Lượng nhỏ phóng xạ Nhật bay sang Mỹ, số nạn nhân vượt 17.000
Chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân bị hư hại ở Nhật Bản đã được phát hiện ở một nơi xa xôi như California, trong lúc người Nhật tiếp “cuộc chạy đua bấm giờ” để làm nguội các lò phản ứng hạt nhân.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (Fukushima Daiichi) 5 ngày sau động đất
Các nguồn tin ngoại giao nói các trạm theo dõi phóng xạ của LHQ đặt tại Mỹ cho thấy có một số chất phóng xạ đã băng ngang Thái Bình Dương, nhưng số lượng này quá nhỏ, không thể gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Chính phủ Nhật Bản nói tuy các mức phóng xạ cao đang được phát hiện ở cách xa nhà máy bị hư hại nhiều km, chúng không đề ra một mối nguy hại cho sức khỏe con người. Một số chính phủ nước ngoài, kể cả Mỹ, đang có sẵn các máy bay thuê bao từ thủ đô dành cho công dân muốn rời khỏi Nhật Bản. Một số quan sát viên Nhật Bản gọi các mối lo về phóng xạ của những người ở Tokyo là phản ứng quá mức, và nêu ra rằng những người trở về nước sẽ bị phơi nhiễm trong các chuyến bay ở độ cao nhiều hơn là cứ ở yên vị.
Các chuyên viên đang cố cài đặt đường dẫn điện mới vào khu này để có thể cho hoạt động lại hệ thống làm nguội đã bị tê liệt do động đất và sóng thần. Làm như thế để có được nguồn điện liên tục chạy các máy bơm nước. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho hay kỹ sư tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đã kéo thành công cáp dẫn diện tới lò phản ứng số 2. Nhưng các giới chức chính phủ cho hay có thể phải đến ngày mai, 20/3, thì các cỗ máy làm lạnh mới khởi động trở lại được tại các lò phản ứng số 2 và số 3.
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho hay sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt về cuộc khủng hoảng hạt nhân Nhật vào 10h GMT ngày thứ hai 21/3 và tại phiên họp, Giám đốc IAEA Yukiya Amano sẽ thông báo cho các thành viên về tình hình khẩn cấp tại Nhật, sau chuyến đi kéo dài từ 17-19/3 của ông tới nước này.
Kể từ khi xảy ra trận động đất và sóng thần cách đây 1 tuần, các đám cháy, các vụ nổ, và các lõi máy bị nóng chảy đã diễn ra tại 4 trong số 6 lò phản ứng tại nhà máy Fukushima I. Nhưng lò phản ứng số 3 vẫn là ưu tiên. Các thanh nhiên liệu oxide hỗn hợp – còn gọi là MOX – có chứa chất plutoni cực độc hại đã bị phơi ra không khí một phần. Nếu không có nước thì các thanh này sẽ tiếp tục nóng và có khả năng phát chất phóng xạ ra bên ngoài cơ sở nhà máy ở vùng ven biển này.
Video đang HOT
Trong khi đó, phát biểu khi đang ở thăm Tokyo hôm qua, Tổng giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano nói làm nguội các lò phản ứng hạt nhân tại Fukushima là một cuộc chạy đua bấm giờ.
Trong nỗ lực tận cùng ngăn chặn thảm họa hạt nhân, các nhân viên tình nguyện hy sinh của Nhật huy động các xe vòi rồng đến sát các lò hạt nhân để làm nguội lò số 1, 2 và 4, cũng như bơm nước vào hồ chứa của lò số 4.
Hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nói rằng vụ khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima “rất nghiêm trọng” trong lúc các giới chức Nhật nâng mức nghiêm trọng của thảm họa hạt nhân từ mức 4 lên tới mức 5, mức cao nhất của quốc tế là 7. Mức 5 là tai nạn có nhiều hậu quả hơn, bao gồm phát ra chất phóng xạ với nhiều xác suất công chúng sẽ bị nhiễm.
Các máy bay trực thăng sẽ bay ngang khu vực này vào hôm nay để đo mức phóng xạ.
Số người chết và mất tích vượt 17.000
Theo cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật, số người chết và mất tích chính thức đã lên tới 17.227, trong đó người thiệt mạng là 6.911, vượt qua số người chết trong trận động đất kinh hoàng ở Kobe năm 1995.
Số người mất tích tăng lên 10.316. Ngoài ra, tổng cộng 2.356 người bị thương.
Trận động đất 7,2 richter vào tháng 1/1995 đã làm rung chuyển thành phố cảng miền tây Nhật Kobe, khiến 6.434 người thiệt mạng.
Như vậy, trận động đất 11/3 vừa qua là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất kể từ sau thảm họa siêu động đất Kanto năm 1923, khiến hơn 142.000 người thiệt mạng.
Số người chết từ thảm họa kép động đất/sóng thần một tuần trước tăng lên mạnh trong những ngày gần đây và được dự đoán sẽ tăng cao hơn nữa rất nhiều.
Thị trưởng thành phố duyên hải Ishinomaki ở tỉnh Miyagi cho hay vào cuối ngày thứ tư vừa qua rằng số người mất tích ở đây chắc chắn sẽ vượt 10.000.
Trong khi đó vào sáng hôm nay, kênh truyền hình NHK cho hay khoảng 10.000 người vẫn mất tích ở thành phố cảng Minamisanriku, cũng thuộc tỉnh Miyagi.
Theo Dân Trí
5 bài học sớm từ cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản
Nhật Bản đang chạy đua để ngăn chặn 3 lò phản ứng hạt nhân tan chảy sau trận động đất và sóng thần hồi tuần trước. Đây là một thách thức gần như không thể hình dung ra được.
Nhà máy hạt Fukushima I trong một bức ảnh năm 2008.
Một tai nạn tương tự đã xảy ra tại một lò phản ứng tại nhà máy điện nguyên tử "Three Mile Island" ở bang Pennsylvania, Mỹ nhiều năm về trước, nhưng nỗ lực cứu hộ của Nhật Bản đang diễn ra trong các điều kiện không khác gì một chiến trường.
Các lò phản ứng hạt nhân tại các nhà máy Fukushima I và II đã tự động ngừng hoạt động sau động đất. Nhưng do nguồn điện bên ngoài bị mất và các thiết bị dự phòng tại chỗ bị hư hỏng do sóng thần, các hệ thống làm mát khẩn cấp không hoạt động. Điều này đã khiến giới chức Nhật Bản phải ứng biến và tìm các biện pháp khác để giữ các lò phản ứng không quá nóng, ngăn áp suất gia tăng bên trong các thùng chứa nhiên liệu và ngăn các lõi lò phản ứng tan chảy đáng kể.
Dưới đây là 5 bài học sớm mà thế giới có thể rút ra từ cuộc khủng hoảng tại Nhật Bản.
- Thế giới cần xây dựng và vận hành các lò phản ứng hạt nhân hiện đại. Các quốc gia cần xây dựng và vận hành các lò phản ứng hạt nhân sử dụng công nghệ mới nhất, an toàn nhất và các tiêu chuẩn cấp phép cần được nâng cấp thường xuyên. Các lò phản ứng tại Fukushima đã 40 năm tuổi và giới chức Nhật Bản cho tới nay chưa từng bật đèn xanh cho việc xây dựng các lò phản ứng mới. Hồi tháng 2, chính phủ Nhật còn chuẩn bị cho phép các lò phản ứng nhiều tuổi nhất tại nhà máy Fukushima hoạt động thêm 10 năm nữa khi giấy phép hết hạn vào năm nay. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ, 2 cường quốc có kế hoạch đầu tư mạnh vào năng lượng hạt nhân, đang sử dụng các thiết kế 25 năm tuổi cho việc xây dựng các lò phản ứng mới.
- Các nước không nên quá phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân. Trận động đất hồi tuần trước và một trận động đất khác năm 2007 đã gây mất điện tại 15 trong tổng số 17 lò phản ứng do Công ty điện Tokyo vận hành tại 2 địa điểm ở phía bắc Nhật Bản. Nếu một đất nước phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng hạt nhân để sản xuất điện, một tai nạn hạt nhân lớn có thể gây ra một cuộc khủng hoảng về nguồn cung điện. Các nhà hoạch định chính sách cũng có thể đối mặt với sức ép lớn nhằm tiếp tục vận hành các lò phản ứng dưới các điều kiện không an toàn nếu một nước quá phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.
- Phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân đòi hỏi các nguồn lực và hiểu biết chuyên môn. Với mối đe dọa về sự ấm lên của khí hậu toàn cầu và nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng trên khắp thế giới, năng lượng hạt nhân ngày càng được quan tâm. Hàng chục quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm tới việc khởi động các chương trình năng lượng hạt nhân và các nhà điều hành hiện thời đang tìm cách đẩy mạnh hoạt động. Nhưng cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản đã cho thấy rằng việc sản xuất điện bằng năng lượng hạt nhân đòi hỏi phải có chuyên môn, cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm quản lý tốt nhất và các nguồn lực sẵn có. Các nhà máy mới phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết cần thiết về sự an toàn và hợp tác quốc tế cần đảm bảo rằng các nhà máy có thể đứng vững trong các trường hợp khẩn cấp.
- Các công ty và quốc gia phải lên kế hoạch cho tình huống xấu nhất. Cả hai trận động đất từng làm ảnh hưởng tới công ty điện Tokyo đều mạnh hơn những gì con người có thể tưởng tượng. Rõ ràng là cần phải đánh giá lại xem các phân tích rủi ro địa chấn đã được thực hiện như thế nào để đảm bảo rằng các nhà máy hạt nhân được xây dựng có thể vượt qua các mối đe dọa tồi tệ nhất mà các nhà máy phải đối mặt.
- Các mối lo ngại an toàn không được đặt sau sản xuất năng lượng hay uy tín. Đối với nhiều quốc gia hạt nhân mới - đặc biệt là những nước đang đối mặt với nhu cầu năng lượng cấp bách, mong muốn có được nhà máy điện hạt nhân mới đi vào hoạt động càng nhanh càng tốt là rất lớn. Những mặt trái của các chương trình hạt nhân, vốn không đóng góp vào lợi nhuận hay tạo ra điện - như việc quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải, sự sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp - không thể bị xem nhẹ bởi các chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp đang mong muốn đạt được các kết quả sớm hoặc tiết kiệm tiền.
Do ảnh hưởng toàn cầu của các thảm họa hạt nhân, các nước phải đảm bảo rằng các nhà khai thác hạt nhân có thể xử lý hiệu quả những sự cố không thể báo trước và thậm trí từ bên ngoài vốn có thể ảnh hưởng tới các nhà máy của họ. Cần có thời gian mới hiểu được toàn bộ quy mô của cuộc khủng hoảng tại Nhật Bản, nhưng có những bước đi có thể thực hiện ngay hôm nay để các chương trình hạt nhân của thế giới trở nên an toàn hơn.
Theo Dân Trí
Chùm ảnh: Nỗi lo phóng xạ bao trùm Nhật Bản Sau những sự cố liên hoàn xảy ra ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi số 1 và số 2, nỗi lo thảm họa phóng xạ đã thực sự hiện hữu trên đất nước "Mặt trời mọc". Tính đến hôm nay, nỗi lo một thảm họa Chernobyl thứ 2 đã thực sự hiện hữu trên xứ sở hoa anh đào sau khi...