nhược hoặc dễ bị kích thích khi bạn cố gắng giảm việc chơi game online?
5. Bạn lên mạng để chơi game online lâu hơn thời gian mà bạn dự kiến?
6. Có phải là bạn có nguy cơ mất mối quan hệ nghề nghiệp, cơ hội nghề nghiệp và học tập vì bạn chơi game online quá mức?
7. Bạn nói dối với những thành viên trong gia đình, nhà trị liệu hoặc những người thân để giấu đi những mức độ liên quan đến việc chơi game online thường xuyên?
8. Có phải khi bạn sử dụng trò chơi game online như là cách để tránh những vấn đề hoặc là giảm bớt tâm trạng khó chịu?
Nếu bạn trả lời là “có” từ 5 câu trở lên trong 8 câu trên thì bạn đã được coi là một trường hợp “nghiện game online, Internet”.
Theo Pháp Luật TP HCM
Bí quyết để 'sống sót' qua một ngày thiếu ngủ
Bạn đang kiệt sức, luôn muốn chạy đến chiếc giường và ngủ một giấc thật say? Sau đây là 9 mẹo nhỏ giúp bạn trải qua một ngày thiếu ngủ.
Nạp đầy năng lượng
Với một ngày thiếu ngủ, nạp đầy năng lượng bằng những thực phẩm giàu dinh dưỡng là rất quan trọng. Có lẽ, bạn quá mệt mỏi đến nỗi chẳng nghĩ đến chuyện ăn uống, nhưng ăn uống đủ là việc cần làm. Bạn cần cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể trước khi có thể trở về nhà và nghỉ ngơi. Hãy ăn một bữa ăn sáng đủ chất và bạn nên ăn thực phẩm giàu protein, ngũ cốc trong bữa sáng để có thể bắt đầu làm việc. Tránh ăn quá nhiều thực phẩm có hàm lượng đường cao vì chúng chỉ cung cấp cho bạn năng lượng tạm thời.
Tránh ăn quá nhiều
Một mẹo quan trọng mà bạn cần lưu ý khi ăn uống trong những ngày này là tránh ăn quá nhiều. Khi đang buồn ngủ, cơ thể rất khó để thông báo cho bạn biết rằng bạn đang no, nhưng nếu ăn quá nhiều, bạn sẽ cảm thấy càng mệt mỏi. Hãy ăn một vài bữa ăn nhỏ chứa nhiều protein trong suốt cả ngày. Protein cung cấp cho bạn nhiều năng lượng hơn carbon đơn giản, và ăn các bữa ăn nhỏ sẽ khiến bạn không ăn quá nhiều.
Uống nước
Hãy uống nhiều nước vì nước rất quan trọng đối với sức khỏe. Và nước càng trở nên quan trọng hơn khi bạn đang trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ. Hãy cung cấp đủ nước để giúp cơ thể không bị mất nước. Thậm chí, sự mất nước nhẹ trong cơ thể được cho là có nguyên nhân từ chuyện bạn đã quá mệt.
Uống cà phê
Để tỉnh táo làm việc trong một ngày thiếu ngủ, bạn cần uống một chút cà phê. Đừng uống cả một bình, chỉ cần vài tách thôi. Theo trang WebMD, uống một vài tách cà phê sẽ làm bạn tỉnh táo hơn.
Nghỉ giữa giờ
Nếu bạn thường làm việc không nghỉ tại cơ quan, hãy dừng lại và nghỉ ngơi, thư giãn một chút đi. Cố gắng làm việc không nghỉ ngơi chỉ khiến ngày thiếu ngủ của bạn tồi tệ hơn. Hãy dành ra một chút thời gian để đi bộ, tập một vài động tác thể dục đơn giản, kéo căng các cơ hoặc rửa mặt bằng nước lạnh. Đi bộ xung quanh nơi làm việc càng nhiều càng tốt, trong lúc này, bạn có thể đi lấy hộ đồng nghiệp một chút đồ hoặc tự đi lấy một thứ đồ nào đó cho bản thân.
Ảnh: blog.itechtalk.com.
Ngủ trưa
Nhiều người nghĩ rằng, ngủ trưa trong một ngày mất ngủ sẽ làm cơ thể càng mệt mỏi, nhưng sự thật không phải vậy. Ngủ trưa tầm 20-25 phút sẽ khiến bạn tỉnh táo và thư giãn để tiếp tục làm việc cho đến hết ngày mà không cảm thấy quá mệt mỏi.
Đi bộ dưới ánh nắng
Khi bạn cảm thấy buồn ngủ, nên dành chút thời gian để đi bộ dưới ánh nắng. Nếu bạn không thể ra ngoài văn phòng, hãy ngồi bên cạnh cửa sổ. Ánh nắng mặt trời sẽ cung cấp cho cơ thể những dược liệu tự nhiên khiến bạn trở nên tỉnh táo. Dành nhiều thời gian đi bộ dưới ánh nắng mặt trời - khoảng 15 phút - cũng làm tăng lượng vitamin D trong cơ thể giúp bạn giảm bớt mệt mỏi.
Thư giãn
Khi bạn thiếu ngủ, việc tiếp tục làm việc quả là khó khăn, nhưng đừng quá căng thẳng, hãy thư giãn đi. Không có những kế hoạch làm việc, hay những nhiệm vụ nào đòi hỏi nhân viên phải tập trung làm việc một cách căng thẳng trong suốt cả ngày. Vì vậy, bạn hãy tập trung hoàn thành xong nhiệm vụ, và sau đó để cho đầu óc và cơ thể nghỉ ngơi một chút.
Giữ an toàn cho bản thân
Điều cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, làm gì bạn cũng nên cẩn thận. Khi mệt mỏi và thiếu ngủ, bạn đừng lái xe, nên cố gắng đi chung xe hoặc đi bằng phương tiện giao thông công cộng nếu có thể. Lái xe khi buồn ngủ cực kỳ nguy hiểm. Nếu bạn đang mệt mỏi, đừng cố làm những công việc thường ngày bạn hay làm.
Theo VNE
9 việc nên làm trong một ngày thiếu ngủ Cố gắng làm việc trong một ngày một ngày mệt mỏi và thiếu ngủ không phải là một chuyện dễ dàng, nhưng có nhiều cách để vượt qua. Làm việc với một ngày thiếu ngủ quả thực là điều không đơn giản. Bạn đang kiệt sức, trông bạn thật mệt mỏi, bạn luôn muốn chạy đến bên chiếc giường và ngủ một giấc...