Lương tối thiểu vùng, bảo vệ ông chủ hay lao động?
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra mức dự kiến đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng khoảng 11%. Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói doanh nghiệp (DN) còn khó khăn, chưa chốt được mức đề xuất.
Ảnh minh họa
Dự kiến ngày 20/7 này, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ nhóm họp phiên đầu tiên để bàn thảo phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Hiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và Bộ LĐ-TB&XH vẫn “dè dặt” công bố đề xuất mức tăng của mình.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) tiết lộ, đơn vị này đề nghị tăng lương tối thiểu vùng 2017 từ 250 – 400 nghìn đồng/tháng (tùy theo vùng), tăng khoảng 11% so với năm 2016. Nếu xét về con số tuyệt đối, mức tăng này bằng mức tăng của năm 2016. “Mức đề xuất này chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ, vừa đảm bảo cân đối giữa điều kiện DN và mức sống người lao động (NLĐ)”, ông Quảng nói. Theo ông Quảng, NLĐ luôn mong muốn lương cao để có cuộc sống tốt hơn, DN muốn ngược lại.
Ông Quảng dẫn khảo sát mới đây của Tổng LĐLĐVN cho thấy, chỉ 20% NLĐ có mức thu nhập đủ sống, 8% có tích lũy, còn lại (72%) phải rất dè sẻn mới đảm bảo được cuộc sống. Dù chia sẻ khó khăn với DN, nhưng theo ông Quảng, lộ trình tăng lương để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ đã lùi nhiều lần, không thể lùi hơn nữa.
Video đang HOT
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, DN đang rất khó khăn. Các DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy, thủy sản… đều kiến nghị không tăng lương tối thiểu năm tới. “Phải giãn tiến độ tăng lương để DN sống nữa chứ, năm nào cũng tăng thì DN vất vả lắm. Có những DN họ nói chỉ cần tăng lương 3-4% là chết chắc, nói gì cao hơn. Chưa kể, các khoản phí bảo hiểm, công đoàn đều ở mức rất cao”, ông Phòng nói. Hiện VCCI đang tiếp tục khảo sát, thu thập ý kiến các DN, phương án đề xuất tăng lương của đơn vị đại diện giới chủ sẽ có vào cuối tháng 7 này.
Về phía chủ sử dụng lao động, trao đổi với PV, ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) cho biết, công ty ông có trên 9.000 lao động. Theo ông An, tăng lương để NLĐ sống tốt hơn, nhưng thực tế ngược lại. Ông tính toán, hiện DN trả chi phí cho NLĐ khoảng 6 triệu đồng/tháng (tính cả phí bảo hiểm, công đoàn), khi tăng lương các khoản phí cũng tăng theo, nên tiền lương thực nhận sẽ giảm xuống, chưa kể giá cả hàng hóa sẽ tăng theo lương.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện các DN gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài rào cản kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu, các DN chế biến thủy sản đang chịu gánh nặng tăng lương, bảo hiểm, công đoàn… Do vậy, ông Nam kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2017. Đây cũng là đề xuất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).
Mức tăng ra sao?
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân – Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, năm nay mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 giữa các bên sẽ không quá chênh lệch như năm 2015, 2016. Trước khó khăn của DN, ông Huân dự báo, mức tăng lương tối thiểu vùng tới sẽ thấp hơn năm 2016 (năm 2016 tăng 12,4%).
Ông Huân cho biết, từ đầu năm 2016 tới nay, ông đã gặp một số DN sử dụng nhiều lao động, không ít DN đề xuất chưa tăng lương tối thiểu vùng năm tới, có DN đề xuất mức tăng thấp, trong khi NLĐ lại muốn tăng cao. Theo ông Huân, lộ trình tăng lương tối thiểu vùng đã có nên phải tăng, nhưng mức tăng bao nhiêu có thể cân đối theo tình hình kinh tế, xã hội, biến động thị trường giá cả.
Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, năm nay hội đồng sẽ cải tiến hơn, việc xét tăng lương sẽ xét rộng hơn. Hội đồng không chỉ đánh giá thu nhập của lao động có quan hệ lao động (có hợp đồng lao động), năm nay sẽ xét cả thu nhập của lao động ở khu vực phi chính thức, lao động khu vực nhà nước. Đồng thời, mức tăng lương cũng phải xét tới yếu tố năng suất lao động, khả năng cạnh tranh quốc gia, sức phát triển DN… “Khi có cái nhìn tổng quan, chính sách ban hành ra sẽ cân bằng hơn”, ông Huân nói. Chỉ khi DN phát triển mới có khả năng mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và trả lương cũng cao hơn.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết, hiện tượng lương đang dựa vào chỉ số giá tiêu dùng và nhu cầu sống của NLĐ. Trong khi đó, đáng ra tiền lương tăng lên phải căn cứ vào tốc độ tăng năng suất lao động, trên nguyên tắc bao giờ tốc độ tăng tiền lương cũng chậm hơn tăng năng suất lao động. Ngoài ra, luật quy định các thành phần kinh tế bình đẳng. Nhưng thực tế, bảng lương của DN nhà nước khác với bảng lương các thành phần kinh tế khác. Theo ông Lợi, hiện lương tối thiểu vùng tính trên cơ sở tháng do Chính phủ ban hành hằng năm, cách tính này các nước trên thế giới ít dùng, thay vào đó là tính lương tối thiểu theo giờ, nên Việt Nam cũng cần học hỏi để đảm bảo lương phản ánh đúng công sức lao động.
Theo Bizlive
Ứng biến với nguy cơ lạm phát tăng
Lạm phát 6 tháng đầu năm 2016 vẫn được kiểm soát, nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ tăng cao do nhiều yếu tố, đặc biệt là giá cả đầu vào và khả năng tổng cầu tăng sẽ gây áp lực lên lạm phát trong thời gian tới.
Báo cáo của Chính phủ trước Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây đưa ra dự báo, lạm phát năm nay có thể vượt mục tiêu 5% đề ra.
Về phía các nhà nghiên cứu, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, nguy cơ lạm phát tăng trở lại là rất lớn khi giá dầu và hàng hoá cơ bản khác đã thoát khỏi đáy và đang trong xu hướng tăng trở lại. Đây có thể là nhân tố ảnh hưởng chính tới chỉ số giá tiêu dùng trong nước 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, giá điện có thể chưa tăng, nhưng những dịch vụ khác như y tế, giáo dục nhiều khả năng sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Điều này sẽ tạo áp lực không nhỏ lên lạm phát.
Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 vừa công bố, VEPR đặc biệt lưu ý xu hướng lạm phát liên tục tăng mạnh trở lại trong 3 tháng gần đây. Theo nhận định của VEPR, lạm phát trong nước theo tháng tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây, chủ yếu đóng góp bởi nhóm các mặt hàng liên quan tới năng lượng.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, ngoài các nguyên nhân cơ bản đã được chỉ ra khiến CPI theo tháng tăng cao trong 6 tháng năm, thì còn một nguyên nhân quan trọng khác là tình hình bội chi ngân sách khá căng thẳng và khả năng tăng lãi suất sắp tới. Bội chi ngân sách nhà nước lên tới gần 80.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm là một nhân tố làm gia tăng sức ép lên lạm phát. Cùng với đó, ông Long cho rằng, sự cố xả thải của Fomusa gây ảnh hưởng nặng nề tới môi trường 4 tỉnh miền Trung, thiệt hại về kinh tế cũng sẽ có tác động kéo lùi tăng trưởng và tác động đáng kể tới chỉ số lạm phát từ nay tới cuối năm.
TS. Lê Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương thì cho rằng, khả năng tác động làm tăng CPI có thể đến từ áp lực tăng trưởng tín dụng, diễn biến phức tạp của tỷ giá do tác động từ các yếu tố trong và ngoài nước, cùng với hiệu ứng của việc tăng cung tiền.
"CPI 6 tháng cuối năm rất có khả năng sẽ tăng cao hơn nửa đầu năm, bởi xu hướng tăng giá cả hàng hóa thế giới là khá rõ ràng cũng như việc điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý là đã theo lộ trình. Với xu thế này, khả năng CPI cả năm 2016 sẽ ở mức 5 - 5,5%", ông Phương đánh giá.
Làm thế nào để ứng phó với nguy cơ lạm phát tăng trở lại là vấn đề cần sự hợp sức xử lý của nhiều bộ, ngành bằng những chính sách vĩ mô cụ thể. Với nhà đầu tư chứng khoán, trước nguy cơ lạm phát tăng trở lại, đầu tư thế nào để an toàn và có lãi là nỗi lo thiết thực hơn.
Nhiều công ty chứng khoán lớn nghiêng về nhận định, kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ sáng hơn, nhưng đều khuyên nhà đầu tư nên thận trọng, chọn đầu tư vào doanh nghiệp có các yếu tố cơ bản tốt và có định hướng phát triển bền vững. Sau giai đoạn TTCK tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế (6 tháng đầu năm nay, trong khi GDP tăng trưởng 5,52% thì chỉ số chứng khoán tăng 9,19%), cẩn trọng với khả năng TTCK làm đúng vai trò "phong vũ biểu" của nền kinh tế là không thừa!
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng trở lại Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau nửa năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 2,35% so với tháng 12 năm ngoái, cao gần gấp 5 lần chỉ số giá tiêu dùng của tháng 6 năm ngoái....