Lương thấp, công chức phải tìm khoản khác để bù vào!
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam đang phải chịu nhiều chi phí không chính thức một phần vì lương cán bộ công chức thấp nên họ cần phải kiếm khoản thu khác để bù vào.
Trong hội thảo về Dự án “Nghiên cứu khu vực doanh nghiệp” giai đoạn 2013 – 2014 được tổ chức tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương sáng ngày 4/11, các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam như bà Phạm Chi Lan, TS Lê Đăng Doanh và TS Nguyễn Đình Cung đều có chung một nhận định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang bị ảnh hưởng quá nhiều do “chi phí không chính thức” tăng lên.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, chi phí không chính thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ ra là điều mà ai cũng biết. Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam khi làm về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã chứng minh, chi phí không chính thức là phần doanh nghiệp luôn phải chi ra, kể ra doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh Viết Cường
Theo chuyên gia kinh tế thì khi tham gia điều tra cảm nhận của người dân về tham nhũng, về cải cách hành chính ở Việt Nam, các doanh nghiệp cho biết họ đều phải chi chi phí không chính thức và tỉ lệ chi đó cứ tăng lên.
Trước bất cập này, hiện tại các doanh nghiệp đang rất trông chờ vào Nghị quyết 19 của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được triển khai.
Nếu Nghị quyết này thực hiện tốt thì sẽ giảm được thời gian cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế, giảm thời gian về làm thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội…
Tất cả những thời gian đó nằm trong 8 tiêu chí cần giảm thời gian để về mức trung bình của ASEAN – 6. Đây là một hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương giữa các nước trong khối ASEAN. Theo đó, sẽ thực hiện tiến trình giảm dần thuế quan, giảm thời gian làm thủ tục hành chính, loại bỏ dần các hàng rào thuế quan đối với đa phần các nhóm hàng và hài hòa hóa thủ tục hải quan giữa các nước.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, ý nghĩa của việc này không chỉ đơn thuần là giảm thời gian. Mà qua việc giảm thời gian đó, nó còn tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, kể cả chi phí không chính thức.
>> Người Việt cần cù… không hiệu quả: Cắt hết công chức ma
Video đang HOT
Theo nhận định của vị chuyên gia kinh tế, để giảm thời gian một cách triệt để, chẳng hạn như thủ tục thuế từ 872 giờ xuống còn 171 giờ thì chỉ có con đường là đẩy mạnh lợi thế của công nghệ thông tin.
Chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích: “Khi áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục thuế thì sẽ chỉ còn làm việc trên máy, không còn việc cán bộ thuế đến ngồi gặp doanh nghiệp để cưa đôi với nhau về thuế nữa. Tôi cho rằng cái đó là cái hết sức căn cơ”.
Bà Lan nói thêm, cái lợi của việc giảm thời gian sẽ giúp cho Nhà nước thực hiện được cải cách hành chính, cải cách bộ máy của mình. Nếu đã giảm thời gian thì không còn lí do gì để giữ lại bộ máy thuế, bộ máy những người làm bảo hiểm và các bộ phận khác đông như hiện nay.
“Đông quá mà lương ít, lại không tăng lương được thì những người đó luôn có động lực là làm thế nào thu lại được từ cái khác để bù cho lương của họ. Đấy là chưa kể chi phí họ đầu tư để lấy “cái ghế” trong bộ máy Nhà nước” – chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Cũng theo bà, nếu bộ máy Nhà nước chứng minh được là không cần phải nhiều người đến như thế vì công việc có thể giải quyết một cách đơn giản, thuận lợi hơn rất nhiều, điều này sẽ làm giảm tải đi việc có quá đông công chức trong bộ máy Nhà nước.
“Khi đó Nhà nước hoàn toàn có thể tăng lương lên cho họ gấp đôi, gấp ba so với hiện nay với những người đủ năng lực, có trách nhiệm. Và khi họ có tiền lương ổn rồi thì có lẽ đòi hỏi của họ về chi phí “bôi trơn” cũng sẽ bớt đi. Sự minh bạch đó tạo ra công bằng cho tất cả mọi người. Ai cũng phải qua quy trình như nhau về nộp thuế. Lúc đó không có lí do gì tôi lại phải “bôi trơn” nhiều hơn so với anh kia” – Chuyên gia kinh tế nhận định.
Cuối cùng, bà Lan khẳng định lại quan điểm của mình, cần phải áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục hành chính để giảm bớt thời gian, thủ tục rườm rà mà các doanh nghiệp đang phải gánh chịu.
Theo Vietbao
"80% người dân hài lòng dịch vụ công thì cần gì cải cách hành chính!"
"Bất cứ ai đi giải quyết thủ tục hành chính đều gặp phải đủ thứ rắc rối, phiền hà. Do đó, bản thân tôi không tin vào kết quả điều tra, bởi dịch vụ công mà có tới 80% người dân hài lòng thì cần gì cải cách hành chính", bà Phạm Chi Lan nói.
Con số trên 80% người dân được điều tra cho rằng họ hài lòng và rất hài lòng đối với các dịch vụ công, vừa được Bộ Nội vụ cùng Ngân hàng Thế giới đưa ra khiến nhiều người bất ngờ và đặt dấu chấm hỏi. Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, kết quả đó không phải ánh đúng những bất cập trong bộ máy hành chính công hiện nay.
Bà Phạm Chi Lan không tin có tới 80% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công
Cá nhân bà và người thân có bao giờ bị gây khó dễ khi đi giải quyết thủ tục hành chính công không?
Không ít thì nhiều, ai cũng phải đi giải quyết thủ tục hành chính công. Mà đã đụng đến, trong rất nhiều trường hợp khó tránh khỏi đủ thứ rắc rối, phiều hà. Còn một vài trường hợp "gặp may" giải quyết thủ tục thuận lợi đem lại sự ngạc nhiên cho người đi làm. Điều đó làm cho người dân bất ngờ không hiểu tại sao tự nhiên mình lại được thuận lợi như vậy!
Khi đi giải quyết thủ tục hành chính, bà nhận thấy thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thế nào?
Thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức chỉ là một phần, cái chính ở đây là cung cách làm việc và cách giải quyết vấn đề của họ. Thái độ ở đây, nếu không cho người ta cáu gắt với dân thì người ta cũng cười, nói năng nhã nhặn được ngay. Thế nhưng, liệu người ta có giải quyết công việc cho dân thuận lợi hay không là vấn đề chính.
Tôi nói thật, ngay cả một số dịch vụ của doanh nghiệp đôi khi người ta cứ gọi điện hỏi tôi có hài lòng với dịch vụ đó không, rồi thì thái độ phục vụ dịch vụ đó thế nào. Theo tôi cái đó không quan trọng bằng chất lượng dịch vụ được cung cấp cho người dân.
Cá nhân tôi cũng không muốn mất thời gian đi lại, chờ đợi nên khi phải làm thủ tục hành chính thường nhờ người khác hoặc có những việc thuê được thì tôi thuê người khác làm cho nhanh. Người ta làm dịch vụ đôi khi có cách thức riêng nên giải quyết nhanh hơn mình rất nhiều.
Tất nhiên, trong đó cũng hình thành đội ngũ "cò". Mà sở dĩ đội ngũ "cò" phát triển được cũng là vì hành chính công có những bất cập. Điều đó làm cho những người như tôi thà mất tiền cho "cò" còn hơn là tự mình đi làm lấy rất mất thời gian.
Vậy bà có tin vào con số "trên 80% người dân được điều tra đều cho rằng họ hài lòng và rất hài lòng đối với các dịch vụ công hiện nay" vừa được Bộ Nội vụ cùng Ngân hàng Thế giới đưa ra hay không?
Bản thân tôi cũng như nhiều người không tin vào kết quả điều tra như vậy. Kết quả điều tra như thế nào đôi khi phụ thuộc rất nhiều vào cách thức điều tra. Điều tra mà cố tình chọn đối tượng điều tra sẽ trả lời chuẩn cho mình hay gắn một chút lợi ích kinh tế vào đó thì kết quả chắc chắn sẽ bị méo mó.
Theo tôi dịch vụ công mà có tới 80% người dân hài lòng thì cần gì cải cách hành chính nữa. Nếu thực sự như vậy thì mọi thứ đã khác, xã hội đã khác nhiều rồi. Rõ ràng làm gì có chuyện tỷ lệ cao đến như vậy được!
Bà có cho rằng kết quả điều tra đưa ra như vậy là một phần của căn bệnh chạy theo thành tích trong cải cách hành chính?
Điều tra mà ra kết quả như vậy không những làm tốn kém tiền của xã hội mà còn làm mất uy tín của các cơ quan điều tra. Vì căn bệnh chạy theo thành tích, chúng ta đưa ra thành tích ảo như vậy càng làm mất niềm tin ở xã hội. Ở đây là nhân danh người dân mà lại đi nói dối như vậy là không thể chấp nhận được.
Vậy theo bà kết quả điều tra đó là không đáng tin?
Kết quả điều tra đó không phản ánh thực chất. Bản thân kết quả không đáng tin cậy thì những gì báo cáo lên là không thể dùng được.
Với kết quả điều tra được bà cho là không trung thực, chạy theo thành tích như vậy, liệu những nỗ lực cải cách hành chính mà nhiều bộ ngành, cũng như địa phương cả nước đang thực hiện thì sao?
Tôi nghĩ là nếu muốn cải cách thực sự thì phải điều tra một cách nghiêm túc, phải lắng nghe người dân một cách thực chất. Còn nếu cứ giả vờ như thế về cách điều tra thì nó không giúp gì cho cải cách.
Vậy theo bà làm cách nào để điều tra có kết quả trung thực nhất?
Bây giờ muốn điều tra thực sự thì nhà nước nên bỏ tiền thuê những tổ chức chuyên điều tra xã hội học làm một cách khách quan để đưa ra kết quả phản ánh đúng dịch vụ công hiện nay như thế nào.
Xin cảm ơn bà!
Quang Phong (thực hiện)
Theo Dantri
Nhiều người siêu giàu chưa hẳn đã vui Với mức thu nhập trung bình 2.000 USD/năm hiện nay thì so với khối tài sản của người siêu giàu, một người dân thường muốn trở thành siêu giàu phải mất 17.500 năm thu nhập. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, Việt Nam có khoảng 110 người siêu giàu (có số tài sản từ 30 triệu...