Luật phạt người mua dâm của Pháp và tranh cãi mùa EURO
Các cổ động viên nước ngoài sẽ phải suy nghĩ kỹ về việc tìm kiếm “gái làng chơi” trong thời gian xem EURO 2016, khi chính phủ Pháp thông qua luật xử phạt người mua dâm.
ảnh minh họa
Quốc hội Pháp hồi tháng 4 thông qua luật mới về hoạt động mua bán dâm. Theo đó, mua dâm sẽ được coi là bất hợp pháp và người mua dâm có thể chịu các mức phạt tuỳ theo mức độ. Bất cứ ai được chứng minh là đã trả tiền mua dâm sẽ phải đối mặt với mức phạt 1.500 euro (1.707 USD) và tăng lên 3.750 euro (4.267 USD) nếu bị phát hiện tái phạm.
Các nhà lập pháp của Pháp hy vọng rằng bằng cách nhắm vào đối tượng khách hàng, giải pháp này sẽ diệt trừ nạn mại dâm và mở ra con đường hoàn lương cho những cô gái bán dâm.
Theo luật mới, gái mại dâm cũng sẽ được hỗ trợ tài chính nếu muốn tạo dựng cuộc sống mới. Nó cũng giúp những cô gái bán hoa người nước ngoài được ở Pháp một cách hợp pháp, miễn là họ từ bỏ hoạt động mại dâm. Trong số khoảng 40.000 gái bán dâm ở Pháp, 8/10 người đến từ châu Phi, châu Á và Đông Âu.
Đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ Pháp nhằm giải quyết vấn đề nhạy cảm, kể từ khi các nhà thổ hợp pháp bị bãi bỏ năm 1946. Các điều luật trước đây của Pháp quy định rằng mở nhà chứa, dụ khách công khai hay dắt mối là bất hợp pháp, nhưng không đề cập đến việc bán thân hay mua dâm.
Khi luật mới được thông qua, các mức phạt sẽ chỉ áp dụng với người mua dâm, còn người mối lái và gái mại dâm có thể không chịu truy tố. Tuy nhiên, quyết định đã dấy lên làn sóng tranh cãi.
Động thái này khiến nhiều gái mại dâm giận dữ, khi nó được đưa ra không lâu trước khi nước Pháp chào đón cơn lốc cổ động viên yêu bóng đá trên thế giới tràn về điểm hẹn EURO 2016. Vòng chung kết EURO 2016 diễn ra tại Pháp sẽ khởi tranh từ ngày 11/6 và kết thúc vào ngày 11/7. Mức phạt trên cao gấp nhiều giá vé 25 euro.
Theo Newsweek, gái bán hoa đang chia rẽ trong phản ứng với quy định mới. Trong khi nhiều người đã đổ ra các con phố gần toà nhà quốc hội Pháp để phản đối, nhiều ý kiến bày tỏ sự hoan nghênh bởi trên thực tế khách hàng mới là người bị coi là phạm tội. Một bộ phận khác phàn nàn rằng họ sẽ buộc phải làm việc trong điều kiện bí mật hơn và nhiều khả năng mất những khách hàng “ít bạo lực”.
“Đơn giản là chúng tôi sẽ phải đối mặt với cuộc sống nghèo đói, bạo lực và bị kỳ thị hơn”, Morgane Merteuil, người phát ngôn của Công đoàn gái mại dâm Pháp STRASS cho hay.
Quảng cáo từng được đăng tải trực tuyến tại thành phố Marseille của Pháp, nơi diễn ra trận đấu của hai đội tuyển Anh – Nga ngày 11/6, nhưng “menu” này đã không còn tồn tại.
Cảnh sát cũng không hài lòng với luật mới bởi theo họ, xác định giao dịch giữa người bán và mua dâm không dễ dàng và điều đó gây khó dễ cho việc thi hành luật. Khi sợ hình phạt và sự công khai, nhiều tay chơi sẽ tìm đến hoạt động ngầm. Việc kiểm soát và ngăn chặn các mạng lưới mại dâm quốc tế khi đó còn khó hơn nhiều.
Hoạt động biểu tình luật phạt người mua dâm trước toà nhà quốc hội. Ảnh: Independent
Cách nay 2 năm, khi World Cup 2014 được khởi tranh tại Brazil, những người đến xem ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh có thể dễ dàng tìm kiếm gái mại dâm ở bất kỳ nơi nào.
Đây được coi là cơ hội làm ăn “ngàn năm có một” của các nhà thổ và gái gọi xứ Samba. Những phố đèn đỏ – nơi diễn ra các dịch vụ mua bán mại dâm Brazil hứa hẹn đông vui, tấp nập chẳng kém gì các sân vận động trong ngày hội thể thao.
Tại Brazil, việc mua và bán dâm đối với đối tượng trên 18 tuổi là hoàn toàn hợp pháp. Chính phủ không cấm đoán mà tạo điều kiện cho mại dâm phát triển như một ngành công nghiệp lành mạnh. Thậm chí, một số tổ chức xã hội còn mở những chiến dịch tặng bao cao su hoặc dạy học miễn phí để nâng cao tầm hiểu biết của gái gọi, hạn chế tối đa rủi ro, bệnh tật do nghề này mang lại.
Theo TTVN