Lùi thời hạn ghi tên thành viên gia đình trong sổ đỏ
Bộ Tài nguyên Môi trường đã làm việc với Bộ Tư pháp và thống nhất lùi việc thực hiện quy định ghi tên thành viên gia đình vào sổ đỏ.
Tại cuộc họp báo chiều 1.12, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho hay, do quy định ghi tên thành viên gia đình vào sổ đỏ (khoản 5 điều 6 Thông tư 33) còn có cách hiểu khác nhau nên Bộ đã quyết định chưa thực hiện quy định trên vào ngày 5.12 như dự kiến.
“Hôm nay Bộ Tài nguyên Môi trường đã làm việc với Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp và thống nhất lùi thực hiện khoản 5 điều 6 tại Thông tư 33. Khi cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ, truyền thông để người dân hiểu thì mới thực hiện quy định này”, ông Hà nói.
Bộ trưởng Hà cho rằng Thông tư 33 xuất phát từ quy định của Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự và nghị định liên quan, do vậy “hoàn toàn đúng về tính pháp lý và cần thiết”. Lâu nay khái niệm hộ là chủ thể trong các giao dịch, trên thực tế Bộ luật Dân sự không còn khái niệm hộ mà chỉ quy định tại Luật Đất đai, nên cần có quy định rõ hơn với cá nhân có tài sản chung.
Quá trình giao dịch dân sự do quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình không được xác lập cụ thể, nên đã phát sinh nhiều mâu thuẫn tranh chấp, cơ quan chức năng lúng túng trong xử lý.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, Thông tư 33 là để góp phần giải quyết vấn đề nêu trên, nhưng quy định thiếu rõ ràng dẫn tới cách hiểu khác nhau; chưa nêu rõ đối với các trường hợp chuyển tiếp giải quyết thế nào; chưa làm người dân hiểu việc ghi tên từng thành viên vào sổ đỏ là tự nguyện và các giấy tờ về sổ đỏ trước đây vẫn có hiệu lực…
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Võ Hải
Cũng trong ngày 1.12, trả lời thắc mắc của cử tri TP.HCM xung quanh Thông tư 33, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết ông đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường phải có hướng dẫn thêm về việc thực hiện. “Ai sở hữu đất đó thì ghi tên, chứ ghi tên cả gia đình vào vào làm gì?”, ông Quang nêu vấn đề.
Chủ tịch nước nói Bộ Tài nguyên Môi trường có đưa ra một số lý do giải thích, dù có lý nhưng “cái gì thuận lợi cho dân thì nên làm, còn gây phiền hà cho dân thì không”.
Cuối tháng 9, Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành Thông tư 33/2017 đề cập việc sửa đổi bổ sung một số quy định về Luật Đất đai, trong đó quy định từ ngày 5.12 “ghi tên tất cả thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ”, thay vì chỉ ghi một người đại diện như hiện hành.
Video đang HOT
Trước những ý kiến trái chiều, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, Thông tư 33/2017 có lỗi diễn đạt gây khó hiểu cho người dân. Câu chữ trong thông tư mang tính kỹ thuật, người trong ngành đọc sẽ hiểu nhanh, song người dân thì khó hiểu, Bộ sẽ rút kinh nghiệm.
Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường) giải thích Thông tư 33 chỉ áp dụng cho việc cấp sổ đỏ cấp cho hộ gia đình. Người dân có hai sự lựa chọn. Thứ nhất, các thành viên trong hộ gia đình cử một người đại diện đứng tên trên sổ đỏ. Với phương án này, trên sổ đỏ ghi tên người đại diện cho hộ gia đình, chứ không phải ghi như trước kia là “hộ ông (hộ bà)”. Phương án hai, ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình vào sổ đỏ.
Ngày 30.11, Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba cho biết, qua rà soát, nghiên cứu tổng thể quy định pháp luật và thực tiễn triển khai các quy định pháp luật về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) thấy “chưa thực sự yên tâm về tính khả thi”.
Ông Ba đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường nên “xem xét việc ngưng hiệu lực (lùi thời điểm có hiệu lực) của quy định này” để có thêm thời gian chuẩn bị và tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội. Bộ Tài nguyên Môi trường cần rút ra bài học sâu sắc trong xây dựng văn bản từ sự việc này, bởi khi một bộ phận không nhỏ người dân không đồng thuận, gây bức xúc xã hội thì cần nghiêm túc xem xét lại phương pháp làm, chứ không thể “chỉ đơn giản là làm đúng quy trình”.
Khoản 5 điều 6 Thông tư 33: Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại điểm a khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.
Theo Võ Hải (VNE)
Bộ Tài nguyên 'dội nước lạnh' vào nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ
Quy định tréo ngoe ghi tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ của ngành tài nguyên như một bước thụt lùi, thêm "hủ tục" phiền hà cho người dân.
Chưa bao giờ từ khóa "sỏ đỏ" lại trở thành tâm điểm của dư luận và nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân đến vậy trong mấy ngày qua khi mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 33/2017 với quy định ghi thêm tên các thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Có thể nói sổ đỏ ở xứ ta nó quan trọng như thế nào, bởi vậy, mỗi một chính sách, quy định mới về sổ đỏ nếu tích cực thì không sao, nhưng khó hiểu và rối rắm sẽ gây tác động lớn đến cuộc sống của người dân. Bởi vậy, mấy ngày qua những câu hỏi của người dân đặt ra vẫn chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường giải đáp một cách thấu đáo và rõ ràng.
Ngay sau khi thông tin sổ đỏ phải ghi tên các thành viên trong gia đình đã gây nhiều tranh cãi và không ít ý kiến bày tỏ sự bức xúc trước quy định không giống ai của ngành tài nguyên và đó như một "hủ tục ngành tài nguyên".
Quy định ghi thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ còn bộc lộ sự non kém về kiến thức pháp luật của cơ quan ban hành bởi Luật Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ con cái trong gia đình được nhận quyền thừa kế theo di chúc hoặc pháp luật.
Con cái không có công đóng góp vào tài sản chung của bố mẹ nên không thể ghi vào là chủ tài sản.
Đặc biệt, chuyện tài sản là chuyện cẩn thận, không phải cứ một ngày đẹp trời ngành tài nguyên muốn đưa tên ai vào sổ đỏ một cách vô cớ cũng được, điều đó sẽ gây phản cảm, bức xúc và như một bước lùi trong cải cách hành chính.
Thực tế, vừa qua Chính phủ đã và đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, bỏ sổ hộ khẩu tiến tới đơn giản hóa thủ tục hành chính nhận được sự hài lòng từ nhân dân.
Tuy nhiên, quy định tréo ngoe ghi thêm thông tin các thành viên vào sổ đỏ của ngành tài nguyên không khác gì dội gáo nước lạnh vào những nỗ lực cải cách hành chính của nước nhà.
Nhiều người băn khoăn với quy đinh mới của thông tư 33, sổ đỏ đã làm có phải làm lại và việc mua bán sang nhượng quyền sử dụng đất có phải xin đầy đủ chữ ký của các thành viên trong sổ đỏ. Ảnh: Hải Yến
Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng với cung cách cấp sổ đỏ và sang nhượng sổ đỏ hiện nay đâu đó không ít nơi vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, "hành" người dân đủ kiểu để họ phải "lòi tiền" ra mọi việc mới xong thì nay với quy định mới trên có hiệu lực ai dám đảm bảo thủ tục hành chính cấp, nhượng sổ đỏ sẽ giản tiện hơn và giảm tiêu cực.
Và cũng không ít ý kiến đặt thẳng thắn câu hỏi về mục đích của việc ghi tên đầy đủ các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ là gì của ngành tài nguyên?
"Sáng kiến" của ngành tài nguyên sẽ giúp gì cho người dân hay chỉ làm vấn đề thêm phức tạp, rối ren, người dân lại quay cuồng với cả đống thủ tục khi đi làm sổ đỏ, chuyển nhượng sổ đỏ.
Cùng với quy định đầy khó hiểu trên, nhiều ý kiến bày tỏ việc ghi tên đẩy đủ các thành viên vào sổ đỏ thì những sổ đỏ đã làm trước đó có phải làm lại hay không.
Cũng như nếu phải ghi đầy đủ các thành viên vào sổ đỏ, vậy trường hợp gia đình nào mỗi lần có người sinh ra hay mất đi lại phải làm lại sổ đỏ hay sao.
Cũng như việc sau này muốn chuyển nhượng nhà đất lại phải xin xác nhận của từng người?...
Người dân chờ đợi câu trả lời thỏa đáng của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định khó hiểu của thông tư 33. Ảnh: V.P
Vấp phải những ý kiến trái chiều tư dư luận, cũng như những câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi ra một văn bản được cho là thiếu trách nhiệm và khó hiểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ngay sau đó đã chỉ đạo Tổng cục quản lý đất đai báo cáo và trả lời dư luận.
Ngay sau đó thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường phát đi vào lúc nửa đêm lý giải về việc ghi thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ.
Tuy nhiên, những lý giải của ngành tài nguyên vẫn hết sức chung chung, khó hiểu và người dân vẫn chưa thỏa đáng.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường sau đó cũng lý giải, việc chỉ ghi tên chủ hộ như thời gian qua có nhiều vướng mắc bất cập, ví dụ khi giao đất nông nghiệp cho các thành viên trong hộ gia đình, trong sổ đỏ trước đây chỉ ghi là hộ ông/bà đứng nên có chuyện bố mẹ đứng tên trên sổ đỏ, trong đó có quyền sử dụng đất của con, nhưng lại tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất con cho doanh nghiệp từ đó phát sinh những khiếu nại, tranh chấp vì vậy quy định mới nhằm đảm bảo quyền cho các thành viên trong gia đình.
Rõ ràng, cách lý giải của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa làm rõ Thông tư 33 quy định chỉ áp dụng cho trường hợp nhà nước giao đất cho hộ gia đình không thu tiền sử dụng đất như đất nông nghiệp hay áp dụng cho tất cả các loại đất và khi có nhu cầu chuyển nhượng có phải cần chữ ký của tất cả các thành viên trong gia đình hay không.
Trong khi đó, chỉ còn hơn 10 ngày nữa Thông tư 33 có hiệu lực (Thông tư có hiệu lực từ 5/12), bởi vậy người dân đang chờ đợi Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin một cách rõ ràng và giải thích cho người dân hiểu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nên nhìn nhận trực diện vấn đề một cách thẳng thắn, dám nhận trách nhiệm về mình như thế vừa đảm bảo thông tư ban hành là bước tiến trong cải cách hành chính và phục vụ nhân dân theo hướng giản tiện.
Thiết nghĩ ngành tài nguyên nên xem xét cẩn trọng trước khi thông tư trên có hiệu lực, đừng ban hành ra khiến người dân thất vọng và giảm lòng tin vào năng lực của cơ quan ban hành.
Vũ Phương
Theo giaoduc
Số người chết do bão số 12 vẫn không ngừng tăng Bão số 12 đã khiến 106 người chết và 25 người mất tích; hàng ngàn ngôi nhà; hoa màu... bị ngập, hư hỏng... Bão số 12 đã gây ra hậu quả hết sức nặng nề cho các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ảnh Báo giao thông. Theo số liệu của Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục...