Luật Sharia – nền tảng Taliban cai trị Afghanistan
Taliban tuyên bố sẽ điều hành Afghanistan dựa trên luật Sharia song cách diễn giải luật này lại rất khác nhau ngay cả trong thế giới Hồi giáo.
Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan đồng nghĩa luật Sharia sẽ quay trở lại như lời một chỉ huy cấp cao của nhóm tuyên bố hôm 18/8. Việc Taliban tiếp quản đang làm dấy lên nhiều lo ngại cũng như đồn đoán về tương lai Afghanistan.
“Sẽ không có hệ thống dân chủ nào cả”, chỉ huy Taliban Waheedullah Hashimi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters. “Chúng ta sẽ không thảo luận về hệ thống chính trị nào nên được áp dụng tại Afghanistan bởi nó đã rõ ràng. Đó là luật Sharia”.
Vậy luật Sharia là gì và nó có ý nghĩa như thế nào trong hệ tư tưởng của Taliban?
Các chiến binh Taliban chiếm phủ tổng thống Afghanistan tại Kabul ngày 15/8. Ảnh: AP.
Theo tiếng Arab, Sharia bắt nguồn từ một từ có nghĩa là con đường hay “con đường trong vắt, đầy ắp dẫn đến nước”. Trên thực tế, nó được hiểu, giải thích và áp dụng không giống nhau trên khắp thế giới, tùy thuộc vào truyền thống, bối cảnh văn hóa và vai trò của Hồi giáo trong từng chính phủ khác nhau.
Nhìn chung, luật Sharia là một tập hợp các quy tắc tôn giáo hướng dẫn cuộc sống hàng ngày của người theo đạo Hồi, trong đó có cầu nguyện và ăn chay, dựa chủ yếu trên kinh Koran, sách thánh Hồi giáo, cũng như những lời răn dạy của nhà tiên tri Muhammad.
Các nhà lãnh đạo, giáo sĩ và người thực hành tôn giáo có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với những truyền thống và tiền lệ.
Sharia có thể xuất hiện trong luật hình sự, gồm các quy tắc trừng phạt nghiêm ngặt được thực thi ở một số ít quốc gia, hay luật dân sự, quy định các vấn đề như hôn nhân, thừa kế và quyền nuôi con, vốn phổ biến hơn trong thế giới Hồi giáo.
Trong quãng thời gian Taliban kiểm soát đất nước từ năm 1996 đến 2001, nhóm đã thực hiện luật Sharia theo cách giải thích vô cùng khắc nghiệt. Phụ nữ phải mặc burqa, trang phục trùm kín từ đầu đến chân và chỉ để hở phần mắt, và có thể bị phạt đánh nếu tự ý ra ngoài mà không có đàn ông đi cùng.
Các trường nữ sinh bị đóng cửa. Những người vi phạm các quy tắc của Taliban có thể bị hành quyết công khai, quất roi hay ném đá.
Một số vùng ở Afghanistan vẫn do Taliban cai trị trong hai thập kỷ qua. Tại những khu vực này, nhóm vẫn áp đặt các luật lệ hà khắc.
Chỉ huy Taliban Hashimi cho biết quyền của phụ nữ Afghanistan sẽ được quyết định bởi một hội đồng các học giả Hồi giáo. Theo như Hashimi mô tả, hệ thống này có những điểm tương đồng nổi bật với các luật lệ trước đây của Taliban.
Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid tuần qua trong một cuộc họp báo khẳng định nhóm sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ theo các chuẩn mực của luật Hồi giáo, nhưng không nêu cụ thể. Mujahid cũng đưa ra một cam kết mơ hồ về việc duy trì các quyền tự do báo chí song nêu điều kiện rằng các nhà báo không được “chống lại những giá trị quốc gia”.
Abdulaziz Sachedina, giáo sư tôn giáo và chính trị tại Đại học George Mason chuyên nghiên cứu về Hồi giáo, cho rằng Taliban sẽ phải mất nhiều thời gian và nỗ lực để áp đặt các chính sách liên quan đến luật Sharia.
“Nói chúng tôi sẽ áp dụng luật Sharia thì dễ nhưng làm thì rất khó”, ông nhấn mạnh.
Theo giáo sư Sachedina, luật Sharia không cung cấp một hệ thống được soạn thành luật lệ cho một nhà nước hiện đại, chẳng hạn nó không có luật về thương mại hay hành chính.
“Không có bất cứ điều gì trong Sharia nói rằng đây là cách bạn điều hành đất nước”, Sachedina cho hay. “Luật Sharia khác xa với thể chế nhà nước hiện đại như chúng ta biết ngày nay”.
Phương Tây đôi khi chỉ trích luật Sharia vì nó có các quy định về trừng phạt thân thể.
Luật Sharia đã vấp phải hàng loạt thách thức pháp lý trên khắp nước Mỹ trong những thập kỷ gần đây vì một số người lo ngại nó có thể vượt qua luật pháp Mỹ. Nhưng hầu hết các chuyên gia luật và tự do tôn giáo đều cho rằng những lo ngại về luật Sharia đang được sử dụng tại Mỹ đều là hiểu sai về thực tế pháp lý. Theo họ, luật Sharia chỉ dành cho các nhóm tôn giáo quản lý hoạt động nội bộ của họ và sẽ không thể vượt qua được luật pháp Mỹ.
Các quy tắc Hồi giáo quy định về cách ăn mặc của phụ nữ từ lâu đã là đề tài gây tranh luận ở một số quốc gia, đặc biệt là về cách diễn giải kêu gọi phụ nữ mặc burqa đầy đủ.
Luật của Pháp có quy định về việc phụ nữ Hồi giáo đeo mạng che mặt trong không gian công cộng và nhiều nước châu Âu khác cũng ban hành chính sách tương tự.
Luật Sharia có cách giải thích khác nhau trên toàn thế giới Hồi giáo. Không giống như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay các lãnh đạo ở Arab Saudi, Taliban xác định họ là một nhóm người Sunni truyền thống theo trường phái luật Hanafi, một trong 4 trường phái luật Hồi giáo truyền thống của người Sunni.
Phụ nữ Afghanistan chìm trong sợ hãi
Sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul, những người phụ nữ Afghanistan chìm vào nỗi sợ hãi cho tương lai của bản thân và lo ngại đất nước lại nhuốm màu đau thương.
Aisha Khurram đã trải qua đêm đầu tiên không ngủ dưới sự trở lại của Taliban. Âm thanh của tiếng súng và máy bay sơ tán phá vỡ bầu không khí im lặng, khi cô nói về ngày "làm tan nát tâm hồn và tinh thần của chúng tôi".
Chia sẻ với báo chí trên Twitter hôm 16/8, sau khi các chiến binh Taliban tràn vào Kabul và nơi cô sinh sống, Aisha Khurram cho biết: "Nó giống như ngày tận thế đối với cả nước, khi chứng kiến mọi thứ sụp đổ trong nháy mắt".
Aisha Khurram cho rằng Taliban trở lại nắm quyền là "cơn ác mộng đối với phụ nữ có học thức". Ảnh: AFP.
Khurram, 22 tuổi, từng làm đại biểu thanh niên tại Liên Hợp Quốc, chỉ còn vài tháng nữa là cô tốt nghiệp Đại học Kabul.
Thế nhưng, cô và các nữ sinh khác sẽ phải đối diện với một tương lai mờ mịt.
"Thế giới và các nhà lãnh đạo Afghanistan đã khiến thế hệ trẻ của Afghanistan thất vọng theo cách tồi tệ nhất. Đây là một cơn ác mộng đối với những phụ nữ có học thức, những người đã hình dung viễn cảnh tươi sáng hơn cho chính họ và thế hệ mai sau", Khurram chia sẻ.
Lịch sử đen tối lặp lại
Trước khi giành quyền kiểm soát Kabul, các thủ lĩnh Taliban đã cố gắng thể hiện bộ mặt ôn hòa so với lần cuối họ cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến 2001.
Nhưng phụ nữ vẫn phải vật lộn để có được sự tự do trong phạm vi cho phép.
Theo luật Sharia hà khắc mà Taliban đã áp dụng trong quá khứ, phụ nữ không được đi làm và trẻ em gái không được đi học.
Phụ nữ bắt buộc phải che kín mặt ở nơi công cộng và không thể rời khỏi nhà mà không có nam giới đi cùng.
Phụ nữ bắt buộc phải che kín mặt và không thể ra khỏi nhà một mình. Ảnh: AFP.
Họ thực hiện các cuộc hành quyết và trừng phạt - chẳng hạn ném đá vì tội ngoại tình - ở nơi công cộng như quảng trường và sân vận động thành phố.
Việc Taliban bị lật đổ vào năm 2001 không đánh dấu sự kết thúc của sự bất công với phụ nữ. Phụ nữ thường bị gạt ra ngoài lề xã hội, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, các thành phố đã đạt được nhiều tiến bộ khi phụ nữ được đi học đại học, tham gia làm việc ở các vị trí đầy quyền lực trong truyền thông, chính trị, tư pháp và thậm chí cả lực lượng an ninh.
Phụ nữ đồng loạt lên tiếng
Trong 24 giờ qua, những người phụ nữ nổi tiếng ở Kabul đã lên mạng xã hội để bày tỏ nỗi đau của họ đối với cả đất nước và cuộc sống sau khi Taliban trở lại kiểm soát.
Fawzia Koofi, một nhà hoạt động nhân quyền và chính trị gia, đồng thời là cựu phó diễn giả quốc hội của Afghanistan, viết: "Tôi bắt đầu một ngày của mình bằng việc nhìn những con phố trống trải của Kabul và cuộc sống kinh hoàng của người dân".
Muska Dastageer, nữ giảng viên tại Đại học Mỹ ở Afghanistan, nói rằng: "Nỗi sợ hãi luôn chực chờ trong lồng ngực tôi như báo hiệu điềm xấu sắp tới".
Trên Twitter của Rada Akbar, nữ nhiếp ảnh gia 33 tuổi, chia sẻ tràn ngập những nỗi đau: "Afghanistan thân yêu của tôi đã sụp đổ ngay trước mắt".
Cô đã bình luận đau đớn về một bức ảnh hiện lan truyền chụp một người đàn ông đang sơn đè lên những bức ảnh cô dâu mỉm cười trước tiệm làm tóc.
Akbar nổi tiếng với những bức chân dung tự họa nổi bật, vừa là lời tuyên ngôn của một phụ nữ độc lập, vừa là di sản của cô.
Đầu năm nay, buổi triển lãm của cô bị buộc phải tổ chức trực tuyến sau khi cô nhận được vô số lời đe dọa vì tác phẩm của mình trưng bày một số nữ nhân vật quyền lực của quốc gia.
Vào sáng 16/8, nỗi sợ hãi của cô đã được viết thành lời.
"Tôi muốn trở nên vô hình và ẩn mình khỏi thế giới này", cô viết trên Twitter.
Rada Akbar đã chia sẻ rất nhiều cảm xúc đau thương của mình với đất nước trên Twitter. Ảnh : AFP.
Hai ngày trước khi Taliban tràn vào Kabul, cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết 80% trong số gần 1/4 triệu người Afghanistan chạy trốn từ cuối tháng 5 là phụ nữ và trẻ em.
Hôm 14/8, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết quyền của trẻ em gái và phụ nữ Afghanistan đang bị "xé toang" ở các khu vực mà Taliban đã chiếm giữ.
Sahraa Karimi, một trong những nữ đạo diễn nổi tiếng ở Afghanistan, cho biết cô không có kế hoạch rời đi.
Trong đoạn video được đăng trên Twitter, cô nói: "Tôi sẽ không từ bỏ đất nước của mình cho đến giây phút cuối cùng".
"Có lẽ, nhiều người sẽ nghĩ đây là sự ngu ngốc. Nhưng những kẻ ngu ngốc chính là những kẻ đã tàn phá quê hương chúng tôi. Sự ngu ngốc cũng cách mà thế giới đã quay lưng lại với chúng tôi", cô nhấn mạnh.
Taliban chiếm Kabul, chính phủ Afghanistan sụp đổ .Lực lượng Taliban đã tiến vào Kabul hôm 15/8. Lầu Năm Góc cho biết 6.000 lính Mỹ sẽ triển khai tới sân bay để hoàn tất việc sơ tán nhân viên Mỹ.
Đại sứ Nga sẽ gặp lực lượng Taliban tại Kabul Đại sứ Nga tại Afghanistan sẽ gặp gỡ các chiến binh Taliban ở thủ đô Kabul vào ngày 16/8 (theo giờ địa phương) sau khi lực lượng này giành quyền kiểm soát đất nước. Đặc phái viên Nga tại Afghanistan Zamir Kabulov. Ảnh: Reuters "Đại sứ của chúng tôi đang liên lạc với lãnh đạo Taliban. Ngày mai, Đại sứ sẽ gặp điều...