Luật sư đề nghị hoãn xử vụ Nguyễn Đức Kiên
Luật sư Vũ Ngọc Chi – Văn phòng Luật sư Tiến Long (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người sẽ bào chữa cho bị can Huỳnh Quang Tuấn, nguyên Phó TGĐ Ngân hàng ACB tại phiên tòa xét xử sơ thẩm tới đây cho biết, một số luật sư bào chữa cho các bị can trong vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm đã cùng nhau ký tên vào bản kiến nghị gửi TAND TP Hà Nội và nhiều cơ quan với đề nghị tạm hoãn xét xử sơ thẩm vụ án này. Trước đó, TAND TP Hà Nội đã lên kế hoạch xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) trong 14 ngày liên tục, từ ngày 16 đến 29-4.
Các luật sư cho rằng việc xác định thiệt hại của Ngân hàng ACB trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như có ý nghĩa quyết định tới việc định tội danh “ Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” cũng như trách nhiệm dân sự của Nguyễn Đức Kiên và các bị can liên quan. Giả sử phiên tòa phúc thẩm tới đây, HĐXX quyết định buộc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) phải bồi thường cho ACB toàn bộ số tiền mà Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt sẽ đồng nghĩa với việc ngân hàng này không có thiệt hại. Và nếu thế thì không thể xác lập được tội danh “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các can phạm như cáo trạng của VKSND Tối cao mô tả và lấy đó làm căn cứ truy tố. Nói cách khác là cho dù hành vi của Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm đã cố ý làm trái khi ủy thác cho hàng chục cá nhân mang tiền đi gửi tiết kiệm đê lấy lãi, nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ không cấu thành tội phạm.
Cũng theo phân tích của luật sư Chi, trường hợp vụ án Nguyễn Đức Kiên được xét xử sơ thẩm trước khi xử phúc thẩm vụ án Huyền Như và tòa án kết luận là các can phạm đã phạm vào tội cố ý làm trái quy định Nhà nước, gây thiệt hại cho ACB 718 tỷ đông (bị Huyền Như chiếm đoạt), nhưng sau đó phiên tòa phúc thẩm Huyền Như lại xác định Vietinbank phải bồi thường cho ACB thì kết quả hai vụ án này đối lập nhau, sẽ không thỏa đáng. Để đảm bảo chính xác, công bằng và khách quan, luật sư Vũ Ngọc Chi cùng cộng sự đề nghị TAND TP Hà Nội xem xét và tạm hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm để chờ kết quả của phiên tòa phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.
Tại Bản cáo trạng số 10/VKSTC-V1, ngày 10-2-2014 của VKSND Tối cao thể hiện, Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB sẽ bị xét xử về 4 tội danh là “Kinh doanh trái phép”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”; Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến – nguyên Giám đốc và nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội cùng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn (đều từng là lãnh đạo và cán bộ ACB) cùng bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng”. Cáo trạng xác định, hành vi phạm tội của các bị cáo đã khiến Ngân hàng ACB thiệt hại tổng cộng 1.405 tỷ đồng. Trong đó, Nguyễn Đức Kiên cùng cộng sự của ông ta đã đồng ý về chủ trương, rồi sau đó ra quyết định ủy thác cho 19 nhân viên mang 718 tỷ đồng của Ngân hàng ACB tới Vietinbank gửi nhằm hưởng lãi và “kiếm” tiền thưởng từ ngân hàng bạn. Số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Video đang HOT
Tuy nhiên, chiều qua 7-4, trao đổi với phóng viên báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội cho biết, hiện tòa án Hà Nội vẫn chưa nhận được kiến nghị của một số luật sư trong vụ án này. Do đó, toa cũng chưa có cơ sở để xem xét thay đổi thời điểm mở phiên tòa xét xử vụ án nêu trên.
Theo ANTD
Vụ bầu Kiên và Huyền Như: Cùng một vấn đề lại giải quyết bằng hai vụ án
TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm Huyền Như "lừa đảo chiếm đoạt" số tiền 718 tỷ đồng. Cũng số tiền này, tại "đại án" bầu Kiên, các cựu lãnh đạo ACB bị truy tố "cố ý làm trái".
Huyền Như và Bầu Kiên
Cùng một khoản tiền 718 tỉ đồng...
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Kiên ( bầu Kiên) và nguyên thường trực Hội đồng quản trị ACB gồm các ông: Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn đã có hành vi "cố ý làm trái" trong việc ủy thác gửi tiền của ACB vào NH Công Thương (VietinBank), sau đó bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỉ đồng, gây thiệt hại cho ACB. Vụ án này sẽ được TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm. Như vậy, cùng về vụ này (718 tỉ đồng của ACB), Huyền Như đã bị TAND TPHCM xét xử sơ thẩm về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong tổng số tiền chiếm đoạt gần 5.000 tỉ đồng.
Như đã phản ánh, sau khi tòa tuyên Huyền Như phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và có trách nhiệm trả tiền, VietinBank không chịu trách nhiệm, thì các tổ chức, NH, cá nhân có tiền gửi tại VietinBank đều kháng cáo, yêu cầu VietinBank chịu trách nhiệm trả tiền, chứ không phải Huyền Như.
Luật sư Đinh Văn Quế - nguyên Chánh Tòa hình sự TAND tối cao - cho biết: "Việc tòa sơ thẩm quyết định VietinBank không có trách nhiệm đối với số tiền mà khách hàng gửi vào hệ thống NH, không chỉ không đúng pháp luật, mà còn gây mất lòng tin của xã hội vào hệ thống NH, gây hoang mang, lo ngại cho khách hàng khi có tiền gửi vào NH. Công chúng đang chờ phán quyết của tòa phúc thẩm sắp tới".
Mâu thuẫn lớn nếu chưa có phán quyết cuối cùng vụ Huyền Như
Như vậy, hai vụ án Nguyễn Đức Kiên và Huyền Như có chung tình tiết về 718 tỉ đồng tiền gửi của ACB tại VietinBank bị Huyền Như chiếm đoạt. Đồng thời, việc xác định trách nhiệm trả tiền của VietinBank là yếu tố quyết định trong cả hai vụ án. Nếu VietinBank phải trả tiền, thì Huyền Như có thêm tội danh "tham ô", nhiều cá nhân khác tại VietinBank phải chịu trách nhiệm, tính chất vụ án Huyền Như tại VietinBank thay đổi, nhiều vấn đề phát sinh tương xứng với một vụ tham nhũng sẽ phải xử lý.
Nếu VietinBank phải trả tiền trong vụ án Huyền Như, trong đó có khoản tiền gửi của ACB, thiệt hại của hành vi "cố ý làm trái" trong việc ủy thác gửi tiền ở vụ án Nguyễn Đức Kiên sẽ khác đi, có thể là không có thiệt hại hoặc không phải thiệt hại toàn bộ 718 tỉ đồng.
Một vấn đề sẽ phát sinh, là trong khi vụ án Huyền Như đang bị kháng cáo, trong khi đó, nếu xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên trước khi có kết quả cuối cùng về vụ án Huyền Như, thì thiệt hại sẽ xác định thế nào? Đây là vấn đề mấu chốt, nếu TAND TP.Hà Nội quyết định Nguyễn Đức Kiên cùng các cá nhân cựu thành viên thường trực Hội đồng quản trị ACB "cố ý làm trái" gây thiệt hại 718 tỉ đồng cho ACB, nhưng sau đó đặt trường hợp tòa phúc thẩm quyết định VietinBank phải chịu trách nhiệm trả tiền cho ACB trong vụ án Huyền Như..., thì đây sẽ là mâu thuẫn rất lớn!
Do vậy, một vấn đề 718 tỉ đồng, nhưng lại được giải quyết bằng hai vụ án khác nhau (vụ bầu Kiên và Huyền Như), thì công lý được phán quyết chỉ khi vụ án Huyền Như ngã ngũ, mới xét xử vụ bầu Kiêncông minh!
Theo Xahoi
Vụ án "bầu" Kiên: Phải ra cáo trạng mới vì một sai sót nhỏ Viện KSND Tối cao vừa ra cáo trạng số 10/VKSTC -V1, ngày 10.2.2014 để thay thế cáo trạng số 09 ngày 27.1.2014 đối với vụ án Nguyễn Đức Kiên ("bầu" Kiên). So với cáo trạng số 09 thì cáo trạng số 10 cũng dày 36 trang A4, đều do ông Nguyễn Mạnh Hiền thừa ủy quyền ký. Toàn bộ nội dung cáo trạng...