Lương lãnh đạo SCIC hơn trăm triệu/tháng: Làm ít, hưởng… nhiều?
PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định lãnh đạo SCIC đang hưởng mức lương hơn trăm triệu/tháng trong khi hiệu quả công việc đạt được chưa tương xứng.
Nghịch lý làm ít, hưởng nhiều
Thời gian gần đây dư luận xôn xao trước thông tin lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nhận mức nước hơn 100 triệu đồng/tháng.
Không chỉ riêng lãnh đạo thu nhập cao, theo báo cáo tài chính năm 2015 của SCIC, mức thu nhập bình quân của mỗi cán bộ, nhân viên SCIC đạt 37 triệu đồng/tháng, cao hơn 9% so với con số 34,4 triệu đồng/tháng của năm 2014.
Trước vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, theo nghị định của Chính phủ về tiền lương của viên chức quản lý trong công ty nhà nước thì mức tiền lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty chuyên trách tại Tập đoàn kinh tế là 36 triệu đồng/tháng; Tổng Giám đốc (Giám đốc) là 35 triệu đồng/tháng. Vì vậy với trường hợp mức lương của lãnh đạo và nhân viên SCIC TS Doanh cho rằng cần phải xem lại khung pháp lý và các cơ sở pháp lý.
“Chính phủ có quy định về mức lương của chủ tịch và Tổng giám đốc tập đoàn nhà nước chỉ ở mức 35-36 triệu đồng/tháng. Chúng ta cần phải đối chiếu khung pháp lý và cơ sở pháp lý nào để SCIC trả lương như vậy. Và đặc biệt đã có sự thông qua mức lương này ra làm sao vì trong hội đồng quản trị có nhiều thứ trưởng ở các Bộ và chủ tịch hội đồng quản trị lại là Bộ Tài chính”, TS Doanh đặt câu hỏi.
Trong khi đó, nhìn nhận ở góc độ kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định, mức lương mà lãnh đạo và nhân viên của SCIC đang hưởng chưa tương xứng với hiệu quả công việc mà doanh nghiệp này tạo ra.
PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định lãnh đạo SCIC đang hưởng mức lương khủng trong khi hiệu quả công việc đạt được chưa tương xứng.
Theo vị chuyên gia, SCIC là một doanh nghiệp, không phải là một đơn vị hành chính. Vì vậy chức năng và nhiệm vụ của họ được thực hiện theo nghị định 151 với các quy định tiếp thu vốn, sử dụng vốn, quản lý vốn và đầu tư.
PGS.TS Long cho rằng, với những nghiệp vụ như hiện nay: bán vốn doanh nghiệp nhà nước đang có lợi nhuận khủng, bảo toàn phần vốn của nhà nước bằng cách gửi ngân hàng hay mua trái phiếu, SCIC báo lãi và lãnh đạo SCIC nhận lương khủng là chưa hợp lý.
Video đang HOT
“Thực chất SCIC là một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đầu tư vốn của nhà nước. Họ dựa vào vốn và đầu vào của các doanh nghiệp mà lợi nhuận rất khủng hàng năm như: Vinamik, FPT… để tiến hành thực hiện các giao dịch.
Nếu so với chức năng, nhiệm vụ mà nhà nước giao cho thì họ không đạt được mấy. Kết quả kinh doanh của SCIC còn hạn chế, chưa có gì rõ ràng. Việc lợi dụng những con gà đẻ trứng vàng sẵn có để hưởng như vậy cũng là bất hợp lý”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Không thể áp dụng cơ chế chung
Trước những lý giải của đại diện SCIC về việc, chi trả tiền lương, thưởng cho viên chức quản lý và người lao động SCIC tuân thủ đúng quy định của pháp luật và phù hợp kết quả hoạt động kinh doanh của SCIC, vị chuyên gia cho rằng phải hiểu đúng và đầy đủ vấn đề này.
PGS.TS Long cho rằng, với một doanh nghiệp lớn, hàng năm đều có cơ quan kiểm toán nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra nên chắc chắn SCIC sẽ không dám làm trái các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên theo vị chuyên gia, với việc SCIC là doanh nghiệp nhà nước với nhiều lợi thế, ưu đãi như hiện nay mà áp dụng quy chế lương, thưởng… theo chuẩn chung là bất hợp lý, làm nảy sinh sự thiếu công bằng giữa các đơn vị với nhau.
“Từ vị thế của SCIC như vậy, hiệu quả và năng suất công việc lại không đáng là bao so với những doanh nghiệp khác vất vả hơn nhiều. Việc SCIC rơi vào những chỗ gà đẻ trứng vàng mà giờ lại áp dụng theo chế độ chung như vậy là bất hợp lý.
Bây giờ cần nhà nước phải vào cuộc nghiên cứu. SCIC có nhiều lợi thế như vậy mà được hưởng như các doanh nghiệp khác thì đấy là sự bất công, không công bằng. Mà theo đánh giá thì họ cũng không thực hiện đúng vai trò, chức năng theo quy định.
Cho nên hiện giờ thoái vốn thì SCIC không muốn thoái và tỏ ra chần chừ. Họ giải thích nếu làm như vậy thì nhà nước mất nguồn thu nhưng điều này là vô lý. Thực tế SCIC không muốn thoái vốn vì nếu làm như vậy thì bản thân họ cũng bị thiệt hại về doanh thu, nguồn vốn”, vị chuyên gia phân tích.
Cần phải công khai minh bạch mức lương, thu nhập
Nói thêm về lương của các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, vị chuyên gia thừa nhận hiện nay vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều: người thì nói mức lương như vậy là quá cao so với kết quả hoạt động kinh doanh, người khác lại cho rằng trách nhiệm lớn mức lương trên nửa tỷ/năm là điều bình thường.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, hiện nay nhà nước cũng đang đau đầu với việc về mô hình quản lý vốn ở các doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay, cơ chế lương thưởng cũng phải hết sức rõ ràng và minh bạch.
“Việc doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước và phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khác là không đúng. Bây giờ phải so với mức thu nhập bình quân chung của toàn xã hội để đưa ra mức lương, thu nhập phù hợp. Tuy trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước là có nhưng từ trước đến nay với cơ chế đặc thù thì họ có rất nhiều lợi thế. Việc này đòi hỏi phải quy định lại.
Đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH phải có quy định lại chế độ lương thưởng của doanh nghiệp nhà nước sao cho phù hợp và rõ ràng nhất gắn với trách nhiệm, quyền hạn”, vị chuyên gia nêu quan điểm.
Để dư luận không phải đặt câu hỏi về mức lương khủng của lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, PGS.TS Long khẳng định việc cần phải làm là minh bạch thông tin.
“Đối với những doanh nghiệp có thu nhập lớn thì cần công khai thu nhập để cho toàn xã hội biết. Từ đó những người có nghiệp vụ chuyên môn sẽ đi sâu vào để phân tích. Còn đưa ra những bảng báo cáo tài chính, doanh thu thì người dân cũng như báo chí không thể biết hết được.
Theo tôi, cần phải quy định những doanh nghiệp này đưa mức lương, thưởng công khai trên trang chủ, websie của đơn vị để người dân chủ động giám sát. Khi có vấn đề nghi ngờ thì việc kiểm tra cũng sẽ dễ dàng hơn”, PGS.TS Long khẳng định.
Theo Danviet
"Siêu tổng công ty" SCIC nói gì về lãnh đạo thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm?
Mới đây, trong báo cáo quản trị của SCIC, trong năm 2015, 6 lãnh đạo chủ chốt của "siêu tổng công ty" này có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Thông tin này đã nhận được ý kiến trái chiều, và SCIC đã lên tiếng phân trần.
"Siêu tổng công ty" này cho biết, theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18.9.2015 của Chính phủ về công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước, SCIC đã gửi báo cáo quản trị doanh nghiệp lên Bộ Tài chính và Bộ KHĐT.
"Chúng tôi khẳng định việc chi trả tiền lương, thưởng cho viên chức quản lý và người lao động SCIC tuân thủ đúng quy định của pháp luật và phù hợp kết quả hoạt động kinh doanh của SCIC (Năm 2015, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC thực hiện vượt mức so với kế hoạch kinh doanh được phê duyệt)", SCIC khẳng định.
SCIC cho biết đối với viên chức quản lý, khoản thu nhập của viên chức quản lý nêu trong báo cáo bao gồm tiền lương, tiền thưởng và thù lao; trong đó tiền lương được chi trả theo đúng Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2013 của Chính phủ và Thông tư số 19/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và xã hội. Tiền thưởng, thù lao chi trả theo đúng Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 1.11.2013 của Chính phủ, Nghị định số 57/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Quy chế tài chính SCIC ban hành kèm theo Quyết định 3369/QĐ-BTC ngày 31.12.2014 của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
"Trong tổng thu nhập của viên chức quản lý, có một số khoản thù lao, tiền thưởng được hình thành từ năm 2014 nhưng chi trả trong 2015 do Quy chế tài chính của SCIC được ban hành theo Quyết định số 3369/QĐ-BTC ngày 31.12.2014 của Bộ Tài chính áp dụng cho năm tài chính 2014 trở đi (bắt đầu từ ngày 01.01 đến 31.12 hàng năm) nên SCIC đã gộp cả nguồn của 2014 và 2015 để chi trả trong năm 2015", SCIC giải thích.
Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư số 19/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và xã hội, việc quyết toán tiền thưởng cho viên chức quản lý được thực hiện theo nhiệm kỳ của viên chức quản lý được tính theo nhiệm kỳ của Chủ tịch HĐTV nên SCIC cũng dồn chi trả một số khoản các năm trước sang năm 2015 (là năm cuối nhiệm kỳ).
Đối với người lao động tại SCIC, chi phí cho người lao động bao gồm nhiều khoản như: tiền lương, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, tiền ăn ca, tiền điện thoại.... và cả tiền lương dự phòng cho năm sau (là khoản người lao động chưa được hưởng trong năm 2015).
"Các khoản thu nhập này đều là những khoản thu nhập trước thuế, khi chi trả cho viên chức quản lý và người lao động, SCIC thực hiện khấu trừ thuế thu nhập các nhân theo đúng quy định pháp luật hiện hành", SCIC cho biết thêm.
"Siêu tổng công ty" này cũng cho biết đang báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vấn đề này và chúng tôi sẽ có các thông tin chi tiết tiếp theo trên cơ sở kết quả báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo báo cáo quản trị của SCIC, trong năm 2015, 6 lãnh đạo chủ chốt của "siêu tổng công ty" này có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Trong đó, ông Lai Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC, nhận về hơn 1,4 tỷ đồng; bình quân mỗi tháng, ông Đạo có hơn 119 triệu đồng.
Bốn Phó Tổng giám đốc, gồm: ông Lê Song Lai, ông Hoàng Nguyên Học, ông Nguyễn Quốc Huy, bà Nhữ Thị Hồng Liên, cũng nhận về mỗi người gần 1,3 tỷ đồng năm 2015. Ngoài ra, Kiểm soát viên Nguyễn Quốc Trị cũng nhận về gần 1,1 tỷ đồng.Theo báo cáo tài chính, năm 2015, SCIC chi tới 121 tỷ đồng để trả chi phí cho nhân viên, trong đó chi phí cho các cấp quản lý là 71,7 tỷ đồng còn nhân viên là 49,3 tỷ đồng. Với số nhân viên khoảng 273 người, ước tính chi phí cho một nhân viên của SCIC lên tới 37 triệu đồng/tháng (con số này năm 2014 là 30,4 triệu đồng/tháng. Chi phí nhân viên bao gồm lương và các khoản trợ cấp khác.
Năm 2015, doanh thu của SCICvđạt 10.595 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 8.004 tỷ đồng.
Theo Danviet
TP.HCM yêu cầu công khai thông tin các dự án nhà ở Lãnh đạo TP.HCM vừa có văn bản chấp thuận về việc đề xuất công khai các dự án nhà ở bắt buộc công khai của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA). Nhằm giúp kiểm soát tốt thị trường bất động sản (BĐS), tránh các hiện tượng dự án treo, dự án kém chất lượng và kéo theo một số hệ lụy xấu...