Luật sư: Đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng là vi hiến
Người dân lo thuế chồng thuế còn luật sư quan ngại đây là việc đi ngược tinh thần của Hiến pháp về quyền có nhà ở.
Bộ Tài chính vừa có đề xuất đánh thuế sở hữu với người có nhà, đất giá trị từ 700 triệu đồng với mức 0,4% mỗi năm (cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng). Hai phương án định giá đất để tính thuế được Bộ này đề ra đó là theo bảng giá do UBND cấp tỉnh công bố thời điểm tính thuế hoặc theo giá trị trường.
Bộ Tài chính lý giải 174 trong số 193 quốc gia đã triển khai hoạt động này nhiều năm. Hơn nữa, người được hưởng lợi từ việc sử dụng kết cấu hạ tầng, giao thông, phúc lợi xã hội phải có nghĩa vụ với nhà nước. Bộ sẽ lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan và người dân về đề xuất này.
Người dân lo thuế chồng thuế
Trước đề xuất này, một số người dân cùng chuyên gia luật đều tỏ ý quan ngại. Anh Đào Mạnh Huy (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, làm việc ở một cơ quan nhà nước với mức lương 6 triệu đồng một tháng, sau 10 năm ở Hà Nội, anh tích cóp được gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên để mua căn chung cư 1,1 tỷ đồng ở tận khu đô thị Kiến Hưng, ở nơi xa trung tâm Hà Nội, anh phải vay 70% giá trị căn hộ của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ của ngân hàng.
Khi nhận nhà, anh Huy mất gần 20 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ, làm sổ đỏ, thuế thu nhập cá nhân… Nếu phải đóng thêm 0,4% tiền thuế một năm cho phần vượt 700 triệu đồng của căn nhà, anh tính sẽ mất thêm 2 triệu đồng mỗi năm.
“Thuế chồng thuế, còn biết bao khoản khác người dân lao động như chúng tôi phải lo. Có cái nhà, tôi tưởng đã yên thân khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước đó”, anh chia sẻ.
Muốn có chỗ ở kiên cố, rộng rã nhưng không có nhiều tiền để mua trong nội thành, vài tháng trước anh Phạm Hoàng An (36 tuổi) mua căn nhà hai tầng 2,7 tỷ đồng ở khu đô thị mới thuộc địa phận huyện Hoài Đức (Hà Nội). Hôm nay, anh sững người trước thông tin phải nộp thuế cho phần vượt giá trị vượt quá 700 triệu đồng của căn nhà. Nếu chế tài này áp dụng, mỗi năm anh phải đóng 8 triệu đồng.
“Khi mua nhà đã đóng khá nhiều loại thuế nên giờ phải gánh thêm thuế suất như Bộ Tài chính đề xuất tôi thấy rất bất hợp lý”, anh An nói và cho hay đang phải trả món nợ 1,5 tỷ đồng từ người thân, bạn bè và ngân hàng.
Tại Hà Nội, ít căn hộ có giá trị dưới 700 triệu đồng. Ảnh: Phạm Dự.
Luật sư Nguyễn Xuân Anh: Đi ngược lại tinh thần Hiến pháp
Luật sư Nguyễn Xuân Anh (Hà Nội) cho rằng Bộ Tài chính thiếu cơ sở pháp lý khi đề xuất việc đóng thuế như trên, mặt khác khi không đủ cơ sở pháp lý thì cũng phải có cơ sở thực tiễn. “Nhưng cơ sở thực tiễn mà Bộ Tài chính chỉ căn cứ vào việc đem về nguồn thu cho nhà nước mà quên quyền lợi của người dân”, luật sư nói.
Theo ông Xuân Anh, đề xuất này nếu được thông qua sẽ làm triệt tiêu hoặc phương hại tới quyền lợi của đại đa số người dân sở hữu nhà. “Đây là quy định đi ngược lại tinh thần Hiến pháp, bởi mọi người dân đều có quyền có nơi ở”, ông nêu quan điểm.
Video đang HOT
Đánh giá việc giải thích học hỏi kinh nghiệm từ các nước, luật sư Xuân Anh cho rằng “lý giải” này chưa chặt chẽ bởi các quốc gia văn minh thường áp dụng đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi.
Quy định không phù hợp dễ dẫn đến trốn thuế
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Hà Nội) cho hay dự thảo cần đánh giá tác động đến nền kinh tế, đời sống xã hội của người dân. Sẽ bao nhiêu gia đình sẽ chịu ảnh hưởng của đạo luật này? Vấn đề an sinh xã hội sẽ bị tác động thế nào nếu đạo luật được thông qua?…
Pháp luật hiện nay quy định người có thu nhập có thể phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Khi nhận chuyển nhượng đất đai, nhà ở thì họ phải chịu lệ phí trước bạ và một số phí, lệ phí khác. Trong quá trình sử dụng, chủ tài sản phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (nộp hàng năm). Khi chủ sở hữu chuyển nhượng cho người khác thì họ phải chịu thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc đối tượng và diện chịu thuế). Như vậy, chủ sở hữu tài sản chịu thuế cho toàn bộ quá trình từ khi có thu nhập, mua tài sản đến khi bán tài sản.
Luật sư Vũ Tiến Vinh.
Ông Vinh cho rằng ở nhiều nước phát triển, luật này không phải là mới, việc áp dụng cũng khá thuận lợi, không gặp nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, để có được điều đó thì họ đã phải bỏ ra nhiều năm để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản của công dân và một loạt các chế định để hệ thống dữ liệu luôn được cập nhật kịp thời. Với nước ta, do nhiều nguyên nhân, nếu được thông qua thì việc thực thi không được thuận lợi như vậy.
Dù Bộ Tài chính mới chỉ nêu đề xuất, song theo ông Vinh nội dung này còn “quá nhiều vấn đề phải giải quyết, làm rõ”.
Thứ nhất, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn của mức 700 triệu đồng? “Hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có quy định liên quan đến hạn mức này. Câu hỏi đặt ra là tại sao không phải là 500 triệu hay 1 tỷ mà lại là 700 triệu?”, ông Vinh nói.
Thứ hai, về nguyên tắc thu nhập có được để sở hữu nhà đất, người dân đã phải chịu thuế. Nếu mặc nhiên cứ trên 700 triệu là thu thì sẽ là thuế chồng thuế, rất thiệt thòi cho người dân.
Theo ông Vinh, trước mắt chỉ có thể đánh phần giá trị tăng thêm thì mới hợp lý. “Ví dụ, trước đây, tôi mua nhà một tỷ, bây giờ quy hoạch mở đường hoặc vì lý do nào đó giá trị nhà đất tăng lên hai tỷ thì tôi chỉ nộp thuế của phần tăng thêm. Nếu giá nhà đất không tăng thì tôi không phải nộp. Cách tính này tương tự như thuế nhu nhập hiện nay, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách cũng đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế”, luật sư đề xuất.
Ông Vinh cho rằng luật chỉ cần quy định các đối tượng thuộc diện mua nhà có thu nhập thấp không thuộc diện phải chịu thuế tài sản. Mở rộng ra, người được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ thuộc diện miễn, giảm thuế tài sản.
Thứ ba, rất nhiều nhà đất hiện nay chưa được cấp giấy chứng nhận. Việc quản lý biến động cũng còn nhiều bất cập. Trên giấy chứng nhận là nhà cấp bốn nhưng thực tế là nhà nhiều tầng kiên cố, có thể xây có phép hoặc không phép. Cơ sở dữ liệu không đầy đủ, không đồng bộ trên phạm vi cả nước. Nếu nhà đất không có giấy chứng nhận, không có giấy phép xây dựng mà thu thuế thì có vô tình hợp pháp hóa cho vi phạm? Vấn đề này phải được làm rõ giữa nghĩa vụ của người quản lý, sử dụng tài sản với việc nhà nước công nhận quyền tài sản cho người dân.
Hơn nữa, các quy định về định giá hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Nếu thu trên giá nhà nước quy định thì không tiếp cận đúng bản chất của đạo luật này. Nếu tiến hành định giá theo giá thị trường thì ngành tài chính khó có thể triển khai đồng loạt.
Thứ tư, yếu tố lạm phát, trượt giá. Chủ sở hữu tài sản phải được miễn thuế đối với phần này thì mới đảm bảo công bằng giữa một bên chủ thể là nhà nước và một bên chủ thể là người dân.
Thứ năm, nếu thuế này được thông qua thì nhà nước cần xem xét lại việc có tiếp tục thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở nữa hay không? Mặc dù tiền thuế đất phi nông nghiệp không lớn nhưng không thể một tài sản đồng thời chịu hai khoản thuế.
Chốt lại vấn đề, ông Vinh đánh giá: “Để luật khả thi thì các quy định phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; phải phù hợp với nguyện vọng của phần lớn người dân. Nếu không tất yếu sẽ phát sinh việc lách thuế, trốn thuế”.
Theo Bảo Hà – Phạm Dự (VNE)
Tạo cơ sở pháp lý thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, chiều 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
ảnh minh họa
Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết qua 12 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, luật đã nảy sinh một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân; quản lý Nhà nước về giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm...
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập.
Đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ ngay sau khi được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban soạn thảo với thành phần là đại diện các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan để khẩn trương triển khai các hoạt động cần thiết xây dựng dự thảo Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Theo đó, dự thảo Luật được để xuất sửa đổi, bổ sung 50/114 điều, chiếm 44% tổng số điều của Luật Giáo dục hiện hành, bổ sung 3 điều và bãi bỏ 10 điều.
Nội dung chủ yếu của dự thảo Luật tập trung vào ba chính sách, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục, văn bằng, chứng chỉ theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý Nhà nước về giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm.
Làm rõ các điều kiện để phát triển giáo dục có chất lượng
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, chưa giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra trong Tờ trình.
Nhiều quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế chưa được thể chế hóa; giáo dục vẫn chưa được đặt đúng vị trí là "quốc sách hàng đầu"; các điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong bối cảnh giáo dục mới chưa được tiếp cận.
Do vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để thể chế hóa các chính sách cơ bản, tập trung làm rõ triết lý giáo dục, các điều kiện bảo đảm để phát triển giáo dục có chất lượng đồng thời cần nghiên cứu để đưa ra những quy định mang tính dự báo, đặt nền móng và tạo cơ sở pháp lý để triển khai những chính sách giáo dục mới.
Về chính sách thu hút học sinh, sinh viên sư phạm (Điều 89), dự thảo Luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.
Nhiều ý kiến tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chi trả chính sách đúng đối tượng làm việc trong ngành giáo dục và đề nghị cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học; bổ sung quy định về việc hoàn trả học phí trong trường hợp người học tự đóng học phí.
Một số ý kiến đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện rõ quan điểm, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh, dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm thì cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm, nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Đồng thời, dự thảo Luật cần sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào; nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.
Tại phiên họp, các nội dung về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; các cấp học, trình độ đào tạo và giáo dục thường xuyên; về đầu tư, tài chính trong giáo dục... cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể.
Theo Zing
417 học sinh tham dự cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia Chiều 12.3, Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng tổ chức họp báo thông tin về cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THCS và THPT năm học 2017 - 2018 khu vực phía Nam. Năm nay có 417 học sinh trực tiếp tham gia cuộc thi này. Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, nơi diễn ra cuộc...