Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ: Họ là ai?
Trong cái nắng oi nồng của miền Đông Nam bộ vào những ngày cuối năm 2014, chứng kiến những màn luyện công, công phá, leo trèo nhà cao tầng hay các bài bắn chuyên ngành chống khủng bố (CKB) của lính đặc công, chúng tôi mới hiểu hết nỗi vất vả mà các anh phải vượt qua.
Vận khí công dùng yết hầu bẻ cong cây thương và đập tấm bê tông 45 kg trên lưng
Những gương mặt đen sạm vì nắng gió, những bộ quân phục ướt đẫm mồ hôi và những cơ bắp cuồn cuộn của các anh càng tôn thêm vẻ đẹp rắn chắc của người lính đặc công hôm nay.
Luôn xứng với 16 chữ vàng
Để báo cáo kết quả huấn luyện năm 2014 trước Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các quan khách, những chiến sỹ đặc công thực sự phấn khởi. Điều đó thể hiện rõ trong từng nụ cười, ánh mắt và những động tác kỹ thuật, chiến thuật thuần thục. Nội dung báo cáo trình diễn sẽ bao gồm 5 phần: Kỹ thuật ngụy trang; Võ chiến đấu; Kỹ thuật bắn súng; Kỹ thuật vận động và Chiến thuật đặc công.
Thành phần tham gia trình diễn do Lữ đoàn Đặc công 429 thực hiện có tăng cường một số lực lượng của các đơn vị trong Binh chủng Đặc công và của Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc. Buổi trình diễn được bắt đầu bằng loạt bắn bia thể hiện tinh thần: “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”. Đó chính là 16 chữ vàng truyền thống của lực lượng Bộ đội đặc công.
Tiếp theo là mà trình diễn của hơn 500 cán bộ chiến sĩ thực hiện kỹ thuật ngụy trang quần áo cỏ, quần áo cộc, cởi trần bôi vẽ, bôi trát và ẩn mình dưới cát. Tùy theo từng chuyên ngành trong Binh chủng để có những chế phẩm và phương pháp ngụy trang riêng, bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn, môi trường và đối tượng mục tiêu tác chiến.
Đại úy Vũ Văn Nam (chiến đấu viên Liên đội 9) chia sẻ: “Đã là lính đặc công thì không thể không biết nội dung võ chiến đấu đặc công. Đặc trưng của võ chiến đấu đặc công là đơn giản, hiệu quả, hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”. Những động tác nhào lộn qua hệ thống các vật cản như giá nhiều người, qua hàng rào cự mã, lộn mèo qua vòng lửa khiến người xem thích thú không rời mắt.
Những người lính đặc công luôn có sức khỏe dẻo dai, trình độ kỹ thuật điêu luyện, khả năng quan sát phát hiện mục tiêu tốt, sẵn sàng xử trí các tình huống trong quá trình vận động vượt qua các chướng ngại vật tường 1,1 m, cầu độc mộc, thang tay, thang dây, đi trên dây thép.
Khi vận động các anh luôn quan sát sẵn sàng nổ súng tiêu diệt địch bằng nhiều loại súng khác nhau.
Khi sử dụng võ thuật trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, bộ đội đặc công thường kết hợp dùng các loại binh khí như côn nhị khúc, trường côn… để chế ngự, hóa giải hành động của địch. Nhiều bài quyền hiện đang được vận dụng trong huấn luyện chiến đấu của bộ đội đặc công như đao pháp, quyền pháp, thương pháp, Kankudai, Taekwondo, Long hổ quyền, Kim cương quyền, La hán quyền, Nhật nguyệt đại đao pháp và Côn trận Tây Sơn.
Màn cường tập tấn công chiếm lĩnh mục tiêu. Ảnh: Ngọc Trường
Côn nhị khúc còn được gọi là Lưỡng tiết côn (song tiết côn) là loại binh khí đơn giản, gọn nhẹ và uy lực tuyệt vời được sử dụng 1 tay hoặc cùng lúc cả 2 tay cực kỳ hiệu quả. Côn nhị khúc được bộ đội đặc công huấn luyện và sử dụng thuần thục, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến. Khi luyện tập Côn nhị khúc người học còn đem lại sức khỏe, sự cân bằng và nâng cao thể lực, để mỗi cán bộ chiến sỹ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Video đang HOT
Nhật nguyệt đại đao pháp là bài quyền sử dụng binh khí đại đao (Thanh long của Việt võ đạo). Đại đao là vũ khí lợi hại thường thấy trong các tác phẩm văn học, điện ảnh. Hình ảnh người võ sĩ cưỡi ngựa tuấn mã thân mang hộ giáp, tay vung đại đao trong chiến trận thể hiện khí phách của mỗi người con đất Việt khi ra trận đánh đuổi giặc ngoại xâm. Bộ đội đặc công luyện tập bài quyền này để rèn ý chí, nâng cao thể lực và sự dũng mãnh trong chiến đấu.
Côn trận Tây Sơn được kế thừa và phát triển dựa trên các bài võ trận của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Bài tập Côn trận Tây Sơn là sự rèn luyện công phu của các chiến sỹ đặc công kết hợp côn, quyền và sự phối hợp trong chiến đấu, nhằm phát triển 5 bộ pháp trong võ học, đó là: Tấn pháp, quyền pháp, cước pháp, thân pháp và nhãn pháp.
Từ những bài quyền truyền thống và thực tiễn huấn luyện chiến đấu, cán bộ chiến sĩ đặc công đã nghiên cứu phát triển thành bài võ tổng hợp (1 đánh 4, 2 đánh 7, 1 đánh 5, 3 đánh 8) để vận dụng vào trong huấn luyện, chiến đấu.
Thiếu tá Nguyễn Đăng Đồng (Liên đội trưởng Liên đội 8) cho biết: “Trong bất kỳ nhiệm vụ chiến đấu nào, trình độ bắn súng là yêu cầu đặc biệt cao đối với bộ đội đặc công. Phải rèn luyện nghiêm ngặt để có trình độ sử dụng các loại súng một cách điêu luyện, yếu lĩnh động tác thuần thục, bắn nhanh, chính xác, hiệu quả trong mọi điều kiện hoàn cảnh và trong các tình huống chiến đấu”.
Một số bài bắn CKB
Từ những bài bắn cơ bản, những bài bắn chính xác, bắn đội hình nhiều người, bộ đội đặc công đã nghiên cứu xây dựng các bài bắn trong thực hiện nhiệm vụ A2, CKB. Các bài bắn CKB được xây dựng tổ chức huấn luyện theo trình tự từ thấp lên cao, từ bắn ít mục tiêu đến bắn nhiều mục tiêu, từ sử dụng 1 loại súng đến nhiều loại súng. Chỉ trong vài phút, những chiến đấu viên (CĐV) đã hoàn thành xuất sắc nội dung bắn súng các bài CKB, bắn chính xác vào hình nộm. Quá trình vận động phát hiện mục tiêu, bắn ở tư thế có lợi. Quá trình bắn lợi dụng triệt để các vật chắn, để tiêu diệt chính xác từng mục tiêu, bảo vệ an toàn cho các con tin. Bài bắn này đòi hỏi các chiến sỹ đặc công phải có khả năng quan sát và kỹ thuật cao bắn chính xác vào mục tiêu.
Xuất quỷ nhập thần, mình đồng da sắt
Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác sau nội dung võ và bắn súng, những tiếng trầm trồ không ngớt khi chứng kiến kỹ thuật leo trèo nhà cao tầng với các động tác dây chiến thuật (gồm có tụt ngược, tụt xuôi, đi vuông góc với tường); động tác leo nhái; động tác kỹ thuật leo tường kính, tường sắt, tường nhẵn, tường ốp đá bằng một loại trang bị có tên gọi là “cơ cấu bám” do bộ đội đặc công nghiên cứu và sáng chế. Đối với tường kính, tường sắt, tường nhẵn, tường đá thường vận dụng khi kết cấu của mục tiêu được xây dựng bằng các loại vật liệu như kính, sắt, đá mà có thể vận dụng “cơ cấu bám” để vận động.
Ngoài ra leo tường sắt còn có thể vận dụng khi chiến đấu dưới nước cơ động để leo lên thành sắt và mạn tàu. “Cơ cấu bám” có thể vận dụng tốt trong điều kiện chiến đấu ở đô thị với cấu trúc mục tiêu là nhà cao tầng, có các thiết bị như tường kính, tường sắt, tường nhẵn, tường đá hoặc trong tác chiến biển đảo, cấu trúc mục tiêu là các bức tường sắt như thành tàu, mạn tàu. Khi thực hiện người chiến sỹ đặc công vừa leo vừa thu trang bị “cơ cấu bám” để xóa dấu vết.
Thực hành leo tường sắt bằng trang bị “cơ cấu bám”
Thượng úy Lê Văn Toàn (Đội trưởng Đội CKB) cho biết: “Nội dung huấn luyện kỹ thuật leo trèo nhà cao tầng thường vận dụng trong chiến đấu A2, CKB, đặc điểm địa hình, địa bàn hoạt động, cấu trúc tính chất các loại mục tiêu phức tạp. Khi tác chiến ở địa bàn đô thị cần tập trung huấn luyện những động tác kỹ thuật leo trèo nhà cao tầng. Đây là nội dung được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt, chặt chẽ, bảo đảm an toàn cao, các động tác kỹ thuật được hiệp đồng phối hợp chính xác, thuần thục đến từng chi tiết”.
Vô cùng khâm phục và cực kỳ ấn tượng với màn luyện tập công phá của các CĐV. Trung úy Nguyễn Ngọc Quý (CĐV Đội 10) tâm sự: “Đối với bộ đội đặc công, việc luyện tập khí công tâm pháp là một nội dung không thể thiếu trong huấn luyện võ thuật. Bởi nó giúp cho người tập phát triển toàn diện cả về sức mạnh cơ bắp và sự tập trung cao độ về mặt tinh thần. Để luyện tập môn này đòi hỏi người lính đặc công phải có ý chí quyết tâm cao, lòng dũng cảm gan dạ, tính kiên trì bền bỉ và sáng tạo”.
Các anh đã thể hiện các bài luyện tập khí công tâm pháp thật nhuần nhuyễn và điêu luyện khi thực hiện thành công các tiết mục: vận khí công dùng cây thương đẩy xe ô tô; thiết bộ sam công (đập đá trên tâm bụng); dùng yết hầu bẻ cong cây thương và đập đá trên lưng; dùng yết hầu bẻ cong 4 cây thương; vận khí công lên các chi và cơ thể dùng gậy công phá; và đặc biệt là màn tập luyện dùng yết hầu bẻ cong 3 cây sắt phi 16…
Đại tá Nguyễn Văn Quynh (Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn đặc công 429) cho biết: “Lữ đoàn 429 rất vinh dự được đại diện cho cán bộ chiến sỹ toàn Binh chủng Đặc công báo cáo trình diễn kết quả huấn luyện xuất sắc năm 2014 trước các thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các quan khách. Có thể nói trong thời bình, nhiệm vụ của bộ đội đặc công vẫn cực kỳ quan trọng, cần thiết và vô cùng cam go với các nhiệm vụ A2 và CKB. Bộ đội đặc công là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ CKB của toàn quân mà đã được Bộ Quốc phòng giao trọng trách. Chính vì vậy nội dung buổi trình diễn báo cáo ngày 8/12 rất quan trọng và có ý nghĩa thiết thực phục vụ cho buổi hội thảo Đề án “Hiện đại hóa lực lượng CKB toàn quân diễn” ra ngày 9/12 tại TPHCM”.
Theo Băng Phương
Tiền phong
Chấp nhận thư nặc danh tố tham nhũng: Bước tiến bộ
Phải tạo ra những cơ chế ít rủi ro hơn để huy động sức dân vào mặt trận chống tham nhũng.
Theo Thông tư 07/2014 (về quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo) vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành, các đơn nặc danh tố tham nhũng có nội dung rõ ràng, kèm theo thông tin, tài liệu, bằng chứng thì được chấp nhận xử lý. PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng, nhận định rằng đây là một bước tiến bộ.
Đã nhìn ra thực tế rất thật
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh
PGS-TS Đặng Ngọc Dinh: Xét về tổng thể, việc chấp nhận xem xét thư nặc danh tố cáo tham nhũng là một bước tiến bộ, có tác dụng tích cực trong việc phòng, chống tham nhũng. Quy định này cho thấy các cơ quan phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã thấy được một sự thật là có những người biết quan chức có hành vi tham nhũng nhưng vì sợ, ngại nên người ta không dám nêu ra tên tuổi, địa chỉ khi viết thư tố cáo.
Tại sao nói là bước tiến bộ, thưa ông?
Đó là vì trước đây chúng ta xử lý quá máy móc, theo nguyên tắc: Đã đơn thư tố cáo là phải có tên tuổi, địa chỉ... Đáng lẽ trước đây cơ quan chức năng phải thấy rõ một thực tế rất thật là do người ta sợ bị trù dập nên mới không dám ký tên dưới thư tố cáo. Vì vậy khi có quy định này, tôi nhận định rằng những người có tâm huyết chống tham nhũng sẽ không còn phải quá lo lắng về việc mình "đấu tranh thì tránh đâu" như trước đây nữa và họ sẽ mạnh dạn trình bày chứng cứ tố giác của mình với các cơ quan chức năng.
Cũng xin nói rõ thêm, trong thực tế người dân tố cáo thì có đến 80% ký tên đàng hoàng. Người dân không sợ đâu, trừ những trường hợp đụng đến quan chức cấp to hoặc chính những ông quan cấp trên của mình đang tham nhũng.
Mặt khác, về lý mà nói nặc danh hay không nặc danh chúng ta đều xét xem nội dung tố cáo là như thế nào để đi tìm hiểu. Trước kia cứ nặc danh là vứt ra, như thế là không được.
Theo quan sát của ông, các nước trên thế giới xử lý như thế nào về vấn đề này?
Trên thế giới dù nặc danh hay không thì các nước vẫn xem xét, xử lý. Nhưng nếu là thư nặc danh thì sẽ xem xét một cách thận trọng hơn. Họ xem xét nội dung thư là chính, khi xem xét nội dung rồi người ta lại phải cân nhắc làm thế nào để có được bằng chứng.
Ảnh minh họa: HTD
Phải tạo ra ít rủi ro cho người tố cáo
Nhưng thực tế nếu chấp nhận thư nặc danh tố tham nhũng sẽ xảy ra không ít trường hợp lợi dụng vào đó để thực hiện ý đồ riêng, gây "nhiễu" cơ quan, làm khổ đơn vị tiếp nhận xử lý?
Tất nhiên khi chấp nhận thư nặc danh các nhà chức trách cũng không tránh khỏi việc sẽ đối mặt với một số thư nặc danh chỉ để nói cho sướng hoặc thỏa những mối thâm thù cá nhân hoặc phe này đánh phe kia. Lúc ấy cơ quan xử lý phải xem xét những tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi tham nhũng một cách kỹ càng trước khi vào cuộc chứ không phải bất cứ thư nặc danh nào cũng xử lý ngay. Ở đây khả năng thẩm định thông tin của đơn vị xử lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Một khi điều đó bị xem nhẹ thì sẽ tốn rất nhiều công sức vì phải vận hành cả một hệ thống vào cuộc để xác minh, đối chất làm rõ và xử lý hệ quả.
Với thực tế Việt Nam, ông nghĩ khả năng quy định trên sẽ kích hoạt sự tham gia của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn hay khả năng người ta lợi dụng điều này để quấy rối nhiều hơn?
Lo ngại về mặt trái của quy định này như đã nói trên đây là có nhưng không vì thế mà phủ nhận sự tiến bộ của nó. Nhất là đặt trong tình hình tham nhũng của Việt Nam đang diễn ra phổ biến nhưng lại phức tạp và tinh vi. Hiệu quả đến lúc này như nhiều vị lãnh đạo đã đề cập là không đạt yêu cầu đặt ra. Trong tình hình đó, chúng ta buộc phải tạo ra những cơ chế để huy động người dân vào mặt trận này. Muốn thế ta phải tạo ra ít rủi ro nhất cho những người tố giác. Theo quy định hiện hành, ta có những cơ chế để bảo vệ người tố giác tham nhũng nhưng thực tế cho thấy là cơ chế ấy vận hành chưa hiệu quả. Đã có không ít trường hợp bị trù dập, nhẹ thì dằn mặt, tìm cách đẩy đi chỗ khác, nặng thì thuê người khác tấn công gây thương tích..., thậm chí là đe dọa đến cả tính mạng của người tố cáo và cả gia đình của họ. Do vậy nên nhìn nhận quy định này theo mặt tích cực, vì nó sẽ làm cho hoạt động phòng, chống tham nhũng tiến về phía trước. Nhưng cũng phải thấy rằng điều này không phải là cái quyết định, cái quyết định là ở ý chí chúng ta có muốn thực sự làm đến cùng hay không chứ đâu phải xem xét thư nặc danh thì chống tham nhũng sẽ mạnh.
Quy trình thẩm tra thông tin phải chặt chẽ
Chấp nhận thư nặc danh tố giác tham nhũng là phù hợp với tinh thần Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng. Vì trên thế giới người ta có kinh nghiệm thấy rằng tham nhũng thường kết bè, lợi ích nhóm, cho nên nếu không viết thư nặc danh thì có thể bị đánh, thậm chí bị thủ tiêu nếu người có hành vi tham nhũng biết được. Cho nên phải giữ bí mật và bảo vệ người tố cáo.
Với thay đổi này, thời gian tới đơn, thư tố cáo hành vi tham nhũng sẽ tăng lên nhiều và những thư nặc danh ghét nhau cũng tăng lên. Điều này sẽ làm cho người làm công tác tổ chức sẽ rất vất vả, do đó phải biết phân loại vấn đề nào cần thanh tra, kiểm tra. Trong trường hợp nếu có nhiều thư cùng tố cáo một cơ quan, đơn vị nào đó thì có thể sự việc đó là có thật và phải tiến hành điều tra ngay. Tất nhiên quy trình phải chặt chẽ.
Để hiệu quả hơn, theo tôi, quy trình xem xét thư nặc danh cần đáp ứng những yêu cầu sau: Không xem người bị tố giác là người có tội và người bị tố giác vẫn được hưởng tất cả quyền lợi như khi chưa bị tố giác. Đồng thời phải tiến hành thanh tra ở nhiều mức độ, nếu ở mức nhẹ thì gọi người đó tới để trao đổi và có hướng sửa chữa khắc phục. Còn nếu căn cứ chứng minh đã rõ mà người đó vẫn chối cãi có hai bước song song: Vừa tổ chức đoàn thanh tra tiến hành thanh tra và thẩm tra lại xem có đúng như đơn, thư tố cáo không, vừa hạn chế những cái lùm xùm tai tiếng xảy ra để không làm ảnh hưởng đến cơ quan và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của người bị tố cáo. Một khi đã chắc chắn mọi cái thì tiến hành xử theo luật định ở các bước tiếp theo.
TS HỒ HỮU NHỰT, Ủy viên Ủy ban MTTQ VN TP.HCM
Theo Tá Lâm
Pháp luật TPHCM
Đánh giá cao lời hứa của Thủ tướng, các Bộ trưởng trong chất vấn Quốc hội đánh giá cao các cam kết, lời hứa của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ phấn đấu thực hiện các mục tiêu năm 2015. Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục tập trung điều hành nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn. Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về...