Luật sư Trương Thanh Đức: Mức phạt 90 triệu đồng cho việc đổi 100 USD là quá nặng!
Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP, khung xử phạt từ 80 -100 triệu đồng cho hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, trong trường hợp anh C.R (Cần Thơ) đổi 100 USD mà bị phạt gấp 40 lần, ông đánh giá như thế nào về việc này?
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico
LS Trương Thanh Đức: Mức độ xử phạt 90 triệu đồng cho hành vi đổi tiền 100 USD là quá nặng, bất hợp lý và bất công. Điều bất công ở chỗ khung xử phạt không tính theo giá trị, số lượng, tính chất, mức độ vi phạm và số lần tái phạm.
Nếu người dân đổi 1 USD hay hàng triệu USD vẫn áp dụng chung khung xử phạt từ 80-100 triệu đồng là điều bất hợp lý. Mức phạt cao đối với các tổ chức, doanh nghiệp thì không nói nhưng đối với cá nhân, việc đổi 1-100 USD, xét về tính chất không nghiêm trọng bằng các hành vi khách như gây tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm…
Theo tôi, mức phạt 90 triệu đồng áp dụng với anh C.R cần xem xét lại. Đây là mức phạt cao đối với một cá nhân.
Quyết định xử phạt anh C.R
Video đang HOT
Thưa luật sư, vậy trong trường hợp này nên xử lý như thế nào?
LS Trương Thanh Đức: Theo tôi, cần áp dụng linh hoạt các chính sách. Thực tế hiện nay có hàng triệu vi phạm, các giao dịch mua đổi ngoại tệ lên tới hàng triệu USD vẫn diễn ra mà các cơ quan chức năng không quản lý chặt chẽ. Có đến 90% khách du lịch nước ngoài đổi tiền ở các cửa hàng vàng bạc chứ không mua trong ngân hàng. “Đen” cho anh C.R bị bắt phạt nặng, nếu xét hành vi vi phạm không nghiêm trọng đến mức phạt 90 triệu. Tôi đặt câu hỏi vì sao UBND tỉnh Cần Thơ phạt 90 triệu đồng cho hành vi của anh C.R mà không phải là mức phạt 80 triệu đồng – mức thấp nhất trong khung xử phạt?
Tôi kiến nghị cần thay đổi quy định có các mức độ phạt từ vài triệu đồng đến trăm triệu đồng tuỳ theo mức độ vi phạm, số lượng vi phạm, số lần tái phạm, tịch thu tang vật tại hiện trường. Nếu tái phạm nhiều lần sẽ có hình thức phạt cao hơn.
Anh C.R đã có đơn xin miễn nộp phạt vì hoàn cảnh khó khăn. Ảnh TPTheo quy định pháp luật, các cửa hàng vàng bạc có được phép mua bán ngoại tệ không, thưa luật sư?
LS Trương Thanh Đức: Theo Pháp lệnh ngoại hối, nghị định và thông tư hướng dẫn, tất cả cửa hàng vàng bạc đá quý ở Việt Nam, không một cửa hàng vàng nào được phép bán ngoại tệ. Một số cửa hàng vàng được phép thu mua ngoại tệ nhưng chỉ là với tư cách đại lý của ngân hàng. Các cửa hàng này chỉ được phép thu mua ngoại tệ, rồi nộp về cho ngân hàng, tỷ giá sẽ thực hiện theo quy định ngân hàng nhưng không được phép bán ngoại tệ. Nhưng điều này người dân không biết. Ngay cả các cửa hàng vàng bạc tại Hà Trung có hiện tượng bán ngoại tệ, đó là vi phạm.
Theo luật, người dân có quyền mang, cất giữ USD trong nhà hay gửi ngân hàng. Tuy nhiên, người dân chỉ được phép mua, bán ở các tổ chức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép giao dịch ngoại tệ.
Theo ông, vì sao tỷ giá đổi ngoại tệ tại “thị trường chợ đen” cao hơn tại ngân hàng, nhưng người dân vẫn đổi tiền ở ngoài ?
LS Trương Thanh Đức: Đây chính là lỗi của chính sách. Để mua ngoại tệ trong ngân hàng, người dân phải chứng minh mình có nhu cầu chính đáng như đi du lịch, chữa bệnh, du học…Kể cả có nhu cầu mua chính đáng thì người dân cũng chỉ được mua ngoại tệ với số lượng ít. Ví dụ, hiện nay khách đi du lịch được phép mua tối đa 100 USD/ngày tại các ngân hàng, kèm theo đó là xuất trình vé máy bay, hộ chiếu, giấy mời (nếu có) và chỉ được mua ngoại tệ 2 ngày trước khi đi. Trong khi đó thực tế việc mua 100 USD/ngày là quy định tối thiểu ngân hàng bán ngoại tệ cho người dân chứ không phải như cách hiểu của một số ngân hàng thì đây là mức tối đa.
Thêm vào đó, mặc dù hiện nay lãi suất gửi tiết kiệm bằng USD là 0% nhưng người dân vẫn có nhu cầu tích trữ USD. Với nhu cầu này thì rõ ràng ngân hàng không cho mua. Ngay cả đối với các doanh nghiệp muốn mua USD để thanh toán các hợp đồng thì không ít doanh nghiệp đã chọn cách đem đổi tiền ở “chợ đen”.
Xin cảm ơn ông!
LAN HƯƠNG (GHI)
Theo LĐO
Cái lý 100 USD, cái tình 90 triệu đồng
Quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) của UBND TP. Cần Thơ vì đã đổi 100 USD tại một tiệm vàng không sai về lý. Nhưng còn cái tình?
Đổi ngoại tệ. Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Với mức lương thợ điện khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng của mình, ông Rê chưa biết lấy đâu ra 90 triệu đồng để nộp phạt! Mà chẳng riêng gì ông Rê, hàng triệu người sẽ nghĩ rất giản đơn: Bước vào tiệm vàng hay điểm thu đổi nào đó, đưa tờ 100 USD cầm 2,3 triệu đi ra là xong. Chẳng mấy ai biết và dám hỏi tiệm hoặc nơi thu đổi ấy có giấy phép hay không. Trên thực tế, chuyện ấy thường như người ta ra chợ mua rau mua cá.
Một luật sư nói với người viết "Đổi 100 USD được hơn hai triệu đồng mà bị xử phạt 90 triệu, mặc dù đúng về mặt pháp luật nhưng thực sự là chưa hợp lý". Chưa hợp lý đến mức dư luận xôn xao như câu chuyện hài.
Đành rằng quy định nếu vi phạm như ông Rê phải nộp phạt từ 80 đến 100 triệu và ông ấy đã được "xem xét" để ấn định mức 90 triệu nhưng "pháp luật thực tiễn" rất khó chấp nhận người dân phải nộp số tiền quá lớn cho một hành vi không đáng.
Cách đây không lâu, một vụ kiện tranh chấp trong giao dịch ngoại hối giữa hai doanh nghiệp. Trong vụ kiện đó, hai bên doanh nghiệp thỏa thuận giá trị hàng hóa bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng tiền đồng, đây là một cách trao đổi ngoại tệ gián tiếp và vi phạm Pháp lệnh ngoại hối. Tuy nhiên, giao dịch đó sau cùng lại không bị toà án tuyên vô hiệu và họ chẳng bị phạt đồng nào nhưng ông Rê thì mất 90 triệu đồng nếu quyết định trên không thay đổi!?
Luật pháp phải nghiêm minh nhưng hình phạt cũng cần tương xứng. Không thể gộp chung chung trong khung từ 80-100 triệu đồng. Điều đó vừa không sát thực tế, chưa hợp tình và cực kì khó thực thi với những trường hợp như ông Rê. Chỉ có người ít tiền, lâu lâu mới có khoản ai cho tặng mới làm như ông ấy, chứ đại gia hoặc đổi số lượng lớn thì họ đã đến ngân hàng hay dịch vụ đem đến tận nhà.
Giờ đây, 90 triệu đồng đối với người làm công vỏn vẹn 3-4 triệu/ tháng, đó lại là nỗi ám ảnh và chưa chắc gì cơ quan công quyền đã dễ dàng thu được tiền phạt. Mà càng để lâu, càng khó thu và phi thực tế thì sự nghiêm minh của luật pháp càng tổn hại.
Cấm giao dịch ngọai tệ là điều cần thiết với bất cứ quốc gia nào nhưng cần xây dựng những chế tài xử lý, những khung hình phạt với từng hành vi và quy mô giao dịch cụ thể thay vì gộp chung lại trong một quy định xử phạt hành chính như trường hợp ông Rê. Điều ấy cần thiết không chỉ để hợp lý, hợp tình mà còn đảm bảo pháp luật công bằng, nghiêm minh và nhân văn.
ANH ĐÀO
Theo LĐO
Công an nói gì về vụ anh thợ điện bị xử phạt 90 triệu khi đổi 100 USD? Theo Công an TP Cần Thơ, trường hợp anh Rê có hoàn cảnh khó khăn thì làm đơn gửi UBND TP xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Trưa 24/10, Công an TP Cần Thơ cung cấp cho báo chí những thông tin liên quan vụ Anh thợ điện bị phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD (2,3 triệu...