Lúc này, giữ tiền mặt hay mạnh dạn “xuống tiền” mua bất động sản?
Nhiều nhà đầu tư BĐS chọn phương án tạm dừng các quyết định mua bán BĐS trong giai đoạn kinh tế bất ổn và dự báo tình hình này có thể kéo dài đến hết quý 2/2020.
Sau thời gian giãn cách ly xã hội, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm kinh doanh BĐS đang trở lại trạng thái “bình thường mới”. Trên thị trường đã và đang có dấu hiệu một số dự án mở bán trở lại sau thời gian khá dài bị “nén” vì dịch bệnh. Tuy nhiên, có lẽ BĐS chỉ mới ở trạng thái “thăm dò” thị trường là chính, các hoạt động mở bán, giới thiệu dự án hay khách hàng đi xem BĐS vẫn chưa thực sự quay trở lại ở thời điểm này.
Theo đại diện một sàn giao dịch BĐS trên địa bàn Tp.HCM, hiện khách hàng đi xem dự án rất ít. Sau thời điểm giãn cách ly xã hội chỉ một lượng khách lẻ tẻ đi xem nên việc bán hàng vẫn khá khó khăn, giao dịch chậm. Hầu hết khách hàng ở thời điểm này vẫn trong tâm lý “giữ tiền mặt” chưa mạnh dạn “xuống tiền”.
Theo dự báo của một số chuyên gia, ít nhất phải hết quý 2/2020 tình hình giao dịch BĐS trên thị trường mới ổn định trở lại. Và vào khoảng cuối năm 2020 đến đầu năm 2021 nhà đầu tư (NĐT) mới thực sự trở lại thị trường ổn định. Còn ở giai đoạn này, dù có tiền nhiều NĐT vẫn cân nhắc khá kỹ việc mua BĐS, cũng không có nhiều sự lựa chọn ở các dòng sản phẩm nên đa số NĐT vẫn ở trạng thái nghe ngóng, quan sát thị trường.
Ông Stuart Crow, CEO, Capital Market, Châu Á Thái Bình Dương của JLL cho rằng, với tác động của đại dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư BĐS vẫn chọn phương án tạm dừng các quyết định mua bán trong giai đoạn kinh tế bất ổn và dự báo tình hình này sẽ tiếp tục kéo dài đến quý 2/2020.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư có thể sẽ phục hồi vào nửa cuối năm, khi đó, nhà đầu tư với tiềm lực vốn mạnh đang chờ đợi cơ hội sẽ triển khai vốn và thúc đẩy dòng chảy giao dịch mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực. Đây cũng là lúc mà các NĐT cá nhân sẽ quay trở lại thị trường.
Video đang HOT
Còn theo đại diện Savills Việt Nam, thị trường sẽ mất khoảng 6 tháng để phục hồi mặc dù nhu cầu về BĐS còn khá lớn. Nghĩa là phải đến thời điểm cuối năm, sang đầu năm sau thì khách hàng, giao dịch cũng như nguồn cung mới trở lại thị trường ổn định.
Theo các chuyên gia, hiện tại, cả CĐT lẫn NĐT cá nhân vẫn ở trạng thái giữ bình tĩnh và lạc quan. Việc trì hoãn của NĐT là bởi họ đang chờ thời cơ mới.
Tuy vậy, ở bối cảnh ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 lên tất cả các phân khúc thì theo các chuyên gia sẽ có những phân khúc phục hồi nhanh hơn, do mức độ ảnh hưởng nhẹ. Đó là những sản phẩm đánh đúng vào thị hiếu của NĐT từ trước đến nay. Đa phần sẽ là phân khúc đất nền và căn hộ giá vừa túi tiền.
Theo ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS, trong mùa dịch Covid-19 giao dịch vẫn diễn ra ở loại hình đất nền tỉnh lân cận Tp.HCM và căn hộ có giá hợp lý. Đây cũng là các phân khúc sẽ có khả năng phục hồi sớm sau dịch bởi đáp ứng nhu cầu ở thực của số đông.
Quả thực, trên thị trường thứ cấp, nhiều NĐT nắm tài sản là đất nền và căn hộ giá vừa túi tiền vẫn kì vọng lợi nhuận sẽ tốt hơn sau thời điểm dịch khi mà họ cho rằng, lượng khách hàng mua ở thực sẽ quay trở lại thị trường sớm hơn NĐT. Quan sát thị trường gần đây cho thấy, giá trên thị trường thứ cấp có dấu hiệu chững lại nên những BĐS đã có sổ được người mua thực quan tâm. Những giao dịch phát sinh ở thời điểm này cũng chủ yếu đến từ nhu cầu thực.
Dù chưa thể nói chính xác cụ thể thời điểm thị trường ổn định trở lại nhưng theo hầu hết các chuyên gia, việc các doanh nghiệp BĐS chủ động trong sản phẩm và hoạt động kinh doanh của mình sau thời điểm dịch sẽ khiến thay đổi động thái của người mua trên thị trường.
Khi có sản phẩm mới cùng các chính sách bán hàng tốt thì chắc chắn người mua sẽ quan tâm. Riêng với NĐT, họ cũng sẽ chọn cách xoay chuyển dòng tiền chứ không thể để tiền bị ngâm quá lâu. Vì thế, nhịp độ thị trường sẽ tốt lên nếu cả doanh nghiệp lẫn NĐT nhìn thị trường tích cực trở lại.
Ông lớn, đại gia địa ốc ồ ạt tung chiết khấu lớn giữa mùa dịch Covid-19, người mua nhà hưởng lợi
Thay vì "nằm im", ở bối cảnh này doanh nghiệp BĐS chấp nhận "sống chung với dịch", những ứng phó trong ngắn hạn, dài hơi đã được tính đến. Với những doanh nghiệp có thương hiệu trên thị trường đã và đang hành động quyết liệt để có thể "vượt dịch" thành công.
Bên cạnh câu chuyện cơ cấu lại hoạt động, cắt giảm chi phí không cần thiết, hay chọn cách "ngủ đông" để lấy năng lượng bật dậy sau dịch Covid-19 thì ở bối cảnh hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp BĐS luôn chủ động trong câu chuyện hỗ trợ khách hàng để tìm kiếm sự chia sẻ, đồng hành trong dài hạn. Những doanh nghiệp có tầm nhìn vẫn mong muốn khách hàng đồng hành với doanh nghiệp vượt khó, và bản thân doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội khi chia sẻ với khách hàng.
Mới đây, khá nhiều doanh nghiệp BĐS đã tung ra các gói hỗ trợ "sâu" để kích cầu tiêu dùng. Dĩ nhiên, với các gói này có thể không thể hiện hiệu quả rõ nét ở bối cảnh dịch bệnh nhưng ít ra có thể thấy lợi thế đang thuộc về khách mua nhà. Và, bản thân doanh nghiệp cũng đang rất chủ động trong câu chuyện tìm kiếm giải pháp để vượt qua dịch. Nói như cách chuyên gia trong ngành chia sẻ, dịch như liều thuốc thử với doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nào vượt qua dịch thành công thì đó là những nhân tố "sáng" trên thị trường BĐS còn rất nhiều cơ hội ở phía trước.
Tập đoàn Hưng Thịnh từng triển khai chương trình trợ giá 100 tỷ đồng với các khách hàng đã mua sản phẩm. Theo đó, khách hàng thanh toán theo tiến độ phát sinh trong thời gian dịch sẽ được tặng tiền mặt tương đương 5%/tổng số tiền thanh toán. Chương trình này áp dụng với bất kỳ khoản thanh toán và không phân biệt số lần thanh toán, thời gian kết thúc gói hỗ trợ vào 31/5.
Một ông lớn BĐS là Vinhomes cũng vừa ra mắt sàn giao dịch trực tuyến, đồng thời tặng 100 e-voucher trị giá 70 triệu đồng cho những giao dịch đầu tiên trên sàn trực tuyến này. Theo Vinhomes, trong tháng 4 này chủ đầu tư này tiếp tục tung ra các chương trình tặng e-voucher cho người mua nhà. Đồng thời, các giao dịch căn hộ có trị giá dưới 1,7 tỷ đồng sẽ được tặng voucher 70 triệu đồng mua xe VinFast Fadil, từ 1,7 đến 2,5 tỷ được tặng voucher 150 triệu đồng mua xe VinFast LuxA2.0, còn với giao dịch mua nhà trên 2,5 tỷ được tặng voucher 200 triệu mua xe VinFast LuxSA2.0.
Hay, trước đó, Công ty Địa ốc Thắng Lợi cũng tung gói trợ giá mua nhà mùa Covid trị giá 100 tỷ đồng, áp dụng tới 29/4 hoặc đến khi được sử dụng hết. Chủ đầu tư này sẽ chiết khấu 50% với tất cả sản phẩm nhà ở thuộc các dự án vùng ven Tp.HCM như Thắng Lợi Central Hill, Youngtown Tây Bắc Sài Gòn, Galaxy Hải Sơn... Bên cạnh đó, khách hàng còn có thể chọn hình thức trả góp trong vòng 5 năm hoặc 10 năm để giảm áp lực tài chính.
Tương tư, Công ty CP Đầu tư Nam Long công bố chương trình bán hàng trực tuyến từ cuối tháng 3 và áp dụng chính sách bán hàng ưu đãi cho các sản phẩm căn hộ thuộc dự án Akari City (Bình Tân, Tp.HCM) đã hoàn tất ký hợp đồng đặt cọc từ 28/3 đến 15/4. Chủ đầu tư miễn phí quản lý 2 năm kể từ thời điểm thông báo bàn giao nhà; áp dụng chính sách chiết khấu 1% trực tiếp trên giá trị hợp đồng cho các căn hộ diện tích 80m2 trở lên. Ngoài ra, các khách hàng đã mua các sản phẩm của tập đoàn cũng được giãn hoặc gia hạn thêm một số ngày trên tiến độ thanh toán đã ký.
Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp đang có sản phẩm chào bán ra thị trường ở thời điểm này đều đưa ra các chương trình ưu đãi, chiết khấu "mạnh tay" nhằm kích thích nhu cầu của thị trường. Đó vừa là hướng đi vượt khó, vừa là cách để doanh nghiệp tăng niềm tin với người mua.
Theo số liệu từ Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), thị trường BĐS Tp.HCM quý 1/2020, chỉ có 10 dự án được phê duyệt bán nhà ở hình thành trong tương lai với 2.800 căn, bao gồm 2.700 căn hộ chung cư và 80 nhà thấp tầng, giảm 22% so với cùng kỳ 2019 và giảm gần 70% so với quý trước.
Trong tình thế khó khăn hiện nay, theo HoREA đã có những tập đoàn và doanh nghiệp BĐS, điển hình như Vingroup, Hưng Thịnh đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cho khách hàng, như hoãn thông báo thu tiền mua nhà theo hợp đồng, tặng voucher, tăng chiết khấu khi bán nhà hoặc thanh toán tiền mua nhà, giảm giá thuê, hoãn thu tiền thuê hoặc miễn tiền thuê mặt bằng trong một thời gian... Cũng có các doanh nghiệp hỗ trợ lãi vay ngân hàng cho khách hàng đến khi bàn giao nhà.
Nhìn tổng thể, thị trường bất động sản quý 1/2020 bị trầm lắng (tháng 3 và nửa đầu tháng 04/2020 gần như bị đóng băng), giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động.
Ở bối cảnh này theo HoREA ngoài việc doanh nghiệp chủ động để ứng phó thì rất cần những sự hỗ trợ "mạnh tay" từ phía chính phủ về cả chính sách lẫn tài chính để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn ở giai đoạn này.
Hạ Vy
Đầu tư bất động sản mùa dịch: Lúc nào xuống tiền được giá tốt? Trước "đòn chí mạng" của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, kể cả nhà đầu tư, người kinh doanh đã buộc phải rao bán một số dự án, khách sạn, chung cư... Theo nhiều chuyên gia, đây chính là cơ hội cho các cá nhân, quỹ đầu tư... sẵn tiền có thể mua được dự án giá hời để chờ thời sau dịch. Nhưng...