Lúc đang mắng chửi, mình là ai?
Nói có khi gây thù chuốc oán, có lúc lại thành bạn, tri âm. Nói theo, nói leo, nói hùa, nói quên cả mình đang ở đâu thì tự mình khoét miệng vực cho mau lọt thỏm, đen thui.
Chúng ta vẫn thường triết lý, hay tự cho mình đúng, là phát hiện, sáng tạo. Nhưng đôi khi và thật sự mình nhầm, rất nhầm. Cái biết, thấy cạn cợt mà mình tự cho là của mình, đã có hằng hà sa số vết chân qua.
Ý kiến, nếu ai cũng như ai thì không còn gì để nói, xã hội đó trở nên thước đo của tính tập thể đồng thuận rất cao. Tuyệt vời cực điểm nếu điều đó đem lại sự an ổn và giá trị tích cực cho tất cả và mãi mãi. Tuy vậy, ý kiến trái chiều để dẫn đến xung đột thì nó có cần thiết đến như vậy không?
Có thể vết thương trên thân thể này, máu rồi sẽ khô, vết thương rồi khép miệng và lành nhưng vết sẹo thì còn, lời nói thì vẳng bên tai, bạn bỏ qua được chăng? Khó, khó lắm. Bởi, ai cũng to đùng “cái tôi”, là sĩ diện, cho rằng điều mình nghĩ, lời mình nói, việc mình làm là thước đo của giá trị chân xác và mãi mãi. Nó đâu thể hằng thường, mọi sự vật, sự việc vô thường cả, mình biết nhưng lờ đi, cố tình quên!
Ảnh minh họa.
Lúc đang mắng chửi một ai đó thì mình đang là hoa hay là gai nhọn? Gương mặt mình đang tươi tắn hay có nhiều nét không dễ nhìn. Tim dồn dập đưa máu tuần hoàn có khi bị nghẽn nhịp vì sự tức giận cao trào. Lời nói càng độc, nhiều hiểm họa cho người thì mình cũng bị nhiễm xạ, trực tiếp và đầu tiên. Căng thẳng và mệt mỏi, lý luận miệng không xong có khi dẫn đến xung đột bằng ẩu đả, trầy trượt và tê tái trong nỗi khổ niềm đau cũng từ ngọn nguồn ham muốn hơn người, thông minh hơn đời.
Một khi cơn giận được trút xuống bằng ngôn từ không dễ chịu thì mọi sự thân quen hôm nào bỗng bị tắt ngúm. Bao nhiêu kế hoạch, hợp đồng, đối tác với nhau xù hết, không chơi nữa, chẳng dòm mặt nhau, nghe tên cũng đã ghét. Tự mình ghim mũi tên vào tim mình ngày thêm sâu. Có bao giờ mình đã hoán đổi vị trí mình là bạn và bạn là mình, mình là họ và họ là mình để có đôi lần cúi xuống nhìn cho thật kỹ, soi cho sạch lòng dẫu nhàu nhĩ.
Video đang HOT
Chợt nhớ câu chuyện về mắng chửi trong Tiểu bộ kinh.
“Một lần, Phật đi giáo hóa vùng Bà-la-môn, các tu sĩ Bà-la-môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
- Ngài có điếc không?
- Ta không điếc.
- Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
- Này Bà-la-môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà ấy về tay ai?
- Quà ấy về tôi chứ ai.
- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi”.
Cứ tưởng mắng chửi người khác, nói xấu người khác thì nhân phẩm mình cao lên, sự đúng đắn ở những khái niệm, triết thuyết tự cho là của mình được nâng thêm tầm quan trọng trong một nhóm người nào đó, thật sự không hẳn. Nó như con sóng được dâng lên đến một đỉnh cao rồi sẽ mất hút và chìm sâu không bọt bóng. Những tiếng vỗ tay ca thán kia có rát lòng tay chăng?
Lại nhớ vụ thằng nhóc hay nói láo “nhà tôi bị cháy”, lừa mọi người trong làng. Đến khi nhà nó cháy thật, chẳng ai thèm quan tâm, cứ tưởng nó đùa dai như những lần trước. Ông bạn rỉ rả nheo nheo mắt, nói với mình mà như tâm sự của ông: “Tụi mình ráng học nói, chứ không lại mang cái nhãn trên mình giống thằng hay nói láo ‘nhà tôi bị cháy’, thiên hạ cũng chỉ mượn cớ hùa để vì niềm riêng, chẳng ai khờ mà không biết và ghét thằng nói láo kia. Trò hề cả mà!”.
Lời thầy dạy bình văn thời phổ thông còn vẳng bên tai: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Khi đám đông nguội dần, tiếng vỗ tay không còn, cuộc nói đã tàn, ai trong chúng ta hồi tâm suy xét chợt ồ, sao lại như vậy cà, cũng đã muộn mằn… Mũi tên đã cắm vào trong gió rát. Day dứt đó theo nhau suốt quãng đường còn lại. Bởi, tật đố kỵ luôn neo trong lòng thì chúng ta không thể trưởng thành, mãi chỉ là những đứa trẻ bập bẹ học lời hoa.
Nói mãi mà quên xác trà ươm gốc hồng, hoa nở đẹp. Thôi, uống trà đi bạn ơi!
Theo Báo Giác ngộ
Đổi... chồng lấy nhà
Không biết trên đời có ai... đổi chồng lấy nhà chưa? Họ sẽ sống ra sao trong cái gọi là nhà ấy?
Sáng Chủ nhật, chồng Oanh xách xe đi. Trưa, anh về cùng chị Hằng, sếp của anh. Oanh ngạc nhiên, không hiểu chị Hằng đến có việc gì. Vừa ngồi xuống ghế, Hằng nhìn ngó khắp nơi, nói: "Nhà cũ kỹ quá rồi ha em".
Oanh bối rối: "Chủ trước ở cũng hai mươi năm, ba mẹ em mới mua lại, cũng còn ở được". Hằng thản nhiên đi thẳng vào phòng ngủ, nhà bếp quan sát tỉ mỉ. Oanh líu ríu theo sau, bối rối không biết Hằng có ý gì.
Đổi... chồng lấy nhà và cái kết. Ảnh minh họa
Trở ra phòng khách, Hằng sà vào ngồi cạnh chồng Oanh, giọng nũng nịu: "Dũng nói đi". Oanh giật thót, tự hỏi không biết có nghe nhầm không. Có mặt người lạ, Oanh còn chưa dám ngọt lịm với chồng kiểu đó. Chồng liếc Oanh, tay vặn xuôi vặn ngược, bối rối không thốt ra lời.
Hằng giải vây: "Thôi để chị nói. Chị và Dũng có tình cảm với nhau... Em bình tĩnh nào. Dũng sẽ không bỏ mẹ con em. Chỉ cần em chấp nhận mối quan hệ của tụi chị. Mỗi tuần, Dũng sẽ ở với chị năm ngày, hai ngày về với mẹ con em. Em không được ghen, không được làm khó Dũng...".
Oanh gào lên: "Chị im đi. Chuyện động trời vậy cũng nghĩ ra được à? Chị hơn anh Dũng mười mấy tuổi, định dụ ảnh sao?". Hằng vắt chéo chân, ngó Oanh bằng ánh mắt chế nhạo: "Tình yêu không nói chuyện tuổi tác. Em quê một cục, hèn chi Dũng chán".
Đầu óc Oanh xoay mòng mòng nhưng cố trấn tĩnh, không thèm đôi co với Hằng. Oanh quát chồng: "Anh nói gì đi!". Quát xong, Oanh mới kịp nghĩ nãy giờ Dũng yên lặng, họ lại cùng về với nhau, nghĩa là... xong phim rồi, còn hỏi gì nữa.
Hằng gằn giọng: "Em đừng làm khó Dũng. Tụi chị bàn bạc xong rồi. Em chẳng mất gì, ngược lại, chị sẽ xây lại căn nhà này khang trang. Mỗi tháng, mẹ con em sẽ có số tiền đủ chi dùng. Giờ kiếm tiền đâu có dễ. Em ngồi không cũng được đống tiền. Vụ giao dịch này là chị lỗ vốn. Em nên nhớ, chị là dân làm ăn, đâu có dễ mất tiền khơi khơi, cũng tại chị yêu Dũng.
Tùy em thôi. Không có Dũng, chị còn khối người đẹp trai khác". Câu cuối cùng, như đánh vào tử huyệt của chồng Oanh. Dũng liếc Oanh bằng ánh mắt đầy ngụ ý. Ánh mắt của Dũng khác nào lời tuyên án tử cho mối quan hệ vợ chồng bấy lâu.
Oanh đau buốt tâm can, cảm giác hụt hơi như người sắp chết. Oanh thều thào: "Hai người ra khỏi nhà tôi. Tôi ghê tởm các người". Hằng bật dậy, kéo Dũng đứng lên, bình thản nói: "Em nghĩ kỹ rồi hãy trả lời chị. Đừng hấp tấp rồi hối hận. Sức vợ chồng em cày bừa hai mươi năm cất cái nhà nổi không? Nuôi hai đứa nhỏ vào đại học nổi không?".
Oanh lịm đi không biết bao lâu. Từng lời Hằng nói như nhát búa nện vào đầu, đau tới từng thớ thịt. Nhớ mấy tháng trước, Hằng còn điện cho Oanh, nói chồng Oanh qua lại với cô thư ký ở công ty đối tác. Oanh hẹn cô kia ra gặp mặt, có cả Hằng đi cùng.
Bữa đó, Hằng còn lớn tiếng hơn cả Oanh, mạt sát cô kia đủ điều. Giờ Oanh mới hiểu, chắc lúc đó họ đã dính nhau nên Hằng mới ghen ngược, mượn tay Oanh để tiêu diệt tình địch. Thì ra người ta điều khiển Oanh như con rối.
Oanh cứ nghĩ chồng làm tốt nên được tăng lương, ai ngờ... Ảnh minh họa
Mới tuần trước, Oanh cùng chồng đi đám cưới đồng nghiệp. Bữa đó Hằng diện chiếc đầm ren trắng, y hệt cô dâu. Vừa nhìn thấy Dũng, Hằng kéo ngay Dũng lên sân khấu chụp hình. Hết kề vai tới bá cổ, hôn gió... Khách khứa cười nụ: "Sếp Hằng tưởng bữa nay đám cưới sếp". Oanh xấu hổ không dám nhìn lâu.
Hằng còn kéo Dũng đi từng bàn cụng ly với khách, thản nhiên nói với Oanh: "Cho chị mượn chồng em chút nha". Oanh gờn gợn với ý nghĩ đen tối. Nhưng nhìn kỹ, Hằng đã lớn tuổi. Mặt bơm độn, kéo căng y hệt tượng sáp. Chồng Oanh đẹp trai, kỹ tính lẽ nào có sở thích tầm thường vậy?
Giờ nghĩ lại, Oanh mới biết mình ngốc. "Tắt đèn thì nhà ngói như nhà tranh", ông bà nói vậy rồi. Tiền có thể lấp đầy những chỗ khuyết. Lẽ ra Oanh phải nhận ra điều khác thường từ lúc chồng mang tiền về nhiều hơn, đổi xe mới, còn tính chuyện xây nhà. Oanh cứ nghĩ chồng làm tốt nên được tăng lương, ai ngờ...
Gần nửa đêm, Dũng nhắn: "Anh thề sẽ không bỏ mẹ con em. Chúng ta sẽ có nhà, có tiền cho hai đứa nhỏ ăn học. Em nghĩ kỹ đi". Oanh quyết liệt: "Anh đi luôn đi". Chồng lại nhắn: "Anh vì cả nhà mình mới chịu hy sinh. Em đúng là không biết nhìn xa trông rộng".
Oanh đau xót tự hỏi, không biết trên đời có ai... đổi chồng lấy nhà chưa? Họ sẽ sống ra sao trong cái gọi là nhà ấy, các con sẽ học được gì bằng những đồng tiền đổi chác ấy? Oanh thừa biết và có sẵn câu trả lời.
Huy Linh
Theo phunuonline.com.vn
Giỗ không rượu, bố chồng quát con dâu: 'Đồ ki bo! Bỏ tiền thuê xe chở khách về, ai cho bỏ rượu?' Chỉ vì sợ mọi người bị phạt nhiều tiền, tôi bỏ hết rượu trong đám giỗ thay bằng nhân trần và nước vối mà bị bố chồng mắng là ki bo, chắt bóp. Tôi ở quê lấy chồng trên thị xã, sau 5 năm làm dâu vợ chồng tôi có 2 bé, bé lớn hơn 3 tuổi, bé nhỏ vừa sinh được hơn...